Skip to Content

Category Archives: Quy hoạch xây dựng

“Tấc đất – Tấc vàng”

Báo cáo mới đây của Chính phủ gửi UBTV Quốc hội cho biết, trong chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng an ninh, việc phân bổ quỹ đất thời gian qua đã từng bước đạt được những mục tiêu nhất định.Những mục tiêu đó nằm trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc thu hồi, giao, cho thuê đất, hạn chế có hiệu quả việc chuyển đất lúa nước, đất lâm nghiệp có rừng sang mục đích khác.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhìn nhận công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai thời gian qua còn nhiều yếu kém, vướng mắc: tiến độ thực hiện ở các cấp, nhất là cấp huyện, xã còn chậm. Đến nay còn 20% cấp huyện và 34% cấp xã chưa lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Hầu hết các bản quy hoạch địa phương được xét duyệt trước ngày Luật đất đai được thông qua nhưng đến nay chưa điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế đã biến động. Mới chỉ có 4 tỉnh hoàn thành việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cả 3 cấp là Bắc Giang, Hà Nam, Kon Tum và Bình Phước.

Thiếu cân bằng về đất sản xuất, kinh doanh

Theo thống kê cụ thể từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong giai đoạn từ 2001 đến 2005, cả nước đã đưa 24,8 triệu ha đất vào hoạt động nông nghiệp, vượt 1,8 triệu ha so với kế hoạch. Trong đó, diện tích trồng lúa đạt 4,1 triệu ha, vượt 3,1% so với kế hoạch nhưng vẫn thấp hơn 302.500 ha so với giai đoạn trước đó. Chỉ có đất lâm nghiệp tăng đáng kể về con số tuyệt đối, đạt 14,7 triệu ha, tăng 3 triệu ha so với năm 2000 và đất nuôi trồng thuỷ sản vượt 27%, đạt 700.000 ha.

Tuy nhiên, thực hiện chuyển đổi nhóm đất phi nông nghiệp chưa đạt so với yêu cầu. Sau 5 năm thực hiện, diện tích này đạt 3,2 triệu ha, đạt 89,6% và hụt 373.700 ha so với kế hoạch được giao, giảm 20.900 ha so với trước giai đoạn. Quá trình đô thị hoá đạt 103.600 ha, vượt 23% (19. 900 ha) so với kế hoạch đã không bù đắp được phần diện tích đất ở nông thôn giảm mạnh, chỉ đạt 53% và hụt 436.000 ha so với kế hoạch.

Theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ của 51 tỉnh, thành, cả nước hiện có 2.052 dự án khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn với tổng diện tích đất được giao, cho thuê là 27.068 ha, trong đó diện tích đã đầu tư là 9.427 ha.

Nhìn chung, tiến độ triển khai các dự án phát triển các khu đô thị mới, các khu dân cư nông thôn đều chậm so với tiến độ, nhiều dự án không triển khai được dẫn đến bỏ đất không sử dụng nhiều năm.

Tương tự, diện tích đất chuyên dùng có đạt kế hoạch với 1,9 triệu ha, nhưng trong đó đất dành cho khu công nghiệp và khu chế xuất, phát triển kết cầu hạ tầng kỹ thuật chỉ đạt khoảng 51.000 ha, đạt 65% và hụt 27.000 ha so với kế hoạch. Hơn một nửa số khu công nghiệp, khu chế xuất đạt tỷ lệ giao, cho thuê đất 79%, còn lại, tỷ lệ lấp đầy chỉ đạt trung bình 14%. Thậm chí, một số địa phương sử dụng nhiều đất trồng lúa, đất có ưu thế sản xuất nông nghiệp, đất khu dân cư tại những vị trí có hạ tầng kỹ thuật tốt để xây dựng các khu công nghiệp trong khi có khả năng sử dụng các loại đất khác.

Điều đó dẫn đến tình trạng nông dân thiếu đất hoặc không có đất để sản xuất thì một diện tích đất nông nghiệp không nhỏ được chuyển sang xây dựng các khu công nghiệp hiệu quả sử dụng thấp, thậm chí không sử dụng trong nhiều năm liền.

Giải pháp vốn và vận động đầu tư

Theo đánh giá của Uỷ ban kinh tế và ngân sách của Quốc hội, trong nhiều nguyên nhân gây ra mất cân bằng sử dụng đất, có 2 yếu tố vừa là lý do vừa là giải pháp khắc phục 2 khâu quan trọng là cân đối đủ nguồn vốn cho xây dựng hạ tầng và công tác vận động đầu tư.

Theo đó, trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2006- 2010, Nhà nước sẽ đặc biệt chú trọng đến những biện pháp tiết kiệm cao nhất diện tích đất trồng lúa nhiều vụ cho năng suất cao phải chuyển sang mục đích phi nông nghiệp, bảo vệ đất nông nghiệp, có khả năng thâm canh cao.Khuyến khích việc sử dụng đất không sử dụng hoặc hiệu quả thấp trong trồng lúa nước để xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị. Chấn chỉnh tình trạng lấy đất tốt trong nông nghiệp để ồ ạt xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị hiện nay. Theo yêu cầu chung, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời gian tới phải bảo đảm tính liên thông trong phát triển giữa ngành và địa phương, liên vùng, liên ngành. Quy hoạch đất đai phải tính đến yêu cầu phát triển ít nhất 10-15 năm sau nên phải tổ chức tốt công tác nghiên cứu, nâng cao chất lượng dự báo nhằm ổn định hơn các bản quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Riêng đối với đất xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, phải giảm thiểu tình trạng điều chỉnh một cách chắp vá, hạn chế tình trạng thu hồi đất mà không sử dụng. Đối với đất khu công nghiệp, khu chế xuất, thời gian tới các cơ quan chức năng sẽ tiến hành rà soát, đánh giá toàn diện các yếu tố, nhất là lợi thế so sánh để hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể giai đoạn 2006-2010, khắc phục tình trạng phát triển ồ ạt, không sát với nhu cầu và khả năng đầu tư. Trong đó, thực hiện công bố công khai kế hoạch sử dụng đất trong các khu công nghiệp nhằm cung cấp đầy đủ thông tin cho người dân, đặc biệt là người dân có đất trong vùng quy hoạch khu công nghiệp để kịp thời xử lý tranh chấp, khiếu nại liên quan đến thu hồi, đền bù giải toả.

Đối với đất hạ tầng kỹ thuật, giao thông, thuỷ lợi, chủ trương sẽ có những quy hoạch dựa trên căn cứ hệ thống đường sá, cảng biển phù hợp với một nước công nghiệp quy mô dân số trên 100 triệu người. Do quỹ đất này phần lớn lấy từ đất nông nghiệp nên phải áp dụng các công nghệ tiên tiến trong đầu tư xây dựng các công trình giao thông, thuỷ lợi. Một công trình phải được sử dụng vào nhiều mục tiêu, kiên cố hoá công trình, khai thác nhiều tầng của đất.

Cuối cùng, đối với đất ở, UBTV Quốc hội cho rằng đây là lĩnh vực phải ưu tiên hoàn thành việc lập và công khai các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Ngoài các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phù hợp, các khu đô thị mới sắp tới phải có quy mô xây dựng đủ lớn từ 50 ha trở lên, trong điều kiện cụ thể từng địa phương thì thấp nhất phải trên 20 ha. Hạn chế tối đa việc sử dụng đất có lợi thế cao phát triển nông nghiệp vào mục đích xây dựng đô thị…

READ MORE

Biến động giá vàng, thị trường địa ốc tiếp tục lạnh

Biến động giá vàng, thị trường địa ốc tiếp tục lạnh

Những ngày đầu tháng 5.2006, giá vàng bỗng nhiên tăng đột biến, khiến thị trường địa ốc lại lâm vào cảnh chợ chiều. Nhiều khu vực đang có dấu hiệu ấm lại sau thời gian dài, lại tiếp tục đóng băng do không có khách hàng. Dạo một vòng quanh các công ty môi giới địa ốc khu vực quận 2, quận 9, các văn phòng hầu như chỉ có nhân viên, khác hẳn với thời gian cách đây chưa đầy một tháng.

Thị trường đất lại đóng băng

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đóng băng. Theo những người có thâm niên lâu năm trong lĩnh vực địa ốc, việc đóng băng thị trường không vì giá vàng tăng đột biến, mà còn do số khách hàng đầu tư vào địa ốc hiện nay giảm hẳn. Khách tìm đến thị trường địa ốc hiện nay là những người đang có nhu cầu thật sự về nhà ở.

Khác với trước đây, chỉ cần là đất dự án, chủ doanh nghiệp được thành phố giao đất là có khách hàng tìm đến giao dịch, còn hiện nay phải là dự án “sạch” mới thu hút khách hàng. Việc giảm giao dịch tại những khu vực nóng là do thị trường không có dự án mới, chủ yếu giao dịch nền của những dự án cũ, trong khi những dự án cũ thì còn quá nhiều “sạn”, nhiều dự án đến nay chưa đền bù giải toả xong.

Lượng sản phẩm đất nền giao dịch trên thị truờng hiện nay chủ yếu là những dự án sạch, có yếu tố pháp lý hoàn chỉnh và quan trọng nhất là có thể xây nhà ngay. Đối với những dự án dạng này, cả hai đối tượng: có nhu cầu về nhà ở và người đầu tư đều muốn tham gia, nhờ vậy một số dự án tại khu vực quận 2, quận 7, Nhà Bè, mặc dù mãi lực giảm, song vẫn có những giao dịch thành, không đóng băng như các khư vưực khác.

Ông Lâm Văn Chúc, giám đốc công ty địa ốc Phúc Đức nhận xét: tại 14 văn phòng của công ty, trong thời gian vàng biến động giá nhưng vẫn có giao dịch thành công đối với sản phẩm sạch. “Hiện có chưa đầy 30% dự án sạch trên địa bàn TP, số lượng dự án như thế thì giao dịch vắng dần và thị trường đóng băng là chuyện đương nhiên. Rất nhiều khách hàng đã chuyển mục đích đầu tư tiền nhàn rỗi vào lĩnh vực khác”, ông Chúc nói.

Có thể thấy ngoài những nguyên nhân khách quan như giá vàng biến động, việc giao dự án cho những công ty không có khả năng thực hiện cũng góp phần dẫn đến đóng băng thị trường đất.

Chung cư: thừa hàng, thiếu khách

Một công ty chuyên môi giới kinh doanh sản phẩm căn hộ chung cư thừa nhận, thời gian qua, khách tìm đến loại sản phẩm này giảm hẳn, người đầu tư không còn thiết tha, mặn mà với loại sản phẩm này. Nguyên nhân cũng do chủ đầu tư không uy tín với khách hàng. Nhiều dự án hứa một đằng làm một nẻo, trễ hẹn thực hiện, chất lượng không đúng với lời hứa quảng cáo ban đầu khiến người dân mất lòng tin.

Thị trường căn hộ chung cư được nhiều chuyên gia đánh giá là thị trường tiềm năng trong năm 2006, hiện chỉ có giao dịch tại một số dự án có chất lượng cao, do những chủ đầu tư có uy tín thực hiện. Tính từ đầu tháng 5, cả một thị tường năng động căn hộ chung cư chỉ có một vài dự án tăng giá bán đối với sản phẩm của mình, còn lại đều phải giảm giá bán qua hình thức khuyến mãi, song vẫn không thu hút được mối quan tâm của khách hàng. Theo nhiều người, những dự án tăng giá bán đối với sản phẩm hầu hết là của những doanh nghiệp có khả năng tài chính tốt, không bị lệ thuộc vào ngân hàng, dự án có vị trí đẹp, chất lượng công trình xây dựng đúng theo cam kết. Những yếu tố này là cơ sở để họ ghìm giá, chờ được giá mới bán và thu hút quan tâm của khách hàng.

Giao dịch nhà đã chuyển qua tiền đồng

Tập quán lâu nay của người dân là giao dịch về nhà thường được quy ra vàng, do vậy trước việc vàng tăng giá, sản phẩm bị chi phối mạnh nhất trong thị trường địa ốc là sản phẩm nhà phố.

Tại siêu thị địa ốc ACB, số lượng khách chuyển qua giao dịch bằng tiền đồng đã lên gần 60%, tăng hơn thời điểm tháng 3 khoảng 30%. Nguyên nhân do giao dịch tiền đồng mức độ thành công cao hơn giao dịch bằng vàng. Tính từ đầu tháng 5, siêu thị địa ốc ACB đã giao dịch thành công 12 căn nhà.

Theo ông Võ Đình Quốc, phó giám đốc siêu thị địa ốc, trước việc vàng biến động liên tục như hiện nay, việc giao dịch bằng tiền đồng tạo tâm lý yên tâm hơn cho người mua. Thông thường, thời gian chọn sản phẩm, thương lượng kéo dài. Nếu giao dịch bằng giá vàng, khi tiến hành mua bán thì giá vàng đã thay đổi đáng kể, nên giao dịch dễ bị vỡ vì người mua thấy mình bị thiệt hại nhiều. Còn giao dịch bằng tiền đồng, ngay từ thời điểm chọn sản phẩm, khách hàng đã nắm được thông tin chắc chắn về giá, cho dù thời gian thương lượng kéo dài hay giá vàng biến động, cũng không ảnh hưởng nhiều đến việc mua bán.

Sau hai đợt tiến hành những chương trình kích cầu như “giao dịch bằng tiền đồng”, “nhà giảm giá bán gấp” tại siêu thị địa ốc ACB, giá giao dịch về nhà hiện nay đang có chiều hướng giảm. Các quận “chữ” (Tân Bình, Gò Vấp, Phú Nhuận…) có mức giảm mạnh, nhiều nhất từ 20 – 25%, một số khu vực thuộc quận “số” (1, 3…) có mức giảm thấp hơn từ 5 – 7%. Riêng những khu vực có địa điểm tốt để khai thác kinh tế, giá nhà vẫn bình ổn hoặc tăng như tuyến đường Nguyễn Đình Chiểu, Hai Bà Trưng…

Theo ông Quốc, mặc dù việc chuyển qua tiền đồng vẫn có thể duy trì được mãi lực cho thị trường nhà, song thời gian tới, nếu giá vàng tiếp tục biến động mạnh thì chắc chắn mãi lực đối với sản phẩm này sẽ giảm đáng kể. “Nếu tình hình đất dự án, căn hộ chung cư và nhà tiếp tục giảm sức mua như hiện nay, thì sắp tới thị trường nhà, căn hộ cho thuê sẽ có những chuyển biến tích cực, do người dân không thể mua hoặc đầu tư được nhà, đất, căn hộ thì sẽ chuyển qua thuê. Tôi cho rằng sắp tới sẽ là thời điểm của thị trường này.” ông Quốc nhận định.

READ MORE

Hà Nội sẽ công bố danh mục 100 dự án địa ốc kêu gọi đầu tư

Theo tin từ Sở Tài nguyên – Môi trường và Nhà đất Hà Nội, sở này cùng với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Quy hoạch – Kiến trúc đang rà soát và xây dựng danh mục khoảng 100 dự án bất động sản kêu gọi đầu tư sẽ công bố vào khoảng giữa tháng 5.

Chỉ riêng 3 tháng cuối năm 2006 và quý I năm 2007, Hà Nội đã cấp phép và chấp thuận đầu tư cho 7 dự án khách sạn 5 sao, trong đó có 2 dự án của chủ đầu tư trong nước, một sân golf và một khu liên hợp thể thao giải trí. Hiện có rất nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc và Nhật Bản đang xem xét rót vốn vào Hà Nội. Theo các chuyên gia, khi danh mục đầu tư này được công bố, bất động sản Hà Nội sẽ sôi động hơn.

READ MORE

Cẩn trọng khi mua đất dự án

Từ trước đến nay, khi mua đất dự án, khách hàng thường quan tâm đến một số vấn đề cốt lõi có liên quan về mặt pháp lý, rất ít khi để ý đến việc dự án đã được duyệt chi tiết đến cỡ nào. Chỉ chi tiết nhỏ này cũng có thể dẫn đến việc trắng tay, như thực tế đã có!

Những khách hàng, người mua không thể biết hoặc không lường trước được việc thay đổi quy hoạch, quy hoạch mới, quy hoạch lại. Việc nắm bắt được thông tin là cho đến khi doanh nghiệp có thông báo hoặc báo chí đưa tin. Một số người rành việc chỉ mua đất nền khi dự án đã có quy hoạch chi tiết 1/500. Chắc là vậy, nhưng không ít người phải cười ra nước mắt với những dự án quy hoạch này.

Phiêu lưu bản đồ quy hoạch 1/500

Anh Trần Bửu Bửu, ngụ tại Tân Bình ấm ức: “Họ lừa tụi tôi… Khi mua nền tôi đã hỏi thăm kỹ rồi mới dám mua, vậy mà giờ coi như thua trắng…”. “Họ” là cách Bửu dùng để chỉ chủ đầu tư dự án đất nền quận, do Công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp Sài Gòn (Incomex Sài Gòn) làm chủ đầu tư.

Chuyện là vậy. Năm 2002, Bửu ký hợp đồng mua nền đất mang số C4, diện tích 5 x 15m, tại dự án đất nền trên địa bàn phường Tân Kiểng, quận 7. Ngoài số tiền theo hợp đồng, Bửu phải trả thêm 112.500.000 đồng tiền chênh lệch do mua lại của một cán bộ công ty. Việc sang nhượng này được giám đốc công ty duyệt cho phép. Đến tháng 6.2003, Bửu đóng đủ số tiền cho nền đất trên vì đây cũng là thời điểm giao nền theo thoả thuận. Đến đầu năm 2006, đại diện công ty mời Bửu lên thông báo không có nền đất và đề nghị trả lại tiền. “Chờ ba năm không có đất… Chưa hết, lúc mua đất này, tính ra 1 lượng vàng/m2, giờ công ty mời lên trả lại tiền với giá 7 triệu/m 2 , thiệt thòi như vậy làm sao chấp nhận được. Sau buổi làm việc đầu năm 2006, họ hẹn một tuần sau sẽ có thông tin chính thức, nhưng cả tháng nay không thấy công ty có động tịnh gì về việc của tôi. Nghe nói, họ đã làm công văn xin chuyển đổi mục đích từ xây dựng nhà ở sang xây dựng nhà chung cư cao tầng. Tôi không ngờ mua đất dự án được duyệt 1/500 rồi mà vẫn còn bị mất trắng…”, anh Bửu than vãn. Không chỉ riêng anh Bửu, bà Tô Thị Thanh Hoa, một khách hàng khác cũng đang trong tình trạng giống như anh.

Khá nhiều dự án mặc dù đã có quy hoạch 1/500, song cuối cùng khách hàng cũng chẳng còn đất hoặc diện tích đất đầu tư ban đầu bị thay đổi vì dự án được điều chỉnh lại. Tại một dự án Khu dân cư Phước Long B, quận 9, quy hoạch chi tiết 1/500 từ năm 2001 – 2002 và đã chuyển nhượng ra bên ngoài rất nhiều. Nhưng mới đây, chủ đầu tư là một công ty lớn trong lĩnh vực địa ốc, làm hồ sơ đề nghị TP duyệt lại quy hoạch chi tiết 1/500 mới. Theo đó, rất nhiều nền đất trong dự án bị bớt một phần diện tích, thậm chí nhiều nền không còn trên thực tế.

Cái khó cho khách hàng là những nền đất được công ty bán ra hầu hết đã được chuyển nhượng qua tay nhiều khách hàng, số tiền chênh lệch trên từng m 2 cũng đã thay đổi đến chóng mặt. Người đã kịp sang tay thở phào, người khách hàng cuối cùng đang cầm hợp đồng của lô đất, chỉ còn nước khóc ròng. “Giá tôi mua cái nền này đã cao hơn nhiều so với giá của công ty bán ra, nếu bây giờ không có đất, thì công ty chỉ trả lại số tiền ban đầu theo hợp đồng, số còn lại coi như mất trắng… Cầu trời không có chuyện đó xảy ra…” – anh T.Đ.K, một “nhà đầu tư nhỏ” đang ngày đêm khấn vái cho cái hợp đồng mình đang sở hữu.

Quy hoạch chi tiết 1/2.000 cũng chết

Dự án khu dân cư Phước Kiểng thuộc xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè do một công ty lớn, có tiếng tăm tại khu vực Nam Sài Gòn, làm chủ đầu tư. Khi thực hiện dự án, công ty này đã giao cho 16 chủ đầu tư thứ cấp khác thực hiện dự án. Mặc dù dự án chưa được duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 nhưng một công ty thứ cấp tham gia xây dựng dự án đã tự phân lô với các loại diện tích 6x20m, 7x20m và nền biệt thự 15x20m, chuyển nhượng lại cho khách hàng. Theo một cán bộ của chủ đầu tư nhận định, việc chuyển nhượng nền đất trái pháp luật có thể dẫn đến việc người nhận chuyển nhượng có nguy cơ bị mất trắng nền đất sau khi dự án được duyệt quy hoạch chi tiết 1/500. Anh L.H.N, khách hàng của công ty, hiện đang ngụ tại quận 10, thở dài – “Công ty đang trấn an mọi người bằng những lời lẽ rất “êm tai”, nhưng số phận lô đất được phán xét thế nào thì chưa ai biết được”.

Những người nhận chuyển nhượng các nền đất thuộc diện tái định cư còn nguy hiểm hơn khi dự án chưa được duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, như dự án Khu dân cư tại phường Tân Hưng, quận 7. Vị trí dự án đẹp, nằm ngay mặt tiền đường Bắc – Nam nối khu vực Nhà Bè, quận 7 với quận 4. Cuối năm 2003 – đầu năm 2004, giới kinh doanh đất đai khu vực quận 7 và nhiều nơi khác đổ xô nhau tìm mua nhiều nền đất tại dự án này. Thời điểm đó, dự án chỉ có quy hoạch chi tiết 1/2.000 từ năm 2002, chủ đầu tư lại thuộc cấp bộ, khiến nhiều người yên tâm. Thế nhưng, những nền đất được đưa ra giao dịch ở đây đa phần là nền thuộc diện tái định cư. Rất ít khách hàng đầu tư vào để ý đến bản quy hoạch chỉ mới dừng ở mức 1/2.000, trước dự án mà lại hùa nhau tin vào bản quy hoạch chi tiết 1/500, với đầy đủ số lô, số nền, có diện tích từng nền cụ thể. Chính nhờ tấm bản đồ này, giá đất tăng vọt, từ 9 – 15triệu đ/m 2 tuỳ theo vị trí. Đến khi thông tin quy hoạch chi tiết 1/500 được trình duyệt, nhiều người mới tá hoả chạy nước rút để cố sang tay hợp đồng.

READ MORE

Hà Nội: qui định giá nhà tái định cư

UBND TP Hà Nội vừa ban hành quyết định về giá bán căn hộ chung cư cao tầng cho các hộ gia đình tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng trên địa bàn thành phố.

Theo quyết định này, giá bán căn hộ được tính theo vị trí đất, được chia thành các khu vực 1,2,3 và 4. Khu vực 1 là các vị trí nằm ở khu vực trung tâm thành phố đến đường vành đai 2; khu vực 2 là các vị trí nằm từ đường vành đai 2 đến đường vành đai 3 và các xã Mỹ Đình, Mễ Trì, huyện Từ Liêm (trừ các khu vực còn lại của huyện Từ Liêm và quận Long Biên);

khu vực 3 là các vị trí thuộc quận Long Biên, phần còn lại của huyện Từ Liêm và các vị trí thuộc quận Hoàng Mai nằm ngoài đường vành đai 3; khu vực 4 là các vị trí còn lại. Đối với các dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định ban hành chính sách và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì tiếp tục thực hiện theo quyết định đã được phê duyệt.

READ MORE

Hà Nội sẽ bãi bỏ quy định dành 50% diện tích chung cư bán cho người thu nhập thấp

Ngày 22/12, Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Quý Đôn cho biết, kể từ năm 2006, Hà Nội sẽ bãi bỏ quy định trong Quyết định 123 về việc yêu cầu các chủ đầu tư dự án kinh doanh nhà phải dành 20% quỹ đất cho thành phố xây dựng nhà chính sách, dành 50% diện tích nhà chung cư bán cho cán bộ, công nhân viên, người có thu nhập thấp (danh sách và giá bán do UBND thành phố phê duyệt).

Đồng thời với sự bãi bỏ này, thành phố sẽ dành khoản kinh phí thích đáng để xây dựng quỹ nhà xã hội, bán ưu đãi cho những hộ gia đình chính sách, người thu nhập thấp. Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục dành ưu đãi cho các chủ đầu tư để phát triển quỹ nhà cho thuê của thành phố.

Được biết, quy định kể trên được xem là một trong những nguyên nhân khiến các chủ đầu tư đẩy giá nhà lên cao một cách bất hợp lý trong thời gian vừa qua.

Hiện, giá nhà chung cư thương mại của Hà Nội tại các khu đô thị mới rẻ nhất trung bình ở mức 5,3 triệu đồng/m2, đa phần ở mức 8-10 triệu đồng, có những khối nhà nằm trong nội đô giá tới 12 – 15 triệu đồng/m2.

READ MORE

31/10 hết hạn mua nhà Nhà nước ở Hà Nội

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành kế hoạch bán nhà thuộc sở hữu nhà nước cho người đang ở thuê theo Nghị định 61/CP trong thời gian từ nay đến hết năm 2006. Theo đó, thời hạn cuối cùng cho việc nhận hồ sơ mua nhà là ngày 31/10.

Các đơn vị liên quan sẽ gửi thông báo tới tất cả các hộ gia đình đủ điều kiện mua nhà nhưng chưa nộp hồ sơ. Do số lượng hồ sơ nộp trong thời gian tới dự kiến sẽ rất lớn (khoảng 15.000 trường hợp/quý) nên theo yêu cầu của thành phố, trong quý III, việc tổ chức thẩm định và xác định giá đối với tất cả nhà ở thuộc sở hữu nhà nước thuộc diện bán phải được thực hiện xong. Dự kiến, hết quý IV, các trường hợp có nhu cầu mua nhà sẽ được lập hồ sơ và nộp tiền.

UBND các quận, huyện phải thông báo đến từng hộ ở nhà cấp 4 của cơ quan tự quản nhưng không còn cơ quan quản lý, đã phá đi xây dựng lại hoặc đã được cơ quan tự thanh lý đến UBND các quận, huyện kê khai, làm thủ tục cấp giấy chứng nhận sau khi thực hiện các khoản nghĩa vụ tài chính theo quy định tại nghị định 61/CP. Thuộc diện này ước tính có khoảng 23.500 hộ.

UBND thành phố yêu cầu các cơ quan chức năng rà soát, cải tiến quy trình luân chuyển hồ sơ để kịp thời điều chỉnh ngay cho phù hợp, không được để hồ sơ tồn đọng lâu. Trường hợp hồ sơ bất khả kháng, không giải quyết được, phải thông báo và trả lại cho người dân (ghi rõ lý do). Trong giai đoạn trước mắt, sẽ tập trung bán nhà thuộc phần diện tích trong hợp đồng thuê nhà (trường hợp ở ổn định, nhà thông tầng hoặc được các hộ liền kề đồng ý để gia đình sử dụng diện tích cơi nới).

Lãnh đạo UBND TP Hà Nội cũng đề nghị Bộ Xây dựng sớm có chính sách giải quyết khiếu kiện của các hộ đòi nhà thuộc dạng chính sách (vắng chủ, cải tạo, công tư hợp doanh…) mà Nhà nước đã đưa vào quản lý, cho các hộ dân thuê, để thông báo cho các hộ đang ở thuê muốn mua nhà được biết. Ngoài ra, theo UBND TP, nhà ở thuộc diện không được bán (xấp xỉ 11.850 hộ) và nhà ở được bán mà người dân không mua sẽ được tổ chức lập dự án cải tạo theo quy hoạch với phương thức huy động nhiều nguồn vốn đầu tư theo hướng dẫn của Chính phủ.

Theo điều tra mới đây của Sở Tài nguyên – môi trường và nhà đất Hà Nội, toàn thành phố hiện có 79.360 hộ đang ở nhà nhà nước nhưng chưa mua. Trong đó, có khoảng 48.800 hộ gia đình đang ở nhà thuộc diện được bán trong năm 2006. Số còn lại là nhà thuộc quỹ nhà tự quản và nhà không được bán theo Nghị định 61/CP. Riêng trong quý I, số hộ nộp hồ sơ đã lên tới hơn 11.000. Số hồ sơ đã thẩm định cũng đạt tới 4.500 hộ, nhưng mới có 2.200 hộ nộp tiền mua.

READ MORE

Thí điểm thu hồi đất nhỏ lẻ để chống nhà siêu mỏng

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã chỉ đạo như vậy tại cuộc họp với các ngành quy hoạch-kiến trúc, xây dựng và các quận, huyện nhằm xây dựng một quy chế khung để quản lý quỹ đất nhỏ lẻ, ngăn chặn nhà siêu mỏng, siêu méo trên địa bàn thủ đô chiều thứ 5 (15/8).

Liên quan vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã có QĐ 39, thành phố có QĐ 26 theo đó, những ô đất dưới 20 m2, có kích thước hình học siêu mỏng, siêu méo sẽ không được xây dựng công trình, nhà ở.

Tuy nhiên, do thiếu cơ chế chính sách, chế tài và không quản lý tốt, hiện trên các tuyến phố mới mở của Hà Nội xuất hiện và tồn tại hàng trăm nhà siêu méo, siêu mỏng, làm mất mỹ quan đô thị.

Ý kiến của các ngành, quận huyện đều đồng tình với việc thành phố đứng ra thu hồi quỹ đất nhỏ lẻ sau đó có phương án sử dụng hợp lý hoặc bán cho các hộ dân phía trong với mức giá hợp lý. Việc thu hồi những ô đất này nên thực hiện đồng thời với thu hồi đất của dự án mở đường, chỉnh trang tuyến phố.

Tuy nhiên, thành phố phải tính đến việc quản lý các ô đất nhỏ lẻ có thể hình thành trước khi cắm mốc giới, thực hiện dự án. Bởi thực tế, sau khi có mốc giới thì người dân lập tức xây dựng; và khi mở đường thì nhà siêu mỏng, siêu méo đã hình thành!

Phó  Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi chỉ đạo Sở QH-KT sớm hoàn thành một dự thảo khung pháp lý để trình thành phố phê duyệt. Theo đó, quy chế này phải có biện pháp, chế tài, cũng như các cơ chế, chính sách có tính khả thi để quản lý quỹ đất nhỏ lẻ tại các dự án tuyến phố; ngăn ngừa việc hình thành nhà siêu mỏng, siêu méo.

Đồng thời, đây cũng là cơ sở để giải quyết hiện trạng nhà siêu mỏng, siêu méo tại các tuyến đường mới mở trên địa bàn thành phố như Kim Liên-Ô Chợ Dừa, đường kè quanh Hồ Tây…

Khi có quy chế, nhà siêu mỏng, siêu méo tại các tuyến phố này sẽ bị xử lý, trả lại bộ mặt khang trang cho Thủ đô. Nhưng trước mắt, thành phố giao Sở TNMT&NĐ, Sở QH-KT và các quận, huyện chọn 1-2 dự án để làm thí điểm trước.

“Tuy nhiên, các quận huyện phải tích cực kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về trật tự xây dựng, đặc biệt là việc xây dựng nhà siêu mỏng, siêu méo tại các tuyến phố mới, không nên thụ động chờ có quy chế rồi mới tính đến việc giải quyết nhà siêu mỏng, siêu méo”- Ông Khôi chỉ đạo.

READ MORE

Hilton Hà Nội đổi chủ

70% cổ phần của khách sạn Hilton Hà Nội Opera vừa được Công ty quản lý quỹ VinaCapital mua lại từ các ông chủ Đức và Áo với giá 43 triệu USD.

Hilton Hà Nội Opera nằm ở trung tâm Hà Nội, được đưa vào hoạt động từ năm 1999. Khách sạn có 269 phòng, công suất sử dụng trên 80%.

Tổng giám đốc VinaCapital Don Lam cho biết, công ty nhìn thấy những cơ hội phát triển rất tốt trong việc đầu tư vào thị trường bất động sản VN. Còn Chủ tịch Hội đồng quản trị VinaCapital Horst Geicke cho rằng đầu tư vào ngành khách sạn, đặc biệt tại Hà Nội, sẽ rất thành công vì nhu cầu của du khách và doanh nhân đi công tác ngày càng tăng, trong khi số lượng phòng ở vẫn còn hạn chế.

VinaCapital đang đầu tư phát triển khu resort 260 ha tại Đà Nẵng. Họ cũng cân nhắc việc đầu tư vào một số dự án tại Nha Trang và TP HCM.

Năm ngoái, VinaCapital mua lại gần 70% cổ phần của khách sạn Sofitel Metropole với giá hơn 30 triệu USD.

Bắt đầu hoạt động từ 2003, VinaCapital là một trong những công ty quản lý quỹ hàng đầu tại VN, hiện tổng giá trị tài sản quỹ quản lý là 450 triệu USD.

READ MORE

Một sân bay tầm cỡ quốc tế dành cho toàn miền Bắc

Việc qui hoạch và xây dựng mới một sân bay quốc tế cho toàn miền Bắc đang được đề cập trong nhiều đề án qui hoạch phát triển đô thị. Báo chí đã có cuộc trò chuyện cuối năm với đại tá Phan Văn Nghi (nguyên viện trưởng Viện Thiết kế sân bay và công trình hàng không, Tổng cục Hàng không – Bộ Quốc phòng) về vấn đề này.

* Thưa ông, ông nghĩ sao khi nhiều chuyên gia cho rằng các sân bay ở miền Bắc hiện nay khó phát triển thành một sân bay dân dụng đạt đẳng cấp quốc tế?

– Lịch sử xây dựng sân bay ở nước ta xưa nay đều nhằm mục đích quân sự và những sân bay lớn đều hình thành và xây dựng trong thời kỳ chiến tranh. Đặc biệt ở miền Bắc, nhiệm vụ chiến lược của không quân ta thời kỳ đó là tác chiến bảo vệ Hà Nội, và căn cứ vào phương châm tác chiến, khả năng và cách đánh của không quân mà xác định các địa điểm làm sân bay như Nội Bài, Kép, Yên Bái, Thọ Xuân, Hòa Lạc… Trong đó Nội Bài là sân bay (quân sự) cấp I.

Sau năm 1975, nhiệm vụ xây dựng và phát triển ngành hàng không (HK) dân dụng trở nên cấp bách, cần có một sân bay làm cảng HK dân dụng quốc tế (trong khi nền kinh tế chưa cho phép đầu tư) thì ta tận dụng cái có sẵn (và thích hợp nhất) là sân bay Nội Bài. Cùng với sự phát triển kinh tế, Nội Bài được đầu tư nâng cấp dần từng bước, nhưng đến nay vẫn là sân bay dùng chung với quân sự.

* Chúng tôi cứ tưởng sau khi được cải tạo và nâng cấp như hiện nay, Nội Bài có thể đảm đương được trách nhiệm của một sân bay dân dụng quốc tế?

– Sân bay Nội Bài xây dựng từ năm 1961, qua nhiều thời kỳ đã từng bước mở rộng và nâng cấp chỉ là những giải pháp tình thế, nhưng vì không có một qui hoạch nhất quán từ đầu nên nếu ngay cả khi bên quân sự chuyển căn cứ không quân đi nơi khác thì bản thân nó cũng không thể trở thành một cảng HK hiện đại có đẳng cấp quốc tế được.

Có hai quyết định phê duyệt qui hoạch tổng thể sân bay Nội Bài đáng kể nhất từ trước đến nay: lần đầu vào năm 1978 chỉ nâng cấp đường hạ – cất cánh.

Quyết định thứ hai năm 1994 là một qui hoạch khó thực thi và không thực tế, trong đó chủ yếu là làm đường hạ cất cánh thứ hai ở gần quốc lộ 2 hiện nay. Nằm trên sân bay Tân Trại cũ, đường hạ – cất cánh này cách đường hạ – cất cánh hiện nay 1.750m (do cơ quan khảo sát thiết kế của quân chủng không quân lập) thực chất là không quân muốn đẩy HK dân dụng ra khỏi sân bay Nội Bài.

Vì thế qui hoạch này cũng chỉ tồn tại trên giấy do chẳng khác nào làm một sân bay bên cạnh một sân bay. Từ năm 2003 đến nay HK dân dụng lại phải “giải quyết tình thế” bằng cách xây dựng một đường hạ – cất cánh thứ hai trên vị trí của đường lăn.

Tính chắp vá này khiến sân bay Nội Bài không thể đạt được tiêu chuẩn kỹ thuật của một cảng HK quốc tế đúng nghĩa vì vi phạm khoảng cách giữa đường hạ – cất cánh và đường lăn. Chưa kể, theo tiêu chuẩn của ICAO (Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế), công suất tối đa của đường hạ – cất cánh sân bay Nội Bài chỉ được 10 triệu hành khách/năm.

Vì thế sân bay Nội Bài tuy được gọi là cảng HK quốc tế nhưng chưa bao giờ đạt được yêu cầu tiêu chuẩn của một cảng HK quốc tế đích thực. Một nhà nghiên cứu đã từng nói: “Ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, có nhiều cái mà nó chưa là chính nó”. Sân bay Nội Bài cũng là một cái như thế.

* Đã từng có ý kiến cho rằng cần phải dời căn cứ không quân ở Nội Bài đi nơi khác, sang Miếu Môn chẳng hạn, để nhường toàn bộ sân bay Nội Bài lại cho HK dân dụng?

– Là căn cứ quân sự của một sư đoàn không quân thì mọi hoạt động của nó đều ảnh hưởng không nhỏ đến hàng không dân dụng, một hạn chế không thể khắc phục trong tương lai. Dù đã có thêm đường hạ – cất cánh mới nhưng 5-10 năm nữa nhu cầu thông quan của cảng HK khoảng vài triệu hành khách/năm, mật độ hạ – cất cánh của máy bay dày hơn thì rất khó, chưa kể sư đoàn không quân chiến lược ở đây cũng phải phát triển cho đúng tầm với các loại trang thiết bị, máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư.

Và như thế thì không bao giờ chấp nhận được tình trạng “hai trong một”. Chưa kể, việc xây dựng sân bay Nội Bài căn cứ vào vị trí chiến lược để tác chiến bảo vệ thủ đô, nên mục tiêu này vẫn luôn được coi trọng.

* Hiện nay việc xây dựng một sân bay quốc tế mới cho toàn khu vực miền Bắc có phải là nhu cầu cấp bách chưa?

– Xu thế hiện đại hóa và xây dựng những sân bay quốc tế mới trên thế giới đang rất sôi động vì nhu cầu vận chuyển bằng HK tăng nhanh và vẫn được coi là phương tiện vận chuyển tiết kiệm. Các hãng chế tạo máy bay lớn như Boeing và Airbus đã đưa ra những mẫu máy bay mới rất lớn chứa được hơn 500 hành khách (như A380) và được cả thế giới hoan nghênh, tới tấp đặt hàng. Việc phát triển HK hiện đại và xây mới cảng HK đủ tầm cỡ vì vậy đang được cả thế giới coi trọng và gấp rút thực hiện.

Ở VN, nhu cầu về xây dựng một sân bay quốc tế đúng đẳng cấp quốc tế đã được bàn đến. Ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (TP.HCM – Đồng Nai – Bà Rịa – Vũng Tàu) vấn đề xây dựng một sân bay khu vực mới ở Long Thành đã được tính đến từ cuối thập kỷ 1990 trước sự quá tải và hạn chế của sân bay Tân Sơn Nhất.

Vì vậy, đề xuất xây dựng mới sân bay dân dụng quốc tế cho vùng kinh tế miền Bắc vào lúc này là hết sức kịp thời. Chúng ta đã thấy các sân bay quốc tế lớn trên thế giới, từ khi đề xuất ý định, triển khai đến khi đưa vào sử dụng thường mất một thời gian dài hàng chục năm.

Ở VN, quá trình này cũng mất tối thiểu 10-15 năm, có nghĩa vào khoảng năm 2020 khi nước ta về cơ bản đã trở thành một nước công nghiệp thì nhu cầu về một sân bay quốc tế là không thể chậm trễ hơn, vì nếu không, sẽ kìm hãm sự phát triển kinh tế và hội nhập.

* Là người có nhiều kinh nghiệm về thiết kế sân bay, theo ông, một sân bay quốc tế mới cho vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc phải đặt ở vị trí nào?

– Một sân bay quốc tế đẳng cấp cho vùng tam giác kinh tế miền Bắc sẽ đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, là động lực thúc đẩy sự phát triển vùng mang tính chiến lược.

Một khi hệ thống giao thông trong vùng được hiện đại hóa, lấy đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng làm trục thì phải có một sân bay quốc tế lớn gần kề. Sự phát triển chuỗi đô thị đồng bằng Bắc bộ với trục Hà Nội – Hải Phòng có mức độ tập trung công nghiệp theo lãnh thổ vào loại cao nhất nước do vị trí, nguồn nguyên liệu, tài nguyên phong phú, có mật độ dân cư đông và những yếu tố lịch sử… đòi hỏi phải có sân bay quốc tế của trung tâm vùng.

Trong nhiều hội thảo về cảng HK do ICAO tổ chức, nhất là hội thảo về sân bay thế kỷ 21, trong mục chọn tìm vị trí đặt sân bay, nhiều chuyên gia đã phân tích sự cần thiết về việc xây dựng sân bay quốc tế cho một vùng đô thị, vùng kinh tế… để phát huy tối đa ưu thế của HK trong phát triển kinh tế.

Do vậy, sân bay quốc tế mới của miền Bắc cũng nên nhắm nhiệm vụ phục vụ một vùng đô thị – vùng kinh tế hơn là một sân bay của một thành phố dù đó là thủ đô. Vì vậy, vị trí của sân bay quốc tế mới phải nằm ở khoảng cách hợp lý đến các thành phố vùng tam giác kinh tế miền Bắc là Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh (khoảng 30-50km là thích hợp). Các yếu tố về địa hình, địa chất dù có khó một chút đi nữa thì cũng là thứ yếu vì khoa học kỹ thuật ngày nay thừa sức khắc phục.

Tầm cỡ một sân bay quốc tế mới cho vùng đô thị – kinh tế miền Bắc:

– Về năng lực: lưu lượng 60-80 triệu lượt hành khách/năm, hàng hóa: 1,5-5 triệu tấn/năm.

– Phạm vi chiếm đất: từ 3.000-4.000ha (dự kiến đặt ở Hải Dương).

– Cấp cảng HK: 4F (tiêu chuẩn ICAO) với số lượng 2-3 đường hạ – cất cánh.

– Nhà ga HK (hành khách): xây dựng theo từng thời kỳ, từ 10 triệu hành khách/năm đến khi đạt hết công suất của cảng HK.

– Vốn đầu tư: 4-5 tỉ USD.

READ MORE

Di tích Hoàng thành đúng là đang xuống cấp!

Đó là điều GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, đã phải đau xót thừa nhận. Ông cho biết: Sau bốn năm kể từ khi phát lộ, di tích Hoàng thành đã được làm mái che để bảo vệ, nhưng đấy chỉ là giải pháp bảo vệ tạm thời, không phải là cách bảo tồn lâu dài. Cho nên, di tích bị tác động bởi môi trường là không thể tránh khỏi, và chúng ta có thể quan sát thấy sự xuống cấp diễn ra qua năm tháng… Mùa mưa di tích vẫn bị tác động bởi độ ẩm, mùa khô đất vẫn bị khô và nứt ra… chất lượng của di tích bị xuống cấp dần là tất nhiên.

Các nhà khoa học Nhật Bản cũng cảnh báo rằng, nếu không áp dụng ngay các giải pháp bảo tồn lâu dài thì di tích này sẽ xuống cấp tới mức trầm trọng.

* Vậy tại sao các nhà khảo cổ lại không nhanh chóng có biện pháp bảo tồn hữu hiệu?

– Như tôi đã nói, để di tích không bị xuống cấp, cần phải có biện pháp bảo tồn lâu dài. Nhưng muốn bảo tồn lâu dài thì phải có chủ trương, phải lập quy hoạch cho khu di tích này, cũng như quy hoạch chung cho tổng thể di tích Hoàng thành Thăng Long – Thành Hà Nội. Trên các cơ sở đó mới có thể lựa chọn giải pháp bảo tồn lâu dài.

Về công nghệ mà nói, tìm giải pháp bảo tồn lâu dài không phải là quá khó, các nước trên thế giới đã có rất nhiều kinh nghiệm, và tổ chức UNESCO, cũng như các chuyên gia quốc tế sẵn sàng tư vấn và hỗ trợ chúng ta… Nhưng, mấu chốt là phải có các cơ sở nêu trên trước đã.

Tôi xin lưu ý là các nhà khảo cổ học đến giờ phút này đã hết sức cố gắng trong trách nhiệm của mình, còn bảo tồn di tích là thuộc chuyên môn của ngành bảo tồn học và phải có sự phối hợp của nhiều ngành khoa học liên quan.

* Trở lại với kết quả bốn năm phát hiện và nghiên cứu Hoàng thành. Cho tới thời điểm này đã có thêm những phát hiện gì mới khiến ông lưu ý?

– Trong quá trình chỉnh lý hiện vật, các nhà khảo cổ học đã phát hiện rất nhiều hiện vật gốm sứ quý giá, trong đó có nhiều đồ ngự dụng.

Trước đây, chúng ta đã tìm được một số viên gạch có chữ “Trường Lạc” hay “Trường Lạc khố” (kho Trường Lạc), khiến cho các nhà khoa học phán đoán về khả năng tồn tại của cung Trường Lạc – là cung của bà Nguyễn Thị Hằng, quý phi của vua Lê Thánh Tông, Hoàng thái hậu (mẹ) của vua Lê Hiến Tông và Thái hoàng Thái hậu (bà) của vua Lê Túc Tông, trong khu vực này. Và tới nay đã tìm được viên gạch có đầy đủ chữ “Trường Lạc cung”.

Phát hiện này tiếp tục khẳng định phán đoán trên là chính xác, nhưng dĩ nhiên chưa thể kết luận cung Trường Lạc là di tích cụ thể nào.

Đồng thời các nhà khảo cổ cũng tìm thấy các viên gạch có các chữ như “Hoàng Môn thự” (chứng tỏ là gạch xây điện Hoàng Môn thời Trần), Kim Quang điện (gạch xây điện Kim Quang thời Lê Sơ)…

Như vậy, rõ ràng là tên một số cung điện trong Cấm thành được ghi chép qua sử sách đã được tìm thấy dấu tích ở đây.

* Xin cảm ơn ông!

READ MORE

2007 – năm của các quy hoạch có quy mô lớn

Nếu như 2006 được đánh giá là năm dẫn đầu về số lượng đồ án quy hoạch được duyệt (33 đồ án) thì năm 2007 dự báo sẽ có nhiều đồ án quy hoạch “hoành tráng” về quy mô diện tích.

Năm 2006, có 22 quy hoạch chi tiết, 4 chỉ giới đường đỏ, 6 quy hoạch điều chỉnh và 1 quy hoạch tổng mặt bằng được phê duyệt.

Trong đó có những quy hoạch chi tiết lớn như khu ĐTM Tây Hồ Tây, Tây Nam Kim Giang 1, Xuân Phương, Đặng Xá 2, khu đô thị Thành phố Giao Lưu… Phần lớn các đồ án quy hoạch được duyệt đã được công bố và bàn giao tại địa phương để phục vụ cho công tác quản lý sau quy hoạch và đưa quy hoạch đến với người dân. Các đồ án “vắt” từ 2006 sang 2007 là quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 các trục đường: Giảng Võ – Núi Trúc – Đại sứ quán Thuỵ điển – Hoàng Hoa Thám; Xuân La – Cổ Nhuế – ga Phú Diễn – Xuân Phương, Trương Định – Hoàng Mai – Vĩnh Tuy.

Năm vừa qua, cũng đánh dấu một bước chuyển biến quan trọng trong công tác quy hoạch khi việc phân cấp được triển khai đến các quận, huyện. Việc phân cấp sẽ thực sự đưa các quận, huyện “vào cuộc” với mục đích quy hoạch sẽ thể hiện được sát những gì mà người dân cần, những hạng mục, công trình hạ tầng mà địa phương còn thiếu…

Năm 2007, khi việc phân cấp được chính thức thực hiện một cách toàn diện ở 5 quận có đủ điều kiện (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng và Long Biên) và phân cấp một phần cho các quận, huyện khác, Sở QH-KT đã có thể phần nào “rộng tay” để triển khai các đồ án quy hoạch lớn của Hà Nội. Những đồ án quy hoạch này có tác động lớn, ghi nhận và cũng dự báo sự phát triển về kinh tế – xã hội của Thủ đô trong giai đoạn cùng cả nước bước vào vận hội mới

Ngay trong quý I/2007, các đồ án điều chỉnh quy hoạch chung huyện Gia Lâm, Thanh Trì, Sóc Sơn được triển khai từ tháng 8/2006 sẽ hoàn thành. Bên cạnh đó, Sở QH-KT tập trung vào triển khai xây dựng các đồ án lớn như quy hoạch chung hai bên bờ sông Hồng, quy hoạch chung hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực Bắc sông Hồng tỷ lệ 1/5.000 được triển khai nghiên cứu.

Đồng thời cùng với Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội để trình Chính phủ. Đối với quy hoạch khu vực sông Hồng, UBND thành phố và chính quyền thành phố Seoul (Hàn Quốc) đã thoả thuận hợp tác nghiên cứu. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, Sở đã tiến hành thương thảo với phía Seoul và ký đề cương tham chiếu của dự án. Hiện tại, thành phố đã thành lập tổ công tác chuyên trách phối hợp với đoàn nghiên cứu của thành phố Seoul.

READ MORE