Skip to Content

Category Archives: Kết cấu & Xây dựng

Giải thích cho bạn Đặng Ngọc Hoà về khái niệm hồ bơi

Phiền WEDO cho mình hỏi 2 câu sau: 1) Khái niệm hồ bơi. 2) Hồ bơi gồm có những gì? Chân thành cảm ơn!

WEDO trả lời

Bạn Ngọc Hoà thân mến

Trước khi có được khái niệm “hồ bơi”chúng ta nên hiểu về khái niệm “bể bơi”. Bể bơi là nơi chứa nướcđể bơi lội (từ điển tiếng Việt) và bể bơi có nguồn gốc nhân tạo (đứng trên phương diện nguồn gốc hình thành), diện tích thường nhỏ, giới hạn trong một khuôn viên hoặc trong nhà.

– Hồ bơi là khái niệm dùng để chỉ ao nước, hồ nước có nguồn gốc từ tự nhiên hoặc nhân tạo, có diện tích lớn hàng nghìn m2 ở ngoài tự nhiên hoặc được con người tạo ra trong khuôn viên rộng, có mực nước sâu không quá 1m6 hoặc được ngăn khu vực để tạo thành chỗ an toàn để có thể bơi lội.

– Hồ bơi: Có thể có bãi cát, kè bờ, cảnh quan tự nhiên độ sâu trung bình không quá 1m6 của nhà thiết kế, nước vào hồ bơi thường là nước có nguồn gốc từ tự nhiên (từ nước ngầm, từ sông suối …) đạt được độ trong cũng như độ ô nhiễm cho phép (kết quả này có được do kiểm nghiệm chất lượng nước). Không có các loài thực vật, động vật gây ngứa, ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.

Chúc bạn thành công

READ MORE

Cầu thang không chỉ là đường lên xuống

Trong quan niệm kiến trúc cổ truyền, cầu thang của một ngôi nhà không chỉ đơn giản là đường lên xuống mà còn là đường dẫn khí của căn nhà từ thấp lên cao vì vậy có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tài lộc của gia chủ.

Một ngôi nhà được đánh giá là đẹp, theo quan niệm của thuật phong thủy không những phải có điều kiện môi trường tốt như: địa thế cao, địa chất vững chắc, mưa bão không ngập nước hay sạt lở, ánh sáng đầy đủ, không khí trong lành, xung quanh không có tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước âm thanh; giao thông thuận tiện, khả năng cung ứng nhu cầu vật chất và tinh thần tốt như gần trường học, bưu điện, ngân hàng, siêu thị, bệnh viện…. mà còn cần phải có một bố cục cơ bản trong nội thất, đảm bảo ánh sáng, không khí lưu thông, sự phân bố hài hòa, an toàn, thoải mái.

kane6

Một trong những yếu tố cần phải đặc biệt quan tâm khi sắp đặt bố cục nội thất của căn nhà là hệ thống cầu thang. Có một số quy tắc chuẩn trong thiết kế cầu thang:

Số bậc

Trong phong thủy cổ truyền, xác định theo phương pháp có tên gọi là: “Sinh – Lão – Bệnh – Tử” theo số đếm của bậc cầu thang. Còn cách gọi nữa là: “Thành – Bại – Hủy – Diệt”. Với cả hai cách gọi thì chúng ta thấy chu kỳ tốt nhất là 1 + 4. Như vậy số bậc cầu thang sẽ là N:4 dư 1. Ngày nay, khoa học hiện đại cũng đã xác định được rằng: Số bậc cầu thang liên quan đến nhịp tim, tất nhiên tác động đến sức khỏe và tâm lý con người thường xuyên đi lại trên cấu thang đó, vì vậy cần có những tính toán kỹ lưỡng khi thiết kế cầu thang của một ngôi nhà.

cauthang 2

Vị trí và hướng

Vì cầu thang còn là đường dẫn khí cho phía trên của cả ngôi nhà nên phải bắt đầu từ vị trí có nguồn năng lượng tốt, ví dụ như:

* Cầu thang không được đặt tại vùng trung cung. Vị trí tốt nhất của cầu thang là nằm trọn vẹn trong phương vị tốt của căn nhà theo tuổi gia chủ. Trường hợp ưu tiên thứ nhì là bậc đầu tiên của cầu thang phải ở phương vị tốt. Ưu tiên 3 là bậc cuối cùng lên sàn của cầu thang phải ở phương vị tốt.

* Cầu thang bắt buộc phải đi từ hướng tốt đi lên. Ví dụ như trong hình minh họa, hướng tốt của gia chủ là hướng Đông, khu vực tốt trong căn nhà của gia chủ ở góc Tây Nam ngôi nhà và cầu thang được đặt ở vị trí tốt để dẫn khí lên cho những tầng bên trên.

Những điều nên tránh khi thiết kế cầu thang

– Cầu thang không đi thẳng ra hướng cửa chính.

– Không có đà đè lên bất cứ bộ phận nào của cầu thang.

– Cầu thang không đi từ phía sau đi lên.

– Cầu thang không hướng thẳng vào bếp, dù ở tầng nào.

– Cầu thang không đi thẳng vào cửa WC.

– Cầu thang không đặt ở trung cung.

– Hạn chế cầu thang trước mặt tiền nhà.

READ MORE

Tấm 3D – Công nghệ xây dựng sàn tường bằng vật liệu nhẹ

Hiện nay, công nghệ xây dựng nhà sử dụng tấm panel-3D tường, sàn, trần, cầu thang…bắt đầu được người xây dựng quan tâm vì chất lượng vượt trội, khả năng tiết kiệm thời gian thi công nhanh hơn so với thi công bằng các vật liệu truyền thống.

READ MORE

Lưu ý khi thiết kế bar tại gia

Quầy bar trong nhà hàng, quán rượu, cafe là hình ảnh rất quen thuộc, thể hiện sự thư giãn và thưởng thức, thậm trí là nơi giải toả stress. Bar trong nhà ở ngoài những chức năng trên còn có nhiều công dụng khác.

READ MORE

Không gian linh hoạt trong nhà ở

Nhu cầu của con người luôn luôn thay đổi theo chiều hướng phức tạp và đa dạng hơn. Trên lĩnh vực kiến trúc, điều này dễ dàng được chứng minh bằng sự “leo thang” về tiêu chuẩn diện tích sử dụng và sự khác biệt của chúng giữa các quốc gia có nền kinh tế phát triển khác nhau. ở Việt Nam, vào những năm 70-80, tiêu chuẩn diện tích ở của mỗi người dân chỉ ở mức 3-5m2/người.

Đến những năm 90, tiêu chuẩn này đã được điều chỉnh lên mức 6-9m2/người. Trong khi đó tại châu Âu, tiêu chuẩn diện tích ở đã đạt được 15m2/ người từ những năm 80. So sánh như vậy để thấy rằng diện tích ở sẽ tăng lên theo sự tăng trưởng của nền kinh tế. Khi người dân càng có điều kiện về kinh tế, điều tự nhiên người ta sẽ càng chú ý hơn đến việc chăm sóc các nhu cầu bản thân và điều đó liên quan mật thiết đến không gian sử dụng. Rất nhiều các nhu cầu của con người được diễn ra trong các “không gian nhân tạo” mà trong phạm vi bài viết này muốn chỉ giới hạn trong phạm vi không gian nhà ở.

06 2

Không gian càng lớn thì sự thích ứng của nó với các nhu cầu khác nhau của con người càng trở dễ dàng hơn. Đó là lý do tại sao đối với những không gian sử dụng mang tính định kỳ, ngắn hạn, người ta lại sử dụng không gian lớn. Điều này dễ thấy ở các không gian công cộng như triển lãm, trưng bày hay siêu thị…. Khi không gian được mở rộng tối đa, cùng với việc bố trí nội thất hay các vách ngăn di động, người ta có thể biến đổi không gian ấy thành nhiều không gian khác nhau một cách linh hoạt mà không lãng phí quá nhiều thời gian hay tiền bạc. Nói một cách khác, không gian kiến trúc ấy đã được “sống” cùng với nhu cầu của con người chứ không bị nhu cầu của con người trong quá trình biến đổi cùng với nhu cầu xã hội làm cho “chết” đi, trở nên lãng phí hay chật hẹp so với hoạt động bên trong. Như vậy, để cho không gian sử dụng có thể có tuổi thọ phục vụ lâu dài cho nhu cầu của con người, một trong những điều kiện quan trọng là nó phải mở rộng tối đa- nó phải linh hoạt.

Trở lại với không gian trong nhà ở. Có sự mâu thuẫn rất lớn giữa việc mở rộng không gian tối đa và diện tích xây dựng cho phép bởi lẽ đối với nhà ở, diện tích đất không thể rộng như công trình công cộng. Và phải chăng để tạo ra được một không gian linh hoạt hoàn toàn chỉ phụ thuộc vào diện tích xây dựng?

Nếu chỉ đơn giản như vậy, chắc chắn rằng để có được một không gian sống linh hoạt thực sự, chúng ta phải mua đất biệt thự. Nhưng vấn đề không phải ở diện tích khu đất, lại càng không phải ở việc phải mở rộng diện tích xây dựng. Khi chúng ta sử dụng không gian kiến trúc, một cách tự nhiên sẽ hình thành một trình tự khai thác không gian mà trong đó, rất khó để chúng ta có thể cùng một lúc sử dụng tất cả các không gian trong nhà.

kov12

Trình tự khai thác không gian ấy phụ thuộc vào thói quen, tập quán sinh hoạt từng gia đình, hay nói rộng hơn, phụ thuộc vào văn hóa, phong tục của từng dân tộc. Những thói quen, tập quán, phong tục hay rộng hơn là văn hóa sống ấy quy định cho không gian kiến trúc ở mỗi vùng, miền, dân tộc khác nhau có những đặc thù khác nhau. Ví dụ như người Việt Nam thích có không gian phòng ăn và bếp rộng để có thể tổ chức cỗ bàn vào dịp Tết. Nghiên cứu kỹ đặc thù ấy, trên cơ sở tìm hiểu trình tự khai thác không gian, có thể nhận thấy rằng để mở rộng không gian sử dụng trong nhà nhằm hướng tới một không gian linh hoạt, ngoài biện pháp mở rộng diện tích đất mang tính định lượng và khó thực hiện, còn có cách khác mang lại hiệu quả tương đương đồng thời lại kinh tế và đặc biệt hợp với khí hậu Việt Nam. Đó là cách “mượn” không gian lẫn nhau và giải pháp không gian linh hoạt với các thiết bị nột thất linh hoạt.

Đây là cách tổ hợp các không gian có chức năng công cộng trong nhà như phòng khách, bếp, phòng ăn… thành cụm không gian, từ đó khi khai thác sử dụng, không gian này có thể “mượn” thêm diện tích của không gian khác để tạo nên không gian lớn. Trong các không gian này sử dụng các thiết bị nột thất linh hoạt để ngăn chia sao cho khi thay đổi nhu cầu sử dụng, các thiết bị này cũng có thể thay đổi theo để đáp ứng được ngay. Ví dụ như một tấm vách trang trí có bản lề ngăn giữa phòng khách và phòng ăn, khi cần có thể gập ép vào tường để trở thành vật trang trí trong khi phòng khách và phòng ăn lại thông được với nhau dễ dàng. Như vậy trình tự khai thác không gian sẽ không bị gián đoạn bởi tường ngăn, trong khi có thể dùng diện tích của phòng ăn như một phần của phòng khách và các chi tiết trang trí nội thất của phòng ăn, thậm chí cả khu bếp sang trọng cũng có thể đóng góp cho việc trang trí phòng khách. ở đây có sự tham gia rất hiệu quả của các thiết bị nội thất linh hoạt, chính những thiết bị này sẽ giúp cho không gian công cộng trong nhà ở được đóng mở hợp lý, cũng trở nên linh hoạt hơn.

hz03

Đối với các không gian mang tính riêng tư như phòng ngủ, vệ sinh, phòng làm việc… có thể sẽ khó hơn trong việc “mượn” không gian bởi lẽ tính riêng tư chi phối quá trình khai thác các không gian này. Nhưng nếu coi việc riêng tư đơn thuần chỉ là kín đáo, chúng ta có thể sử dụng giải pháp ngăn tầm nhìn bằng các tấm tường di động, từ đó khoanh dựng các không gian tương đối mà không cần dùng cửa. Nhờ đó, sẽ có một không gian chảy liên tục có thể điều chỉnh được dễ dàng. Về kết cấu, việc giảm thiểu tường ngăn che sẽ khiến kết cấu đơn giản hơn. Về thông gió, sẽ chỉ phải giải quyết cho một không gian thay vì nhiều không gian nhỏ lắt nhắt. Và cuối cùng, về tổng thể, chủ đầu tư sẽ phải trả ít tiền hơn cho một không gian được sử dụng lâu dài hơn.

Đã qua rồi thời kỳ người ta coi không gian kiến trúc tách rời khỏi trang thiết bị nội thất. Nội thất chỉ được xem xét đến sau khi không gian kiến trúc hình thành. Điều này không chỉ gây lãng phí về kinh tế mà còn khiến cho không gian sống của chúng ta có sự khập khiễng không đáng. Những bài học ngay trước mắt là chủ sở hữu các biệt thự và chung cư ở các khu đô thị mới hiện nay đang rất tốn kém trong việc đầu tư sửa chữa nội thất và không gian sống. Điều này không chỉ dẫn đến việc tốn kém về kinh tế mà còn phát sinh tiêu cực trong công tác cấp phép sửa chữa, từ đó dẫn đến việc không quản lý được chất lượng kỹ thuật và mỹ thuật công trình. Để mang lại hiệu quả sử dụng cao nhất, tất cả các yếu tố cấu thành nên không gian công trình kiến trúc: hình khối, thiết bị, không gian trong và ngoài nhà….cần phải được xem xét, cân nhắc một cách tổng thể và nhất quán, cẩn thận và chi tiết trong quá trình thiết kế để có thể phát huy tối đa công suất sử dụng, đồng thời hướng công tác thiết kế quan tâm nhiều hơn đến tính linh hoạt của không gian, bên cạnh những không gian mang tính cố định hay khép kín. Tính linh hoạt càng cao, không gian kiến trúc càng có thể thích ứng với nhiều nhu cầu khác nhau và do vậy, càng có thể tồn tại lâu dài. Một không gian kiến trúc chỉ thực sự sống khi nó linh hoạt.

READ MORE

Thiết kế bể chứa 3 ngăn

Chào Wedo,

Wedo có thể cung cấp cho tôi bản vẽ chi tiết hầm phân tự hoại 3 ngăn?

Tôi xin chân thành cảm ơn.

Trần Trung Quân.

Wedo trả lời:

Chào bạn Trần Trung Quân.

Wedo xin gửi đến bạn bản vẽ chi tiết cấu tạo của bể xí tự họai ba ngăn, tài liệu do Bộ xây dựng ban hành. Trên thực tế, có nhiều kiểu hình bể xí tự hoại ba ngăn mà các kĩ sư đưa ra phù hợp với từng mảnh đất khác nhau. Nếu bạn muốn một bản vẽ cấu tạo phù hợp với mảnh đất của mình, hãy gửi cho chúng tôi , Công ty tư vấn thiết kế kiến trúc – xây dựng Wedo (Wedo jsc.,) bản vẽ chi tiết mảnh đất của bạn và vị trí định đặt bể phốt. Chúng tôi sẽ vẽ giúp bạn bản vẽ chi tiết.

phuongan0129 betuhoai

Bản vẽ chi tiết

READ MORE

Mở toang phòng tắm

Cuộc sống con người ngày càng đòi hỏi tiện nghi và phòng tắm cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Chức năng thư giãn ngày càng được chú trọng chứ không đơn thuần chỉ là nơi vệ sinh cơ thể nên phòng tắm được “bung” ra thoải mái.

Khi điều kiện sống nâng cao, những phòng tắm rộng vài m2 bị ngăn che bằng những bức tường kín mít sẽ dần bị loại bỏ, thay vào đó là những khu tắm rộng, “không bị giới hạn” không gian, đem lại cảm giác phóng khoáng và thư giãn cho con người:

Phòng tắm mở chủ yếu khác biệt về không gian bởi nơi đó không bị giới hạn bởi những bức tường. Con người sẽ cảm thấy hoà mình với thiên nhiên hơn, phóng khoáng hơn, không còn cảm giác gò bó như trước nữa. Tuy nhiên, các thiết bị và việc bố trí trong phòng thì vẫn giữ nguyên đối với một phòng tắm truyền thống.

pt1

Phòng tắm mở ra sân trong hoặc vườn nhỏ, không có sự ngăn cách.

pt2

Phòng tắm lộ thiên nhưng vẫn kín đáo.

pt3

Phòng tắm kết hợp với giếng trời hoặc sân trong.

pt4

Phòng tắm trong nhà có ít nhất một mặt thoáng rộng để mở cửa nhìn ra không gian đẹp.

pt5

Hoặc ít nhất phòng tắm cũng phải có cửa sổ để lấy sáng và thông gió tự nhiên.

pt6

Trong nhiều trường hợp, phòng tắm không thể thông trực tiếp với không gian bên ngoài, một giải pháp khá thú vị và ngày càng phổ biến là dùng vách kính để phá bỏ sự giói hạn về tầm nhìn trong phòng tắm, hoặc kín đáo hơn là dùng gạch kính để ngăn chia phòng tắm với các không gian khác.

READ MORE

8 Yêu cầu cần thiết để thiết kế nội thất trong phòng trẻ em

Niềm vui của cha mẹ là được thiết kế một không gian sống thật đẹp và hợp lý cho con cái. Nhưng đó là việc làm không hề dễ dàng, bởi phòng cho những công dân nhí có nhiều nguyên tắc thiết kế khác so những căn phòng bình thường của người lớn.

Với trẻ em, giường ngủ có thể là “sân chơi” chính của chúng. Ngoài việc ngủ, những đứa trẻ có thể bày đồ chơi, đọc truyện, nghe nhạc… trên giường. Do đó, có một số nguyên tắc khác bạn nên lưu ý:

1. Hãy nói chuyện với bọn trẻ để biết rõ hơn những trò chơi, những hoạt động mà chúng hứng thú nhất (ngoài những gì bạn nhìn thấy hằng ngày), màu nào chúng yêu thích nhất… Tính cách của bọn trẻ sẽ quyết định chủ đề chính cho căn phòng.

2. Hãy cho phép trẻ em tham gia vào việc thiết kế, hãy để chúng nói lên sở thích của mình, chất liệu cho đồ nội thất và hãy hỏi chúng sẽ bày biện đồ dùng trong căn phòng như thế nào. (Nguyên tắc này đặc biệt quan trọng với những đứa trẻ đã đi học).

3. Hãy biến căn phòng thành một không gian sống đa chức năng bởi bọn trẻ sử dụng phòng riêng cho nhiều hoạt động, chứ không chỉ đơn thuần để ngủ. Vì thế, trong một không gian phải được chia làm nhiều khu khác nhau, chẳng hạn như chơi, đọc sách… cho dù chúng luôn coi chiếc giường là “trọng tâm”.

IMG 0783

Giường có ngôi nhà gấu pooh 2đệm có mái.

4. Cố gắng tạo càng nhiều chỗ chứa đồ càng tốt. Hãy để ý đến việc làm các loại kệ, những giỏ đựng đồ bằng mây tre loại lớn, những dụng cụ chứa đồ bằng plastic trong suốt và đặc biệt, nếu có thể nên tạo một phòng riêng nhỏ để đặt nhiều giá và kệ để đồ.

Anh43

Ghế kết hợp ngăn kéo để đồ chơi

5. Cửa sổ và rèm cửa cần thiết kế đơn giản. Tránh sử dụng những loại rèm cửa quá dài trong phòng trẻ. Các loại mành sáo (ngang và dọc), và các loại rèm vải ngắn là những sự lựa chọn hợp lý nhất. Vải có nhiều hoa văn sặc sỡ, trùng với những đồ vật khác trong phòng như gối, chăn đệm, chụp đèn… là lý tưởng nhất

Anh49

Rèm cửa phòng bé trai

Anh01

Rèm cửa phòng bé gái

6. Chọn hệ thống ánh sáng hợp lý. Trong phòng trẻ vẫn phải sử dụng hai hệ thống đèn chiếu sáng. Chiếu sáng cục bộ (bàn học, đèn ngủ) và chiếu sáng tổng (cho cả phòng). Ánh sáng rất quan trọng và các bạn nên nhận lời khuyên từ các kiến trúc sư.

7. Có thể dùng sơn hoặc giấy dán tường, nhưng cần chắc chắn một điều, cho dù sử dụng vật liệu gì, cũng phải dễ dàng chùi rửa. Nếu chọn sơn, bạn hãy chọn loại có bề mặt hơi bóng một chút. Bọn trẻ con thường thích màu sáng.

Anh02

Sơn tường phòng trẻ bằng vật liệu sơn acrylic không phai và chùi rửa được.

 8. Hãy cho bọn trẻ chọn giải pháp thiết kế, những chủ đề mà chúng yêu thích, chẳng hạn như căn phòng với những ngôi sao và bầu trời, những thiên thần, bóng đá hay một môn thể thao nào khác, một phòng ngủ cho công chúa, quang cảnh dưới biển, tàu vũ trụ ngoài không gian, ôtô đua, máy bay, tàu hỏa, những khu rừng, rồng lửa, khủng long…

Thiết kế thành công một căn phòng cho trẻ là tạo ra cơ hội tuyệt vời để bạn thể hiện những ý tưởng thú vị, nhưng đồng thời cũng tạo ra một không gian ấn tượng cho ngôi nhà, để bạn có thể tự hào khoe mỗi khi khách đến. Và tất nhiên, đó là chỗ để bạn tìm thấy niềm vui nhất.

Hình đồ nội thất và đồ trang trí nôị thất trẻ em sử dụng tư liệu của nội thất trẻ em “Thuyskids”; địa chỉ số 104b Sơn Tây, Hà Nội.

 

READ MORE

Xây nhà siêu nhỏ, các vấn đề cần lưu ý

Tôi có một mảnh đất mặt tiền rộng 5,5m sâu 2,3m, vị trí tại mặt đường mới mở Kim Liên – Ô Chợ Dừa, xin hỏi Wedo nhà tôi được phép xây dựng bao nhiêu tầng?Xin cám ơn.

Trần Ngọc Vũ, Đống Đa – Hà Nội

Trả lời: 

Bạn Vũ thân mến, nếu diện tích kể trên của mảnh đất nằm hoàn toàn trong chỉ giới xây dựng chúng ta sẽ có tổng diện tích là 12,65m2, như vậy theoQuy định, nhà bạn không được phép xây dựng mà phải hợp khối với các Hộ lân cận hoặc chờ quyết định thu hồi của thành phố. Bạn có thể tìm hiểu chi tiết một số thông tin dưới đây để biết rõ hơn về những quy định này.

Theo Quyết định 39 của Thủ Tướng, nếu phần diện tích đất còn lại nhỏ hơn 15 m2, có chiều rộng mặt tiền hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng nhỏ hơn 3 m thì không được phép xây dựng.Nếu phần diện tích đất còn lại từ 15 m2 đến 40 m2 có chiều rộng mặt tiền từ 3 m trở lên và chiều sâu so với chỉ giới xây dựng từ 3 m trở lên thì được phép xây dựng không quá 2 tầng.

Bạn nên nghiên cứu kỹ trước khi đưa ra quyết định đầu tư xây dựng. Chúc bạn thành công.

READ MORE

Kinh nghiệm tìm người thiết kế nội thất

Tìm đến sự giúp đỡ, tư vấn của một chuyên gia, một nhà thiết kế chuyên nghiệp trước khi đặt nền móng cho ngôi nhà luôn là một việc nên và cần phải thực hiện đối với những người chuẩn bị xây nhà mới. Tuy nhiên, cũng không phải đơn giản chỉ là cố gắng tìm cho được một chuyên gia giỏi…

Nếu là lần đầu tiên xây nhà, bạn nên tham khảo trong bạn bè, bà con những người đã từng có sự tiếp xúc, làm việc với các chuyên gia thiết kế nội thất để có thể được giới thiệu một người chuyên nghiệp, có kinh nghiệm và có uy tín.

Việc tham quan một vài kiểu thiết kế của những người ở cùng địa phương có thể cho bạn một ý tưởng về kiểu thiết kế phù hợp với tập quán cũng như những điều kiện tự nhiên của nơi mà mình sẽ ở.

13 640

Nếu bạn chưa từng có ý tưởng nào về ngôi nhà của mình thì nên tìm đọc những cuốn sách chuyên môn, từ các kiểu thiết kế trong sách bạn có thể tổng hợp cho mình một kiểu riêng. Trước khi tìm đến sự tư vấn của nhà chuyên môn, người chủ nhà cần phải có một ý tưởng phác thảo về các khu, mục đích của việc sắp đặt… trong ngôi nhà. Nếu bản thân bạn cũng không biết mình muốn tìm điều gì từ kiểu thiết kế nội thất trong căn nhà mà mình sẽ sống, nhà tư vấn dù giỏi thế nào cũng khó lòng giúp bạn đạt được ý nguyện.

Để đạt được kết quả tối ưu, bạn nên có sự gặp gỡ, trao đổi, bày tỏ rõ suy nghĩ, mong muốn của mình với các nhà chuyên môn. Càng hiểu rõ bạn, nhà thiết kế sẽ càng đưa được những ý tưởng thiết kế tốt nhất với bạn. Khi gặp các nhà thiết kế, cần tuân thủ các nguyên tắc sau:

Cần thông tin đúng

Sử dụng dịch vụ trang trí nội thất chuyên nghiệp có thể là một kinh nghiệm tốt. Nó sẽ giúp cho căn nhà của bạn có tính liền lạc, công năng rõ ràng và đẹp. Có thể bạn sẽ hoài nghi về sự tốn kém nhưng làm việc với một nhà chuyên nghiệp giúp bạn trong nhiều trường hợp, tiết kiệm tiền bạc trong cách sử dụng vật liệu thông minh, sử dụng nhân công hợp lý cũng như sẽ tránh được những sai lầm có thể mắc phải, gia tăng tính sáng tạo của dự án. Việc tìm kiếm một nhà thiết kế nội thất sẽ dễ hơn nhiều một khi ta có những thông tin đúng về họ và sau nữa là những chiến lược đúng khi làm việc với họ.

Hãy nói điều mình muốn

Hãy thu thập những mẫu màu mà bạn thích, giữ những bức ảnh để minh họa những gì bạn thích và không thích. Nghĩ về những kiểu bày biện mà bạn muốn… Hãy lắng nghe tất cả những ý kiến nhưng đừng bao giờ đi ngược lại những điều nằm trong trái tim của bạn.

21 1200

Lắng nghe và lắng nghe

Hãy lắng nghe, trao đổi và… lắng nghe. Làm một bảng tóm tắt ngắn gọn. Nhà thiết kế sẽ nói với bạn cách mà họ làm việc, họ sẽ chịu trách nhiệm điều gì và thời gian tiến hành dự án. Bạn nên giải thích đầy đủ ý tưởng của mình và công khai ngân sách.

Tài chính: phải cụ thể

Vạch ra dự án với mục tiêu và những khoản chi trả theo từng giai đoạn nếu thấy cần thiết. Mỗi nhà thiết kế có những cách tính phí khác nhau: theo mét vuông sàn, theo giờ hay theo số phần trăm giá trị đầu tư. Ngay cả khi bạn không muốn tốn quá nhiều tiền cho việc này, vẫn có cách để sử dụng thiết kế chuyên nghiệp với chi phí thấp.

Khai thác thiết kế

Cung cấp thông tin cho chuyên gia thiết kế những nhu cầu, sở thích của bạn càng nhiều càng tốt, có thể trình bày bằng cả lời nói và hình ảnh. Ðiều này sẽ cho phép nhà thiết kế khởi đầu việc sáng tạo ra không gian ấn tượng dành riêng cho bạn.

Và cuối cùng, chớ nên tin vào và làm theo những ý tưởng mang tính “đột biến”. Một người thiết kế chuyên nghiệp, trước khi thực hiện bản vẽ nhất thiết phải biết rõ mục đích sử dụng, ý thích cá nhân và những điều kiện tự nhiên xung quanh ngôi nhà, căn phòng mà mình sẽ thiết kế. Có như vậy thì “sản phẩm” mới đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng: vừa mang lại sự thoải mái cho người sử dụng, vừa thực sự là một tác phẩm nghệ thuật – nghệ thuật thiết kế nội thất.

READ MORE

Biện pháp an toàn đối với ngầm cao tầng

Tầng ngầm của những cao ốc là một trong những phần việc rất quan trọng, không chỉ có vai trò với công trình mà còn với những công trình lân cận. Chính vì vậy, khi tiến hành khảo sát địa chất cũng như xác lập quy trình kỹ thuật xây dựng tầng ngầm đòi hỏi phải có những yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt của lĩnh vực xây dựng ngầm.

Trao đổi của SGTT với PGS-TS Nguyễn Bá Kế – chuyên gia xây dựng hầm sâu về những nguyên tắc khi thực hiện các công trình hầm ngầm:

Vai trò của tường vây

Theo TS Kế, tường vây quanh hệ thống ngầm phải có chiều dày cũng như độ sâu tương ứng với độ sâu của tầng ngầm và tuỳ thuộc vào cấu trúc của đất tại khu vực xây dựng. Về mặt lý thuyết, bề dày tường vây của tầng ngầm thường thay đổi từ 40 – 100 cm hoặc hơn. Hầm ngầm càng sâu, độ dày của tường vây càng tăng lên. Ngoài ra, nếu xung quanh là những công trình quan trọng như cao ốc, bảo tàng, đường cáp điện hay khí đốt, những công trình có yêu cầu đặc biệt cần bảo vệ…, độ dày của tường vây phải dày hơn. Những chỉ số tính toán này sẽ được nhà thiết kế công trình ngầm xác định dựa trên những yêu cầu vừa nêu.

Còn về độ sâu của tường vây (phần ngập trong đất), thường từ 0,7 đến 2 lần so với độ cao tổng thể của tầng hầm, tuỳ thuộc vào loại đất và mực nước ngầm. Ví dụ, hầm sâu 12 m (3 tầng, tính từ trần của tầng hầm đầu tiên đến sàn của tầng hầm cuối cùng) thì độ sâu của bức tường vây phải là 8 – 24 m! Tuy nhiên, độ sâu này có thể lớn hơn chỉ số trên nếu địa chất ở khu vực xây dựng thuộc vào dạng yếu. Trong khi xây dựng tường vây, nếu quá sâu phải có những “văng chống hoặc neo” có chức năng giữ tường vây được ổn định trong suốt quá trình thi công.

Nhưng đó chỉ là mặt lý thuyết, còn thực tế xây dựng như thế nào mới là điều quan trọng. Trước hết, khi tiến hành thi công tường vây, nhà xây dựng phải đặt mốc “quan trắc liên tục” để xem thử những bức tường này có bị “lún” cũng như “chuyển vị” hay không khi đào đất ở giữa. Đây là một trong những yếu tố bắt buộc khi thi công các công trình ngầm. Không chỉ quan trắc tường vây mà cần phải quan trắc cả khu vực xung quanh công trình trong phạm vi bán kính “gấp đôi” chiều sâu của bức tường được tính từ mặt đất cho đến mặt sàn của tầng hầm cuối cùng. Ví dụ, bức tường sâu 12 m thì bán kính quan trắc là 24 m.

Quan trắc địa kỹ thuật để làm gì? Những thông số này giúp đơn vị thi công công trình và các cơ quan chức năng biết trước được những tác động xấu sẽ xảy ra để từ đó cân nhắc gia cố thêm tường hay không hoặc thay đổi phương pháp thi công. Việc quan trắc này không chỉ nhằm an toàn cho toàn cao ốc mà còn cả các công trình lân cận, con người và các sinh hoạt bình thường của cư dân.

Địa chất công trình – rất phức tạp

Với những công trình phức tạp như vậy, theo TS Kế, không thể không có việc khoan địa chất để thiết kế công trình nhưng cần làm rõ hồ sơ khảo sát địa chất đó có đúng với thực tế địa chất khu vực đó hay không? Ngoài ra, kết quả đo đạc của nhà thầu trong quá trình thi công ra sao có dấu hiệu nguy hiểm không… cũng phải được tường minh. Những câu hỏi trên cần có được hồ sơ cụ thể, các chuyên gia sẽ không quá khó để xác định trách nhiệm của từng bên.

Một chuyên gia về lĩnh vực cơ học đất nền móng công trình cho biết thêm, có thể khi khoan địa chất công trình cao ốc, họ chỉ khoan ngay tại khu vực xây dựng nên không thể phát hiện ra những “túi đất yếu” hay những “vùng địa chất phức tạp” ở vùng đất lân cận.

Sau này, trong quá trình xây dựng, do biến đổi của thời tiết, địa chất, của việc thi công xây dựng tường vây… mà những “túi đất yếu” đó “bục” ra. Khi những túi nước này bục ra, tạo áp lực nước lớn, gặp những đầu mối bêtông kém chất lượng, đã chảy vào hầm ngầm, kéo theo lượng đất lớn ở nền khu vực toà nhà, tạo nền của toà nhà lân cận bị “hẫng”, tạo ra một “lực trượt” cho nền đất bên cạnh tường vây. Có thể địa chất phức tạp chưa được tìm hiểu hết nhưng nhiệm vụ của người thiết kế và thi công tầng hầm phải dùng mọi biện pháp để sớm phát hiện.

Theo chuyên gia này, việc khảo sát để xây dựng những công trình hầm ngầm cần được giới chuyên môn thảo luận kỹ trước khi cơ quan có trách nhiệm đưa ra những quyết định cuối cùng.

READ MORE

Tính toán chiều cao tầng nhà

Chiều cao nhà, chiều cao tầng và số tầng xây dựng thường phụ thuộc vào quy hoạch chung của khu vực. Đối với nhà ở tư nhân, vấn đề chiều cao tầng hoặc chiều cao phòng là đáng quan tâm và tính toán nhất.

Chiều cao nhà là khoảng cách từ nền tầng 1 (hoặc nền đất xung quanh) đến đỉnh cao nhất của mái nhà. Chiều cao tầng là khoảng cách giữa hai sàn nhà, được tính từ sàn tầng dưới đến sàn tầng kế tiếp.

h khach

Với một số gia chủ, chiều cao phòng thấp sẽ tạo cảm giác ấm cúng, gần gũi. Thế nhưng nhiều người lại cho rằng như vậy sẽ bị cảm giác nặng nề, đè nén. Ngược lại, chiều cao phòng lớn có thể tạo cảm giác thoáng đãng, sang trọng, tôn nghiêm, nhưng trong nhiều trường hợp tạo ra cảm giác trống trải, lạnh lẽo… Điều này còn phụ thuộc vào cách trang trí và công năng của phòng. Trong một căn nhà có nhiều không gian sử dụng với mục đích khác nhau, sẽ có cảm giác khác nhau đối với từng không gian sử dụng.

Các yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao của tầng hay từng phòng:

– Chức năng của phòng: Phòng sinh hoạt chung, phòng khách là nơi tiếp khách, tập trung sinh hoạt gia đình nên cần tạo cảm giác rộng rãi và trang trọng. Chiều cao nên cao hơn các phòng khác, đôi khi có thể gấp đôi, nhất là đối với khoảng thông giữa hai tầng có diện tích rộng làm phòng khách, sinh hoạt chung, sảnh… Chiều cao gợi ý từ 3,6 m đến 5 m. Phòng thờ nếu cần cảm giác trang nghiêm, chiều cao không nên thấp hơn các phòng thông dụng. Phòng ngủ, phòng ăn, phòng bếp, phòng làm việc nên tạo cảm giác ấm cúng và tránh sự trống trải. Chiều cao phòng nên ở mức trung bình, khoảng 3 đến 3,3 m. Phòng để xe, phòng tắm, phòng kho là những khu vực có tần suất sử dụng thấp, chỉ nên thiết kế chiều cao vừa đủ để tiết kiệm không gian và tiết kiệm kinh phí xây dựng, khoảng 2,4 đến 2,7 m.

h bep

– Đặc điểm diện tích xây nhà: Nếu xây nhà từ 2 tầng trở lên, chiều cao tầng nhà sẽ tỷ lệ thuận với diện tích xây dựng cầu thang bộ. Đối với nhà có diện tích xây dựng lớn thì rất đơn giản khi quyết định chiều cao phòng. Đối với nhà có diện tích dành cho thang nhỏ thì không nên thiết kế tầng cao quá, sẽ gây nên tình trạng độ dốc thang lớn, gây khó khăn và nguy hiểm cho việc đi lại giữa các tầng. Trong trường hợp nhà nhỏ, mà điển hình là nhà lô nhỏ và hẹp chiều ngang, chiều cao phòng cũng không nên thay đổi nhiều, chỉ nên thống nhất cùng một độ cao, khoảng 3 m là thích hợp.

h bath

– Đặc điểm khí hậu: đối với những nhà ở khu vực khí hậu khắc nghiệt, hướng nhà chịu ảnh hưởng xấu của thời tiết và cần sử dụng điều hoà nhiệt độ nhiều thì chiều cao nhà chỉ nên vừa phải để tiết kiệm năng lượng làm mát hoặc sưởi ấm nhà. Chiều cao thích hợp là 3 m đến 3,3 m. Đối với những nhà ở khu vực khí hậu dễ chịu, cần sự thông thoáng tự nhiên, thì nên thiết kế chiều cao nhà lớn hơn, khoảng 3,6 m đến 4,5 m.

– Điều kiện kinh tế: đương nhiên thiết kế tầng nhà càng cao thì kinh phí xây dựng càng cao, kèm theo chi phí hoạt động, bảo dưỡng nhà cũng lớn hơn.

pk thongtang1

Tóm lại, đối với nhà ở tư nhân, chiều cao tầng (phòng) thông dụng nên phân làm 3 mức cơ bản: phòng thấp (từ 2,4 đến 2,7 m), phòng tiêu chuẩn (từ 3 m đến 3,3 m), phòng cao (3,6 đến 5 m). Căn cứ quy hoạch chung của khu vực, điều kiện khí hậu, đặc điểm của mảnh đất, chức năng sử dụng của từng không gian mà chúng ta sẽ chọn ra được chiều cao cho từng phòng và tầng một cách hợp lý và hiệu quả nhất.

READ MORE