Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng) đã khẳng định như thế vào ngày 30/10. Bộ Xây dựng đang soạn thảo Chỉ thị về những giải pháp để phát triển và quản lý thị trường bất động sản theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết: “Tình trạng “sốt nóng” vừa qua chỉ xảy ra ở một số khu vực của một vài thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, các khu vực, địa phương khác tình hình giao dịch, giá cả vẫn bình thường. Theo tôi, ở những khu vực “nóng” đó cũng phải làm rõ là những loại hàng nào “sốt”. Chủ yếu là nhà chung cư, đất dự án, tức là những khu vực mà nhà đầu tư nhắm đến nhiều vì khả năng sinh lợi cao. Nguyên nhân chính của việc này, chúng tôi đã báo cáo nhanh gửi Bộ trưởng là do cung ít hơn cầu. Chỉ thị về một số giải pháp phát triển và quản lý thị trường bất động sản (BĐS) sẽ nhằm đưa ra một số yêu cầu, ví dụ các địa phương phải thúc đẩy việc triển khai nhanh các dự án phát triển nhà ở; rà soát các dự án đang triển khai, kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai hoặc vi phạm các quy định của pháp luật về kinh doanh BĐS. Ngoài ra, cũng cần tìm cách hạ giá thành xây dựng và kiểm soát thị trường.”
* Thưa ông, trong một nền kinh tế thị trường mà mình muốn kiểm soát thị trường, kiểm soát giá cả có vẻ như rất khó khả thi?
– Ông Nguyễn Mạnh Hà: Nói chính xác là kiểm soát đối với việc thực hiện dự án nhà ở, dự án kinh doanh BĐS, có hàng nhưng “găm” không bán ra chờ giá lên, hoặc có dự án nhưng không thực hiện. Hơn nữa thị trường BĐS nói chung, thị trường nhà ở nói riêng là một thị trường đặc biệt, dứt khoát phải có sự kiểm soát của Nhà nước. Ở đây quản lý Nhà nước không bắt họ phải bán giá này, giá kia mà vấn đề là kiểm soát xem cơ cấu giá ấy có hợp lý hay không, mức lợi nhuận có phù hợp hay không. Luật Kinh doanh BĐS cũng quy định việc này, trong đó yêu cầu việc bán hàng phải công khai, minh bạch, mọi giao dịch phải được thực hiện qua sàn, người dân có thể dễ dàng tiếp cận và tìm kiếm thông tin về hàng hóa…
* Nhiều người đang dự đoán về một cơn sốt mới trên thị trường BĐS do giới đầu cơ “thổi” lên, quan điểm của ông về việc này thế nào?
– Ông Nguyễn Mạnh Hà: Chúng tôi nhận định, thị trường nhà đất thường “ấm” lên vào dịp cuối năm, khi mà nhu cầu mua sắm nói chung đều tăng. Còn tình hình hiện nay, thị trường nhà đất cung đang còn thấp, cầu tăng, trong khi các dự án lớn triển khai rất chậm, giá đầu vào BĐS (đất, vật liệu xây dựng…) đều tăng nhưng như tôi đã nói ở trên chỉ là “sốt” cục bộ ở một số khu vực, tập trung vào một số mặt hàng chứ không phải là tất cả. Cho nên, trong chỉ thị của Chính phủ sắp tới sẽ đề nghị áp dụng một số biện pháp tăng nguồn cung, chẳng hạn giảm thiểu các thủ tục đầu tư, thủ tục giao đất, đấu thầu dự án, đặc biệt là tháo gỡ giải phóng mặt bằng, kiểm soát việc thực hiện các dự án đã giao…
Luật pháp cũng như các cơ chế của Nhà nước hiện nay khuyến khích chủ đầu tư kinh doanh BĐS đầu tư dự án. Gần đây nhất, Chính phủ cũng chấp nhận đề xuất của Bộ Xây dựng đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở thành một trong những chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương và cả nước. Việc này rất quan trọng vì như vậy, bản thân chính quyền địa phương sẽ tích cực hơn trong việc tìm cơ chế để đẩy nhanh các dự án phát triển nhà ở.
* Cầu lớn hơn cung trong thị trường nhà ở đã được cảnh báo từ nhiều năm nay nhưng chính sách vĩ mô có vẻ đi rất chậm và rối?
– Ông Nguyễn Mạnh Hà: Thực ra độ trễ của thị trường BĐS lớn hơn những thị trường khác. Nếu thiếu xăng có thể nhập xăng ngay, hoặc thiếu ô tô cũng có thể cân đối ngay, còn nhà ở thì chậm hơn. Một dự án tiến hành phải vài năm mới có sản phẩm. Đúng là có chuyện chúng ta phải làm tốt hơn công tác dự báo thị trường, đẩy nhanh việc thực hiện các dự án và kiểm soát các cam kết của nhà đầu tư mới mong có nhiều hàng hóa.
* Áp dụng phương thức tính lũy tiến khi đánh thuế sử dụng nhà, đất được coi là giải pháp để chống đầu cơ nhà đất, nhưng cũng có ý kiến lo ngại rằng, thuế cao cũng sẽ lại góp phần làm giá BĐS tăng cao?
– Ông Nguyễn Mạnh Hà: Tới đây Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu điều chỉnh thuế nhà đất (đang rất thấp) và ban hành thuế tài sản trên nguyên tắc đánh thuế lũy tiến đối với trường hợp sở hữu nhiều BĐS. Nhưng xin lưu ý là chỉ đánh thuế cao đối với trường hợp nhà, đất bỏ trống, không đưa vào sử dụng mà không nhằm đánh thuế cao đối với người sử dụng bình thường. Ngay cả nhà cho thuê cũng không phải chịu mức thuế này vì đã có kinh doanh và sinh lời.
* Việc này có vẻ rất khó với hệ thống dữ liệu thông tin về nhà đất kém như hiện nay?
– Ông Nguyễn Mạnh Hà: Khó nhưng không có nghĩa là không làm được.
* Kiểm tra việc bán căn hộ tại dự án The Vista, Sky Garden III (Tp.HCM) Hôm qua 30/10, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đã có công văn gửi UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu tổ chức kiểm tra việc triển khai các dự án nhà ở trên địa bàn thành phố. “Nếu phát hiện vi phạm cần xử lý nghiêm để bảo vệ quyền lợi của người mua nhà, ngăn ngừa hiện tượng lợi dụng, gây bất ổn thị trường để trục lợi” – công văn nhấn mạnh.
Bộ Xây dựng nhận định (căn cứ thông tin trên báo chí) thì việc chủ đầu tư các dự án The Vista, Sky Garden III… tổ chức bán căn hộ chung cư với tiền “đặt chỗ” lên tới 200 triệu đồng là vi phạm quy định của Luật Nhà ở. Công văn nêu rõ: “Điều 39 Luật Nhà ở quy định trường hợp chủ đầu tư huy động vốn từ tiền ứng trước của người có nhu cầu mua hoặc thuê nhà ở thì chỉ được áp dụng trong trường hợp thiết kế nhà ở đã được phê duyệt và đã được xây dựng xong phần móng”.
Bộ Xây dựng đề nghị UBND Tp.HCM cần rà soát tiến độ thực hiện tất cả các dự án phát triển nhà ở, dự án khu đô thị mới trên địa bàn đã giao cho chủ đầu tư, kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai hoặc có vi phạm các quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án nhà ở, tăng nguồn cung cho thị trường, đáp ứng yêu cầu nhà ở ngày càng tăng của nhân dân.