Skip to Content

Category Archives: Quy hoạch xây dựng

Tháng 6, Hà Nội sẽ có “chợ” nhà đất

Ngày 12/4, UBND TP Hà Nội đã có cuộc họp để lấy ý kiến các sở, ban, ngành về Đề án quản lý và phát triển thị trường bất động sản (BĐS) trên địa bàn Hà Nội. Theo đó, Nhân dân Thủ đô, các nhà đầu tư có một địa chỉ tin cậy để thực hiện các giao dịch, cầm cố, thế chấp, tìm thông tin về giá đất, quy hoạch, chính sách đất đai… Theo dự kiến, Hà Nội sẽ có một sàn giao dịch BĐS và “chợ” nhà đất này sẽ có thể đi vào hoạt động từ tháng 6 năm nay.

Theo điều tra mới nhất của Sở TNMT&NĐ Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có gần 3.000 trung tâm, văn phòng hoạt động trên lĩnh vực kinh doanh nhà đất nhưng chưa có đơn vị nào đăng ký với các cơ quan chức năng, do đó vai trò quản lý nhà nước không thực hiện được. Hà Nội hiện cũng đã thành lập 1 văn phòng và 2 trung tâm hoạt động về BĐS nhưng chủ yếu thực hiện nhiệm vụ về BĐS thuộc sở hữu Nhà nước theo sự chỉ đạo và điều hành của các cơ quan quản lý Nhà nước. 

Theo ông Vũ Văn Hậu, Giám đốc Sở TNMT&NĐ nhận định, trong thời gian vừa qua, thị trường BĐS có nhiều biến động về giá cả và chưa thể nhận biết được đâu là giá ảo, đâu là giá thật. Những giao dịch “ngầm” trong thị trường BĐS nhằm mục đích đầu cơ phần nào nằm ngoài sự kiểm soát của Nhà nước, gây thất thu thuế nghiêm trọng và trở ngại trong quản lý.

Cũng chính vì lý do này, Hà Nội là một trong 3 thành phố (Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng) được chọn thí điểm thành lập Trung tâm Giao dịch BĐS.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Quý Đôn, đến thời điểm hiện nay, việc ra đời sàn giao dịch BĐS của thành phố là rất cần thiết, nhằm tăng cường quản lý và tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường BĐS tại Hà Nội phát triển lành mạnh, minh bạch.

Ông Lê Quý Đôn cũng thừa nhận, chợ “BĐS” là vấn đề khá mới, không dễ thực hiện. Trước mắt, Hà Nội nên đưa những giao dịch mua bán, tư vấn các hoạt động liên quan đến BĐS, sau đó mới mở dần ra. Phải tạo ra một quỹ hàng hoá, sản phẩm theo hướng vừa là hàng, vừa là tiền. Về dịch vụ tư vấn, không chỉ trú trọng đến việc thu phí mà phải làm thế nào tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mọi pháp nhân hoạt động.

Tính đến thời điểm này, Hà Nội đã cấp được 424.413 ‘sổ đỏ’ cho hộ gia đình, cá nhân- một nguồn hàng lớn tham gia vào thị trường BĐS. Sàn giao dịch BĐS Hà Nội ra đời, các nhà đầu tư và người dân sẽ được cung cấp một cách đầy đủ, trung thực các thông tin trong các lĩnh vực liên quan đến BĐS như quy hoạch, các thông tin về chính sách và đường lối phát triển của Nhà nước, thành phố; thông tin về các dự án BĐS trên địa bàn thành phố; dịch vụ cung cấp các thông tin giúp các cơ quan có thẩm quyền thực hiện công tác định giá BĐS phục vụ các mục đích thu thuế và lệ phí…

READ MORE

Sự vô lý của giá nhà dự án

Phải đợi đến khi một số cán bộ của một cơ quan Trung ương “tẩy chay” nhà chung cư tại một dự án khu đô thị mới dù đã có tên trong danh sách được duyệt mua nhà theo giá ưu đãi của thành phố vì giá quá cao (khoảng 9 triệu đồng/m2), các cơ quan chức năng của Hà Nội mới tá hỏa lên rằng, các chủ đầu tư đã tự đưa giá nhà (giá gốc) lên mức quá cao so với giá thành.

Giá nhà chung cư thương mại của Hà Nội tại các khu đô thị mới rẻ nhất trung bình ở mức 5,3 triệu đồng/m2, đa phần ở mức 8-10 triệu đồng, có những khối nhà nằm trong nội đô giá tới 12 – 15 triệu đồng/m2. Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường và Nhà đất Hà Nội Vũ Văn Hậu thừa nhận, giá nhà tại một số dự án hiện ở mức quá cao: “Ở mức giá 8 triệu đồng/m2 thì với một căn hộ hiện đại rộng chừng 100m2, người mua sẽ phải trả 800 triệu đồng. Đây là một số tiền lớn, không phải ai cũng có khả năng thanh toán ngay cả khi đã được nhận một số cơ chế ưu đãi của thành phố”.

Theo Quyết định 123/2001/QĐ-UB, các dự án nhà đều phải dành 50% diện tích nhà cao tầng để bán cho cán bộ, công nhân viên (danh sách do thành phố phê duyệt); giá bán nhà tại phần diện tích này cũng do thành phố phê duyệt trên cơ sở chủ đầu tư tự xây dựng. Việc tính toán của Hội đồng thẩm định giá (gồm các chuyên viên của các sở, ngành liên quan như tài chính, nhà đất, đầu tư…) dựa trên những chi phí hợp lý của chủ đầu tư. Chẳng hạn như, tại khu đô thị mới Mỹ Đình II, giá mà chủ đầu tư xây dựng hệ số 1 là 5,3 triệu đồng/m2 nhưng Hội đồng thẩm định chỉ chấp nhận 4,8 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, việc thẩm định này cũng được chăng hay chớ, chủ đầu tư nào “nghiêm chỉnh” thì xin ý kiến thẩm định, còn chủ đầu tư nào lờ đi thì cũng chưa có chế tài nào xử lý…

Một kỹ sư xây dựng từng tham gia thi công nhiều công trình nhà chung cư tiết lộ, với giá vật liệu xây dựng và giá nhân công hiện tại, một khối nhà chung cư cỡ 9 tầng trở lên có giá phần thô khoảng 1,3 triệu đồng/m2, cộng các thiết bị hoàn thiện ở mức trung bình (thiết bị sứ vệ sinh nội địa, ổ khóa Minh Khai, vòi nước Hàn Quốc hoặc Đài Loan…) giá thành 1m2 nhà thành phẩm (gồm cả thuế) cũng chỉ ở mức trên, dưới 2 triệu đồng.

Rất nhiều người, trong đó có Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ cho rằng, giá nhà dự án của Hà Nội quá cao chính là do các chính sách điều tiết mang tính hành chính mà Hà Nội đang áp dụng. Chẳng hạn như, tất cả các dự án đều phải cắt lại 1/4 diện tích đất cho thành phố xây nhà chính sách, 1/2 diện tích nhà chung cư bán theo giá và danh sách do thành phố phê duyệt, 1/2 diện tích còn lại mới được bán theo giá kinh doanh. Các nhà đầu tư do đó phải đẩy giá nhà chung lên cao để “khỏi thiệt”. Tuy nhiên, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Quý Đôn phủ nhận điều này. Ông cho rằng: “Giá cao là do các doanh nghiệp tính vào giá bán cả những chi phí phi chính sách”. Ông Đôn lấy ví dụ: “Do tâm lý muốn thực hiện dự án nhanh, nên nhiều chủ đầu tư đã thực hiện những việc như hỗ trợ địa phương, chi cho các sở, ban ngành… thậm chí dù đã được miễn tiền sử dụng đất, giảm nhiều nghĩa vụ thuế cho nhà chung cư nhưng nhiều chủ đầu tư vẫn tính vào giá bán”…

Dù bởi nguyên do gì chăng nữa thì giá nhà dự án đang ngất ngưởng trên cao đối với người dân. Một đòi hỏi chính đáng từ phía nhân dân là cần đưa giá nhà dự án về đúng với trị giá thực của nó. Giải pháp theo ông Lê Quý Đôn là các chủ đầu tư bắt buộc phải giải trình giá bán nhà trước khi nhận được quyết định giao đất và Hội đồng thẩm định giá thành phố sẽ có trách nhiệm giám định các mức giá mà chủ đầu tư đưa ra. Có vẻ như các chủ đầu tư sẽ không còn được toàn quyền quyết định giá nhà dự án như lâu nay!

READ MORE

Seoul tặng HN 4,27 triệu USD quy hoạch TP bên sông Hồng

Với hơn 4,27 triệu USD, TP Seoul (thủ đô Hàn Quốc) giúp Hà Nội nghiên cứu lập quy hoạch xây dựng đô thị bên sông Hồng.

 Hà Nội sẽ nghiên cứu lập quy hoạch xây dựng một thành phố bên bờ sông Hồng đoạn qua Hà Nội, thay thế hình ảnh quy hoạch ”lổn nhổn” hai bên bờ sông Hồng gây mất mỹ quan hiện nay.

Dự án nghiên cứu lập quy hoạch đô thị bên sông Hồng này là bước tiếp của ký kết trong chuyến thăm thủ đô Seoul trước đó (20/5/2006) của lãnh đạo TP Hà Nội.

Lãnh đạo hai Thủ đô Việt Nam – Hàn Quốc đã ký kết dự án thoả thuận hợp tác phát triển khu vực sông Hồng phỏng theo mô hình thành phố Seoul xây dựng quy hoạch phát triển bên sông Hàn tại Hàn Quốc.

Hiện Hà Nội đang giao Sở Quy hoạch Kiến trúc chủ trì phối hợp với các sở, ngành khẩn trương hoàn tất các thủ tục liên quan và tạo điều kiện thuận lợi cho tổ dự án triển khai các nội dung như thoả thuận được ký kết giữa hai thành phố.

Dự kiến khoảng tháng 11/2007 dự án nghiên cứu lập quy hoạch phát triển khu vực sông Hồng đoạn qua Hà Nội sẽ hoàn thành.

Thành phố đẹp bên sông sẽ là một ấn tượng đẹp của Hà Nội trong lòng người dân Việt và du khách nước ngoài với thủ đô thanh lịch và văn minh của Việt Nam.

READ MORE

Các dự án xây khu đô thị dưới 200 tỷ đồng sẽ do UBND cấp tỉnh toàn quyền quyết định

Đó là một quy định mới mà Bộ Xây dựng đưa ra trong dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Quy chế Khu đô thị mới, dự kiến được ban hành trong quý này. Việc phân cấp quản lý đầu tư xây dựng sẽ thực hiện theo hướng một cửa nhằm đơn giản thủ tục và tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư. Cũng theo đó, Thủ tướng sẽ phê duyệt đầu tư dự án có quy mô vốn 200 tỷ đồng trở lên.

Ngoài ra, thông tư cũng đề cập nhiều đến các yêu cầu về quy hoạch xây dựng đô thị, khuyến khích ưu đãi trong đầu tư khu đô thị mới, trách nhiệm của chủ đầu tư sau kinh doanh… Chủ đầu tư lập quy hoạch chi tiết xây dựng dự án, đồng thời có quyền đề nghị điều chỉnh quy hoạch xây dựng do Nhà nước lập để phù hợp với dự án đầu tư của mình.

Nhằm kiểm tra năng lực tài chính của các chủ đầu tư, ban soạn thảo dự kiến yêu cầu doanh nghiệp thực hiện dự án phải trình báo cáo kiểm toán trong thời gian 1 đến 3 năm gần nhất. Quy định này sẽ hạn chế tình trạng nhiều doanh nghiệp không có khả năng tài chính vẫn lập dự án, xin đất rồi bán lại kiếm lời.

READ MORE

Hà Nội: giá cho thuê đất mới

UBND TP Hà Nội vừa ban hành quyết định số 201/2006 về việc xác định đơn giá cho thuê đất mới trên địa bàn Hà Nội. Theo đó, đơn giá đất cho thuê thời hạn một năm được xác định cụ thể như sau:

Trường hợp sử dụng đất làm mặt bằng sản xuất, xây dựng, vận tải và công trình công cộng có mục đích kinh doanh, đơn giá thuê đất tính bằng 0,5% giá đất theo mục đích sử dụng đất thuê.

Trường hợp sử dụng đất làm mặt bằng kinh doanh thuộc các ngành thương mại, du lịch, bưu điện, ngân hàng và các mục đích khác, đơn giá thuê đất tính bằng 0,7% giá đất theo mục đích sử dụng đất thuê.

Trường hợp thuê đất trên địa bàn huyện Sóc Sơn, đơn giá thuê đất tính bằng 0,5% giá đất theo mục đích sử dụng đất thuê.

Đơn giá thuê đất xác định theo qui định trên được giữ ổn định năm năm kể từ ngày quyết định cho thuê đất của cấp có thẩm quyền có hiệu lực thi hành.

READ MORE

Hà Nội: Không tính giá nhà tái định cư theo vàng

Chiều qua 3/5, trả lời các phóng viên ngay sau khi cuộc họp giữa các cơ quan, ban, ngành của thành phố bàn xem xét cơ chế chính sách về giá cho nhà tái định cư kết thúc, ông Nguyễn Đăng Bình – Phó giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường và Nhà đất cho biết:

Các ý kiến đều thống nhất, khi giá vàng tăng cao như hiện nay mà áp dụng nguyên quy định tính giá trước đây sẽ gây thiệt thòi cho người dân. Vì thế, trên nguyên tắc đảm bảo quyền lợi cho người dân, chúng tôi sẽ có văn bản xin ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố về vấn đề này, theo hướng không tính giá nhà tái định cư theo vàng. Vấn đề còn lại là phương án tính lãi suất như thế nào để đảm bảo lợi ích của người dân sẽ được các ngành chức năng tiếp tục bàn trong thời gian tới”.

READ MORE

Sử dụng đất đô thị chưa đem lại hiệu quả

Những vấn đề phức tạp trong việc sử dụng đất đô thị tại TP.HCM, nhất là tại các khu đô thị hoá được phân tích tại hội thảo “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất trong khu vực tân đô thị” (do Đại học Quốc gia TP.HCM và Sở Tài nguyên-Môi trường tổ chức sáng 6/4) cho thấy việc sử dụng đất đô thị tại TP.HCM đang manh mún và không đồng bộ.

Theo PGS-TS Trần Thị Thu Lương (ĐHQG TP.HCM), diện tích đất tại 6 quận mới (2, 7, 9, 12, Thủ Đức và Bình Tân) khoảng 35.000 ha, chiếm 17% diện tích đất toàn TP.HCM. Trong vòng 5 năm (2000-2005), đất ở đô thị đã lấn dần đất nông nghiệp với mức sử dụng tại các quận mới hầu hết trên 1.000 ha. PGS-TS Thu Lương nói: “Nhìn tổng quan như thế để thấy rằng tốc độ đô thị hoá là khó có thể cưỡng lại được. Tuy nhiên những chính sách đi kèm để quản lý và sử dụng đất vẫn chưa phát huy hết tiềm năng của đất đai. Đó là vẫn tồn tại đất sử dụng không theo quy hoạch (QH) hoặc phá QH, tồn tại một diện tích lớn đất hoang hoá do QH “treo”, thị trường bất động sản đóng băng”. Nhìn từ góc độ khoa học, GS Lê Huy Bá đưa ra một cảnh báo “chấn động”: “Trong 20 năm nữa, khi nhiệt độ trái đất nóng lên 1,5 – 2 độ C, băng ở 2 cực tan, nước biển dâng cao 50 – 100cm thì cả vùng Thủ Thiêm, Nhà Bè sẽ bị nhấn chìm trong nước” (!). Vì thế, GS Lê Huy Bá cho rằng TP.HCM cần tập trung phát triển về hướng Bắc-Tây Bắc (Củ Chi, Thủ Đức) chứ không nên phát triển về phía Đông và Đông-Nam (!).

Thừa nhận những bất cập trong công tác QH hiện nay, ông Nguyễn Trọng Hoà, Giám đốc Sở QH-KT cho biết, đến cuối 2005 hầu hết các quận, huyện đã phủ kín QH 100% trên đất cần lập QH. Tuy nhiên vẫn còn tình trạng QH xây dựng “một đàng”, QH sử dụng đất lại “một nẻo”. TS Võ Kim Cương cũng cho rằng: “Bản chất của QH được thể hiện rõ nét nhất trong QH xây dựng. Không thể tại cùng một khu vực đô thị mà bị 2 đề án QH (xây dựng và sử dụng đất) chi phối”.

Đề cập đến việc phải có giải pháp cho hàng trăm ngàn căn nhà xây dựng tự phát tại các quận ven từ chủ trương phân lô hộ lẻ, ông Nguyễn Văn Hồng – Trưởng phòng Đăng ký và kinh tế đất, Sở TN-MT cho rằng: “Các dự án phân lô hộ lẻ trước ngày 13/3/2002 nếu phù hợp với QH sử dụng đất được duyệt và có hạ tầng hoàn chỉnh thì cần phải giải quyết hồ sơ pháp lý cho người dân theo quy định”. Tuy nhiên, điều lo lắng của ông Hồng là việc từ nay đến cuối năm 2006 phải cấp giấy chứng nhận cho hơn 200 ngàn căn nhà trên toàn TP.HCM, trong khi mức đóng góp tiền sử dụng đất lại quá cao cũng là một yếu tố gây khó khăn cho việc hợp thức hoá nhà đất của người dân.

READ MORE

Tuyến Kim Liên – Ô Chợ Dừa sau ngày khởi công: Nhiều nhà cứ xây mà không chờ… giấy phép

Dự án đường vành đai 1 đoạn Kim Liên – Ô Chợ Dừa khởi công chưa bao lâu, gần chục công trình nhà dân ở hai đường đã được xây dựng với tốc độ nhanh chóng. Với lý do khó khăn vì nhà ở bị cắt xén khi GPMB, không đủ điều kiện ở, phải xây dựng lại, nên chủ nhà xây cứ xây dù chưa có giấy phép xây dựng. Có hộ dân từng đi làm hồ sơ xin cấp phép xây dựng, nhưng chỉ để làm vì.

Dân than khổ, phường cũng khó
Ngay khi GPMB tuyến đường, UBND phường Phương Liên đã cố gắng trong công tác quản lý trật tự xây dựng, xử lý các công trình không phép. Tuy nhiên, trên thực tế, ở đâu cũng vậy, việc đình chỉ công trình không phép là rất khó khăn. Cán bộ làm việc theo giờ nhà nước, nhà dân xây chẳng phụ thuộc thời gian. Hết giờ làm việc hoặc những ngày nghỉ là thời gian “vàng” cho các công trình không phép nhanh chóng mọc lên. Ông Bùi Minh Hoàng, chủ tịch UBND phường Phương Liên cho biết: Hiện trên tuyến đường vừa GPMB có 7 trường hợp xây dựng không phép, phần lớn các công trình đang ở giai đoạn đào móng, làm móng. Dù phường đã rất cố gắng, nhưng cứ xử lý xong, không có mặt cán bộ là dân lại tiếp tục xây.
Quả thực, cuộc sống của người dân ở khu vực sau GPMB đang gặp nhiều khó khăn, ông Hoàng nói. Nhiều căn nhà bị cắt xén, phải xây lại mới ở được. Trong khi đó, nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật bị hỏng do quá trình phá dỡ, san mặt bằng, khiến cuộc sống của người dân càng thêm khó khăn. Nơi thì mất nước, chỗ thì mất điện, đèn chiếu sáng trong khu dân cư cái còn cái mất… Chính trụ sở UBND phường cũng bị mất nước từ nhiều ngày nay. Tuy nhiên, với trách nhiệm của chính quyền địa phương, UBND phường một mặt vận động dân đi xin phép xây dựng, tạo điều kiện giải quyết nhanh các thủ tục giấy tờ cần chứng nhận của cấp phường, mặt khác vẫn phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Tại khu vực vừa giải toả, các công trình không phép đang ngổn ngang. Có công trình đang đào dở móng, có công trình đã đổ trần tầng 1… Anh Cương, chủ của một trong các công trình xây dựng đang bị đình chỉ, không mấy vui vẻ khi thấy đoàn cán bộ của phường xuống kiểm tra. Phóng viên báo Kinh tế & Ðô thị hỏi về việc làm thủ tục cấp phép xây dựng, anh Cương cho biết: “Tôi đã lên quận để làm thủ tục rồi nhưng thấy cán bộ tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn có tới cả chục loại giấy tờ thì hoảng quá. Làm sao mà có được ngần đấy giấy tờ”. Chị Ngô Thị Dung, tổ 26B phường Phương Liên, cũng có căn nhà xây dở dang thì bị đình chỉ. Chị Dung cho biết, “Gia đình cũng đã làm hồ sơ xin cấp phép xây dựng, chưa đi hỏi lại xem đã được cấp phép chưa nhưng vẫn cứ phải xây vì không có chỗ ở.”.

Muốn cấp phép cho dân thật nhanh, nhưng…
Về trình tự, thủ tục cấp phép xây dựng, ông Lê Trọng Ngọ, trưởng phòng Xây dựng – đô thị (XD-ÐT) quận Ðống Ða cho biết, hiện thủ tục cấp phép đã được Sở Xây dựng rút ngắn thời gian, đơn giản thủ tục đến mức có thể. Vì các hộ nằm trong chỉ giới dự án đường Kim Liên – Ô Chợ Dừa đều chưa được cấp “sổ đỏ” (một trong các giấy tờ của hồ sơ xin cấp phép xây dựng), UBND quận Ðống Ða đã có quy định tạo điều kiện cho dân, trường hợp chưa có “sổ đỏ” có thể thay thế bằng hồ sơ nguồn gốc đất đủ điều kiện để cấp “sổ đỏ” (Phòng Ðịa chính chịu trách nhiệm xác nhận hồ sơ này). Tuy nhiên, có không ít hộ dân khi làm thủ tục xin phép xây dựng bị “vướng” vào trường hợp thiếu giấy tờ nguồn gốc đất hoặc có tranh chấp, khiếu kiện nên không thể cấp phép. Ðối với các trường hợp không đủ giấy tờ nguồn gốc đất, theo quy định, người dân được phép sửa chữa, khôi phục nguyên trạng, không thay đổi về kết cấu. Căn cứ để xác định “nguyên trạng” có thể dựa và hồ sơ đền bù GPMB (hồ sơ này ghi nhận rất chi tiết về công trình trước khi phá dỡ từ vật liệu, cấp nhà…)
Thêm một nguyên nhân khiến việc cấp phép xây dựng cho các công trình trên tuyến Kim Liên – Ô Chợ Dừa chưa kịp thời (mặc dù có hộ dân nộp hồ sơ xin phép xây dựng từ cả tháng trước), sau ngày 10/10, Phòng XD-ÐT quận Ðống Ða mới có thể tiếp nhận hồ sơ để giải quyết. Lý do vì đến thời điểm này mới có văn bản của Sở Quy hoạch Kiến trúc về “Hướng dẫn chuyên môn tạm thời về quản lý xây dựng các công trình cải tạo, chỉnh trang hai bên tuyến đường Kim Liên – Ô Chợ Dừa” làm căn cứ cho công tác cấp phép. Ðến nay, Phòng XD-ÐT đã tiếp nhận 6 hồ sơ, trong đó có 2 hồ sơ được trình ký cấp phép vào chiều ngày 28/10. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, chỉ có 2 trong số 6 hồ sơ này nằm trong số công trình đang bị đình chỉ xây dựng.
Mặc dù đã có quy định tạm thời, nhưng hiện nay vẫn còn vướng mắc trong quá trình cấp phép cho công trình tại khu vực Kim Liên – Ô Chợ Dừa. Rút kinh nghiệm từ dự án cải taọ nút giao thông Ngã Tư Sở, để bảo đảm bộ mặt kiến trúc đô thị, Phòng XD-ÐT quận Ðống Ða muốn cấp cốt nền đường cho dân khi giao giấy phép xây dựng nhưng hiện chưa có cốt cao độ cắm mốc tại hiện trường để làm chuẩn. Theo hướng dẫn của Sở QH-KT về tầng cao công trình “chiều cao tầng 1 không cao quá 3,9m tính từ cốt + 0,00 (Cốt + 0,00 được tính từ cốt khống chế cao độ tim đường theo quy hoạch lên 0,45m)”. Ngày 21/10, UBND quận Ðống Ða đã có văn bản gửi Sở QH-KT và Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội về việc cung cấp một số cốt cao độ trên dọc tuyến đường Kim Liên – Ô Chợ Dừa. Theo ông Ngọ, phải có cốt cao độ tại hiện trường thì phòng chức năng cũng như người dân mới có đủ căn cứ để xác định cốt nền nhà dân.

Quy định về quy hoạch kiến trúc với các lô đất ở mặt đường vành đai 1 đoạn Kim Liên – Ô Chợ Dừa
Vừa qua, Sở Quy hoạch Kiến trúc đã có văn bản “Hướng dẫn chuyên môn tạm thời về quản lý xây dựng các công trình cải tạo, chỉnh trang hai bên tuyến đường Kim Liên – Ô Chợ Dừa”, trong đó có quy định cụ thể về các yêu cầu quy hoạch kiến trúc đối với lô đất nằm ở mặt đường quy hoạch.
Về chỉ giới xây dựng:
– Trùng với chỉ giới đường đỏ khi xây dựng công trình đến 5 tầng.
– Chỉ giới xây dựng cách chỉ giới đường đỏ 3m khi xây dựng công trình cao trên 5 tầng.
Về kích thước lô đất:
– Phần diện tích đất còn lại từ 15m2 đến nhỏ hơn 40 m2 có chiều rộng mặt tiền từ 3m trở lên và chiều sâu so với đường đỏ từ 3m trở lên thì được xây dựng không quá 2 tầng, 1 tum hoặc có mái chống nóng.
– Mặt tiền lô đất lớn hơn 3m đến dưới 8m và chiều sâu so với chỉ giới đường đỏ từ 5m trở lên, diện tích đất từ 40 m2 đến 50 m2 được xây dựng không quá 5 tầng, 1 tum hoặc có mái chống nóng.
– Mặt tiền lô đất lớn hơn 8m và chiều sâu so với chỉ giới xây dựng lớn hơn 5m, diện tích đất lớn hơn 50m2 được xây dựng trên 5 tầng nhưng chiều cao công trình không được vượt quá 24m.
– Trường hợp hình thù ô đất không đủ điều kiện xây dựng nhà ở theo quy hoạch kiến trúc thì UBND quận thu hồi theo Ðiều 9 Quyết định 26/2005/QÐ-UB của UBND thành phố Hà Nội phục vụ cho mục đích công cộng hoặc tạo điều kiện để các hộ chuyển đổi, chuyển nhượng quyền sử dụng đất để hợp khối xây dựng.

READ MORE