Skip to Content

News & Blog

Nhà xây chen trong khu 36 phố phường

Hà Nội là một thành phố có bề dày lịch sử ngàn năm. Nói tới Hà Nội phải nói tới Phố cổ Hà Nội – Khu đô thị cổ với tên gọi 36 phố phường. Đây là khu đô thị được hình thành từ trước thế kỷ 11 và tới nay còn giữ lại được nhiều di tích lịch sử, văn hoá, đặc biệt là không gian sinh hoạt truyền thống. Trong quá khứ, hiện tại và tương lai khu vực này luôn là:

– Một trung tâm thương mại, văn hoá lịch sử và du lịch của Thủ đô cũng như cả nước.

– So với Thế giới khu 36 phố phường của chúng ta có những nét rất riêng biệt, vì ở đó tồn tại cả hai giá trị vật thể và phi vật thể cùng nằm trên một phạm vi lớn (100 ha).

1. Về mặt bảo tồn

Không bảo tồn đơn lẻ từng công trình, hay cụm công trình mà phải bảo tồn được không gian đô thị, trong đó bao gồm cả giá trị di sản vật thể và phi vật thể của đô thị. Đó là hệ thống đường đi ngõ phố, cách sinh hoạt hàng ngày, sự kiếm sống luôn gắn với không gian đô thị.

Không phá vỡ cơ cấu không gian truyền thống. Đó là các ô phố hình thành theo các phường nghề truyền thống với hơn 80 ô phố to nhỏ khác nhau và các ngôi nhà hình ống thấp tầng mái dốc luôn có các sân trong.

Các công trình Tôn giáo tín ngưỡng gắn liền với sự hình thành của các phố nghề. Như đình Kim Ngân gắn với nghề vàng bạc và phố Hàng bạc, đình Lò Rèn gắn với nghề rèn và phố Lò Rèn…

Bảo vệ và phục hồi các ngành truyền thống cần chú ý đến sự quá tải về sức người, sức hàng và môi trường. Do vậy, cần cân nhắc nghề nào có thể phát huy được truyền thống nhưng không gây ô nhiễm môi trường và có tác động tốt tới kinh tế, văn hoá, du lịch.

Trong quan điểm bảo tồn và phát triển cần thấy rõ:

– Không phát triển kinh tế thì không thể bảo tồn được. Trong quá khứ, hiện tại và tương lai khu vực này vẫn là một trung tâm thương mại nên vấn đề phát triển kinh tế là điều tất yếu, nếu các biện pháp bảo tồn làm giảm sự phát triển kinh tế thì khu vực này sẽ tự lụi tàn.

– Không nâng cao cuộc sống hiện tại, thì không thể bảo tồn. Mâu thuẫn này nảy sinh ngay trong cuộc sống hàng ngày của cộng đồng, không đảm bảo chất lượng sống để theo đuổi mục tiêu bảo tồn, đây không phải một giải pháp thích hợp. Con người sẽ tự phá bức tường vô hình này và như vậy sẽ không kiểm soát được.

2. Về mặt cải tạo và nâng cao tiện nghi sống

Môi trường sống, đặc biệt là khu lõi của các phố có tình trạng ô nhiễm khá cao vì nó thiếu ánh sáng, thiếu thông thoáng gió nên độ ẩm cao. Do đó, mục tiêu trước mắt phải nâng cao điều kiện sống, như tăng diện tích ở, giảm mật độ cư trú và xây dựng, nâng cao chất lượng hạ tầng…

Tỷ lệ nhà cổ cần được bảo tồn chỉ chiếm xấp xỉ 10%, nhà cũ (có nét đặc trưng và xây trong khoảng thời gian từ 1901 tới 1945) chiếm khoảng 25%. Nhà mới xây dựng (có phép và không phép) chiếm 15%. Nhà không có giá trị bảo tồn và tình trạng kết cấu còn sử dụng được chiếm khoảng 15%, nhà không có giá trị bảo tồn nhưng đang trong tình trạng xuống cấp nguy hiểm chiếm tới 35%.

Do vậy, việc xây chen những ngôi nhà trong khu phố cổ là điều tất yếu và nó sẽ chiếm một tỷ lệ lớn. Xây mới, nhưng không phá vỡ cấu trúc không gian chung và hài hoà với những cái đã có, đó là hai điểm chính đòi hỏi đối với một ngôi nhà xây mới trong khu phố cổ.

Xem hình

3. Các dạng nhà ở

Những ngôi nhà ở hình thành theo cùng sự phát triển nhiều mặt của cả khu nên nó phản ảnh khá rõ những sự thay đổi. Nhìn vào cấu trúc các lớp nhà của các ô phố thấy một điểm khá rõ tiến trình xây dựng nhà ở đây:

– Gần như 100% các nhà ở đều có cửa hàng.

– Những ô phố hẹp nhà xây bám 2 mặt phố chính để lấp đầy ô phố.

-Những ô phố hình dáng gần vuông thì việc xây nhà cùng lúc theo 4 phố (xuất hiện của đường chéo, do sự kết thúc của các nhà ở góc phố) nên các nhà ở giữa phố thường có chiều sâu lớn hơn nhà đầu phố.

– Chiều rộng của các nhà phía tây của khu phố thường lớn hơn phía đông. Lý do của nó là phái đông là khu thương mại sầm uất có mật độ cư trú cao và hình thành trước, phần phía tây hình thành sau có ảnh hưởng nhiều của lối sống mới và phong cách kiến trúc mới.

– Dạng nhà ống là đặc trưng của khu phố cổ cho dù nó xây trước năm 1900, trong giai đoạn 1901 tới 1945 hay sau này, các nhà thường hẹp và sâu, có từ 1 tới 3 lớp sân trong.

– Các nhà kế sát nhau, nên khả năng thông gió và chiếu sáng kém, kết cấu móng phức tạp.

Những ngôi nhà nằm trong diện nghiên cứu cũng có những đặc điểm chung của nhà ở trong khu vực này và dựa trên kích thước của khu đất, cách bố trí sân trong có thể chia thành mấy dạng sau:

– Dạng nhà có chiều ngang <3,2m và chiều sâu từ 15 tới 60m, chiếm khoảng 40%.

– Dạng nhà có chiều ngang từ 3,2m tới 6m và chiều sâu từ 20 tới 50m, chiếm tỷ lệ khoảng 40%.

Dạng nhà có chiều ngang >6m và chiều sâu từ 30 tới 60m, chiếm khoảng 20%.

Trong các dạng nhà này cách bố trí các sân trong, phụ thuộc chính vào chiều sâu của nhà. Chiều sâu từ 15 tới 30m thường có 2 sân và không bằng nhau (sân trước lớn thì sân sau nhỏ hoặc ngược lại. Chiều sâu >30m thường có 3 sân này có tác dụng thông thoáng, lấy ánh sáng rất hiệu quả. Hiện tại do cơ cấu gia đình tăng, nên người ở đã tự cơi nới làm biến dạng những sân trong làm mất tác dụng của nó trong vai trò điều tiết vi khí hậu trong nhà.

4. Các ngôi nhà mới đã xây dựng tại khu phố cổ

Trong khu vực phố cổ do nhu cầu về cuộc sống như thiếu diện tích ở, làm nhà cho thuê nên đã có nhiều công trình được xây dựng theo nhiều kiểu cách khác nhau nên nó để lại không ít những khiếm khuyết trong xây dựng cũng như kiến trúc đồng thời làm hỏng cấu trúc truyền thống của các ô phố và các ngôi nhà. Nhưng cũng không thể phủ nhận được các mặt tích cực của chúng.

Những mặt tích cực:

– Đã góp phần giảm tỷ lệ những nhà xuống cấp nguy hiểm trong toàn khu.

– Những ngôi nhà có thiết kế và thiết kế có chú ý tới những quy định của việc xây dựng trong khu phố cổ và các tác giả cũng như chủ nhân hiểu biết về giá trị bảo tồn chung trong toàn khu đã làm đẹp thêm cho không gian và vẻ mặt của phố phường mà không phá vỡ hình ảnh chung. Nhưng tỷ lệ các công trình được đánh giá tốt còn quá ít.

– Nâng cao được tiện nghi sống (tăng diện tích ở, điều kiện tiện nghi của vệ sinh và bếp).

– Do các nhà làm mới đều sử dụng tầng một làm cửa hàng, nơi giao dịch vô hình chung đã làm sống lại không khí của đô thị xưa nhưng ở mức độ cao hơn. Điều này không phải đô thị cổ nào trên thế giới cũng làm được.

– Bước đầu tạo dựng được một số cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý và công nhân có kinh nghiệm trong việc tổ chức và thi công trong điều kiện chật hẹp, đòi hỏi phải chú ý tới việc bảo tồn chung cho khu phố cổ.

Những tồn tại:

– Không ít những công trình xây dựng đã làm mật độ xây dựng tăng thêm, do quá tận dụng đất để tăng diện tích cho các phòng để cho thuê.

– Làm tăng hệ số sử dụng đất (nhiều tầng) góp phần chất thêm người cư trú trong khu vực vốn đã đông dân.

– Chiều cao nhà lấn át các công trình kề bên.

– Kiểu cách, các chi tiết (ban công, cửa sổ…) và vật liệu trang trí không phù hợp với khung cảnh chung.

– Làm hư hại tới nhà bên cạnh trong quá trình thi công.

– Làm giảm khả năng thông thoáng, lấy ánh sáng chung.

5 pho co

5. Những kinh nghiệm của nước ngoài

Ở một số thành phố trên thế giới có phần đô thị cần bảo tồn đều có những quy định rất khắt khe trong xây dựng. Các quy định này dựatrên quy hoạch chi tiết của từng khu vực cụ thể và luôn bổ sung sửa đổi theo các tình huống xẩy ra trong thực tế. Qua những khảo sát và nghiên cứu cho thấy:

– Trong khu vực bảo tồn vẫn có thể cho phép xây chen những ngôi nhà mới.

– Những ngôi nhà mới phải tuân thủ các quy định chung và riêng của thành phố và khu vực bảo tồn với các chỉ số về quy hoạch, xây dựng…

– Quy mô thích hợp và chiều cao hoà nhập của công trình là yếu tố quan trọng. Trong từng khu vực cụ thể có quy định đường bao cho công trình (Envelope building), các công trình không được phép thừa ra ngoài đường bao này.

– Biện pháp thi công thích hợp và đội ngũ cán bộ, có đội ngũ công nhân chuyên về xây dựng trong các khu vực chật hẹp là cần thiết. Như vậy mới đảm bảo không gây ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày của dân cư.

– Biện pháp quản lý rất chặt chẽ, tất cả dựa vào luật và trong luật chỉ rõ phải tuân theo các thông số trên quy hoạch chi tiết (hay thiết kế đô thị cho từng khu vực). Tuyệt nhiên không có phạt tồn tại.

6. Những đề xuất trong việc xây chen nhà ở khu 36 phố phường

Trong quy chế quản lý phố cổ có nêu: giữ nguyên cấu trúc không gian, mạng lưới đường… nên trong phạm vi nghiên cứu không đề cập tới vấn đề quy hoạch chung, đồng thời tôn trọng các quy định có tính pháp lý của thành phố. Do vậy chỉ nêu những vấn đề liên quan tới loại nhà xây mới.

+ Về phương pháp luận

Quan điểm bảo tồn trong sự phát triển là gìn giữ những cái cũ có giá trị, hiện đại những cái đã lạc hậu, nhưng phải giải quyết được tính kế thừa, tính liên tục trong quá trình phát triển của đô thị.

Dựa trên quan điểm này xây dựng mô hình nghiên cứu. Lấy mục tiêu là gìn giữ cấu trúc không gian, cải thiện điều kiện sống. Từ đó nhìn nhận, cái gì là truyền thống:

– Mật độ, phong cách kiến trúc, vật liệu, tổ hợp không gian (trong đó các sân trong đóng một vai trò quan trọng), hệ thống kết cấu.

– Nhịp điệu đặc và rỗng (có thể xây dựng thành mô hình toán học về sự phân bổ giữa đặc và rỗng).

– Sự kết nối không gian (vị trí thì gần nhưng sự tiếp cận thì xa giống như câu nói “gần nhà xa ngõ”).

Để đưa tới mục tiêu mới trong nhà ở là:

– Mở rộng không gian cá nhân.

– Cải thiện môi trường sống.

– Làmphong phú không gian nội và ngoại thất.

– Gìn giữ không gian truyền thống và để cụ thể hoá mục tiêu này bằng một thiết kế với các nhiệm vụ phải giải quyết:

– Mảnh đất cụ thể nếu hẹp: phải chặt chẽ trong tổ hợp không gian, nếu rộng: khả năng tổ hợp phong phú hơn.

– Khối tích và dân số: trước hết, cải thiện điều kiện sống, giữ nguyên dân số và khối tích. Sau đó khai thác các tiềm năng để tăng dân số, tăng khối tích, đòng thời cải thiện môi trường sống.

– Tôn trọng và vận dụng sáng tạo các quy định về mật độ xây dựng (không gian 2 chiều, 2D) tỷ lệ giữa đặc và rỗng (không gian 3 chiều, 3D). Đặc là các không gian ở cần có tường bao bọc, rỗng là những không gian như sân trời, giếng trời, ban công.

Việc vận dụng các không gian đặc và rỗng (những sân trong, sân thượng) sẽ tạo ra một số hiệu quả:

– Tăng diện tích mặt tường ngoài nhờ tăng độ chiếu sáng tự nhiên và thông thoáng gió tự nhiên.

– Tăng chức năng sử dụng của một số bề mặt làm linh hoạt sân trong và sân thượng.

– Làm phong phú các không gian mở như sân trong, không gian hang mát, vườn treo, khoảng không gian thông tầng.

+ Về mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất

Để giữ nguyên hoặc giảm độ xây dựng phải chú ý tới việc bố trí các sân trong, tuyệt đối không cắt bỏ chúng (nó là đặc trưng của nhà phố cổ, như đã nói ở trên) trong việc làm giảm mật độ xây dựng các khoảng không gian mở khác cần có sự kết nối để tạo ra nhiều khoảng rỗng ta hình dung một khối có nhiều khoảng rỗng ở trong sẽ xốp và không khí sẽ qua nó dễ dàng. Khi nói tới mật độ và hệ số sử dụng đất không nên nghĩ chỉ có 2 chiều (2D) cần tính nó ở không gian 3 chiều (3D).

+ Về chiều cao của nhà

Là một yếu tố quan trọng trong việc giữ được nhịp điệu chung của khu phố, nên khi thiết kế cần căn cứ vào các điểm sau:

– Quy định chung của khu phố cổ (mặt giáp đường 12m, phía trong <16m).

– Thiết kế đô thị cho từng ô phố (hiện nay chưa có).

– Chiều cao của công trình đã được xếp hạng bảo tồn.

– Khả năng thông gió và chiếu sáng tự nhiên.

+ Về giải pháp kiến trúc

Tuỳ thuộc vào kích thước khu đất, vị trí và số lượng gia đình cư trú để đưa ra giải pháp cụ thể.

Đối với mảnh đất hẹp (<3m) nên tổ chức nhiều không gian rỗng (sân trong, khoảng thông tầng kết hợp với cầu thang) như vậy thuận tiện cho tổ chức nút giao thông và tăng độ thông thoáng cũng như lấy ánh sáng.

Đối với mảnh đất rộng từ 3,5m – 6m việc tổ chức không gian sẽ linh hoạt hơn, như tổ chức hành lang để thuận tiện giao thông và tăng sự riêng biệt, có thể tổ chức hai ba giếng trời và kết hợp với các khoảng trống để tăng sự đa dạng về các loại diện tích cho các gia đình.

Đối với mảnh đất có chiều rộng >6m, ngoài khả năng tổ hợp như loại thứ hai còn có thể mở rộng phần hành lang tầng trệt để tạo thành một “phố trong nhà” để tăng điều kiện kiếm sống cho người dân (hầu như các hộ đều có nhu cầu này).

+ Về hình thức mặt đứng và màu sắc ngoài nhà

Phải hoà nhập với các công trình xung quanh về chiều cao, hình dáng, kiểu cách và các chi tiết trang trí cũng như mầu sắc.

Khi dùng các thủ pháp tương phản phải cân nhắc để đạt được hiệu quả thẩm mỹ chung cho toàn khu vực.

+ Về giải pháp kết cấu và thi công

Nguyên tắc cơ bản nhất là không ảnh hưởng tới công trình bên cạnh và cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của cư dân. Do đó các giải pháp kết cấu nên dùng là:

– Giảm trọng lượng, tăng đọ cứng, độ bền. Trong khi chưa có điều kiện sử dụng các vật liệu như vậy thì khung BTCT đổ tại chỗ, sàn lắp ghép tấm nhẹ, hoặc đổ tại chỗ là thích hợp.

– Vật liệu bao che và ngăn cách dùng loại nhẹ và có chiều dầy nhỏ là thích hợp, đặc biệt đối với những nhà hẹp lòng.

– Các thiết bị như khu vệ sinh nên dùng loại liền khối (đúc sẵn liền xí, tắm, rửa vào một khối bằng nhựa có chất lượng cao) như vậy kích thước sẽ được giảm phù hợp không gian chật hẹp và thuận tiện lắp đặt.

– Thiết bị thi công và biện pháp thi công phải phù hợp.

7. Kết luận

Không thể tách rời nhưng vấn đề nêu trên để giải quyết vì chúng luôn luôn hoà quệt vào nhau.

Trong từng mảnh đất cụ thể, từng tuyến phố cụ thể, từng ô phố cụ thể mà các vấn đề nêu ở phân trên của bài này có mức độ quan trọng khác nhau.

Không thể áp dụng đồng đều độ cao như trong quy định tạm thời về quản lý của khu phố cổ vì ai cũng tận dụng tối đa chiều cao cho phép dần dần sẽ dẫn tới một sự đồng đều đơn điệu, cần nhanh chóng có thiết kế đô thị cho từng ô phố hay tuyến phố như vậy mới có khả năng bảo vệ được nhịp điệu sinh động của khu phố.

Cần có đơn vị thiết kế và thi công riêng cho khu vực này. Vì sự am hiểu điều kiện riêng của khu phố cổ và kỹ thuật bảo tồn là một yếu tố của sự thành công.

Việc quản lý là khâu hết sức quan trọng trong các khu vực cần bảo tồn. Công việc này phải dựa trên các cơ sở pháp lý và đặc biệt là thiết kế đô thị cho từng khu vực cụ thể. Công việc này dòi hỏi nhiều tiền và nhiều công sức nhưng là cần thiết.

READ MORE

Shigeru Ban – KTS của giấy

Sử dụng những vật liệu không bình thường trong xây dựng như giấy, Shigeru Ban đã mở rộng và định nghĩa lại giới hạn về vật liệu mới trong kiến trúc hiện đại. Ông đã tạo ra một biểu tượng mới của kiến trúc tối giản.

church 11

Nhà thờ bằng giấy

Ông sinh năm 1957 tại Tokyo, Nhật Bản. Ông học kiến trúc tại Học viện Kiến trúc Nam California(SCI-Arc) từ năm 1977 đến năm 1980, sau đó theo học trường kiến trúc Cooper Union, nơi John Hejduk từng theo học (1980-1982). Năm 1982-1983, ông làm việc tại xưởng kiến trúc của Arata Isozaki và sau đó mở một văn phòng kiến trúc của riêng mình ử Tokyo năm 1985. Shigeru đã thiết kế rất nhiều công trình triển lãm, trong đó có cả nhà triển lãm Alvar Aalto (Axis Gallery, Tokyo 1986). Các công trình tiêu biểu của ông: Pavilion Odawara (Kanagawa , 1990), Phòng trưng bày giấy (Tokyo, 1994), Nhà giấy (Hồ Yamanaka, 1994-1995), Nhà thờ giấy (Takatori, Hyogo, 1995), tất cả các công trình đều xây dựng ở Nhật Bản. Ông cũng thiết kế những công trình có cấu trúc bằng vật liệu kém bền vững như: Nhà cho người tị nạn được làm bằng nhựa và ống giấy củacho Cao ủy Liên Hợp quốc về người tị nạn (UNHCR). Shigeru cũng là người được chọn để thiết kế nhà triển lãm Nhật Bản tại Hội chợ triển lãm Hanover 2000.

Ngôi nhà giấy

(Hồ Yamanaka, Yamanashi, Nhật Bản, 1994-1995)

Paper house 2

Paper house 1

Nội thất bên trong của căn nhà

Ngôi nhà diện tích 100m2 này là một trong ba công trình được xây dựng gần hồ Yamanaka. Đó là dự án đầu tiên ở Nhật Bản sử dụng ống giấy thải loại như một loại vật liệu để xây dựng nên một công trình bền vững. Từ xa xưa, giấy đã được sử dụng làm vật liệu cấu tạo nên ngôi nhà trong kiến trúc Nhật Bản. Và Shigeru có vẻ cũng rất tự nhiên khi sử dụng chất liệu đó trong xây dựng. Ông đã thiết kế các công trình như: Hội trường Odawara (1990), Nhà thờ giấy, những căn nhà khúc cây cho những người tị nạn trong trận động đất ở Kobe hồi năm 1995. Với 110 ống giấy xếp hình chữ S trên mảnh đất 10mx10m. Mỗi ống có đường kính 280mm và cao 2,7m. Căn phòng phần bụng chữ S làm từ 80 ống giấy là nơi sinh hoạt, có không gian nhìn ra phía rừng còn phần bụng nhỏ của chữ S làm khu vệ sinh.

 

READ MORE

Thành phố sông Hồng – bài toán chỉnh trị khó khăn

Dự án TP sông Hồng được đánh giá cao về mặt ý tưởng. Nhưng nhiều người vẫn băn khoăn trước bài toán khó là làm sao có thể chỉnh trị con sông Hồng vốn nổi tiếng “bất trị”, làm sao di dời được hàng chục vạn dân.

Chỉnh trị sông tức là phải làm được ba việc, chống ngập lụt, tăng khả năng thoát lũ và chống xói mòn đất trong khu vực sông. Việc này quyết định bởi các phương án xác định dòng chảy chính của sông và đắp đê mới.

song hong11

Sơ đồ vị trí đường chỉnh trị và vị trí tương đối giữa đê mới và đê cũ

Theo đề án mới công bố của Tổ dự án TP sông Hồng, đoạn sông qua Hà Nội sẽ có một tuyến đê mới, thay thế tuyến đê hiện nay. Tuyến đê này về cơ bản sẽ thu hẹp lại so với đê cũ. Lòng dẫn của sông sẽ được thu hẹp tại bốn điểm là khu vực thượng lưu cầu Thăng Long, khu vực ngã ba sông Đuống, khu vực cầu Vĩnh Tuy và khu vực Bát Tràng. Riêng khu vực chân cầu Chương Dương lòng dẫn được mở rộng hơn so với trước đây (chi tiết trong sơ đồ trên).

Theo GS, TS Ngô Đình Tuấn, ĐH Thủy Lợi Hà Nội, cần một dự án tổng thể và có quy mô như dự án sông Hồng, nhưng để làm một tuyến đê mới thì phải nghiên cứu kỹ lưỡng. Dự án chưa đưa ra được cơ sở khoa học vững chắc cho những điều chỉnh của mình.

Dự án đề xuất một tuyến đê mới, với một phương án nắn dòng chảy dựa trên các kết quả đã nghiên cứu trước đây của Viện Khoa học Thủy Lợi. Nhưng theo ông Tuấn, bản thân kết quả này vẫn còn đang gây nhiều tranh cãi. Để xác định được dòng chảy chính của sông làm cơ sở cho việc xây dựng tuyến đê mới cần phải có sự nghiên cứu các nhà khoa học, cần phải được thử nghiệm trên các mô hình toán học và vật lý cụ thể. Những thử nghiệm này sẽ mất nhiều thời gian và tiền bạc nhưng hết sức cần thiết.

Để thông thoáng dòng chảy, dự án đưa ra kế hoạch nạo vét sông hằng năm. Ông Tuấn cho rằng việc nạo vét hàng triệu m3 bùn cát ở đây cũng phải có kế hoạch cụ thể. Giáo sư cũng đề xuất phương án tạo dòng chảy có tốc độ lớn ở một số điểm làm xói mòn, tạo độ sâu cần thiết. “Chỉnh trị sông Hồng là việc hết sức quan trọng, cần phải có một hội đồng khoa học, nghiên cứu kỹ lưỡng và bài bản. Việc này có thể mất nhiều thời gian chứ không thể là chuyện một sớm, một chiều”, ông Tuấn nói.

Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc cho biết, việc chỉnh trị sông Hồng không hề đơn giản. Nó vẫn được mệnh danh là con sông “bất trị”. Trong thời gian đô hộ nước ta thực dân Pháp đã cử những kỹ sư giỏi nhất sang để nghiên cứu chỉnh trị con sông tuy nhiên vẫn không thành công. Khoa học thời đó và ngày nay đã khác nhiều, nhưng việc chỉnh trị sông vẫn cần phải được nghiên cứu kỹ và làm thật cẩn trọng.

Bài toán di dân

Theo dự tính sẽ có khoảng 39.100 hộ, tương đương với khoảng 180.000 dân phải di dời cho dự án. Tức là gần như toàn bộ dân đang sống ở khu vực ven sông và bãi sông trên địa bàn huyện Từ Liêm, quận Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng phía hữu ngạn và huyện Đông Anh, Gia Lâm, quận Long Biên phía tả ngạn sẽ phải di dời.

XomThuyenChai11

Khu vực này chiếm đa phần là dân làm nông nghiệp. Cự Khối, Long Biên là khu trồng rau sạch của Hà Nội, còn Nhật Tân, Quảng Bá, Tứ Liên thì vẫn nổi tiếng xưa nay với nghề trồng hoa, trồng quất…

Ở Nhật Tân có khoảng 40% hộ thuần nông, 65% hộ bán nông nghiệp. Còn ở phường Tứ Liên số dân nông nghiệp chiếm đến khoảng 50%. Ông Chu Văn Sinh, đảng viên 40 năm tuổi đảng ở Nhật Tân, nói: “Gia đình tôi cũng như đa số những người ở đây, mảnh đất nếp nhà là cả sản nghiệp, lấy nghề trồng rau, trồng hoa là kế sinh nhai. Giờ phải di dời, không biết việc đền bù ra sao, gia đình ông sẽ phải chuyển đi đâu? Sẽ sống bằng nghề gì?”. Những băn khoăn, lo lắng của ông Sinh cũng là của hầu hết những hộ dân nằm trong diện phải di dời.

Ông Nguyễn Vinh Phúc cho rằng việc di dời một số lượng lớn người dân như vậy sẽ tạo nên một sự biến động xã hội lớn. Nếp sống của người dân từ bao đời qua sẽ bị thay đổi. Cần phải tính được những vấn đề nảy sinh khi những người xưa nay chỉ biết đến vườn tược, sông nước chuyển lên ở chung cư cao tầng sẽ như thế nào. Cần phải có thời gian nghiên cứu đưa ra được phương án giải quyết thỏa đáng, tránh “dục tốc, bất đạt”.

 

READ MORE

Quy hoạch thành phố sông Hồng

Nếu dự án được Quốc hội và Chính phủ thông qua, việc quy hoạch hai bờ sông Hồng sẽ tiến hành từ năm 2009 với 4 khu vực sông và đô thị tương ứng.

Theo dự án, Hà Nội sẽ kè đê dọc theo phần sông Hồng chạy qua thành phố, với chiều dài mỗi bên sông trên 40 km. Đồng thời, thành phố xây dựng đường ven sông Hồng theo đê hiện có và đê mới, liên kết với mạng lưới đường vành đai 2, 3 và 4 và mở rộng thêm đường bộ trên trục Nam – Bắc. Hệ thống đường bộ này cũng sẽ được liên kết với đường thủy và đảm bảo tiếp cận sông dễ dàng.

Hà Nội dự kiến sẽ có 4 đường vành đai, 8 đường hướng tâm và 5 cây cầu, trong đó một cầu đang xây dựng (cầu Vĩnh Tuy) và 4 cầu khác có kế hoạch xây dựng. Các tuyến đường huyết mạch đô thị đều có tốc độ thiết kế 60 km/g.

Theo các chuyên gia Hàn Quốc, các tuyến đường đê bên hữu ngạn (phía Hà Nội) sẽ có 2-8 làn xe, đường phía tả ngạn là 2-4 làn xe và thêm 2 đường chui.

Hai bên bờ sông sẽ là các công trình giúp người dân tiếp cận sông, trong đó sẽ có các tuyến đường đi bộ và các bậc thang. Gần bờ sông cũng có những bãi đỗ xe và điểm dừng xe buýt để hạn chế xe hơi cá nhân vào bãi sông.

Phát triển các đô thị ven sông Hồng

q11

Phân bố 4 khu vực ven sông. Ảnh: DOHWA

Nhờ phần đê mới kè, thành phố sẽ có thêm khoảng 2.050 ha đất phát sinh trong đó khoảng 1.500 ha sẽ dành để phát triển đô thị. Theo kế hoạch, sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội cùng phần đất trên bờ sẽ được phân chia thành 4 khu vực có chức năng khác nhau, lần lượt gồm các đoạn từ Chèm đến cầu Thăng Long, từ cầu Thăng Long đến cầu Chương Dương, từ cầu Chương Dương đến cầu Thanh Trì, và từ cầu Thanh Trì đến làng Bát Tràng.

Khu vực Diện tích (ha) Định hướng phát triển
KV1 220 Cư trú, thương mại phân phối hàng đa chức năng
KV2 600 Khu tổng hợp quốc tế, tổ chức các hoạt động quốc tế
KV3 170 Cư trú, công cộng, phân phối hàng đa chức năng
KV4 980 Cư trú, nghỉ ngơi, sản xuất
Tổng 2.050 Bao gồm diện tích giữ lại (80 ha)

Khu vực 1

KV1

Theo kế hoạch, khu vực 1 sẽ xây dựng thêm một cây cầu tại Chèm và phát triển khu dân cư lân cận khu công nghiệp hiện hữu. Tại đây cũng sẽ hình thành khu phân phối hàng đa chức năng được liên kết với sân bay và khu công nghiệp, đồng thời phục vụ thu hút dân di dời đợt một.

Khu vực 2

KV2 huu ngan

Khu vực hữu ngạn sông Hồng. Ảnh: DOHWA

Khu vực 2 là phần quan trọng nhất của dự án chỉnh trị và phát triển sông Hồng. Tại hữu ngạn (phía Hà Nội) hiện có diện tích 280 ha, sẽ phát triển khu đa chức năng quốc tế liên kết trên cơ sở các khu phố tập trung các công ty chứng khoán, tài chính, kinh doanh hiện hữu. Tại đây cũng sẽ có các khu dân cư cao cấp có liên kết với hồ Tây và vùng ven sông.

KV2 ta ngan

Khu vực tả ngạn sông Hồng. Ảnh: DOHWA

Khu vực tả ngạn (phía Đông Anh, Cổ Loa, diện tích 320 ha) sẽ có 2 chức năng chính: khu phức hợp phục vụ Olympic (Olympic Complex) và các sự kiện thể thao lớn như làng Olympic, làng báo chí… nhằm tạo đông lực phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa.

Phần thứ hai phía tả ngạn là khu phức hợp triển lãm (Expo Complex) phục vụ các lễ hội, triển lãm lớn.

Khu vực 3

KV3

Khu vực kéo dài từ cầu Chương Dương đến cầu Thanh Trì (170 ha) sẽ là khu dân cư, đồng thời là khu phân phối hàng đa chức năng bao gồm các chợ đầu mối, trung tâm phân phối hàng và công trình phụ trợ.

Khu vực 4

KV4

Khu vực này có diện tích lớn nhất dự án (980 ha), có chức năng một khu cư trú, nghỉ ngơi kết hợp làm khu sản xuất của thành phố. Tại đây cũng sẽ hình thành một du lịch có liên kết với không gian văn hóa, lịch sử của làng Bát Tràng, một sân golf và khu công nghệ cao. Theo các chuyên gia Hàn Quốc, sân golf sẽ được đặt tại phía bắc khu vực 4, nhưng hiện Hà Nội đã chấp thuận cho Vincom lập quy hoạch sân golf tại phía nam. Vì thế, khu vực này có thể còn có điều chỉnh.

Phân chia chức năng các khu vực cụ thể

ên khu vực Phương án
Võng La Khu bảo tồn sinh thái ven sông
Đông Anh Công viên thể thao tổng hợp
Ngọc Thụy Nơi nghỉ ngơi
Long Biên Nơi học tập, sinh thái
Gia Lâm Vùng tinh lọc thực vật tự nhiên ven sông
Từ Liêm Khu phục hồi sinh thái ven nước
Tây Hồ Công viên mở
Hoàn Kiếm Công viên sinh thái lịch sử
Hoàng Mai Gate Park
Vùng bãi bồi Khu bảo tồn sinh thái đảo tự nhiên
Tứ Liên Vườn thực vật (Hanoi World Class Garden) 

Kinh phí khổng lồ

Theo ước tính của các chuyên gia Hàn Quốc, đầu tư cho “thành phố sông Hồng” sẽ lên tới 27.240 tỷ đồng, tương đương gần 2 tỷ USD, trong vòng 12 năm. Như vậy trung bình mỗi năm Hà Nội sẽ cần đến 2.400 tỷ đồng để thực hiện dự án.

Công việc Khối lượng Kinh phí (tỷ đồng)
Chỉnh trị sông Đắp đê: 75,1 km
Chỉnh trị lòng dẫn: 13,1 triệu m3
Bến phà: 6 bến
9.360
Công viên ven sông Tổng 4.200 ha
Vùng trung tâm sử dụng: 1.350 ha
Vùng bảo tồn và sử dụng: 2.850 ha
4.260
Đường đê Tổng chiều dài 80 km
6 cầu
2 đường chui
7.660
Phí dự phòng 5.960
Tổng cộng 27.240
READ MORE

Dự án sông Hồng không chỉ để kinh doanh địa ốc

“Nếu chỉ vì mục đích kinh doanh bất động sản thì chắc chắn chúng tôi và cả những nhà đầu tư khác đã không tham gia vào dự án này vì đây là một dự án khó”, ông Han Jei Hyun, Giám đốc dự án thành phố ven sông Hồng, cho biết.

Tiến độ triển khai dự án hiện nay đến đâu và có gặp khó khăn gì không, thưa ông ?

Hiện nay, tổ công tác của dự án vẫn đang làm việc khẩn trương để hoàn thành nốt một số điểm chi tiết của dự án. Dự kiến đến cuối tháng 11 này, chúng tôi sẽ có một bản kế hoạch hoàn chỉnh để đầu tháng 12 chúng tôi sẽ gửi sang cho UBND thành phố Hà Nội và một số bộ, ngành có liên quan của Việt Nam.

Còn về khó khăn thì đến thời điểm này chúng tôi vẫn chưa gặp một khó khăn nào lớn trong công việc của mình. Mọi việc xem ra khá suôn sẻ đối với tổ công tác của chúng tôi. Chỉ duy nhất một điều khiến chúng tôi lấy làm tiếc là trong cuộc triển lãm dự án tại Hà Nội vào tháng 9 vừa qua, ý kiến đóng góp của người dân và các nhà khoa học vẫn chưa nhiều.

Vì vậy, sắp tới, khi chúng tôi gửi bản kế hoạch chi tiết cho phía Việt Nam, hy vọng sẽ nhận được nhiều hơn những ý kiến đóng góp của người dân, các nhà nghiên cứu và cuối cùng là sự phê duyệt của Chính phủ Việt Nam.

Nhưng đến thời điểm này thì vẫn có nhiều ý kiến cho rằng, ý tưởng về xây dựng một thành phố ven sông như sông Hàn của Hàn Quốc là khó khả thi vì tính toán chưa kỹ và sông Hồng không giống với sông Hàn?

Theo tôi thì không phải như vậy. Sau khi khảo sát, chúng tôi thấy, sông Hồng và sông Hàn có nhiều điểm tương đồng hơn là khác biệt. Chẳng hạn như về diện tích lòng sông và thủy văn là khá giống nhau.

Vì thế, chúng tôi cho rằng, Hà Nội hoàn toàn có thể xây dựng một thành phố ven sông, giống như thành phố nổi tiếng bên sông Hàn tại Hàn Quốc.

Còn theo tôi hiểu thì những ý kiến quan ngại đối với dự án sông Hồng cũng chỉ xoay quanh việc di dời gần 40.000 hộ dân trong vùng dự án. Đây sẽ là một khâu quan trọng của dự án vì nó liên quan đến kinh phí đền bù cũng như vấn đề xã hội, khiếu kiện…

Vậy, kế hoạch di dời 40.000 hộ dân đã được tính toán như thế nào, thưa ông ?

Số hộ phải di dời trong dự án lên tới 40.000 hộ, tương đương với 170.000 dân. Đây sẽ là một con số không nhỏ nên cũng không phải là chuyện dễ. Do đó, chúng tôi dự kiến, việc di dân sẽ phải mất khá nhiều thời gian, nhanh nhất cũng phải từ 10 đến 12 năm và chia thành 3 giai đoạn.

Theo tính toán, chi phí dành cho việc bồi thường, tái định cư của 40.000 hộ dân sẽ lên tới 1,5 tỉ USD. Phương án bồi thường cho các đối tượng này là bồi thường bằng tiền mặt hoặc cung cấp chung cư theo phương thức cho thuê dài hạn. Dự kiến, khi dự án hoàn thành thì quỹ nhà mới tạo ra sẽ cung cấp chỗ ở tái định cư cho khoảng 29.000 hộ trong khu vực dự án.

Tuy nhiên, theo tôi nghĩ nếu Chính phủ Việt Nam và thành phố Hà Nội quyết tâm thì không việc gì là không thể làm. Vấn đề còn lại chỉ là việc huy động nguồn vốn cho dự án, mà theo dự kiến là sẽ lên tới 7 tỷ USD.

Vậy, 7 tỷ USD này sẽ được huy động như thế nào, thưa ông ?

Đây là một dự án lớn nhất của Hà Nội từ trước đến nay. Vừa qua, chúng tôi cũng đã có một cuộc họp với lãnh đạo thành phố Hà Nội để bàn về việc huy động vốn cho dự án. Hai bên cũng đã thống nhất là sẽ huy động chủ yếu từ các doanh nghiệp nước ngoài, kể cả ở Hàn Quốc. Phần còn lại sẽ do Chính phủ Việt Nam đóng góp.

Có nhiều ý kiến cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến dự án này là do bất động sản Hà Nội đang và sẽ được giá ?

Mục đích đầu tiên của chúng tôi khi tham gia vào dự án này là mong muốn làm sao cho người dân sống hai bên sông Hồng có một đô thị hiện đại mà không phải chịu cảnh lũ lụt. Còn nếu chỉ vì mục đích kinh doanh bất động sản thì chắc chắn chúng tôi và cả những nhà đầu tư khác đã không tham gia vào dự án này vì đây là một dự án “khó”.

Còn theo tôi, giá bất động sản ở Hà Nội tăng cao là một tất yếu của việc phát triển đô thị. Việc xây dựng dự án này cũng là nằm trong xu thế phát triển đô thị đó. Cho nên, phát triển đô thị không thể bị kìm hãm bởi lợi ích của một cá nhân hay tổ chức nào đó. Tất cả đều phải vì lợi ích chung và phải hòa chung xu thế của sự phát triển.

Tất nhiên, khi dự án này hoàn thành thì chắc chắn sẽ ít nhiều tác động đến thị trường bất động sản của Hà Nội nhưng sẽ là theo hướng có lợi cho người dân.

Vì vậy, tôi mong muốn rằng tất cả những người dân Hà Nội và các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, hãy xem đây là một dự án mang tính xã hội, phục vụ người dân.

READ MORE

Đô thị sông Hồng có thể ngốn 20 tỷ USD

Nguồn tin từ Tổ dự án quy hoạch sông Hồng và khu vực 2 bên sông cho biết, dự kiến tổng vốn đầu tư cho dự án này có thể gấp vài lần so với con số 7 tỷ USD mới được công bố.

Tại Hội nghị do Tổ dự án tổ chức để báo cáo Chính phủ và Hà Nội vào đầu tháng 7 vừa qua, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng cũng nhận định, con số phải là vài chục tỷ đôla. Cũng theo Phó thủ tướng, hiệu quả tài chính của dự án phụ thuộc vào nguồn vốn sinh lợi từ đất, lấy giá trị của đất làm dự án để đầu tư vào các công trình chính. Vì thế, Hà Nội và các bộ, ngành phải tính toán chặt chẽ về tiến độ giải tỏa và tiến độ thu hồi vốn. Trước đó, Bộ Tài chính đưa ra con số ước tính 27.000 tỷ đồng, tương đương 1,7 tỷ USD.

TP song Hong

Theo Tổ dự án, phía Hàn Quốc cũng đã dự trù mức kinh phí hàng chục tỷ đôla từ trước, song chưa đưa ra con số cuối cùng do chưa xây dựng xong bản kê khai chi tiết các hạng mục cũng như để tránh gây bất ngờ khi vốn đầu tư quá lớn.

Thông tin về dự án thành phố sông Hồng được Chủ tịch UBND TP Hà Nội khi đó là ông Nguyễn Quốc Triệu công bố lần đầu vào tháng 5 vừa qua. Khi đó, mức kinh phí dự kiến cần thiết cho dự án là 2 tỷ USD. Gần đây nhất, các chuyên gia Hàn Quốc công bố con số 7,099 tỷ USD.

Đến phiên công bố thông tin dự án lần cuối vào tháng 11 năm nay, các chuyên gia Hàn Quốc sẽ đưa ra mức kinh phí dự kiến mới, cao hơn 7,1 tỷ USD công bố mới đây. Dự án khổng lồ này có thể sẽ cần đến 20 tỷ USD, thậm chí nhiều hơn.

Dự kiến đến tháng 11 năm nay, Tổ dự án sẽ hoàn tất dự án, trình Chính phủ và Hà Nội.

READ MORE

KTS Santiago Calatrava

Xem hình Kiến trúc sư Santiago Calatrava sinh năm 1951 tại Valencia, Tây Ban Nha. Ông học nghệ thuật và kiến trúc tại trường Đại học Kiến trúc Valencia (1968-1973), sau đó làm tiến sĩ kỹ thuật tại Đại học ETH Zurich, Thuỵ Sỹ năm 1981. Calatrava mở văn phòng riêng vào cùng năm 1981. Thời gian đầu, ông chủ yếu hành nghề ở Thuỵ Sỹ và Tây Ban Nha, giờ đây, ông có công trình trên hầu hết các nước châu Âu và Mỹ La tinh.

Phong cách kiến trúc Calatrava nằm ở sự kết hợp uyển chuyển và chưa từng có ở nghệ thuật kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc và kết cấu công trình. Calatrava dùng các đường nét kết cấu để biểu hiện một hình ảnh kiến trúc mà hình ảnh kiến trúc đó luôn mang một ý nghĩa. Kiến trúc của ông được ví như “bài thơ của kiến trúc đương đại”, kết hợp nhuần nhuyễn ba lĩnh vực quan trọng của nghệ thuật kiến trúc, không gian kiến trúc và kết cấu công trình. Mỗi tác phẩm kiến trúc của ông được tạo hình như một tác phẩm điêu khắc hiện đại. Chất thơ cảu tạo hình kiến trúc cô đọng trong biểu hiện và ngôn ngữ điêu khắc. Những biểu hiện kiến trúc của ông đều dựa trên tính hợp lý của kết cấu, sự tận dụng ánh sáng hay sử dụng vật liệu. Điều dễ nhận thấy là trong kiến trúc của ông xuất hiện nhiều loại đường nét và mặt cong bậc hai. Các nét vận động theo một quỹ đạo nhất định làm nên hiệu ứng động ảo. Bạn có thể nhận thấy hiệu ứng này khi quan sát lồng chắn của quạt máy đang quay.

Không gian kiến trúc của Calatrava thường là phi hình học. Khó có thể nhận thấy rõ ràng giới hạn của các phần tường, trần, sàn, mái…Sự đan quyện của các không gian chức năng, sự xâm nhập của ánh sáng bên ngoài làm cho không gian nội thất bên trong biến hoá, tạo thành một mảng không gian liên tục, liên thông thị giác trong và ngoài. Vật liệu xây dựng được ông sử dụng dù là bêtông, kim loại hay kính đều vượt khỏi các giới hạn vật lý vốn có. Các trụ, các dầm bêtông, các mặt cong bêtông đều nhẹ và có cảm giác như thể có thể bay lên khỏi mặt đất. Các thanh thép trong cấu trúc mái dù to hay nhỏ đều chuyển động khi hiện diện trước mắt ta.

Trên thế giới, không có nhiều kiến trúc sư sáng tạo được nhiều hình thức kết cấu mới. Trước đây, các kỹ sư – kiến trúc sư như Edourdo Torroja, Pier Luigi Nervi, Feliz Candela hay kiến trúc sư Eero Saarinen đã tạo ra các hình thức kiến trúc bêtông nhẹ và biểu hiện tự do. Từ những năm 70 của thế kỷ XX đến nay, các kiến trúc sư lớn như Kenzo Tange, Renzo Piano, Richard Rogers, Norman Foster cũng đã ứng dụng các thành tựu kết cấu công trình để sáng tạo các hình thức kiến trúc mới. Nhưng nhuần nhuyễn và đầy ma thuật như Santiago Calatrava thì chỉ có ông là người duy nhất. Không có kiến trúc sư nào thiết kế nhiều cây cầu nổi tiếng như ông. Với hơn chục cây cầu có hình dạng động và khẩu độ lớn ở hầu hết các nước châu Âu và Nam Mỹ, ông thực sự là kiện tướng trong việc thiết kế cầu. Calatrava cho ta thấy tạo hình công trình là không có giới hạn, dù đó là công trình kiến trúc hay cây cầu, đập chứa nước, bờ kè hay con mương và cả những con tàu vượt đại dương. Các công trình dưới bàn tay ma thuật của Calatrava đều đầy cảm xúc và ấn tượng. Trung thành với ngôn ngữ tạo hình kiến trúc động ảo, kết hợp logic giữa tạo hình kiến trúc và tuyển hình kết cấu, Calatrava đã xoá nhoà ranh giới giữa điêu khắc động và kiến trúc động ảo, được mệnh danh là “Chủ nghĩa Biểu hiện duy lý”.

Các công trình tiêu biểu:

1. Nhà ga đường sắt Lyon – Satolas (1989-1994)

Nhà ga đường sắt Lyon – Satolas nằm ở phía Bắc, cách thành phố Lyon 30km. Đó là điểm nối giữa hai tuyến giao thông: đường sắt cao tốc nối mạng toàn châu Âu và sân bay Lyon. Công trình này KTS Calatrava giành được quyền thiết kế trong một cuộc thi thiết kế mô hình kiến trúc nhà ga này năm 1990. Nhà ga hành khách rộng 5.600m2, gồm hai phần chính: phòng đợi và mái che 6 tuyến đường sắt dài 500m.

ga%20Lyon Satolas

Ý tưởng tạo hình của Calatrava là hình ảnh một cánh chim khổng lồ, sải cánh 120m, rộng 100m, cao 40m. Hình ảnh này giống hình tượng nhà ga hành khách sân bay Kennedy (TVA) của KTS Eero Saarinen. Tuy nhiên, với hình thức kết cấu và vật liệu thép kính hiện đại, chất sinh học kiến trúc hiển thị rõ hơn, ngôn ngữ hình tượng lung linh hơn và công trình kỳ vĩ hơn. Ở đây ông dùng hai thuật trình diễn hiện đại, bộ khung xương kết cấu cho phần lưng và cánh chim trùng với những nét mang ý nghĩa của hình tượng; và thuật biến đều của hình ảnh thị giác tạo nên hiệu quả động ảo. Calatrava từng nói về các tác phẩm của mình là: “Các sáng tác của tôi thiên về tạo hình hơn là hữu cơ. Chủ ý mà tôi muốn đạt được là sự giao hoà của điêu khắc, giải phẫu học…Sáng tạo hình tượng thường không thể thoát khỏi các sơ đồ mà thiên nhiên đã có”.

2. Nhà hoà nhạc Tenerife (đảo Canary, Tây Ban Nha) (1991-2003)

Quần đảo Canary thuộc Tây Ban Nha là một quần đảo ở Bắc Phi, gần Maroc. Thành phố lớn nhất của Canary là Santa Cruz, vốn là một đô thị công nghiệp phát triển. Đây cũng là một địa danh du lịch nổi tiếng châu Âu. Người ta đến đây để tắm nắng và tiêu tiền trong các vũ trường. Chính quyền thành phố đã bỏ ra 75 triệu USD để thuê tư vấn thiết kế quy hoạch và kiến trúc nhằm biến Canary thành một đô thị văn hoá trong thế kỷ XXI. Calatrava nhận được hợp đồng thiết kế nhà hát Tenerife năm 1992.

Tenerife opera house

Nhà hát gồm 2 thính phòng: thính phòng giao hưởng với 1600 chỗ và thính phòng nhạc nhẹ gồm 428 chỗ. Phòng đợi chính có diện tích 1.170m2 với ba lối tiếp cận chính từ thành phố, trên núi và ngoài biển. Ngoại cảnh nhà hát còn có một quảng trường rộng 15.570m2, một công viên hải dương. Gần đó là bến cảng và khu phố Cabo Llanos cũ kỹ.

Điều đáng nói ở công trình này là ma lực tạo hình của Calatrava. Người ta ví nhà hát này là con mắt khổng lồ đang chớp mi trước đại dương, là những cánh buồm đang chuẩn bị ra khơi, là chiếc lá huyền thoại trong cổ tích xa xưa…mỗi cảm nhận đều nói lên sự tinh tế và mê hoặc trong sáng tác của ông. Calatrava mê những biến ảo động sinh ra từ các khối cong, tròn, lồi lõm, được ánh sáng mặt trời vẩy nhuộm sáng tối, tạo nên nhịp động ảo đầy ma lực. Ông tạo cho nhà hát các khối cong bêtông uốn quyện nhau, tiếp nối nhau trong các quỹ đạo phát triển, để lại trong cảnh quan những biến điệu tạo hình mới lạ. Calatrava giải phóng các mặt cong nội thất bằng một hệ thống phản âm dạng gấp nếp. Phần trên các gấp nếp là hệ các mặt tam giác trổ đều các băng ánh sáng. Tất cả chụm lại trên đỉnh và ánh sáng ùa vào nội thất, bùng ra như pháo hoa. Đây là một kiệt tác nghệ thuật dành cho Canary.

3. Nhà ga hàng không Oriente, Lisbon, Bồ Đào Nha (1993-1998)

oriente%20station

Là một phần trong dự án phát triển cho hội trợ thương mại Expo năm 1998 tại Lisbon, Bồ Đào Nha, nhà ga hàng không Oriente nằm cách thủ đô cổ kính của Bồ Đào Nha khoảng 5km, bên bờ sông Tagus. Điểm nổi bật của công trình này chính là tạo hình của kết cấu sắt thép. Diện tích mà “các cây sắt thép trên đồi” che phủ là 78x238m. Nhà ga là điểm hội tụ của các tuyến giao thông toả đi trong thành phố.

4. Bảo tàng nghệ thuật Milwaukee, Wiscosin, Mỹ (1996-2002)

Bảo tàng nghệ thuật Milwaukee là tác phẩm đỉnh cao của kiến trúc độgn ảo, phong cách kiến trúc hiện đại được kiến trúc sư Santiago Calatrava khởi xướng trong những năm cuối thế kỷ XX. Bảo tàng nghệ thuật Milwaukee là công trình đầu tiên được xây dựng ở Mỹ của KTS Santiago Calatrava, cũng là công trình bảo tàng đầu tiên mà ông thiết kế. Đúng ra, đây là côgn trình mở rộng bảo tàng Milwaukee, trước đây đã được KTS Eero Saarinen thiết kế và KTS David Kahler bổ sung đồ án. Tuy nhiên, Calatrava đã khiến thành phố Milwaukee có được một biểu tượng, nước Mỹ có thêm một tượng đài kiến trúc, người dân Michigan có thêm một niềm tự hào ngoài bia Brewing và xe máy Harley Davison.

bao%20tang%20nghe%20thuat%20Milwaukee

Bảo tàng nghệ thuật Milwaukee có ba yếu tố chính: nhà trưng bày, cầu đi bộ nối vào bảo tàng với trung tâm Milwaukee và tấm mành che nắng di động. Cái làm cho công trình trở nên bất hủ chính là tấm mành che nắng di động. Nếu như ở các công trình trước, cái động chỉ là độgn ảo thì ở đây, cánh buồm hay mành che nắng với 72 thanh chắn dài từ 8-31m chuyển động thật nhờ hệ thống 22 xilanh thuỷ lực đẩy lên hay khép xuống. Bộ vây này nặng 110 tấn. Trước khi khánh thành, không ít KTS, nhà phê bình kiến trúc cho rằng “cỗ máy kỳ cục này” không khả thi và tốn kém vô lối. Cái mành nhiệt đới kia không thích hợp với khí hậu lạnh lẽo của Milwaukee. Nhưng sau đó, vẻ tạo hình của cái mành động này đã hấp dẫn các nhà đầu tư, nâng vốn từ 35 triệu USD lên thành 75 triệu USD. Công trình đã lôi kéo 32.000 người vào bảo tàng nhân ngày khai trương 14/10/2002.

Santiago Calatrava đã vượt qua hai KTS Nhật Bản là Arata Isozaki và Fumihiko Maki trong cuộc thi chung kết để có được hợp đồng thiết kế công trình này. Với bảo tàng nghệ thuật Milwaukee, ông đã trả được “món nợ kiến trúc” cho người Tây Ban Nha bởi mấy năm trước, KTS người Mỹ Frank Gehry đã tặng cho thành phố Bilbao, Bắc Tây Ban Nha, một món quà kiến trúc độc đáo là Bảo tàng nghệ thuật Guggeheim, Bilbao.

5. Kiến trúc cầu

Cầu Alamillo trên đường cao tốc La Cartuja, Sevilla, Tây Ban Nha (1987-1992)

alamillo%20bridge

Chiếc cầu như cây đàn hạc bắc qua sông Guadalquivir dài 250m, khẩu độ lớn nhất 200m. Trụ đỡ dây treo nghiêng 580 với mặt phẳng ngang. Cả đoạn cầu dẫn dài 526m. Trụ đỡ một bên làm cho bản cầu như bay, vươn xa. Tiếng gió luồn qua các dây treo thẳng căng đều, đôi lúc nghe như tiếng hạc cầm tấu trong thinh không.

Cầu đi bộ Campo Volantin, Bilbao, Tây Ban Nha (1994-1997)

campo%20volantin%20bridge2

Cầu dài 75m, độ cao của cung 15m, nối hai bờ sông Bilbao. Dạng cầu hình parabol, kết cấu treo bằng bêtông cốt thép và dây căng. Sông Bilbao chảy trong thành phố nên khoảng cầu dẫn hầu như không có. Calatrava đã đẩy nghiêng cung treo và uốn cong bản cầu để tăng độ thông thuỷ cho cầu. Các đường cong của cung treo và bản cầu xoắn theo hai chiều ngược nhau tạo nên các chuyển động ảo khi nối các thanh treo. Vẻ mảnh mai của kết cấu treo và kết cấu khung xương của bản cầu tạo hiệu quả thẩm mỹ tinh và lạ. Bêtông cốt thép làm cho cầu vươn dài hơn, thép làm cho cầu nhẹ hơn và hình thức biểu hiện cầu của Calatrava làm cho cầu có dáng vẻ lạ và bắt mắt hơn.
Cầu Alameda và ga tầu điện ngầm, Valencia, Tây Ban Nha (1991-1995)

alameda%20bridge

Nối hai bờ sông Turia là cầu Alameda và ga tàu điện ngầm. Cầu Alameda có khung hình kết cấu treo điển hình của Calatrava: cung treo nghiêng và dây treo. Tuy nhiên, phần treo của Alameda là các bản thép nên cầu đơn giản và gọn như các gân trong một chiếc lá. Cầu có khẩu độ 130m, dài 584m. Cầu của Calatrava nhẹ và thanh thoát như tấm lụa vắt qua sông. Ga ngầm dài 63m, đoạn xuyên sông dài 26m. Hai bản cánh rộng 4m và bản giữa rộng 7,5m. Toàn bộ cầu và ga ngầm là một kết cấu liền khối, người đi bộ cũng có thể đi trên mái ga. Kết cấu khung xương của mái ga ngầm nhắc lại các nhịp thường gặp trong kiến trúc của ông.

READ MORE

Hà Nội, vì sao có những tên phố “lạ”?

Từ 36 phố phường đến nay, sau 50 năm giải phóng, Hà Nội đã phát triển lên tới khoảng trên dưới 500 phố. Con số không nhỏ. Thông thường người ta chia ra làm ba khu vực: Khu phố cố có từ thế kỷ trước còn lại. Khu phố cũ được xây dựng từ đầu thế kỷ 20, còn khu phố mới bắt đầu từ năm 1954, sau ngày giải phóng.

Chúng ta quen với các phố có chữ “Hàng”, tên các danh nhân… Tuy quen đấy, nhưng nhiều dòng tên cũng đáng để hiểu thêm mà yêu quý một Hà Nội với hình hài 10 thế kỷ, nhiều điều vừa quen vừa lạ. Hàng Ngang là gì? Có món ăn nào, món hàng hóa nào tên là Ngang, hay ở đấy mọi ngôi nhà đều xây ngang, mọi con người đều đi ngang (kiểu con cua)?

Nguyên vài ba thế kỷ trước, từ thời Phạm Đình Hổ còn ngôi nhà mình ở Phương Hà Khẩu tức Hàng Buồm nay, ông đã ghi lại. Thăng Long có phố người Trung Hoa, mà lúc ấy mọi người phương Bắc bất cứ là người Hán, ở Quảng Đông, Phúc Kiến… đều được gọi là người Đường, tức Đường Nhân, người Pháp dịch chữ đó thành người Quảng Đông, tức là Cantonnais, và giọng nói nơ nớ mà thành “Ngang”.

Cũng có thuyết giải thích: Thời đó, phố này có cái điếm canh nằm ngang nơi đầu phố nên gọi là Hàng Ngang. Nhưng nghe không ổn, vì cũng có một phố nữa có cái đình nằm ngang đầu phố như thế, từng có ngôi nhà của Cao Bá Quát một danh sĩ lừng danh, phố ấy nay còn có tên cũ: Phố Đình Ngang.

Hà Nội vẫn còn phố Hàng Chuối. Phố này buôn chuối thời kỳ nào? Thưa không. Đây là khu bãi hoang. Cho đến những năm 20 của thế kỷ 20 còn hoang vắng lắm, đó chỉ là bãi trồng chuối cho quân lính nuôi voi. Người Pháp mở mang phố, lấy luôn bãi đó mà thành tên.

Nhưng có một phố theo thông lệ, bán mặt hàng đó mà thành tên như Hàng Buồm bán vỉ buồm, Hàng Giấy bán giấy, Hàng Bồ bán bồ… thì Hàng Cỏ chính là bán cỏ. Nay Hàng Cỏ là phố Trần Hưng Đạo, mà tên đầy đủ đáng lẽ phải gọi là: Tiết chế quốc công Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Nguyên phố này khi chưa có đường rộng, chưa có nhà ga xe lửa, còn là bãi trống, ngày ngày dân ngoại ô mang cỏ vào đây bán. Các chú lính trong thành ra mua về để nuôi voi nuôi ngựa. Tiếc là Hàng Cỏ ghi lại một thời, nay đã biến mất tên.

Hà Nội có một phố nằm hơi chéo trục Bắc Nam, đó là phố Nhà Hỏa. Tên hơi lạ. Nguyên là Hà Nội từ trước đến thế kỷ 19, nhà cửa đều làm bằng nguyên vật liệu thô sơ, dễ cháy như tre gỗ nên hỏa hoạn xảy ra thường xuyên. Có những đám cháy lớn, thiêu trụi hàng nghìn nóc nhà trong chốc lát, người ta phải lập miếu thờ thần hỏa mong thần phù hộ dân chúng không cho cháy. Ngôi miếu thờ ấy lọt vào cái khe nhỏ, ở quãng số 28 phố Hàng Điếu, mà thủa ấy, miếu thờ có ảnh hưởng ra cả khu vực, trong đó có phố Nhà Hỏa hiện nay, mà thành tên một đường phố.

Hồ Thiền Quang là một hồ đẹp. “Thiền quang” nghĩa là ánh sáng nhà Phật. Người Pháp đặt tên viên thị chính Pháp là Halais (người dân thường đọc là Ha-Le, trong tiếng Pháp, chữ “H” câm, đọc đúng phải là A-Le). Sau giải phóng, tên chính thức là phố Nguyễn Du. Cái tên Ha-Le chỉ nhắc lại một thời mất nước, một thời nô lệ.

Khu vực nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo một thời thịnh vượng, nhân dân quen gọi đây là phố Nhà Diêm, vì trước đó, có nhà máy sản xuất diêm cho toàn xứ Đông Dương. Nhưng trước đó nữa, những thế kỷ trước, đây từng là đàn Nam Giao; xuân thu nhị kỳ, Nhà vua từ trong Cấm thành ra đây làm lễ tế trời đất. Trước khi đến đàn Nam Giao, nhà vua còn phải rẽ vào phía sau thôn Hương Viên thay đổi quần áo. Chỗ ấy có tên là đổi mã (thay cái mã bên ngoài- tiếng cổ) và dần dần, nó thành phố Hòa Mã đến nay. Hương Viên chính là chỗ chợ Đức Viên bây giờ.

Hàng Đào buôn bán vải vóc tơ lụa. Nhưng kèm thêm nghề nhuộm, mà chỉ nhuộm màu tươi như đỏ, vàng, hồng… vì thế mới có tên Hàng Đào. Nối với nó là Hàng Ngang tên cũ gọi theo người nhuộm, chuyên nhuộm các mầu như thanh nhẹ, như xanh, lam, da trời, hồ thủy, vì thế Hàng Ngang từng có tên là Hàng Lam. Những màu khác lại phải nhuộm ở nơi khác. Vải đen nhộm ở phố Hàng Vải Thâm gần đó. Vải nâu nhuộm ở làng Đồng Lầm, quãng làng Kim Liên ngày nay, nổi tiếng về vải màu nâu may áo dài phụ nữ Hà thành nhiều thế kỷ. Riêng ngôi đình phố Hàng Vải Thâm thông thường có hàng nem rán nhân cua bể ngon nổi tiếng, chỗ ngồi xuềnh xoàng nhưng món thì thiệt ngon nên khách đông nghịt.

Một trong các chợ khá to là chơ Mơ. Tên ấy vì sao mà có? Nguyên có chợ Hôm phía trên, bắt đầu đường thiên lý vào Nam, chợ Hôm bị đuổi dạt xuống phía nam là chợ Đuổi. Còn chợ Mơ xây mới nên gọi là chợ mới Mơ. Mơ là tên gọi của quả mai. Khu vực này là đất trồng mai, đất phong của tướng Trần Khát Trân đời nhà Trần, có các làng Thanh Mai, Hồng Mai, Hoàng Mai, có thứ quả mơ ngon nổi tiếng, rượu mơ cũng là đặc sản kinh kỳ. Thời Nguyễn kiêng tên húy của vua Tự Đức là Hồng Nhâm nên các chữ tên hồng cũ phải đổi. Khu vực hồng mai thành Bạch Mai, cả làng nay đã biến thành phố. Chợ ngày càng mở rộng và sắp trở thành trung tâm thương mại.

Liệu chúng ta có thể giữ gìn một Hà Nội hào hoa, với những dòng tên thật đặc biệt mang theo bao dấu ấn của nhiều thời đại đã qua?

READ MORE

Cần cân nhắc khi xây dựng thành phố sông Hồng

Nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt rất quan tâm đến đề án qui hoạch thành phố hai bên sông Hồng (Hà Nội). Ông đã gửi thư đến Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, gặp Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị để góp ý.

Trao đổi với báo giới sáng 19-9, nguyên thủ tướng nói:

– Dự khai mạc kỳ họp Quốc hội mới đây tại Hà Nội, tôi có gặp đồng chí Phạm Quang Nghị hỏi về hướng phát triển Hà Nội ra phía bên kia sông Hồng mà gần đây các thông tin công khai đã đưa. Đồng chí Nghị có trao đổi sơ bộ về vấn đề này nhưng cho rằng hướng phát triển chủ yếu vẫn là Hà Tây.

Nếu như hướng phát triển Hà Nội về phía Hà Tây đã được xác định thì có nên đặt ra hướng phát triển về phía bên kia sông Hồng nữa không? Đương nhiên hướng mở rộng Hà Nội có liên quan đến vùng cảng biển và vùng tam giác động lực là đúng. Tuy nhiên, đặt mức phát triển với qui mô coi sông Hồng là trung tâm, chảy qua giữa thủ đô thì tôi rất ngại bởi nhiều lẽ. Trong đó có lý do là sông Hồng rất khác so với một số sông chảy qua thủ đô ở các nước, xét về điều kiện tự nhiên.

* Với thời gian nghiên cứu như vừa qua liệu phương án đủ “chín” để trình Chính phủ thông qua chưa, thưa ông?

– Về vấn đề này, lãnh đạo cao nhất của Đảng, của Nhà nước phải hết sức cân nhắc, cẩn trọng. Hà Nội là thủ đô, là trung tâm phát triển của cả nước nên chuyện của Hà Nội cũng là vấn đề mà cả nước quan tâm. Nếu là dự án nhỏ thì không có vấn đề gì, nhưng đây là vấn đề mới, có tính chất đặc biệt nên càng phải nghe ý kiến của cả nước, của các nhà khoa học chuyên ngành về qui hoạch, môi trường, địa chất, thủy văn… để cùng góp tiếng nói cho dự án. Tôi lấy làm tiếc khi có nhiều người dân tại các quận Gia Lâm, Tây Hồ… quan tâm đến đề án qui hoạch, muốn góp ý nhưng lại hết phiếu.

Để xây dựng TP.HCM và Hà Nội hiện đại phải có tư duy rất lớn, “đi” đường dài. Nếu không suy nghĩ đúng tầm sẽ dẫn đến lúng túng, công tác quản lý, xây dựng không hiệu quả. Trong khi đó, phương án xây dựng thành phố dọc sông Hồng đưa ra mốc năm 2020 hoàn thành. Như vậy từ nay đến đó chỉ còn 13 năm. Thời gian này chưa đủ để hoàn thành một đô thị tầm cỡ như vậy. Muốn hoàn tất phải chạy đua với thời gian?

Việc phá bỏ đô thị cũ để xây dựng mới là cách làm của những nước giàu. Với nước nghèo, người ta thường “cấy” thêm vào hoặc chỉnh trang đô thị.

Qui hoạch Hà Nội còn rất nhiều vấn đề và không thể tách ra từng mảng mà phải nhìn trên tổng thể. Hướng phát triển thành phố dọc sông Hồng dù là một mảng nhưng có tính chất chi phối cả thủ đô, liên quan đến nhiều khu vực khác. Chưa kể ở góc độ xã hội, việc di dời 170.000 dân là vấn đề đại sự, không đơn giản chút nào. Không khéo lại gây ra sự xáo trộn lớn. Về chuyện này tôi không tán thành.

* Thưa ông, dự án lần này cũng đề cập việc chỉnh trị sông Hồng nhưng biện pháp ra sao chưa rõ, trong khi đây là vấn đề liên quan thiết thực đến người dân?

– Tôi hiểu biết về con sông này khi có thời gian dài ở Hà Nội. Khi mùa nước dâng cao con sông rất dữ, ngược lại nhiều lúc cạn đến đáy sông. Do vậy chỉnh trị dòng sông là khâu đầu tiên phải làm, phải tìm cách đào thoát cho dòng sông. Khi con sông thông thoáng, đảm bảo đến mức an toàn nhất cho người dân, cho thủ đô thì lúc đó mới tính đến chuyện xây dựng thành phố dọc con sông.

Tôi chưa biết nguyên thủy của sông Hàn (Hàn Quốc) ra sao nhưng nếu dòng chảy con sông Hàn hiền lành thì giải pháp chỉnh trị khó có thể áp dụng cho sông Hồng. Còn nếu với điều kiện tương tự thì đây quả là kinh nghiệm rất quí đối với ta trong việc chỉnh trị sông Hồng.

Chuyên gia nghiên cứu về qui hoạch đô thị Nguyễn Trọng Huấn

Thông tin về dự án còn quá ít. Đây là dự án với chi phí đầu tư lên đến 7 tỉ USD nhưng thông tin về dự án còn quá ít. Với dự án này, cần có nhiều ngành tham gia để có cái nhìn đa dạng hơn và giải quyết vấn đề một cách đồng bộ. Nhưng nhiều thông tin về dự án chưa rõ nên những người quan tâm đến dự án khó có thể góp ý. Mặt khác để góp ý có hiệu quả, cần công khai rộng rãi, thời gian kéo dài hơn.

READ MORE

Kiến trúc Hà Nội – kiến trúc… không phong cách

Có người nói: “Không đâu đẹp như Hà Nội… Những ngôi nhà ấy chắc là do dân tự làm, không có kiến trúc sư thiết kế nên mới phong phú thế.” Lại có người nhận xét: “Kiến trúc không phong cách là kiến trúc Việt Nam!”.

Từ Hà Nội với những đường phố nhỏ 36 phố phường

Đổi mới đã được 20 năm, cùng với thời gian, diện mạo, kiến trúc Hà Nội không ngừng thay đổi. Ai đấy đã nói: “Hà Nội sắp trở thành Băngkốc”. Tôi sinh ra ở miền quê đất bãi sông Hồng, nhưng lại lớn lên giữa lòng Hà Nội. Tuổi thơ tôi đầy ắp kỷ niệm với những chiều thu heo hút gió, cùng lũ bạn nghèo lang thang trên những đường phố nhỏ của khu 36 phố phường có những mái nhà lợp ngói lô xô, xám một màu rêu mốc bởi mưa nắng và thời gian.

Kiến trúc Hà Nội - kiến trúc... không phong cách

Sau này lớn lên, đi khắp mọi miền đất nước, kể cả những tháng năm bên xứ người mênh mông tuyết phủ…, nỗi nhớ về Hà Nội, về những cây bàng lá đỏ nghiêng nghiêng trên hè phố Mã Mây; về rặng cây bằng lăng hoa tím ở phố Thợ Nhuộm; về hàng cây cơm nguội trơ những cành khẳng khiu mỗi độ đông về trên đường Lý Thường Kiệt; về hàng cây sao đen thân cao hàng chục thước, chiều chiều xao xác tiếng cò ở phố Lò Đúc, cùng tiếng chuông tầu điện “leng keng” lúc sớm mai đầu phố Huế cứ cồn cào, da diết trong tôi. Có phải vì thế chăng, mà bây giờ, mỗi biến đổi của Hà Nội thân yêu cũng để lại cho tôi những day dứt, buồn vui lẫn lộn…

Đổi mới với nền kinh tế thị trường như một động lực, thúc đẩy đoàn tàu vốn trì trệ hàng chục năm bởi cơ chế quan liêu bao cấp, giờ hăm hở đến vội vã băng về phía trước. Tấm bản đồ quy hoạch treo trong phòng làm việc của các nhà quản lý đô thị luôn được tô thêm những mảng màu mới của sự phát triển và đô thị hóa.

… Đến thành phố mở với nhiều công trình mới

Thành phố mở ra với những quận mới như Tây Hồ, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Long Biên. Các khu phố mới, khu đô thị mới như Linh Đàm, Định Công, Nam Trung Yên, Trung Hòa- Nhân Chính, Nam Thăng Long… Những tuyến đường được mở rộng vài chục mét với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ như đường Liễu Giai, La Thành, Láng Hạ, Đại Cồ Việt, Trần Khát Chân, Kim Mã…

081025130221 228 252

Nhiều công trình kiến trúc lớn, hiện đại do kiến trúc sư nước ngoài thiết kế đã và đang được xây dựng như Sân thể thao Mỹ Đình, Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Bảo tàng Hà Nội… Rồi sắp tới đây là Nhà Quốc hội, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cùng nhiều, rất nhiều dự án lớn khác do nước ngoài trực tiếp đầu tư hoặc liên danh với người Việt Nam sẽ mọc lên ở khu vực trung tâm nội đô, ở Hà Đông và nhiều nơi khác của Hà Nội mới…

Tương phản

Thế nhưng, bên cạnh đó lại xuất hiện các dãy phố mới với những ngôi nhà cao 3-4 tầng, thậm chí 5-6 tầng ngất ngưởng khoe cái mặt tiền rộng hơn 3 mét được đắp điếm đủ loại môtíp kiến trúc nhái theo kiểu: Gô tích, Hy-La, Trung Hoa, Pháp… cùng những biển hiệu quảng cáo nhấp nháy đèn màu.

Những khu khu nhà tập thể 5 tầng xây dựng từ những năm 60- 70 của thế kỷ trước như Giảng Võ, Thành Công, Kim Liên, Quỳnh Mai… nơi trú ngụ của lớp công nhân viên chức ăn lương Nhà nước, mơ ước của một thời, giờ bị lãng quên xuống cấp đến thảm hại. Tường vôi mốc thếch nứt nẻ, hệ thống kỹ thuật hạ tầng hư hỏng, nước thải thì thừa, nước sạch lại thiếu bởi sự thiếu trách nhiệm của người quản lý và cả người sử dụng.

081025130221 742 791

Nhiều ngôi nhà như E7 Quỳnh Mai giờ lún đến 1,8m, cửa sổ biến thành cửa đi. Người ở tầng một sống cứ như bị nhốt trong hầm. Khu nhà ở Thành Công cũng trong tình trạng na ná như vậy. Nhiều nhà khoa học đã phải kêu lên trong vài cuộc hội thảo gần đây: “Nếu như có một trận động đất cỡ 6 rích-te thì Hà Nội sẽ là thảm họa”.

Sự phát triển đến chóng mặt của kiến trúc Hà Nội như một chú ngựa bất kham, chẳng chịu tuân theo điều khiển của nhà kị sỹ vốn đã yếu lại thiếu kinh nghiệm, nên cứ chạy lung tung. Những mảng xanh của mặt nước trên bản đồ quy hoạch cứ dần biến mất. Người ta đua nhau lấn chiếm đất công để làm nhà, đua nhau chen ra mặt đường. Trẻ con bây giờ nghêu ngao hát: “Nhà mặt phố, bố làm to!”. Cái ngõ xưa vốn đã hẹp giờ càng hẹp hơn, cửa sổ nhà nọ nhìn sang nhà kia, nói dại, nếu có hỏa hoạn thì cũng chẳng có lối cho xe cứu hỏa!

Khu 36 phố phường mà ta quen gọi là khu phố cổ, dẫu đã được khoanh định ranh giới để bảo tồn, lại có cả Ban Quản lý được thành lập để giúp Thành phố quản lý khu phố đặc biệt này, kèm theo một danh sách cụ thể từng tuyến phố, từng số nhà được coi là “cổ” cần được bảo tồn tôn tạo, vậy mà, những ngôi nhà mới 3-4 tầng với cái mái tôn đỏ chót vẫn cứ mọc lên, hiên ngang, như thách thức chính quyền rằng đây không phải là “cổ”, là “di sản”!

Tôi cứ thấm thía nhận xét của nhà thơ Vũ Duy Thông trong một bài báo của ông khi viết về Hà Nội: “Mặc các nhà kiến trúc cách tân hay bảo thủ, lao vào các cuộc tranh cãi chưa ngã ngũ, và cũng chưa biết khi nào ngã ngũ, thì diện mạo kiến trúc Hà Nội vẫn biến đổi từng giờ.”

Cách đây chừng dăm năm, Viện sỹ Viện Hàn lâm kiến trúc Nga P.Gnedopvky sang thăm Hà Nội, sau khi đi một vòng quanh Hồ Tây, ngắm nghía các ngôi nhà lộng lẫy với hàng hàng mái chóp đã nắc nỏm khen: “Không đâu đẹp như Hà Nội”. Rồi ông nói thêm: “Những ngôi nhà ấy chắc là do dân tự làm, không có kiến trúc sư thiết kế nên mới phong phú thế.” Lại có du khách nước ngoài nhận xét: “Kiến trúc không phong cách là kiến trúc Việt Nam!”.

Kiến trúc mang tính nhân văn

Tôi không phải là người theo chủ nghĩa cực đoan, hoài cổ, nhưng tôi khó chấp nhận thứ kiến trúc hỗn tạp và cách quản lý đô thị như đang diễn ra ở Hà Nội hiện nay. Chính lối tư duy quản lý theo nhiệm kỳ và trách nhiệm tập thể đã là môi trường tốt để thứ kiến trúc hàng chợ, chen lấn, phá vỡ không gian cảnh quan của một Hà Nội nghìn năm văn hiến, tồn tại và có nguy cơ phát triển.

Kiến trúc Hà Nội - kiến trúc... không phong cách

Không chỉ trong các khu phố cổ, phố cũ, quanh khu vực hồ Gươm, hồ Tây… mà nó còn lan nhanh ra các vùng đô thị hóa như Thanh Trì, Từ Liêm, Đông Anh…, tạo cho lối sống cơ hội, ích kỷ, bất chấp kỷ cương luật pháp ( kể cả tham nhũng) của một lớp người thêm phát triển. Kiến trúc là văn hóa. Kiến trúc sư là người sáng tạo ra cái sản phẩm mang tính văn hóa ấy để góp phần xây dựng xã hội. Tính nhân văn của kiến trúc chính là ở chỗ đó.

Cristan Descam, một học giả Pháp, trong cuốn Vật chất và Triết học đã viết: “Một kiến trúc sư mà không tự hỏi một cách triết lý về không gian đặc thù nơi ông ta đang xây dựng, thì đó chỉ là người làm công việc sắp đặt buồn thảm”. Thế giới ngày hôm nay đang chán ngấy lối sống công nghiệp, con người như một cỗ máy. Nhân loại đang muốn quay về với cội nguồn, với bản sắc riêng của từng dân tộc.

Con người muốn thoát ra khỏi căn nhà hộp bằng bê tông cốt thép với lỉnh kỉnh những vách kính, điều hòa nhiệt độ, dàn âm thanh lập thể… để hòa vào màu xanh bất tận của thiên nhiên, nghe một tiếng chim hót, hít thở bầu không khí trong lành tràn ngập ánh nắng ban mai… Liệu ai sẽ đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi có tính nhân văn đó?

Đừng để cái đẹp chỉ còn trong hoài niệm

Bây giờ, Hà Nội mới đã vươn về phía Tây, rộng gấp hơn ba lần Hà Nội cũ, ôm trọn tỉnh Hà Tây và bốn xã của huyện miền núi Lương Sơn- Hòa Bình để trở thành đại đô thị, mang một diện mạo mới, vóc dáng mới, vị thế mới xứng tầm Thủ đô của nước Việt Nam hùng cường, giầu mạnh trong thế kỷ 21 như mong muốn của Chính phủ, Quốc hội khóa XII.

Đồ án Quy hoạch chung Hà Nội sẽ được ba nhà thầu nước ngoài lập sau nhiều lần tuyển chọn, mà trong đó, liên danh Jina Architet, Perkins Feestman (Hoa kỳ) và Posco E&C (Hàn quốc) nổi trội nhất với triết lý: một thành phố tạo nên cho người dân cảm giác thuộc về thành phố đó, như lời của Thứ trưởng Bộ Xây dựng trên Báo điện tử VietNamNet.

081025130221 91 329

Cũng theo vị thứ trưởng này, thì đến năm 2010 Đồ án Quy hoạch chung Hà Nội sẽ lập xong?! Và khi ấy, chắc sẽ có những cuộc triển lãm quy hoạch lớn, tuyên truyền rầm rộ để người dân Thủ đô, cũng như những ai yêu Hà Nội đến xem mà hình dung ra diện mạo mới của vùng đất thiêng như thế nào trong thế kỷ này.

Tôi cũng mong đến ngày ấy, và cầu mong cho cái bản sắc của Thăng Long- Hà Nội với những hồ Gươm, hồ Tây, khu phố cổ, phố cũ… và của Hà Tây – xứ Đoài mây trắng với những làng nghề, làng cổ Mông Phụ, Đường Lâm…mãi mãi chẳng bao giờ mất đi qua cái đồ án mà người nước ngoài sẽ vẽ ra đó!

Đấy là chuyện sau này. Còn bây giờ, trong khi chính quyền thành phố đang bận rộn với những chính sách quản lý đại đô thị Hà Nội mới này và thực hiện các kế hoạch của Đại lễ nghìn năm, thì những “Không gian phố Phái” vẫn cứ đang dần bị gậm nhấm, phá vỡ. Để rồi, nếu chẳng có các biện pháp hữu hiệu nào hơn, thì không lâu nữa, tất cả những gì mà chúng ta đã có hàng trăm, hàng nghìn năm, như ngôi sao màn bạc nổi tiếng một thời của nước Pháp Catherine Deneuve đã nói: “Hà Nội là thành phố có sức hấp dẫn đến phát điên, đã xuống cấp hoàn tòan nhưng vẫn tìm thấy những ngôi nhà rất đẹp của những năm 30… Một thứ gì đó vừa xưa cũ, lại vừa trí tuệ trong lòng đất nước này.” sẽ mãi mãi chỉ còn là hoài niệm…!

READ MORE

Sàn nhẹ BubbleDeck

BubbleDeck là công nghệ sàn nhẹ có xuất xứ từ Đan Mạch, sử dụng những quả bóng nhựa tái chế để giảm trọng lượng kết cấu sàn. Công nghệ này có thể ứng dụng cho khu văn phòng, bệnh viện, trường học, nhà ở, nhà để xe và các công trình công cộng khác.

Những quả bóng bằng nhựa tái chế là bước đột phá của BubbleDeck. Chúng giúp thay thế phần bê tông không tham gia chịu lực ở giữa của bản sàn, giúp giảm trọng lượng kết cấu, giảm kích thước hệ cột, vách, móng, tường, vách chịu lực và tăng khoảng cách lưới cột. Bản sàn BubbleDeck là loại kết cấu rỗng, phẳng, không dầm, liên kết trực tiếp với hệ cột, vách chịu lực nên có nhiều ưu điểm về mặt kỹ thuật và kinh tế. Chịu lực theo hai phương, giảm nhẹ trọng lượng bản thân, khi kết hợp với hệ cột và vách chịu lực, BubbleDeck sẽ có khả năng chống động đất tốt.

bub

Chẳng hạn, một tấm sàn đặc sẽ gặp vấn đề khi phải vượt nhịp lớn do ảnh hưởng của trọng lượng bản thân. BubbleDeck giải quyết vấn đề này bằng cách giảm được 35% lượng bê tông trong tấm sàn nhưng vẫn đảm bảo khả năng chịu lực tương ứng. Vì vậy, khi có cùng khả năng chịu lực, một tấm sàn BubbleDeck chỉ cần sử dụng 50% lượng bê tông so với một tấm sàn đặc. Với cùng độ dày, tấm BubbleDeck có khả năng chịu tải gấp đôi sàn đặc nhưng chỉ tiêu thụ 65% lượng bê tông. BubbleDeck có thể được tính toán tương tự như tấm sàn đặc.

bub1

Tính linh hoạt trong thiết kế của BubbleDeck khá cao nên có thể áp dụng cho nhiều loại mặt bằng công trình. Thời gian thi công và các chi phí dịch vụ kèm theo cũng thấp hơn vì khối lượng bê tông thi công giảm, chỉ 2,3 kg nhựa tái chế thay thế cho 230 kg bê tông/m3. BubbleDeck khá thân thiện với môi trường do giảm được lượng thải năng lượng và khí carbonic.

Sàn BubbleDeck được cấu tạo theo 3 lớp gồm lưới thép gia cường ở trên, tiếp theo là bóng rỗng từ nhựa tái chế và cuối cùng là lưới thép và đổ bê tông (khoảng 60 mm tùy chọn). Lưới thép gia cường có nhiệm vụ phân bổ và cố định các trái bóng tại những vị trí chính xác, còn các trái bóng định hình thể tích lỗ rỗng, giúp giữ vững định dạng của lưới thép gia cường đồng thời ổn định vị trí của lưới bóng. Khi tiến hành đổ bê tông phủ kín lưới thép, sẽ có được tấm sàn rỗng toàn khối.

system%20bub

Cấu tạo sàn BubbleDeck

Quá trình thi công được thực hiện theo nhiều bước. Trước tiên, cần phải lắp hệ thống chống tạm thời. Các dầm đỡ được đặt song song, cách nhau từ 1,8 đến 2,4 m. Tiếp theo, các cấu kiện tấm sàn bán đúc sẵn sẽ được gép vào vị trí đã xác định trên bản vẽ. Sau đó là công đoạn ghép cốt thép liên kết (trên và dưới), cốt thép chịu cắt, cốt thép biên và ván khuôn. Trước khi đổ bê tông, cần kiểm tra mối nối giữa các cấu kiện, làm sạch và làm ẩm lớp bê tông đúc sẵn dưới. Một đến hai tuần sau khi đổ bê tông, có thể tháo hệ chống tạm thời.

Giá thành thi công sẽ được tính toán dựa trên quy mô từng công trình. Sản phẩm được phân phối trực tiếp từ xưởng tới công trường.

READ MORE

Thép tăng giá, bất chấp thép Trung Quốc đầy dẫy

Hơn 200 triệu đồng là số tiền mà một giám đốc công ty xây dựng bỏ ra để bù lỗ cho công trình 30 tỉ mà công ty của ông đã ký trước thời điểm giá thép tăng. Trong vòng nửa tháng qua, giá thép đã tăng đến 2 lần. Trung bình tăng 200.000 đồng/tấn

Nửa tháng tăng hai lần

Thép cây trên thị trường đã tăng lên đến 9,67 – 9,87 triệu đồng/tấn, thép cuộn khoảng 9,24 – 9,43 triệu đồng/tấn

Hầu hết giá thép các loại của những công ty đều đang ở mức cao từ đầu năm đến nay. Công ty thép Vinakyoe, cho biết từ 18.6 giá thép cây và cuộn của công ty đã tăng thêm 200.000 đồng/tấn. Trong đó, thép cây đạt 9,67 – 9,87 triệu đồng/tấn, thép cuộn khoảng 9,24 – 9,43 triệu đồng/tấn. Cũng tăng giá trong đợt này còn có Pomina với mức giá tương ứng.

01110

Thép cây trên thị trường đã tăng lên đến 9,67 – 9,87 triệu đồng/tấn, thép cuộn khoảng 9,24 – 9,43 triệu đồng/tấn

Hai công ty sản xuất thép chiếm thị phần lớn tại phía Nam là Công ty thép Miền Nam và Công ty thép Việt – Nhật cùng công bố tăng giá 200 đồng/kg cho cả thép cuộn và thép cây. Cụ thể giá thép cuộn của Công ty thép Miền Nam là 9,2 triệu đồng/tấn và giá thép cây là 9,6 triệu đồng/tấn; giá thép cuộn của Công ty thép Việt – Nhật từ 9,24 triệu đồng/tấn – 9,43 triệu đồng/tấn; giá thép cây từ 9,67 triệu đồng – 9,87 triệu đồng/tấn (các giá trên đều chưa có thuế VAT).

Đây là lần tăng giá thứ hai của các công ty này kể từ đầu tháng 6 đến nay. Theo các công ty, nguyên nhân tăng giá là do giá phôi thép nhập khẩu tăng mạnh. So với tháng trước, giá phôi thép nhập vào Việt Nam ở mức từ 505 USD đến 510 USD/tấn. Hiện giá nhập phôi đã lên đến 540 đến 550 USD/tấn.

Ông Đào Đình Đông – trưởng phòng kế hoạch kinh doanh Công ty thép Miền Nam (SSC) nói: “Chưa bao giờ giá phôi lại tăng cao đến như vậy”. Thực tế, thép cuộn “giá rẻ” Trung Quốc đang tràn ngập trên thị trường Việt Nam. Vì sao giá thép trong nước vẫn tăng?

Trả lời câu hỏi này của SGTT, ông Đông cho rằng, đa phần các công ty trong nước đều sản xuất thép cây. Do vậy, những sản phẩm thép cuộn không nhãn mác xuất xứ giá rẻ không ảnh hưởng đến việc tăng giá thép của các công ty.

Không còn thép Trung Quốc giá rẻ

Giá thép tăng là do Trung Quốc điều chỉnh những chính sách về việc xuất khẩu thép của quốc gia này. Theo đó, Trung Quốc sẽ không khuyến khích xuất khẩu phôi thép nữa mà tập trung vào xuất khẩu thành phẩm thép, thuế xuất khẩu phôi thép được đẩy lên cao. Ngoài ra, Trung Quốc áp dụng việc tái thoái thuế để cho những doanh nghiệp nước ngoài nhập thép thành phẩm, với tỷ lệ 8% trên tổng giá trị của lô hàng.

Tuy nhiên với sức ép của các quốc gia nhập khẩu thép từ Trung Quốc, hiện Trung Quốc đang điều chỉnh lại chính sách xuất khẩu thép. Theo đó, kể từ 1.6.2007, Trung Quốc sẽ đánh thuế 10% các doanh nghiệp xuất khẩu thép, mức thuế này trước đây là 0%. Theo ông Phạm Chí Cường, chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam, “Ngoài mức thuế xuất khẩu trên, khi thép Trung Quốc vào Việt Nam, sẽ bị đánh thuế thêm 10% nữa là 20% thuế”. Cộng với chi phí vận chuyển, nên thép Trung Quốc sẽ không rẻ hơn thép của các doanh nghiệp trong nước. “Do vậy không có chuyện giá thép Trung Quốc bán trong nước rẻ hơn các DN sản xuất trong nước”.

Liệu có làm giá?

Trên thực tế, sản lượng thép tồn kho cao nhưng giá thép trên thị trường vẫn tăng. Liệu có chuyện làm giá?

Ông Cường cho rằng, lượng thép tồn kho của toàn ngành vào thời điểm này dao động vào khoảng 160.000 – 170.000 tấn/tháng, dưới mức tiêu thụ của cả nước là 260.000 – 270.000 tấn thép/tháng. Hiện các doanh nghiệp trong ngành thép không để tồn kho nhiều, vì ứ đọng vốn lưu động thép là khá lớn. Vì vậy, các doanh nghiệp chỉ sản xuất theo nhu cầu của thị trường, chứ không để tồn kho.

Tồn kho của thép không phải là tồn kho ứ đọng mà là tồn kho luân chuyển, từ sản xuất đến tiêu thụ. Ông Cường giải thích, nhà máy sản xuất thép ra không bán ngay được. Nó phải đi qua các hệ thống phân phối, cửa hàng trung gian các cấp 1, cấp 2, cấp 3 nên mới đến bán lẻ. Các doanh nghiệp luôn luôn phải có một lượng dự trữ nhất định trong kho. Với mức tồn kho dưới 200.000 tấn là có thể chấp nhận được.

 

READ MORE