Báo cáo mới đây của Chính phủ gửi UBTV Quốc hội cho biết, trong chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng an ninh, việc phân bổ quỹ đất thời gian qua đã từng bước đạt được những mục tiêu nhất định.Những mục tiêu đó nằm trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc thu hồi, giao, cho thuê đất, hạn chế có hiệu quả việc chuyển đất lúa nước, đất lâm nghiệp có rừng sang mục đích khác.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhìn nhận công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai thời gian qua còn nhiều yếu kém, vướng mắc: tiến độ thực hiện ở các cấp, nhất là cấp huyện, xã còn chậm. Đến nay còn 20% cấp huyện và 34% cấp xã chưa lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Hầu hết các bản quy hoạch địa phương được xét duyệt trước ngày Luật đất đai được thông qua nhưng đến nay chưa điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế đã biến động. Mới chỉ có 4 tỉnh hoàn thành việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cả 3 cấp là Bắc Giang, Hà Nam, Kon Tum và Bình Phước.
Thiếu cân bằng về đất sản xuất, kinh doanh
Theo thống kê cụ thể từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong giai đoạn từ 2001 đến 2005, cả nước đã đưa 24,8 triệu ha đất vào hoạt động nông nghiệp, vượt 1,8 triệu ha so với kế hoạch. Trong đó, diện tích trồng lúa đạt 4,1 triệu ha, vượt 3,1% so với kế hoạch nhưng vẫn thấp hơn 302.500 ha so với giai đoạn trước đó. Chỉ có đất lâm nghiệp tăng đáng kể về con số tuyệt đối, đạt 14,7 triệu ha, tăng 3 triệu ha so với năm 2000 và đất nuôi trồng thuỷ sản vượt 27%, đạt 700.000 ha.
Tuy nhiên, thực hiện chuyển đổi nhóm đất phi nông nghiệp chưa đạt so với yêu cầu. Sau 5 năm thực hiện, diện tích này đạt 3,2 triệu ha, đạt 89,6% và hụt 373.700 ha so với kế hoạch được giao, giảm 20.900 ha so với trước giai đoạn. Quá trình đô thị hoá đạt 103.600 ha, vượt 23% (19. 900 ha) so với kế hoạch đã không bù đắp được phần diện tích đất ở nông thôn giảm mạnh, chỉ đạt 53% và hụt 436.000 ha so với kế hoạch.
Theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ của 51 tỉnh, thành, cả nước hiện có 2.052 dự án khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn với tổng diện tích đất được giao, cho thuê là 27.068 ha, trong đó diện tích đã đầu tư là 9.427 ha.
Nhìn chung, tiến độ triển khai các dự án phát triển các khu đô thị mới, các khu dân cư nông thôn đều chậm so với tiến độ, nhiều dự án không triển khai được dẫn đến bỏ đất không sử dụng nhiều năm.
Tương tự, diện tích đất chuyên dùng có đạt kế hoạch với 1,9 triệu ha, nhưng trong đó đất dành cho khu công nghiệp và khu chế xuất, phát triển kết cầu hạ tầng kỹ thuật chỉ đạt khoảng 51.000 ha, đạt 65% và hụt 27.000 ha so với kế hoạch. Hơn một nửa số khu công nghiệp, khu chế xuất đạt tỷ lệ giao, cho thuê đất 79%, còn lại, tỷ lệ lấp đầy chỉ đạt trung bình 14%. Thậm chí, một số địa phương sử dụng nhiều đất trồng lúa, đất có ưu thế sản xuất nông nghiệp, đất khu dân cư tại những vị trí có hạ tầng kỹ thuật tốt để xây dựng các khu công nghiệp trong khi có khả năng sử dụng các loại đất khác.
Điều đó dẫn đến tình trạng nông dân thiếu đất hoặc không có đất để sản xuất thì một diện tích đất nông nghiệp không nhỏ được chuyển sang xây dựng các khu công nghiệp hiệu quả sử dụng thấp, thậm chí không sử dụng trong nhiều năm liền.
Giải pháp vốn và vận động đầu tư
Theo đánh giá của Uỷ ban kinh tế và ngân sách của Quốc hội, trong nhiều nguyên nhân gây ra mất cân bằng sử dụng đất, có 2 yếu tố vừa là lý do vừa là giải pháp khắc phục 2 khâu quan trọng là cân đối đủ nguồn vốn cho xây dựng hạ tầng và công tác vận động đầu tư.
Theo đó, trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2006- 2010, Nhà nước sẽ đặc biệt chú trọng đến những biện pháp tiết kiệm cao nhất diện tích đất trồng lúa nhiều vụ cho năng suất cao phải chuyển sang mục đích phi nông nghiệp, bảo vệ đất nông nghiệp, có khả năng thâm canh cao.Khuyến khích việc sử dụng đất không sử dụng hoặc hiệu quả thấp trong trồng lúa nước để xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị. Chấn chỉnh tình trạng lấy đất tốt trong nông nghiệp để ồ ạt xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị hiện nay. Theo yêu cầu chung, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời gian tới phải bảo đảm tính liên thông trong phát triển giữa ngành và địa phương, liên vùng, liên ngành. Quy hoạch đất đai phải tính đến yêu cầu phát triển ít nhất 10-15 năm sau nên phải tổ chức tốt công tác nghiên cứu, nâng cao chất lượng dự báo nhằm ổn định hơn các bản quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Riêng đối với đất xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, phải giảm thiểu tình trạng điều chỉnh một cách chắp vá, hạn chế tình trạng thu hồi đất mà không sử dụng. Đối với đất khu công nghiệp, khu chế xuất, thời gian tới các cơ quan chức năng sẽ tiến hành rà soát, đánh giá toàn diện các yếu tố, nhất là lợi thế so sánh để hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể giai đoạn 2006-2010, khắc phục tình trạng phát triển ồ ạt, không sát với nhu cầu và khả năng đầu tư. Trong đó, thực hiện công bố công khai kế hoạch sử dụng đất trong các khu công nghiệp nhằm cung cấp đầy đủ thông tin cho người dân, đặc biệt là người dân có đất trong vùng quy hoạch khu công nghiệp để kịp thời xử lý tranh chấp, khiếu nại liên quan đến thu hồi, đền bù giải toả.
Đối với đất hạ tầng kỹ thuật, giao thông, thuỷ lợi, chủ trương sẽ có những quy hoạch dựa trên căn cứ hệ thống đường sá, cảng biển phù hợp với một nước công nghiệp quy mô dân số trên 100 triệu người. Do quỹ đất này phần lớn lấy từ đất nông nghiệp nên phải áp dụng các công nghệ tiên tiến trong đầu tư xây dựng các công trình giao thông, thuỷ lợi. Một công trình phải được sử dụng vào nhiều mục tiêu, kiên cố hoá công trình, khai thác nhiều tầng của đất.
Cuối cùng, đối với đất ở, UBTV Quốc hội cho rằng đây là lĩnh vực phải ưu tiên hoàn thành việc lập và công khai các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Ngoài các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phù hợp, các khu đô thị mới sắp tới phải có quy mô xây dựng đủ lớn từ 50 ha trở lên, trong điều kiện cụ thể từng địa phương thì thấp nhất phải trên 20 ha. Hạn chế tối đa việc sử dụng đất có lợi thế cao phát triển nông nghiệp vào mục đích xây dựng đô thị…