Wind and Water (gió và nước), một ứng dụng khí động học trong thiết kế xây dựng, nhằm biến ngôi nhà thành máy điều hòa tự nhiên và không tiêu hao năng lượng. Kiến trúc sư trẻ Võ Trọng Nghĩa – nghiên cứu sinh xây dựng Đại học tổng hợp Tokyo, Nhật Bản, là tác giả của ý tưởng này.

Ứng dụng khí động học vào thiết kế những ngôi nhà được xây cất bằng tre hoặc tầm vông, tranh và không dùng bê tông, cốt sắt, có thể thông gió từ nhiều chiều, kể cả tầng hầm.

“Khi đặt bút vạch một nét trong bản thiết kế kiến trúc, tôi phải tính toán đến nhiều yếu tố để làm sao từng phần của công trình kiến trúc thu hút và luân chuyển nhiều gió nhất”, kiến trúc sư 29 tuổi Võ Trọng Nghĩa cho biết. Đấy là thiết kế đặc biệt khiến mái nhà trở thành bộ phận thu gió, các phòng có tác dụng thông gió. Điểm vào toàn bộ kiến trúc là hồ nước trong khuôn viên nhà đóng vai trò như một hệ thống làm lạnh tự nhiên. Chỉ cần một dãy cột ở giữa, 2 mái nhà được treo cố định mở ra thanh thoát và lãng mạn như những cánh buồm.

Việc ứng dụng khí động học trong kiến trúc đã được Nghĩa triển khai đầu tiên tại quán cà phê 1131 ở thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Đây cũng là một trong số nhiều mẫu thiết kế theo ý tưởng đưa Gió và Nước vào kiến trúc đã được tác giả “trình làng” tại cuộc triển lãm Eco Building ở Tokyo, Nhật Bản vào tháng 10 và được in trong Tuyển tập những công trình kiến trúc bền vững – hay của Châu Á do Hội Kiến trúc sư Nhật Bản bình chọn. Thiết kế của 1131 cũng đoạt luôn giải thưởng Thể loại công trình của hội kiến trúc sư Việt Nam đầu năm nay.

Khi mới ra đời, một số người cho rằng, mô hình này sẽ kén khách hàng do quá lý tưởng. Tuy nhiên, Kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa tỏ ra tự tin sẽ ứng dụng thành công khí động học vào thiết kế kiến trúc tại Việt Nam.