Các giấy tờ này được đăng kí ở nhiều cơ quan, thực hiện với nhiều loại giấy khác nhau, khiến người dân liên tục phải ở trong thế “chạy theo”… Vấn đề đã được người dân kêu rất nhiều, báo chí phản ánh rất nhiều, nhưng vẫn chậm có sự thay đổi” – đại biểu Nguyễn Danh nói về sổ đỏ, sổ hồng.
Sáng 6/11, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về báo cáo tình hình cấp giấy chứng nhận sử dụng đất.
Do “phiền” và “tiền”
Đại biểu Đặng Huyền Thái (Hà Nội) cho biết, hiện tại Hà Nội còn 65.000 giấy chứng nhận sử dụng đất chưa được người dân đến lấy. Người sử dụng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 2 năm, năm 2005 và năm 2006 phải nộp lệ phí trước bạ đất theo giá đất mới cao hơn từ 8-15 lần giá đất năm 2004, nên nhiều hộ gia đình, đặc biệt các hộ ngoại thành chưa đủ khả năng nộp lệ phí trước bạ, thuế chuyển quyền sử dụng đất để nhận giấy chứng nhận theo quy định.
Cũng theo bà Thái, các qui định hiện hành đối xử chưa công bằng với các đối tượng sử dụng đất. Có nhiều khu tập thể trước đây đã xuống cấp và nhiều cơ quan đã cho phá dỡ để tự xây lại từ trước năm 1993. Như vậy các hộ này không còn thuộc diện thuê nhà của nhà nước nhưng đến nay mua nhà vẫn phải mua theo Nghị định 61. Người dân phải nộp 40% tiền sử dụng đất.
Đại biểu Nguyễn Danh phản ảnh, có đến bốn loại giấy khác nhau: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cũ – mới, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (sổ hồng) cũ – mới.
“Các giấy tờ này được đăng kí ở nhiều cơ quan, thực hiện với nhiều loại giấy khác nhau, khiến người dân liên tục phải ở trong thế “chạy theo”. Việc cấp giấy hai chứng nhận với đất và nhà như vậy cũng gây rất nhiều khó khăn trong việc tham gia thị trường bất động sản… Vấn đề đã được người dân kêu rất nhiều, báo chí phản ánh nhiều, nhưng vẫn chậm có sự thay đổi”, ông Danh nhấn mạnh.
Việc cấp giấy chứng nhận với tiến độ chậm do hai nguyên nhân là “phiền” và “tiền” là ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Hợp (Hải Dương). Theo qui định cũ, người dân phải đi lại 5 lần mới nộp được tiền để có sổ, trong khi với qui định mới cũng phải đi lại 3 lần. Thực tế, có một bộ phận người dân chưa có tiền để lấy sổ, một bộ phận lại chưa quan tâm đến sổ.
Theo đại biểu Phan Văn Vĩnh, trong 7 tồn tại có đến 5 tồn tại thuộc về các địa phương, cơ sở, vậy đã có bao nhiêu lãnh đạo phải kiểm điểm? Việc làm chậm, sai theo ông Vĩnh là gây ra rất nhiều thiệt hại, cả hữu hình và vô hình.
Dành lại 10-15% tiền thu từ đất, dễ làm hư cán bộ
Đại biểu Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) cho rằng, vấn đề nóng ở đô thị, nơi đất đai có giá là chủ yếu. Có sổ đỏ người dân mới có thể dùng để thế chấp, vay vốn làm ăn.
Theo ông Thanh, Luật Đất đai chưa công nhận nhà trên đất mà mới chỉ là “ghi nhận”. Thế nhưng, trong Luật Nhà ở sau đó lại qui định cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Sau Luật Nhà ở, Bộ Xây dựng thừa thắng “xông lên”, tham mưu cho Chính phủ ra Nghị định 90, trong đó qui định quyền sở hữu nhà ở được gọi chung là giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Từ đó trở đi diễn ra cuộc tranh luận bất tận giữa một sổ hay hai sổ.
Về thực tiễn thực hiện cấp giấy chứng nhận tại Đà Nẵng, ông Thanh chia sẻ kinh nghiệm, thành phố “sáng chế” ra giấy chứng nhận tạm thời để quản lí chứ không làm sẵn giấy đỏ để đợi người dân đến nhận. Khi người dân chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính thì chưa cấp giấy đỏ. Cách làm này theo ông Thanh, hạn chế được những trường hợp như Nguyễn Đức Chi, mới chỉ nộp một phần tiền vẫn được nhận sổ đỏ rồi đi thế chấp, vay lãi, lừa đảo.
Ông Thanh cũng cho rằng, không nên để lại 10-15% tiền thu từ đất cho việc quản lí đất đai như đề xuất của Bộ Tài nguyên – Môi trường. Theoông Thanh, nếu để lại khoản tiền lớn như vậy (của Đà Nẵng là hơn 300 tỉ của riêng năm 2007) sẽ làm… hư cán bộ. Việc cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành với tỉ lệ lớn, nếu dành số tiền như vậy, rất dễ dẫn đến việc, cán bộ đo đạc rồi lại đo lại để… tiêu tiền
Cũng góp ý kiến về giải pháp, đại biểu Nguyễn Văn Hợp cho rằng, sửa luật là không cần thiết, vấn đề cần làm hơn là rà soát lại các nghị định, tập trung qui hoạch sử dụng đất.