Một không gian chung phong phú và đa dạng về hình thức cũng như công năng làm nơi tụ họp gia đình sau một ngày làm việc luôn cần thiết trong một ngôi nhà.
Phòng sinh hoạt chung gia đình được biết tới từ lâu, nhưng vì điều kiện kinh tế eo hẹp, phần lớn các căn hộ trung bình đều bố trí không gian này chung với phòng khách. Tuy nhiên, nếu có đủ điều kiện, việc bố trí một không gian chung để các thành viên trong gia đình tụ họp thư giãn sau một ngày làm việc căng thẳng luôn là thứ cần thiết.
Cùng với sự xuất hiện của nhiều thiết bị giải trí, phòng sinh hoạt chung ngày nay có vẻ đang biến hóa dần thành phòng giải trí đa phương tiện. Vì vậy cần bố trí sao cho có một bức vách “đa phương tiện” với các tủ, kệ để bố trí các trang thiết bị nghe nhìn tại nhà như TV, đầu đĩa, dàn nhạc, loa… Với những chủ nhà sành điệu, với những thiết bị nghe nhìn hiện đại còn có thể được tạo lập như một kiểu rạp hát ở nhà.
Tuy nhiên, về mặt bố cục, phòng sinh hoạt chung gia đình nên gắn liền với bếp để tiện ăn uống và để giải trí, nhiều gia đình còn thiết kế thêm một quầy bar ngay trong phòng. Nếu có điều kiện, bạn cũng nên tạo mối liên hệ không gian sinh hoạt chung với không gian ngoài trời, tăng cường sự tiếp xúc giữa con người với thiên nhiên qua các cửa sổ, giếng trời với cây cảnh, hoa lá, kể cả các chậu cây đặt hay treo..
Không gian phụ trợ
Cuộc sống hiện đại khiến các thành viên ít có cơ hội tề tịu đúng bữa. Vì vậy, nhiều kiến trúc sư đã coi thường vai trò của phòng ăn và nhập nó vào một phòng đa chức năng cùng phòng sinh hoạt chung hay ăn nội bộ gia đình. Bạn có thể bổ sung hoặc xen kẽ các không gian phụ trợ vào không gian sinh hoạt chung bên trong làm cho không gian sinh hoạt chung thêm phong phú về hình thức cũng như công năng. Các “ngách” nhỏ này chứa đựng các hoạt động cá nhân riêng rẽ như máy tính, bàn đọc sách, bàn thiết kế…, nơi các thành viên trong gia đình vừa làm việc riêng vừa lắng nghe và tham gia các hoạt động chung của gia đình.
Quan hệ giữa bếp, nơi ăn nhanh và phòng sinh hoạt chung theo đó nên hình thành theo dạng tam giác, củng cố tam giác này sẽ góp phần tăng cường củng cố mối giao tiếp trong nhà. Sự thay đổi vai trò của bếp từ khu phục vụ thành một phần của khối sinh hoạt chung khiến việc thiết kế không gian cũng như trang trí cần có sự đầu tư thích đáng. Một khi đã có phòng ăn nhỏ gắn liền với bếp thì chức năng của phòng ăn thiên về nhu cầu… lễ tân mặc dù vẫn phải đáp ứng yêu cầu “ẩm thực”và được nâng cao để phục vụ lòng hiếu khách. Vì vậy, phòng ăn phải có tính thẩm mỹ cao, sự sang trọng của nó thể hiện ở không gian, cách bày trí hơn là giá trị và chất liệu hoàn thiện.