Người dân sẽ chọn ra người quản lý chung cư và có thể “bỏ phiếu” bất tín nhiệm nếu những người này không làm tròn trách nhiệm. Đó là nội dung quan trọng của mô hình hợp tác xã (HTX) tổ chức quản lý các dịch vụ chung cư ở TP HCM.
Ông Phạm Khương, Liên minh HTX TP HCM, người có quá trình tham gia nghiên cứu dự án ngay từ đầu, nói thêm về vấn đề này.
– Điều kiện thành lập HTX là như thế nào?
– Mỗi chung cư trên 50 hộ là có thể thành lập một HTX. HTX có những điều lệ, tiêu chí hoạt động, công khai rõ ràng để các xã viên giám sát. Cũng như mô hình các ban quản lý chung cư hiện nay nhưng hoạt động của HTX sâu hơn, chuyên nghiệp hơn nhằm gắn kết xã viên với nhau, tạo môi trường sống mang tính cộng đồng nhiều hơn…
– Các xã viên tham gia được lợi ích gì từ mô hình HTX?
– Ngoài nhiệm vụ quản lý về an ninh trật tự của chung cư, HTX sẽ tổ chức đội, nhóm làm nhiều dịch vụ như quét dọn, lau nhà…, đại diện cho xã viên ký hợp đồng với các nhà cung cấp dịch vụ cho chung cư như điện, nước, gas… cũng như các dịch vụ mà người dân có nhu cầu. Điều này có lợi nhiều mặt. Nếu xã viên cùng sử dụng chung dịch vụ thì chi phí sẽ giảm so với từng hộ sử dụng riêng lẻ. Mặt khác, tiếng nói của khách hàng cũng mạnh hơn trong việc bảo vệ quyền lợi cho mình. Tất nhiên khi chọn nhà cung cấp dịch vụ nào thì phải được số đông xã viên thông qua.
Số liệu thống kê cho thấy trên địa bàn TP HCM hiện có hơn 500 chung cư nhưng đa số là cũ, xuống cấp nghiêm trọng. Một trong những nguyên nhân là do công tác quản lý chưa tốt, cộng với ý thức người sử dụng chưa cao…
– Mô hình HTX sẽ thay thế mô hình quản lý của các công ty dịch vụ công ích, các ban quản lý chung cư. Điều này sẽ “đụng chạm” thế nào tới lợi ích của các đơn vị quản lý?
– Việc đụng chạm là tất nhiên. Nhưng tôi cho rằng nếu có lợi cho dân, vì lợi ích chung thì dễ dàng thuyết phục các đơn vị này bàn giao chung cư. Với các chung cư tư nhân, nếu người dân cảm thấy phù hợp với mô hình này cũng có thể tham gia. Trên cơ sở đó chúng tôi sẽ tổ chức lại mô hình hoạt động theo HTX. Hoạt động này hoàn toàn tự nguyện nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất trong công tác quản lý. HTX hoạt động theo mô hình này không đặt lợi nhuận lên hàng đầu.
– Đối tượng của HTX là người thu nhập thấp nhưng với nhiều loại dịch vụ như vậy thì chi phí hoạt động của bộ máy quản lý sẽ rất lớn. Liệu người thu nhập thấp có đóng góp nổi?
– Ở Thụy Điển, bộ máy quản lý đa số là những người về hưu tự nguyện làm việc và không hưởng lương. Ở Việt Nam, chúng tôi cũng sẽ tổ chức theo mô hình này, ngoài ra có thể tuyển thêm người ở những dịch vụ cần thiết. HTX sẽ có những hình thức khuyến khích người làm tốt với những chế độ ưu đãi nhất định. Bên cạnh đó, để duy trì hoạt động của bộ máy quản lý phải tổ chức lại chung cư. Tầng trệt và các vị trí thuận lợi sẽ kinh doanh các dịch vụ hoặc cho thuê mở cửa hàng, siêu thị, những khu vực trống cho thuê làm bãi giữ xe… Nguồn thu này có thể đủ trang trải cho bộ máy quản lý chung cư. Nếu làm dịch vụ giỏi hơn có thể có thêm chi phí để bảo trì chung cư, tăng nguồn quĩ cho HTX sử dụng vào những mục đích cần thiết khác.
– Khi nào sẽ triển khai mô hình HTX này?
– Hiện nay phương án đã có và nhóm thực hiện đang triển khai thăm dò, thu thập thông tin. Chúng tôi đang nghiên cứu chung cư Miếu Nổi (quận Bình Thạnh) và một số chung cư tại quận 1. Cố gắng trong quý 1 sẽ xong khảo sát, sau đó triển khai thí điểm trong quý 2. Sau khi thí điểm sẽ tổ chức hội thảo lấy ý kiến các ngành liên quan và triển khai rộng rãi trên cả nước. Trung tâm HTX Thụy Điển (SCC) đang giúp Liên minh HTX VN triển khai mô hình này trên cả nước. Riêng ở TP HCM, lãnh đạo TP rất ủng hộ mô hình này.