Những khu nhà cao tầng hiện nay gồm cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, nhà ở… đã trở thành một nét đẹp văn minh đô thị hiện đại. Nhưng điều đáng ngại là ở đó không có lối thoát hiểm hoặc có nhưng không đúng tiêu chuẩn.
Các nhà cao tầng được quy hoạch cụ thể, đầy đủ các yếu tố cấu thành những khu đô thị mới và trở thành nhu cầu của không nhỏ bộ phận dân cư. Song liên tiếp các vụ việc xảy ra ở đây khiến người ta nhắc nhiều đến vấn đề an toàn ở các khu nhà, đặc biệt là vấn đề cửa thoát hiểm, một điều mà chưa nhiều người quan tâm để ý đến.
Cách đây không lâu, Hà Nội có một cơn địa chấn nhỏ làm “rung rinh” các tòa nhà cao tầng. Ruby Plaza, một cao ốc tại 44 Lê Ngọc Hân thời điểm đó đang trong giai đoạn hoàn thiện nhưng vẫn có những doanh nghiệp chuyển đến làm việc tại tòa nhà. Khi cơn địa chấn xảy ra, cán bộ, nhân viên đang làm việc ở tòa nhà này đều bỏ chạy ra ngoài. Song họ thật sự thất vọng vì khi dồn nhau thoát ra ngoài bằng đường cầu thang thoát hiểm, sau khi chạy bộ mười mấy tầng cầu thang nhưng xuống đến nơi thì cửa thoát hiểm lại bị nhà dân chặn lại đành quay ra đường sảnh chính.
Còn ở các khu chung cư đường thoát hiểm lại quá bé. Ông Trần Quảng, 76 tuổi, trú tại nhà 17T2, khu Trung Hòa, Nhân Chính, Hà Nội nhớ lại: “Nhiều người chạy túa ra vì sợ nhà bị sập. Hiện nay hầu hết các khu chung cư cao tầng tại Hà Nội chỉ có một con đường thoát hiểm, khu chung cư này cũng vậy cao 17 tầng với 128 hộ dân sinh sống, thế nhưng cũng chỉ có một chiếc cầu thang thoát hiểm nhỏ xíu dùng để thoát hiểm, nên với giới trẻ nhanh nhẹn còn đỡ, già như chúng tôi chỉ còn biết “phó mặc cho số phận”.
Cũng tại khu đô thị này, nhưng ở một tòa nhà khác, câu chuyện về cầu thang thoát hiểm còn… hài hước hơn nữa. Hệ thống thoát hiểm ở đây không được coi trọng, cái thì bị bịt lại, làm lối đi riêng của siêu thị, nhà hàng ở tầng 1, cái thì lúc mở lúc khóa… Dân bức xúc: “Khi có sự cố xảy ra, mọi người sẽ thoát hiểm bằng lối nào? Hay chúng tôi phải nhảy từ tầng 24 xuống như kiểu phim hành động?” thì nhận được câu trả lời không kém phần “hóm hỉnh” của một vị chức sắc đơn vị quản lý tòa nhà: “Cầu thang thoát hiểm thì có mấy khi dùng đâu, cứ để cho tư nhân họ thuê, dùng có phải có ích hơn không”.
Đồng chung cảnh ngộ cửa thoát hiểm khi mở khi khóa là hệ thống thoát hiểm của tòa nhà CT5-DN3 khu Mỹ Đình. Chị Minh Hương sống trong khu nhà này cho biết: “Tôi chưa bao giờ thấy cánh cửa mệnh danh là lối thoát hiểm này mở, mà lối thoát hiểm sử dụng thường xuyên nhất là để vứt rác thải vì các ô cửa chuyển rác thải nằm ở lối thoát hiểm”. Chiếc khóa ở cửa thoát hiểm này đã rỉ sét như chưa một lần được mở, lối xuống thì quá nhỏ, chỉ vừa cho một người và quá bẩn vì là nơi dành cho chỗ để rác thải.
Cửa thoát hiểm chỉ có mỗi cái cầu thang bộ bé tí tẹo, hàng nghìn người hoảng loạn chen nhau, và nếu như không bị ảnh hưởng vì sập nhà thì thương vong rất dễ xảy ra do chen lấn, xô đẩy. Người dân sống trong mỗi căn nhà này cũng chưa từng có một lần được học qua các buổi tập huấn thoát hiểm trường hợp có sự cố.
Theo ông Trần Chủng, Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, thì hiện nay hệ thống cầu thang thoát hiểm, hệ thống báo cháy, phòng cháy tại các khu nhà cao tầng cần phải thẩm định, kiểm tra kỹ lưỡng. Và chuẩn xác hơn nếu như các cầu thang thoát hiểm phải nằm bên ngoài tòa nhà, vì lối thoát hiểm ở bên trong tòa nhà, như một cầu thang bộ bình thường, thì sự cố có xảy ra cũng không thể thoát hiểm trong gang tấc.