Ngày 12/4, UBND TP Hà Nội đã có cuộc họp để lấy ý kiến các sở, ban, ngành về Đề án quản lý và phát triển thị trường bất động sản (BĐS) trên địa bàn Hà Nội. Theo đó, Nhân dân Thủ đô, các nhà đầu tư có một địa chỉ tin cậy để thực hiện các giao dịch, cầm cố, thế chấp, tìm thông tin về giá đất, quy hoạch, chính sách đất đai… Theo dự kiến, Hà Nội sẽ có một sàn giao dịch BĐS và “chợ” nhà đất này sẽ có thể đi vào hoạt động từ tháng 6 năm nay.
Theo điều tra mới nhất của Sở TNMT&NĐ Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có gần 3.000 trung tâm, văn phòng hoạt động trên lĩnh vực kinh doanh nhà đất nhưng chưa có đơn vị nào đăng ký với các cơ quan chức năng, do đó vai trò quản lý nhà nước không thực hiện được. Hà Nội hiện cũng đã thành lập 1 văn phòng và 2 trung tâm hoạt động về BĐS nhưng chủ yếu thực hiện nhiệm vụ về BĐS thuộc sở hữu Nhà nước theo sự chỉ đạo và điều hành của các cơ quan quản lý Nhà nước.
Theo ông Vũ Văn Hậu, Giám đốc Sở TNMT&NĐ nhận định, trong thời gian vừa qua, thị trường BĐS có nhiều biến động về giá cả và chưa thể nhận biết được đâu là giá ảo, đâu là giá thật. Những giao dịch “ngầm” trong thị trường BĐS nhằm mục đích đầu cơ phần nào nằm ngoài sự kiểm soát của Nhà nước, gây thất thu thuế nghiêm trọng và trở ngại trong quản lý.
Cũng chính vì lý do này, Hà Nội là một trong 3 thành phố (Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng) được chọn thí điểm thành lập Trung tâm Giao dịch BĐS.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Quý Đôn, đến thời điểm hiện nay, việc ra đời sàn giao dịch BĐS của thành phố là rất cần thiết, nhằm tăng cường quản lý và tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường BĐS tại Hà Nội phát triển lành mạnh, minh bạch.
Ông Lê Quý Đôn cũng thừa nhận, chợ “BĐS” là vấn đề khá mới, không dễ thực hiện. Trước mắt, Hà Nội nên đưa những giao dịch mua bán, tư vấn các hoạt động liên quan đến BĐS, sau đó mới mở dần ra. Phải tạo ra một quỹ hàng hoá, sản phẩm theo hướng vừa là hàng, vừa là tiền. Về dịch vụ tư vấn, không chỉ trú trọng đến việc thu phí mà phải làm thế nào tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mọi pháp nhân hoạt động.
Tính đến thời điểm này, Hà Nội đã cấp được 424.413 ‘sổ đỏ’ cho hộ gia đình, cá nhân- một nguồn hàng lớn tham gia vào thị trường BĐS. Sàn giao dịch BĐS Hà Nội ra đời, các nhà đầu tư và người dân sẽ được cung cấp một cách đầy đủ, trung thực các thông tin trong các lĩnh vực liên quan đến BĐS như quy hoạch, các thông tin về chính sách và đường lối phát triển của Nhà nước, thành phố; thông tin về các dự án BĐS trên địa bàn thành phố; dịch vụ cung cấp các thông tin giúp các cơ quan có thẩm quyền thực hiện công tác định giá BĐS phục vụ các mục đích thu thuế và lệ phí…