Cùng với phố Tây ở Phạm Ngũ Lão – Đề Thám và phố Hàn Quốc ở khu chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), phố Nhật (Little Japan) ở đường Lê Thánh Tôn (quận 1) đã giúp cho TP HCM trở thành một “thành phố quốc tế”với những nét tươi mới và sống động.

Trong khoảng năm, sáu năm qua, nhiều người Nhật đến sống tập trung thành một cộng đồng nhỏ và nhanh chóng biến nơi này trở thành một khu dân cư quốc tế mới của TP HCM. Những cái tên Nhật như Umi, Nagomi, Sanshimai, Totoya, Zen, Kishu… bằng song ngữ Nhật – Anh hoặc Nhật – Việt trên những chiếc đèn lồng, trên những cột gỗ hay hộp đèn dần trở nên quen thuộc hơn trong mắt người dân địa phương.

Có thể thấy sự khác biệt giữa những hàng quán ở đây so với khu phố Tây. Trong khi hàng quán ở phố Tây lúc nào cũng mở toang cửa và dường như tràn ra cả vỉa hè thì ngược lại, nhà hàng ở đây “kín cửa” hơn và có vẻ hơi lùi sâu vào bên trong.

Ở phố Nhật, đằng sau cánh cửa gỗ kéo ngang trước mỗi nhà hàng dường như có sự tách biệt giữa hai thế giới bên trong và bên ngoài, sự ồn ào náo nhiệt và không khí yên tĩnh, trật tự. “Đóng” và “mở”, “động” và “tĩnh” cũng có thể coi là đặc trưng khác biệt về văn hóa giữa hai khu phố quốc tế cùng ở rất gần trung tâm TP HCM.

Ban đầu, một vài nhà hàng Nhật được mở ra trên khu phố này chủ yếu dành để phục vụ cho nhu cầu của cộng đồng Little Japan. Sau đó chúng nhanh chóng phát triển và thu hút những người nước ngoài khác đang sống và làm việc tại TP HCM, kể cả những người Việt thỉnh thoảng muốn thử khẩu vị mới. Chỉ trên một đoạn đường Lê Thánh Tôn chưa đầy 800 m với vài con đường nhỏ cắt ngang qua đã có tới khoảng 20 nhà hàng Nhật, chiếm gần nửa nhà hàng Nhật hiện có khắp TP HCM.

Những món ăn với nguyên liệu nhập từ bản xứ cùng với không khí nhà hàng theo kiểu Nhật đã mang lại cho những thực khách xứ tuyết một cảm giác như đang ở trên quê hương mình. “Tôi thường đi ăn ở nhà hàng Sushi Bar và thấy hương vị ở đây không khác lắm so với nhà hàng bên Nhật mà lại rẻ nữa, chỉ bằng một nửa giá so với Nhật”, Kazumi Nakamura, cô giáo dạy tiếng Nhật của Trường Ngôn ngữ Sài Gòn, cho biết.

Theo thống kê, hiện có gần 300 hộ gia đình người Nhật (trong tổng số khoảng 500 hộ tại TP HCM) đang sống trong khu vực quanh Lê Thánh Tôn. Đa số họ đều có công ăn việc làm ổn định. Họ là những cư dân quốc tế, ngụ cư tại VN trong thời gian dài và tính chất lưu trú cũng ổn định hơn so với những người nước ngoài khác ở khu phố Tây, dạng “Tây balô” đến VN chỉ để du lịch ít ngày hoặc đi công tác ngắn hạn.

“Tại những khu Little Japan ở Hawaii (Mỹ), Bangkok (Thái Lan) hay Thượng Hải (Trung Quốc), người Nhật chỉ sống với người Nhật và tạo thành một cộng đồng khép kín. Còn ở đây thì khác hẳn, người Nhật sống chung trong khu vực có nhiều người Việt và những người thuộc các quốc tịch khác”, anh Ebuchi Shinya, quản lý Thư quán Utopia, nhận xét. Lối sống của cộng đồng người Nhật trong khu Little Japan ở TP HCM vì thế tương đối “mở” và tính “quốc tế” cao hơn so với bất cứ khu Little Japan nào khác trên thế giới.

Cũng theo Ebuchi, những người đồng hương của anh khi sống lâu ở đây đã phần nào bị ảnh hưởng lối sống của người dân địa phương: “Ở Nhật, những người có việc làm thường về nhà muộn, thức khuya nhưng dậy sớm. Khi sang đây, họ bắt đầu thay đổi thói quen, sinh hoạt giống người Việt, ngủ sớm và dậy sớm đi làm”. Có thể nhận thấy rất rõ điều này nếu theo dõi giờ “giới nghiêm” ở khu vực Little Japan. Giờ đóng cửa muộn nhất của các nhà hàng Nhật ở đây là 11h đêm, trong khi đó hàng quán ở khu phố Tây muộn hơn nhiều.

quan

Còn Mayumi, người đã từng sống ba năm ở hẻm 15B Lê Thánh Tôn, nói rằng chỉ đến khi sống ở đây chị mới hiểu thế nào là mối quan hệ xóm giềng của người Việt. Lớn lên trong một khu đô thị mới ở ngoại ô Tokyo, chị chưa từng biết đến tình cảm xóm giềng, không quan tâm đến những người sống cạnh nhà mình là ai, thậm chí còn không biết tên của họ. “Một người phụ nữ ở trong hẻm mà tôi không quen đã biết tên tôi, còn tỏ ra rất quan tâm đến tôi. Khi nghe chị ấy hỏi tại sao chồng chị về nước lâu vậy hoặc Nghe nói tuần tới chị đi Hà Nội, ban đầu tôi rất ngạc nhiên, cảm thấy hơi phiền lòng về sự tò mò này. Nhưng sau đó rồi quen và lại cảm thấy biết ơn những người hàng xóm VN, những người khiến tôi không bao giờ cảm thấy bị cô đơn trong suốt thời gian sống xa nhà”, Mayumi tâm sự.

Một mắt xích khá quan trọng trong khu phố Nhật là Utopia Cafe số 17/6A, nơi vừa là quán cà phê vừa là thư quán, do hai thanh niên Nhật là Ebuchi Shinya và Sasaki Hideki quản lý. Mở từ năm 2000, đây là điểm đến rất được ưa chuộng của những người Nhật đang sống và làm việc tại TP HCM, những người Nhật mới đến VN và cả du khách Nhật. “Sách, báo là một nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của người Nhật. Vì thế nhiều khách hàng Nhật rất vui khi được đọc sách, báo bằng bản ngữ có tại đây. Nhưng khác với nhiều quán cafe, sách tại Nhật chủ yếu chỉ có truyện tranh, ở đây hầu như có đủ mọi thứ để đọc dành cho mọi người ở mọi độ tuổi khác nhau, từ truyện tranh, tạp chí mua sắm, tuần tin tức cho đến tiểu thuyết”, Ebuchi cho biết. Nguồn sách báo này luôn được Ebuchi cập nhật từ bên nhà và được mua qua một người quen làm ở sân bay Tân Sơn Nhất.

Ebuchi cũng cho biết những khách hàng của anh đến đây không chỉ để đọc mà còn để giao lưu kết bạn hoặc cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm sống tại Việt Nam. “Với những người Nhật mới sang, chúng tôi còn tư vấn miễn phí thông tin về du lịch, mua sắm, ăn nhà hàng nào ngon, thậm chí là cách trả giá khi mua hàng ở chợ”, anh nói. Ngược lại, với những người Việt có dự định đi Nhật, nếu đến đây sẽ nhận được thông tin miễn phí về quê hương Phù Tang.

Hai chàng quản lý Utopia này, một đã tốt nghiệp đại học Waseda, nghiên cứu sâu về văn hóa Việt Nam, một tốt nghiệp đại học Ritsumeikan, nghiên cứu về lịch sử Việt Nam hiện đại nên khá hiểu biết về đất nước mình đang sống. Trong hai năm qua, hai anh đã cùng vài người bạn Nhật khác vận động trong cộng đồng người Nhật tại Việt Nam và bên nhà thành lập một quỹ giúp đỡ các nạn nhân bị chất độc da cam. Trực thuộc Liên đoàn các bác sĩ Kyoto, quỹ này đã mở một phòng vật lý trị liệu tại Tây Ninh điều trị cho khoảng 50 nạn nhân bị chất độc da cam mỗi ngày. Ebuchi cũng cho biết họ vừa đưa một nạn nhân sang Nhật chữa trị dài hạn.

Sasaki Hideki, hiện sống cùng vợ ở Little Japan, đã nhận xét về cuộc sống ở khu phố này là “an toàn, yên tĩnh và dễ sống”. Còn Ebuchi nói rằng anh thích sống ở đây vì ăn uống thứ gì cũng sẵn, khi thì sushi, lúc lại đổi khẩu vị bằng ăn cơm gà Việt Nam hoặc bánh canh, món cũng được nhiều người Nhật ở đây ưa thích vì nó giống món mì Udon của Nhật. Cô giáo Kazumi lại thích khu này ở chỗ cô có thể mua được thực phẩm Nhật tại các cửa hàng thực phẩm trên đường Lê Thánh Tôn.

Mayumi cho biết: “Tiền thuê nhà 500 USD mỗi tháng với một người có thu nhập như tôi là không rẻ lắm. Nhưng được cái khu này rất an ninh, lại thuận tiện, chỉ mất khoảng 5 phút đi bộ ra khu trung tâm”. Chị thoải mái khi sống trong căn hộ thuê của ông chủ Trần và được sống trong tình cảm ấm cúng của những người hàng xóm Việt Nam. Mayumi còn nói mình đã bị “Việt Nam hóa” đến nỗi không giống như phần lớn những người đồng hương khác trong khu phố này thường chỉ quen với khẩu vị Nhật, gia đình chị rất thích ăn các món Việt Nam. Đã trở về Nhật nhưng Mayumi khẳng định rằng khi nào quay trở lại Việt Nam, điều đầu tiên chị làm là ăn một món Việt và sẽ tiếp tục sống ở một căn nhà nào đó trong khu này, giống như ngôi nhà của ông Trần mà gia đình chị đã có 3 năm gắn bó.

Little Japan ở TP HCM là khu vực đường Lê Thánh Tôn, đoạn từ Tôn Đức Thắng đến Hai Bà Trưng và các con phố xung quanh gồm Thái Văn Lung, Thi Sách…

Có hai “tiêu chuẩn” nhà ở dành cho người Nhật trong khu phố này. Những người có thu nhập cao, làm cho các công ty lớn của Nhật thường ở trong khu căn hộ cao cấp và đầy đủ tiện nghi tại Saigon Sky Garden với mức 3.000 USD mỗi tháng và do công ty chi trả. Những người còn lại sẽ thuê nhà “bình dân”, nhiều nhất là ở quanh hẻm 15B đường Lê Thánh Tôn, hẻm 8A Thái Văn Lung và tự trả tiền nhà, từ 500 đến 800 USD mỗi tháng.