Nhiều nhà chuyên môn đã phản đối việc xây dựng công trình 54 tầng tại công viên 23-9 trong cuộc hội thảo lấy ý kiến phản biện cho công trình này do Sở Qui hoạch – kiến trúc TP.HCM tổ chức ngày 27-6.
Giữ hồn Sài Gòn xưa
Kiến trúc sư An Dũng cho rằng: “Việc tập trung quá nhiều cao ốc, trung tâm thương mại, tài chính tại trung tâm đô thị cũ có phải chăng chính là việc nuốt chửng khu đô thị mới Thủ Thiêm?”.
Theo ông, TP qui hoạch Thủ Thiêm là để gánh những gì mà khu trung tâm cũ quá tải. Thế nhưng, tâm lý các nhà đầu tư ai cũng cần thu lợi nhanh nên mong muốn đầu tư vào khu trung tâm cũ là điều hiển nhiên. Việc TP liên tục cho phép xây dựng các tòa nhà cao tầng, trung tâm thương mại tại trung tâm TP như xây cao ốc 40 tầng tại thương xá Tax, cao ốc 54 tầng tại công viên 23-9… sẽ hạn chế việc thu hút đầu tư vào khu đô thị Thủ Thiêm.
Ngoài ra, theo kiến trúc sư An Dũng, cần phải xem xét lại tính pháp lý của qui hoạch khu đô thị TP (trong phạm vi 800ha) đã được phê duyệt từ năm 1997. Theo qui hoạch này, diện tích cây xanh hiện hữu chỉ khoảng 45ha, chỉ tiêu sẽ phải tăng diện tích cây xanh lên 70ha, tức là còn phải tăng tới 25ha cây xanh. Tại sao chúng ta không tôn trọng diện tích cây xanh của công viên 23-9 mà lại cắt hơn 1,2ha công viên để xây công trình?
Theo ông An Dũng, qui hoạch đã được phê duyệt cũng nêu rõ cần phải giữ lại “phần hồn của Sài Gòn xưa”, nếu xây dựng nhiều cao ốc tại khu trung tâm này sẽ phá vỡ hết cảnh quan của kiến trúc cổ Sài Gòn.
Cao ốc dự kiến được xây dựng trên phần đất rộng 1,2ha thuộc công viên 23-9, phía giáp đường Phạm Ngũ Lão. Tổng diện tích sàn xây dựng hơn 171.000m2, mật độ xây dựng 59,8% với chiều cao 54 tầng (tương đương 240m), bao gồm các chức năng: trung tâm thương mại, dịch vụ, văn phòng cho thuê và căn hộ cao cấp.
Kiến trúc sư Nguyễn Nam Thái, tổng giám đốc Công ty tư vấn thiết kế kiến trúc qui hoạch và xây dựng Phương Nam, cũng cho rằng cần giữ lại và xây dựng các mảng xanh vốn hiếm hoi tại khu vực trung tâm TP
Nên là quảng trường
Kiến trúc sư Nguyễn Thiềm, giám đốc Phân viện Qui hoạch đô thị – nông thôn miền Nam, cho rằng nếu nhìn xa về tương lai thì cần qui hoạch khu công viên 23-9 thành một quảng trường công viên vì hiếm có một diện tích nào thích hợp như khu vực này.
Khu công viên 23-9 kết nối các con đường xung quanh tạo thành một khu công viên, quảng trường rất rộng, tương tự các quảng trường lớn tại nhiều TP khác trên thế giới. Như vậy, xung quanh khu công viên, quảng trường này có thể xây dựng cao tầng chứ không nên lấy “cái lõi” của công viên để xây dựng một cao ốc 54 tầng nằm chính giữa sẽ không phù hợp, làm cắt khúc, phân lô quảng trường này.
Ông Thiềm tỏ vẻ tâm tư khi biết được nguyên nhân TP quyết định giao khu đất này cho chủ đầu tư chính là thực hiện việc hợp tác theo phương án đổi đất lấy hạ tầng. “Vì cái nghèo đã đẻ ra cái hèn, mình phải chấp nhận đổi mảnh đất vàng này để có được con đường. Thế nhưng sao TP không đổi lô đất khác, có thể giao cả 20ha ở Thủ Thiêm cho nhà đầu tư thay vì giao đất công viên 23-9” – ông Thiềm nói.
Kiến trúc sư Lê Quang Ninh không đồng ý với việc xây dựng trung tâm thương mại tại công viên 23-9 mà cho rằng nếu cần xây dựng một công trình gì đó thì nên xây công trình thấp tầng, mang tính văn hóa như nhà hát. Việc xây dựng căn hộ tại khu vực này là không phù hợp.
Các kiến trúc sư, chuyên gia khác cũng cho rằng Sở Qui hoạch – kiến trúc cần tham mưu để TP cân nhắc kỹ vấn đề đầu tư làm sao không được tập trung quá đông dân cư vào khu vực trung tâm.
Ông Nguyễn Trọng Hòa, giám đốc Sở Qui hoạch – kiến trúc TP, cũng chia sẻ ý kiến về chuyện tăng thêm 25ha diện tích cây xanh tại khu trung tâm TP. Vấn đề quan trọng, theo ông Hòa, là phải tìm ra giải pháp nào: trước đây khi qui hoạch TP đã bôi xanh một phần diện tích dân cư để chủ trương giải tỏa làm công viên cây xanh, tuy nhiên sau đó lại không đủ tiền đền bù. Sở Qui hoạch – kiến trúc TP cho biết sẽ tổng hợp ý kiến để trình UBND TP xem xét.