“…Dù chỉ là một chi tiết nhỏ, thứ yếu trọng trong kiến trúc thì tính vĩnh cửu của nó và sự không ổn định bởi quá trình phát triển liên tục của thành thị không thể hoà hợp với nhau. Trong sự mâu thuẫn này, thành thị luôn giành phần chiến thắng, quá trình này liên tiếp diễn ra đã đặt kiến trúc vào vị trí của một thứ đồ chơi, một vật trang trí của lịch sử và kí ức…” (Delirious New York – Koolhaas).
Bevor Rem Koolhaas và ảnh hưởng đối với kiến trúc đương đại. Những năm gần đây, Bevor Rem Koolhaas được thế giới biết đến không chỉ bởi những công trình kiến trúc của ông xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới, mà còn bởi những cống hiến của ông đối với vị trí ngành kiến trúc trong sự thay đổi cấu trúc xã hội của thời đại thông tin. Bevor Rem Koolhaas sinh năm1944 tại Rotterdam, Hà Lan. Koolhaas bắt đầu sự nghiệp của mình với cương vị một phóng viên của Haagse Post ở Hague. Năm 1968, ông theo học ngành kiến trúc tại Architectural AssociationSchool, London. Ở châu Âu, Koolhaas đã hoàn thành nhiều công trình như khu nhà ở Bordeaux (Pháp), Educatorium – một toà nhà đa chức năng của trường đại học Utrecht, Hà Lan; quy hoạch tổng thể của Grand Palais, Lille (Pháp)… đều được đánh giá cao, nhưng ông thực sự được biết đến bởi những quan điểm mới về kiến trúc của mình. Ông là kiến trúc sư đầu tiên biểu đạt một cách có hệ thống các vấn đề xã hội và kiến trúc liên kết chặt chẽ với nhau, kiến trúc không chỉ đơn thuần là một cái hộp vô tri vô giác, mà là điểm giao của vô số sự kiện hỗn độn, mâu thuẫn lẫn nhau. Cuốn sách “Delirious New York” phát hành vào năm 1978 tạo ra tiếng vang lớn và được xem như là bản tuyên ngôn của Kiến trúc trong xã hội đương đại mà ảnh hưởng của nó được đánh giá tương đương với “Vers une Architecture” của Le Corbusier vào đầu thế kỉ 20, mặc cho chủ nghĩa anh hùng mà Le Corbusier từng sống không còn tồn tại. Gần 20 năm sau, năm 1996, Koolhaas cho ra đời cuốn sách “S, M, L, XL”, và lần này cuốn sách được xem như là “kinh thánh” của tầng lớp kiến trúc sư trẻ. Năm 2000, với những cống hiến của mình, ông đã được trao giải thưởng Pritzker Architecture Prize: “…Koolhaas thực sự phản ánh được sự ảnh hưởng của công nghệ thông tin đối với cấu trúc xã hội… Trong suốt 20 năm qua thông qua những công trình cả về lí luận và thực tiễn của mình Koolhaas đã nêu ra một khái niệm mới về mối quan hệ giữa kiến trúc và bối cảnh văn hoá , xã hội. Những cống hiến của Koolhaas đối với ngành kiến trúc và với xu thế phát triển của kiến trúc là vô cùng to lớn…”. (Hội đồng giải thưởng Pritzker Prize).
Koolhaas và toà nhà Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc.
Với tốc độ phát triển thành thị ở mức gần như không khống chế được cộng thêm sự cạnh tranh về mọi mặt giữa các thành phố lớn ở Trung Quốc hiện nay, sự hội nhập WTO đã mở ra cơ hội xâm nhập thị trường kiến trúc Trung Quốc – một thị trường hấp dẫn đối với các kiến trúc sư phương Tây, nơi mà hiện nay các cây đại thụ cũng chỉ nhận được các công trình chủ yếu về nới rộng, sửa sang với quy mô nhỏ và trong một khuôn phép nghiêm ngặt. Về phía Koolhaas, ông cho rằng kiến trúc sẽ phát triển theo xu hướng toàn cầu hoá trong tương lai với mức độ khác nhau tuỳ theo từng khu vực. Trong đó, châu Phi và châu Á là những nơi hứa hẹn nhiều sự thay đổi lớn. Ông đặc biệt quan tâm đến Trung Quốc không chỉ đơn thuần bởi thị trường đầy hấp dẫn này, mà bởi sự thay đổi chóng mặt trong những năm gần đây và một tiềm năng rất lớn. “Ở vùng tam giác Châu Giang, Trung Quốc, mỗi năm lại có 500 km vuông thành thị mọc lên” – Koolhaas đã từng nói khi được hỏi về những gì ông thấy ở Trung Quốc – “Tôi đã tận mắt nhìn thấy một toà nhà 40 tầng được 3 con người và 3 cái máy tính xách tay hoàn thành trong vòng 10 ngày, và đó hoàn toàn không phải là một trường hợp đăc biệt”. Phương án đầu tiên của Koolhaas ở Trung Quốc là Nhà hát lớn thành phố Quảng Châu, ông đã thực sự táo bạo khi tách rời khu sàn diễn và khu thính giả – khác hẳn với cấu trúc truyền thống của kiến trúc nhà hát, điều này đã tạo nên sự kinh ngạc và khâm phục trong giới chuyên môn, tuy nhiên cũng vì vậy mà phương án của ông đã không được bình chọn. Năm 2002, Koolhaas đã từ chối không tham gia vào cuộc thi thiết kế phương án mới cho Trung tâm thương mại thế giới mà tập trung cho phương án thiết kế toà nhà chính Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) và dành thắng lợi. Ở công trình này, Koolhaas nêu ra một khái niệm mới về quan hệ không gian ba chiều giữa kiến trúc và môi trường, khác hẳn mối quan hệ tuyến tính hai chiều truyền thống. Nằm trong vị trí trung tâm khu CBD (Central Business District) của Bắc Kinh, CCTV là một trong những công trình Bắc Kinh chuẩn bị cho Olympic 2008, với tổng số vốn đầu tư 585 triệu USD, CCTV là một trong những công trình kiến trúc tốn kém nhất của Bắc Kinh trong 10 năm qua. Toà nhà gồm hai chữ Z khổng lồ giao nhau, phần thứ nhất bao gồm một khách sạn 5 sao và các không gian công cộng lớn như phòng triển lãm tranh, phòng biểu diễn… Phần thứ hai chủ yếu là nơi làm việc cũng như các bộ phận kĩ thuật khác chia thành từng khu độc lập được nối kết với nhau một cách logic, tạo nên môi trường làm việc hiệu quả.
Toàn cầu hoá đang là xu hướng phát triển của kiến trúc đương đại, Koolhaas xác định sự đa dạng, mâu thuẫn và phức tạp của kiến trúc mới thực sự là chủ đề lâu dài của thời đại, và cũng là điểm khiến cho kiến trúc không bị thời gian bào mòn cũng như giúp kiến trúc tránh khỏi sự đào thải của lich sử. Koolhaas đã sáng lập ra chủ nghĩa hiện thực lạc quan trong kiến trúc, luôn sẵn sàng thích nghi với mọi biến đổi của xã hội và “một sự vật tồn tại đủ để chứng tỏ tính hợp lí của nó”.