Được UNESCO công nhận năm 1999.
Di sản văn hoá; Tiêu chí số: 2, 5.
Hội An, Haisfo, Haiso, Cotam, Faifo hay Đô Thị – Thương cảng, lâu đã đi vào lịch sử Việt Nam và đã được nhắc đến trong tư liệu nhiều nước Đông á, Đông nam á và một số nước phương Tây.
Đô thị – Thương cảng Hội An nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, cách thành phố Đà Nẵng 30km về phía Đông Nam. Phía Đông Đô thị cổ Hội An nối với biển Đông qua cửa Đại. Phía Nam giáp huyện Duy Xuyên, phía Tây giáp huyện Điện Bàn. Vào các thế kỷ trước, Hội An còn thông thương với Đà Nẵng bằng con sông Cổ Cờ. Thông qua sông Thu Bồn, Đô thị cổ Hội An nối với Kinh đô Trà Kiệu, với khu thờ tự Mỹ Sơn ở thượng lưu, và thông qua các đường sông, đường bộ, nối với núi rừng giầu lâm thổ sản miền Tây, cũng như với Kinh đô Phú Xuân – Huế ở phía Bắc và các Dinh trấn phía Nam. Hội An ở giữa vùng đồng bằng giầu có của xứ Quảng và giữ một vị trí đầu mối giao thông thuận lợi với các thị trường trong nước và với hệ thống hàng hải quốc tế.
Thương cảng Hội An hình thành trong khoảng thế kỷ 15-16, thịnh đạt trong thế kỷ 17-18, nhưng trước đó rất lâu (từ thế kỷ 2 SCN trở về trước), vùng đất Hội An đã nằm trong địa bàn phân bố của văn hoá tiền Sa Huỳnh – đến Sa Huỳnh và còn là một cảng thị trọng yếu của Champa (từ thế kỷ 2 đến thế kỷ 15). Cửa Đại Chiêm, Cù Lao Chàm cùng nhiều di tích văn hoá Champa cổ được phát hiện trong thời gian gần đây đã chứng minh về giai đoạn tiền đề trong lịch sử phát triển của đô thị – Thương cảng Hội An.
Trong thời thịnh đạt, đặc biệt trong nửa đầu thế kỷ 17, Hội An là trung tâm mậu dịch lớn nhất của Đàng Trong và cả nước Đại Việt, là một trong những thương cảng sầm uất của vùng biển Đông nam á. Trung tâm hoạt động của thương cảng là vùng bến cảng cùng phố chợ buôn bán nằm trên bờ biển Bắc sông Thu Bồn, nay là vùng nội thị của Thị xã Hội An gồm các phường Minh An, Sơn Phong, Cẩm Phô. Nhưng phạm vi thương cảng lúc đó còn mở rộng ra cả hai bên bờ Bắc, bờ Nam dòng sông bao gồm những nơi neo đậu tầu thuyền như đầm Trà Nhiêu, Trung Phường, Trà Quế…Cảng Sông Hàn ở phía Bắc và có thể coi đó chính là các vệ tinh của Đô thị – Thương cảng Hội An. Phía trên sông Thu Bồn là Dinh trấn Thanh Chiêm của Quảng Nam, nơi các tàu thuyền ngoại quốc muốn hoạt động buôn bán ở Hội An phải đến trình báo, là các thủ tục hải quan. Có thể hình dung Đô thị Hội An với không gian hoạt động rộng lớn như vậy.
Nhờ ở vào vị trí địa lý thuận lợi nên hàng hoá từ bốn phương trong nước tụ về Thương cảng Hội An. Rồi lại chính từ thương cảng này, hàng hoá trong nước với những sản phẩm nổi tiếng như tơ, tằm, gốm, sứ, trầm hương, yến sào…được thuyền buôn các nước chuyển tải đến nhiều nước Đông á, Nam á, Đông nam á và một số nước phương Tây. Hàng hoá nước ngoài cũng từ Hội An được toả khắp mọi miền đất nước.
Hội An là cửa ngõ của Đàng Trong – Việt Nam thông thương với thế giới bên ngoài. Tầu thuyền của Nhật Bản, Trung Quốc, các nước vùng biển Đông nam á như Thái Lan Philippin, Indonesia, Malaysia, ấn độ…và một số nước Châu Âu như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh, Pháp…hàng năm cập bến mở hội chợ từ 4 đến 6 thàng liền. Nhiều kiều dân nước ngoài, nhất là người Hoa, người Nhật đã được Chúa Nguyễn cho phép ở lại lập phố, mở cửa hàng buôn bán, được sống theo phong tục riêng. Thế kỷ 17, Hội An có “phố Nhật”, “phố Khách”, có thương điếm Hà lan…và đó là một trung tâm giao lưu kinh tế rộng lớn, một Đô thị- Thương cảng có tầm cỡ quốc tế. Đó cũng là kết quả của một thời kỳ đất nước mở cửa trong bối cảnh phát triển của hệ thống buôn bán với khu vực và thế giới. Trong thời kỳ này, Hội An còn là trung tâm giao lưu văn hoá Đông – Tây, là một trong những cái nôi chính hình thành chữ Quốc ngữ, là trung tâm truyền bá đạo Thiên chúa, đạo Phật ở Đàng Trong.
Sang thế kỷ 19, do nhiều nguyên nhân bên trong và bên ngoài, do cả những biến đổi của địa hình sông nước, hoạt động kinh tế và vai trò của Hội An suy giảm dần kết thúc thời kỳ thương cảng thuyền buồm và nhường chỗ cho thương cảng thuyền máy Đà Nẵng phát triển (từ cuối thế kỷ 19). Nhưng cũng nhờ đó, Hội An tránh được những biến dạng của một đo thị cận đại để bảo tồn cho đén ngày nay – một quần thể Đô thị – Thương cảng cổ tương đối nguyên vẹn. Đó là di tích của các bến cảng, các phố cổ, các nhà ở kết hợp cửa hàng của nhân dân, các hệ thống nhà thờ tộc họ, các đình chùa, đền miếu, các hội quán của người Hoa, những mộ người Nhật, người Hoa và chiếc cầu mang tên cầu Nhật Bản…Những loại hình kiến trúc phong phú đa dạng đó, cùng với lối sống, phong tục tập quán, lễ hội…của cộng đồng dân cư Hội An còn như tấm gương phản ánh chặng đường dài của quá trình giao thoa, hội nhập, tiếp biến văn hoá, tạo nên một sắc thái văn hoá riêng Hội An vừa mang tình dân tộc, bản địa, vừa có sự hài hoà giữa các yếu tố nội sinh và ngoại sinh.
Đô thi – Thương cảng Hội An với hạt nhân Phố cổ là di tích lịch sử, là di sản văn hóa vô giá thuộc loại quý hiếm trên thế giới đã được Chính phủ CHXHCN Việt Nam công nhận và xếp hạng di tích Quốc gia (năm 1985), được dư luận trong nước và thế giới trân trọng đánh giá cao. Năm 1985, Hội thảo Khoa học Quốc gia và năm 1990, Hội thảo Khoa học Quốc tế về Đô thị cổ Hội An đã được tổ chức ở ngay tại Hội An, tại Đà Nẵng với sự tham gia của nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước. Năm 1995, Hội Bảo trợ Di sản Văn hoá – Kiến trúc Hội An được thành lập nhằm vận động những cá nhân và tổ chức trợ giúp cho công việc bảo tồn, tôn tạo khu di tích Phố cổ Hội An. Đặc biệt, ngày 01-12-1999, UNESCO công nhận Khu Phố cổ Hội An là Di sản Văn hoá Thế giới đã là khẳng định vị trí và sự góp mặt của Di sản Văn hoá Hội An trong kho tàng Di sản Văn hoá nhân loại.