Theo quyết định của Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, Hà Nội sẽ được mở rộng về phía tây bắc, tây nam và phía bắc. Tại đây, hình thành một HN mới .
Đó là các khu vực Bắc Thăng Long – Vân Trì, Đông Anh – Cổ Loa, Gia Lâm – Sài Đồng – Yên Viên, và tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư phát triển tại khu vực Nam Thăng Long”. Phóng viên đã phỏng vấn KTS Hoàng Đình Tuấn – trưởng phòng QH kiến trúc 2 – Sở QH kiến trúc HN.
Xin ông giới thiệu khái quát về QH phát triển HN sang phía bắc sông Hồng trong QH chung thủ đô đến năm 2020?
Theo Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cơ cấu QH không gian của cả HN sẽ bao gồm thành phố HN trung tâm và các đô thị (ĐT) xung quanh thuộc các tỉnh Hà Tây, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và Hưng Yên, diện tích 25.000ha, dân số khoảng 4,5 – 5 triệu người.
Khu phía bắc sông Hồng (gồm địa phận quận Long Biên và huyện Đông Anh), quy mô 12.800ha, dân số khoảng 1 triệu người.
Để Hà Nội “vượt sông Hồng”, hệ thống cầu đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Bên cạnh các cầu Thăng Long và Chương Dương, Long Biên, hiện chúng ta đang thi công cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, và trong tương lai gần sẽ xây dựng thêm cầu Nhật Tân và đường nối cầu với đường 3A và các cơ sở hạ tầng bắc Thăng Long Vân Trì đã được Chính phủ cho phép đầu tư (Nhà máy nước Bắc Thăng Long, trạm điện 110KV, trạm xử lý nước thải…).
Bên cạnh các khu công nghiệp hiện có sẽ được cải tạo, sắp xếp lại, sẽ phát triển nhiều khu công nghiệp mới như Sóc Sơn, Bắc Thăng Long, Sài Đồng A và B, Đông Anh, mở rộng khu công nghiệp Đức Giang. Hệ thống các trung tâm công cộng sẽ có Phương Trạch (Nam Vân Trì), Gia Lâm và trung tâm dịch vụ, văn hoá – thể dục thể thao Cổ Loa.
Các trung tâm chuyên ngành sẽ có các trường đào tạo ở Trâu Quỳ, Bệnh viện đa khoa ở Vân Trì, riêng các bệnh viện chuyên khoa đặc biệt sẽ được xây dựng tại các khu vực Gia Lâm, Sóc Sơn…
Về giao thông bộ, sẽ mở rộng các quốc lộ 3, quốc lộ 5, xây dựng hoàn chỉnh và hiện đại mạng lưới kết hợp đồng bộ với các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm, có các bến xe liên tỉnh như Gia Lâm, Đông Anh…
Đường sắt có các ga Gia Lâm, Yên Viên, Bắc Hồng, Cổ Loa, Vân Trì, xây dựng các tuyến đường sắt ĐT, bao gồm cả các tuyến đi trên cao và tuyến ngầm (trước mắt xây dựng các tuyến Gia Lâm- Yên Viên, cầu Thăng Long – Nội Bài.
Về đường hàng không có 2 sân bay Nội Bài và Gia Lâm, về đường sông sẽ tích cực nạo vét, chỉnh trị tiến tới kênh hoá một đoạn sông Hồng, nâng cấp các cảng…
Hệ thống cấp thoát nước, cấp điện cũng được đặc biệt quan tâm, sẽ xây dựng thêm 3 trạm 220 KV ở Đa Phúc, tây bắc đầm Vân Trì…
Chức năng của khu ĐT mới bắc sông Hồng sẽ là gì, nó có gì khác với chức năng của khu ĐT mới phía tây và nam?
Khu vực ĐT mới phía bắc sông Hồng sẽ mang đầy đủ các chức năng hành chính, kinh tế, tài chính, thương mại, du lịch, dịch vụ, là một bộ phận quan trọng của thành phố HN trung tâm. Trung tâm Phương Trạch thuộc khu vực ĐT Bắc Thăng Long sẽ là trung tâm lớn nhất trong 7 trung tâm của HN trung tâm với quy mô 130ha, và có thể nghiên cứu mở rộng các chức năng khác thành 200-280ha, có đầy đủ các loại hình kiến trúc mang tính chất hiện đại…
Còn khu vực ĐT mới phía tây HN (trên đường Láng – Hoà Lạc) là khu vệ tinh, mang đậm tính chất của khu công nghệ cao và du lịch, là đối trọng của khu nam HN (là khu vực nội thành HN hiện nay).
Khu nam HN, với trung tâm chính trị Ba Đình sẽ vẫn là đầu não chính phủ, với các cơ quan cao nhất của Đảng, Nhà nước, Quốc hội. Còn khu vực phía bắc sông Hồng có thể phát triển cả các cơ quan nhà nước, thương mại, kinh tế, nghiên cứu, ngoại giao khác…
Về mặt quy hoạch, khu vực phía nam HN sẽ mang tính chất ĐT truyền thống với kiểu các khu phố được quy hoạch kiểu ô cờ, mật độ dân cư cao. Còn khu vực phía bắc có mô hình thành phố hiện đại, sinh thái, văn hoá với chất lượng sống cao.
Trong các khu dân cư, cơ bản là nhà thấp tầng, mật độ xây dựng thấp. Những khu trung tâm thành phố sẽ có các công trình xây dựng trung và cao tầng hiện đại, song vẫn phải đảm bảo sự khớp nối đồng bộ về hạ tầng cơ sở ĐT với các khu vực làng xóm được cải tạo chỉnh trang và các di sản văn hoá. Giao thông không được bố trí kiểu ô cờ mà theo kiểu tầng bậc.
Về quy hoạch khu ĐT mới bắc sông Hồng, có lẽ sẽ có cuộc thi quốc tế để tìm được những ý tưởng quy hoạch – kiến trúc hiện đại, không lạc bước so với thế giới…
Xin cảm ơn ông.