Theo Hiệp hội Thép, giá phôi thép Trung Quốc chào bán cho các doanh nghiệp Việt Nam từ đầu tháng 12/2006 đã tăng lên 430-435 USD/tấn, cao hơn 15 USD/tấn so với cuối tháng trước.
Bên cạnh đó, giá phôi thép từ CHLB Nga chào bán cũng tăng cao hơn phôi của Trung Quốc 5 USD/tấn, trong khi hiện nay là mùa đông, việc vận chuyển từ Nga về Việt Nam gặp nhiều khó khăn, nên 70% lượng phôi thép của các doanh nghiệp đang nhập khẩu là từ Trung Quốc.
Số liệu từ Hiệp hội thép cho biết, giá thép của các doanh nghiệp bán ra hiện nay là 8,3 triệu đồng/tấn (thép cây) và 7,8-8,0 triệu đồng/tấn (thép cuộn), chưa có thuế VAT. Giá thép đang bán chỉ tương đương với giá phôi ở mức 405 USD/tấn.
Cuối tháng 11 vừa qua các doanh nghiệp đã đồng loạt tăng giá thép bán ra từ 100.000 đồng – 200.000 đồng/tấn. Mặc dù giá tăng, nhưng lượng tiêu thụ thép vẫn tăng cao vì đang vào mùa cao điểm xây dựng. Trong tháng 11/2006 lượng tiêu thụ thép của các doanh nghiệp đạt trên 260.000 tấn, tăng khoảng 30.000 tấn so với tháng 10/2006.
Do giá phôi thép chào cao, nên các doanh nghiệp chưa dám mua vào, mà vẫn sản xuất bằng lượng phôi nhập từ trước. Hiện phôi thép còn tồn kho 200.000 tấn và thép tồn kho 200.000 tấn, đủ đáp ứng nhu cầu trong nước tháng 12/2006.
Nếu giá phôi vẫn đứng ở mức cao như trên thì thép sản xuất trong nước sẽ tiếp tục tăng giá khoảng 100.000-200.000 đồng/tấn trong đầu năm 2007.
Sau thép cuộn, thép cây Trung Quốc cũng bắt đầu thâm nhập thị trường Việt Nam. Giá chào bán ở mức 400 USD/tấn, rẻ hơn giá phôi thép đến 30 USD/tấn, nhưng khách hàng Việt Nam do không yên tâm về chất lượng, nên rất dè dặt trong đặt hàng. Cả phía bán cũng vậy, chỉ mang mẫu đến chào, nếu đồng ý mua thì đặt tiền trước sau 15 ngày mới giao hàng. Chính vì vậy mà lượng tiêu thụ không nhiều.
Bên cạnh đó, thép cuộn Trung Quốc tiêu thụ tại Việt Nam cũng chậm lại, hiện chỉ đạt khoảng 2.000-3.000 tấn/tháng, khách hàng chủ yếu là những cơ sở kéo dây và và các làng nghề, còn dùng cho xây dựng vẫn là các mác thép của Việt Nam.
Hiệp hội thép Việt Nam cho biết, vừa qua đã đối thoại với Hiệp hội Thép Trung Quốc về chất lượng thép xuất khẩu sang Việt Nam. Hiệp hội Thép Trung Quốc thừa nhận họ cũng không kiểm soát được chất lượng của hàng nghìn cơ sở sản xuất thép tại Trung Quốc, nên khi mua hàng phải tìm hiểu kỹ về chất lượng.
Hiệp hội Thép Trung Quốc chỉ khuyến cáo nên mua thép của 10 doanh nghiệp tại Trung Quốc như An Sơn, Bảo Sơn (Thượng Hải), Vũ Hán… Đây là các doanh nghiệp lớn, có chất lượng thép tốt, nhưng những doanh nghiệp này phần lớn lại nằm ở phía bắc Trung Quốc, xa Việt Nam nên cũng ít đưa hàng tới Việt Nam chào bán.