Đó là nét duyên ngầm của căn biệt thự sân vườn 149/23 Đất Thánh, Tân Bình, TP HCM. Ước nguyện của gia chủ là căn nhà phải hài hòa với thiên nhiên, thông thoáng và tạo được những mảng không gian xanh.
Ngôi nhà nằm trên mảnh đất rộng gần 400 m2 trong hẻm nhỏ. Với bản tính hướng ngoại, chủ nhà muốn xây dựng một ngôi biệt thự vườn cao cấp, đầy đủ tiện nghi cho một gia đình ba thế hệ. Sân vườn là khoảng không gian quan trọng nhất để làm nơi nghỉ ngơi cho cả nhà sau một ngày làm việc và học tập căng thẳng. Khu đất khá rộng nên kiến trúc sư cũng thoải mái thể hiện ý tưởng của mình. Diện tích xây dựng được hạn chế trong một nửa khu đất. Phần còn lại được phủ xanh bởi nhiều loại hoa cỏ, cây trái khác nhau, đặc biệt là dây leo.
Là người Quãng Ngãi sống tha hương nên vợ chồng gia chủ rất muốn gởi gắm nỗi nhớ quê vào từng góc nhà. Anh chị tâm sự: “Quảng Ngãi có sông Trà Khúc nằm dưới chân núi Thiên Ấn. Hình ảnh ấy như cái ấn trời đóng xuống dòng sông”. Điều khiến cả hai vợ chồng tâm đắc chính là cách thiết kế với giếng trời gợi nhớ hình ảnh tiêu biểu của quê hương miền Trung. Chủ nhân căn biệt thự không giấu vẻ tự hào: “Bạn bè chúng tôi đều khen cái nét duyên dáng của hồ bán nguyệt trước lối vào. Hồ tuy nhỏ nhưng có thể soi bóng mây trời và hoa cỏ chung quanh, tạo cảm giác thanh thản, bình yên”.
Mọi yêu cầu của chủ nhà đều được kiến trúc sư cụ thể hoá bằng phong cách hiện đại nhưng vẫn gợi nhớ các không gian sống trong ký ức của chủ nhà thông qua các hình thức sử dụng vật liệu thô mộc, gần gũi như gạch trần, ngói đỏ, đồ dùng bằng gỗ trong nhà…
Các phòng sinh hoạt chung như khách, ăn… đều rộng rãi và gắn kết với hệ thống sân vườn tự nhiên với mục đích hình thành nên những không gian hướng ngoại và hiếu khách. Ngoài ra, một gian giếng trời được tạo ra với chủ ý lấy sáng và thông thoáng theo phương đứng. Giếng trời và sân trong trở thành yếu tố trung tâm của không gian nội thất. Chính vì thế, ngôi nhà lúc nào cũng thông thoáng. Những chiếc điều hòa mua về đều phải xếp xó nhưng chủ nhà không cảm thấy tiếc mà vẫn mãn nguyện.
Gia đình ba thế hệ sống chung dưới một mái nhà nhưng ai cũng hòa hợp và hài lòng với không gian chung. Ngôi nhà không chỉ gần gũi với ký ức của hai vợ chồng thưở thiếu thời mà còn phù hợp với phong cách sống của lớp trẻ. Những gian phòng sinh hoạt chung, phòng đọc, phòng ăn lúc nào cũng thoáng đãng và luôn được các thành viên nhỏ tuổi chọn làm nơi sinh hoạt với bạn bè.
Chủ nhà niềm nở khoe, bạn bè của cô con gái nhỏ đến nhà đều tấm tắc: “Vừa thông thoáng lại vừa ấm áp, ngôi nhà giống như một chốn riêng tư tĩnh lặng làm lòng người thư thái trở lại sau những giờ làm việc, học tập căng thẳng”.