Những vấn đề phức tạp trong việc sử dụng đất đô thị tại TP.HCM, nhất là tại các khu đô thị hoá được phân tích tại hội thảo “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất trong khu vực tân đô thị” (do Đại học Quốc gia TP.HCM và Sở Tài nguyên-Môi trường tổ chức sáng 6/4) cho thấy việc sử dụng đất đô thị tại TP.HCM đang manh mún và không đồng bộ.

Theo PGS-TS Trần Thị Thu Lương (ĐHQG TP.HCM), diện tích đất tại 6 quận mới (2, 7, 9, 12, Thủ Đức và Bình Tân) khoảng 35.000 ha, chiếm 17% diện tích đất toàn TP.HCM. Trong vòng 5 năm (2000-2005), đất ở đô thị đã lấn dần đất nông nghiệp với mức sử dụng tại các quận mới hầu hết trên 1.000 ha. PGS-TS Thu Lương nói: “Nhìn tổng quan như thế để thấy rằng tốc độ đô thị hoá là khó có thể cưỡng lại được. Tuy nhiên những chính sách đi kèm để quản lý và sử dụng đất vẫn chưa phát huy hết tiềm năng của đất đai. Đó là vẫn tồn tại đất sử dụng không theo quy hoạch (QH) hoặc phá QH, tồn tại một diện tích lớn đất hoang hoá do QH “treo”, thị trường bất động sản đóng băng”. Nhìn từ góc độ khoa học, GS Lê Huy Bá đưa ra một cảnh báo “chấn động”: “Trong 20 năm nữa, khi nhiệt độ trái đất nóng lên 1,5 – 2 độ C, băng ở 2 cực tan, nước biển dâng cao 50 – 100cm thì cả vùng Thủ Thiêm, Nhà Bè sẽ bị nhấn chìm trong nước” (!). Vì thế, GS Lê Huy Bá cho rằng TP.HCM cần tập trung phát triển về hướng Bắc-Tây Bắc (Củ Chi, Thủ Đức) chứ không nên phát triển về phía Đông và Đông-Nam (!).

Thừa nhận những bất cập trong công tác QH hiện nay, ông Nguyễn Trọng Hoà, Giám đốc Sở QH-KT cho biết, đến cuối 2005 hầu hết các quận, huyện đã phủ kín QH 100% trên đất cần lập QH. Tuy nhiên vẫn còn tình trạng QH xây dựng “một đàng”, QH sử dụng đất lại “một nẻo”. TS Võ Kim Cương cũng cho rằng: “Bản chất của QH được thể hiện rõ nét nhất trong QH xây dựng. Không thể tại cùng một khu vực đô thị mà bị 2 đề án QH (xây dựng và sử dụng đất) chi phối”.

Đề cập đến việc phải có giải pháp cho hàng trăm ngàn căn nhà xây dựng tự phát tại các quận ven từ chủ trương phân lô hộ lẻ, ông Nguyễn Văn Hồng – Trưởng phòng Đăng ký và kinh tế đất, Sở TN-MT cho rằng: “Các dự án phân lô hộ lẻ trước ngày 13/3/2002 nếu phù hợp với QH sử dụng đất được duyệt và có hạ tầng hoàn chỉnh thì cần phải giải quyết hồ sơ pháp lý cho người dân theo quy định”. Tuy nhiên, điều lo lắng của ông Hồng là việc từ nay đến cuối năm 2006 phải cấp giấy chứng nhận cho hơn 200 ngàn căn nhà trên toàn TP.HCM, trong khi mức đóng góp tiền sử dụng đất lại quá cao cũng là một yếu tố gây khó khăn cho việc hợp thức hoá nhà đất của người dân.