“Vội vã, hồ hởi, nhiệt tình, làm việc không biết mệt là không khí trên các công trình cầu qua sông Hồng dịp chào mừng Ðại hội Ðảng X này”. Ðó là ghi nhận của nhiều người được chứng kiến không khí làm việc của công nhân công trường cầu Vĩnh Tuy và Thanh Trì. Không thể khác được, vì thời gian hoàn thành 2 cây cầu trên không còn nhiều. Do vậy, chủ đầu tư đã phát động không khí thí đua làm việc 3 ca/ngày để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thi công dự án…
Ông Nguyễn Quốc Hùng, giám đốc ban quản lý dự án hạ tầng Tả Ngạn (chủ đầu tư cầu Vĩnh Tuy) cho biết: Ban quản lý dự án đang phối hợp với các ngành chức năng của UBND các quận Hai Bà Trưng, Long Biên đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng gần 300 hộ dân để có mặt bằng xây dựng các hạng mục công trình ở hai đầu cầu Vĩnh Tuy… Tại trụ cầu T19, hàng trăm công nhân của Công ty Cầu số 14 (thuộc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông số 1) đang tập trung thi công trụ cầu giữa dòng. Tại trụ cầu T21 (cũng do Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 – Bộ Giao thông Vận tải – thi công) đã đổ xong đợt 1 gần 1.000 m3 bê tông của 24 cọc nhồi có đường kính 2m và những ngày tới sẽ đổ tiếp bề mặt của trụ cầu.
Các nhà thầu chính tham gia xây dựng cầu Vĩnh Tuy là Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 đảm nhiệm thi công các trụ cầu từ T17 đến T21, Tổng công ty Xây dựng Thăng Long thi công các trụ cầu từ T22 đến T37 và Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 thi công từ trụ cầu T38 đến T72. Công ty Cầu 75 thuộc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 cũng đang khẩn trương đúc phiến dầm cầu (mỗi phiến dầm cầu nặng trung bình 60 tấn). Ðến nay, đã đúc xong 118 trên tổng số 279 phiến dầm cầu của toàn bộ cầu Vĩnh Tuy.
Cầu Thanh Trì, một trong những cầu lớn được xác định hoàn thành năm 2006 cũng đã hoàn thành trên 80% khối lượng công việc. Gần 1000 quân của các tổng công ty xây dựng, công trình giao thông, như: Cienco 1, Cienco 4, Cienco 8, Thăng Long, Vinaconex đang lao động khẩn trương 3 ca liên tục, tranh thủ những ngày thời tiết thuận lợi nhất để đẩy nhanh tiến độ. Cộng với gần 100 chuyên gia của nhiều nước, trong đó chủ yếu là người Nhật Bản đang sát cánh cùng những người thợ Việt Nam thực hiện những phần việc cuối cùng của cầu Thanh Trì. Khẩu hiệu an toàn là trên hết được treo ở mọi nơi suốt dọc công trường.
Ðến nay, gói thầu số 1 – xây dựng cầu chính Thanh Trì chắc chắn vượt tiến độ quy định và sẽ hoàn thành vào giữa tháng 10-2006, rút ngắn 1 tháng rưỡi so với hợp đồng. Hiện tại toàn bộ kết cấu phần dưới đã hoàn thành, đảm bảo chất lượng thiết kế; phần dầm đúc hẫng đã thi công được 646/826 khối, đạt 78% khối lượng; phần dầm thi công theo công nghệ MSS đã thi công được 50/56 nhịp, đạt 89% khối lượng… Hai gói thầu xây dựng đường dẫn phía Gia Lâm (số 2) và Thanh Trì (số 3) do khởi công chậm hơn so với gói thầu cầu chính gần 3 năm nên phải đến cuối tháng 3/2008 mới có thể đưa vào sử dụng. Tiến độ xây dựng 2 gói thầu này hiện khá chậm so với kế hoạch do những vướng mắc lớn trong khâu GPMB.
Vừa qua, các nhà thầu trên công trình cầu Thanh Trì đã có biện pháp thi công phù hợp, khi lũ về chạy lũ, khi lũ rút làm khẩn trương, 3 ca liên tục với tinh thần trách nhiệm cao. Hơn nữa, cầu Thanh Trì được thi công với công nghệ MSS, một công nghệ mới của Na Uy, góp phần quyết định chất lượng và tiến độ. Ðây là công nghệ lần đầu tiên áp dụng tại VN với hệ thống ván khuôn đúc nhịp dầm dài 50 m rộng 16,1 m mà không phải dùng ván khuôn rời, tiết kiệm được thời gian và mặt bằng thi công đem lại hiệu quả kinh tế. Với công nghệ mới này 50 m mới có 1 trụ, thay cho trước đây là 33 m, góp phần thông thoáng lòng sông. Công nghệ cũ đúc mất 1,5 tháng, nay rút xuống còn 20 ngày một nhịp.