Thời gian qua, dư luận ở Hà Nội bức xúc trước việc chỉ vì một quyết định của UBND TP Hà Nội ngày 14-12-2004 – duyệt giá thu tiền sử dụng đất của Dự án khu đô thị Nam Thăng Long (KĐTNTL) sớm hơn 16 ngày so với việc công bố giá đất theo Luật Đất đai (ngày 1-1-2005) – mà ngân sách Nhà nước đã thiệt hại 3.000 tỉ đồng. Được hưởng siêu lợi nhuận này là một nhà đầu tư bất động sản nước ngoài, tập đoàn CIPUTRA.
Đây là một dự án Khu đô thị lớn nhất Hà Nội đầu tư liên doanh với nước ngoài (tập đoàn Ciputra, Indonesia) được triển khai ven Hồ Tây, nơi giá đất cao nhất, nhì thành phố. Dự án KĐTNTL với diện tích 323 ha là một “siêu dự án” của Hà Nội. Quyết định số 1106/TTg do Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Công Tạn ký ngày 19-12-1997 đã xác định: “Thu hồi 3.231.367m2 đất, trong đó 2.296.011m2 đất thuộc quận Tây Hồ và 935.356m2 đất thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội và cho Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị Hà Nội thuê toàn bộ diện tích đất thu hồi trên để góp vốn liên doanh trong Công ty TNHH Phát triển KĐTNTL (thời hạn thuê đất 50 năm)”.
Sau khi hoàn thành việc giải phóng mặt bằng 9,2 ha đất giai đoạn 1, năm 2005, việc Dự án KĐTNTL tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng 92,7 ha giai đoạn 2 (trên địa bàn quận Tây Hồ và huyện Từ Liêm, Hà Nội) đã gây bức xúc, khiếu kiện khá lớn của hàng ngàn hộ dân địa phương.
Quyết định số 4622/UB-NNĐC (QĐ 4642) ngày 14-12-2004 của UBND TP Hà Nội – mà dư luận cho rằng đã tạo cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài “lách luật” hưởng siêu lợi nhuận 3.000 tỉ đồng trong việc nộp tiền sử dụng 92,7 ha đất – nói rõ: “Xét đề nghị của Sở Tài chính, Sở Tài nguyên, môi trường & nhà đất, Cục Thuế TP tại tờ trình liên ngành số 29050/TT-LN tháng 11-2004 về giá thu tiền sử dụng đất giai đoạn II của Dự án KĐTNTL, ý kiến của UBND quận Tây Hồ, UBND TP Hà Nội có ý kiến chỉ đạo như sau: Chấp thuận mức giá và hệ số để thu tiền sử dụng đất đối với diện tích đất xây dựng nhà ở thuộc dự án KĐTNTL giai đoạn 2 như sau: Đối với lô đất cách đường Nguyễn Hoàng Tôn trong phạm vi 200m là 1.540.000 đồng/m2; đối với các lô đất ở các vị trí còn lại là 620.000 đồng/m2. Áp dụng hệ số K=1 để thu tiền sử dụng đất đối với diện tích đất xây dựng nhà ở chung cư cao tầng; K=1,8 đối với diện tích đất xây dựng nhà ở thấp tầng thuộc quận Tây Hồ và 1,5 đối với diện tích đất xây dựng nhà ở thấp tầng thuộc địa bàn huỵện Từ Liêm”.
Có một điều bất bình thường là mức giá đất nói trên ở dự án KĐTNTL thấp hơn nhiều lần so với giá đất thị trường ngay tại thời điểm cuối năm 2004. Nhưng điều bất ngờ lớn nhất là chỉ sau QĐ 4622 có 16 ngày, chiếu theo Luật Đất đai, giá đất mới được TP Hà Nội công bố và áp dụng từ ngày 1-1-2005 trong “Bảng giá đất thuộc địa bàn quận Tây Hồ, Hà Nội” xác định giá đất ở tại đường Nguyễn Hoàng Tôn là 12.000.000 đồng/m2 và ở các vị trí khác là 6.480.000 đồng/m2, cao gấp 8 -10 lần giá đất mà QĐ 4622 cho nhà đầu tư dự án KĐTNTL được hưởng.
Điều đáng nói là trước thời điểm UBND TP Hà Nội ký QĐ 4622 gần 1 tháng, Chính phủ đã ban hành Nghị định 188/CP về khung giá đất và phương pháp tính giá đất làm cơ sở cho các địa phương ban hành giá đất trên địa bàn, với tinh thần là phải sát giá thị trường. Vậy một câu hỏi đặt ra, vì “động cơ” gì mà UBND TP Hà Nội thời điểm cuối năm 2004 dù biết chắc chắn rằng bảng giá đất công bố theo Luật Đất đai (có hiệu lực từ ngày 1-1-2005) sẽ cao hơn giá cũ rất nhiều nhưng vẫn ký duyệt cho dự án KĐTNTL được hưởng giá đất thấp hơn từ 8-10 lần so với giá đất được công bố sau đó 16 ngày?
Phải chăng đây là một động thái “lách luật” rất cao tay của nhà đầu tư dự án KĐTNTL đã được UBND TP Hà Nội “bật đèn xanh” tiếp tay với hậu quả là số tiền thiệt hại từ 927.000m2 (92,7 ha) đất lên tới 3.000 tỉ đồng – hay nói cách khác, cơ quan có thẩm quyền của TP Hà Nội đã giúp cho liên doanh CIPUTRA tránh được khung giá đất mới để khỏi phải trả khoản tiền sử dụng đất hàng ngàn tỉ đồng?
Việc UBND TP Hà Nội cho dự án KĐTNTL được hưởng giá đất quá thấp như vậy đã dẫn đến những bất hợp lý và không công bằng trong chính sách đền bù giải phóng mặt bằng ở khu vực 92,7 ha (cùng một dự án nhưng có 2 mức giá đề bùn khác nhau). Trong đó có việc trong các tháng 11, 12-2004 có gần 700 hộ dân ở khu vực này chỉ được hưởng mức đền bù 128 triệu đồng 1 sào (360m2) theo khung giá cũ, trong khi 170 hộ dân còn lại được phê duyệt đền bù sau thời điểm công bố khung giá đất mới lại được hưởng 182 triệu đồng 1 sào (360m2). Hai mức giá đền bù chênh lệch nhau 54 triệu đồng/sào là nguyên nhân khiến cả ngàn hộ dân ở đây bức xúc khiếu kiện.
Đề cập tới QĐ 4622 của UBND TP Hà Nội đã “làm lợi” hàng ngàn tỉ đồng cho liên doanh đầu tư dự án KĐTNTL nói trên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Đặng Hùng Võ cho biết: “Tại sao các anh ấy lại ký vào thời điểm nhạy cảm như vậy ? Một chữ ký mà nhà nước thiệt, người dân thiệt, chỉ có nhà đầu tư có lợi, vậy thì tại sao người đại diện cho Nhà nước lại ký vào thời điểm đó, tôi cũng thấy dự án CIPUTRA có cái gì đó không bình thường ?”.
Theo thông tin mới nhất mà chúng tôi vừa nhận được, một số quan chức của TP Hà Nội và quận Tây Hồ đã mua một số ngôi nhà biệt thự có vị trí đẹp nhất ở dự án KĐTNTL, mà theo một số người dân ở gần đấy cho biết có ngôi biệt thự trị giá tới hơn 1 triệu USD.