Khoảng 10 năm trước đây, chỉ những gia đình khá giả mới nghĩ đến chuyện lắp một hệ thống tủ bếp hoàn thiện. Vào thời điểm đó, tủ bếp thường có hai loại. Loại thứ nhất nhập khẩu nguyên khối từ các nước châu Âu với giá khá đắt.
Loại thứ hai nhập nguyên vật liệu rồi lắp ráp ở Việt Nam, nhưng vẫn theo thiết kế và kích thước từ phương tây, giá thành rẻ hơn một chút. Nhưng cả hai loại này đều có nhược điểm là không phù hợp với căn nhà, khí hậu và thói quen ăn uống của người Việt. Độ ẩm cao có thể khiến những bộ tủ bếp cả chục nghìn USD chỉ “thọ” được chừng 3 năm.
Vì những nhược điểm trên, tại Việt Nam hiện nay có rất nhiều nơi kinh doanh tủ bếp, hoặc làm thiết kế xây dựng kiêm đồ nội thất trong đó có tủ bếp… Tủ bếp hiện nay hoàn toàn sản xuất trong nước, từ nguyên vật liệu và phụ kiện, được thiết kế và lắp đặt riêng theo yêu cầu của khách hàng. Bề mặt gỗ được nhiệt đới hóa và hoàn toàn sử dụng các chất liệu của Việt Nam, thiết kế theo thói quen của người Việt, thích hợp với nhu cầu sử dụng nhiều nước, mỡ… Vật liệu chủ yếu được sử dụng làm bề mặt là gỗ tự nhiên như dổi, xoan đào, sồi hoặc gỗ ép, ocan, MDF được sấy công nghiệp và có khả năng hạn chế ẩm mốc, mối mọt và cong vênh, phù hợp với khí hậu nhiệt đới. Chủ nhân có thể chọn màu sơn tủ theo phong cách của riêng mình.
Để thi công tủ bếp, thời điểm thích hợp nhất là khi công trình đang ở giai đoạn hoàn thiện. Vào thời điểm này, người thiết kế sẽ tư vấn cho gia chủ vị trí đặt đồ dùng trong bếp, gạch ốp tường, hệ thống ống kỹ thuật như nước, điện, thoát mùi… do đó sẽ hạn chế được nguy cơ phải sửa chữa, thay đổi về sau. Ngoài ra, ở Việt Nam, vị trí đặt bếp cũng phải tuân theo những quy tắc về phong thủy một cách nghiêm ngặt. Chính vì vậy, có tư vấn trước khi thực hiện rất cần thiết. Thậm chí, có nhà đã phải đặt bếp nấu ở góc tủ chỉ vì yêu cầu phong thủy.
Để phù hợp với khí hậu Việt Nam, tủ bếp không đặt trực tiếp lên sàn mà được thiết kế đặt trên hệ thống chân tủ có thể điều chỉnh được độ cao. Tủ treo thường được thiết kế để phần hậu tủ không ốp sát vào tường để tránh sự ẩm mốc. Như vậy trên thực tế, có khoảng lưu thông tương đối so với hệ thống tủ treo, tủ đáy và gầm bếp. Các ngăn tủ cũng được lắp hệ miếng lót nhôm thoát mùi nên khá thông thoáng, hạn chế tối đa nguy cơ ẩm mốc, mối mọt.
Hiện nay, người tiêu dùng thường lắp đặt tủ bếp theo hai dạng, hoàn toàn bằng gỗ hoặc xây khung gạch sau đó mới lắp phần cánh gỗ bên ngoài. Mỗi cách xử lý đều có ưu, nhược điểm riêng. Loại xây gạch có thể tiết kiệm chi phí và bền hơn, nhưng sẽ tốn nhiều diện tích. Ngoài ra, khi lắp đặt hệ thống cửa vào khung gạch cũng khá khó khăn và có thể không khít. Mặt khác, do điều kiện khí hậu đặc biệt ở miền Bắc, độ ẩm cao, tủ bếp xây gạch thường bị ẩm bề mặt và không thoát được mùi ẩm mốc. Trong khi đó, loại tủ gỗ toàn bộ có thể độ bền sẽ không bằng, giá thành lại đắt hơn, nhưng nếu trong điều kiện khí hậu Việt Nam, việc một hệ thống tủ bếp với các khung cửa sát vào phần “xương” sẽ phù hợp hơn. Ngoài ra, theo quan niệm của nhiều người hiện nay, yếu tố đẹp vẫn được đặt lên hàng đầu, nên họ không để ý đến công năng và sự tiện dụng.
Để phù hợp với hình dáng người Việt Nam, kích thước lý tưởng nhất hiện nay là 80 đến 91 cm (thông dụng là 84 cm) với phần tủ đáy, phần tủ treo trung bình 58 cm, sâu khoảng 32 cm. Xu hướng mới còn thiết kế thêm cả đảo bếp, có thể cố định hoặc di động, có tác dụng như một bàn soạn thức ăn sau khi chế biến xong.