Bạn Phan Văn An – Nghệ An hỏi:

Thiết kế nhà ở riêng lẻ được quy định như thế nào? Tại sao phải thực hiện giám sát tác giả thiết kế? Ai là người giám sát tác giả? Giám sát tác giả thiết kế khác với giám sát thi công xây dựng công trình của chủ đầu tư như thế nào? Trường hợp nhà thầu thiết kế ở xa công trình có thể nhờ tổ chức tư vấn tư vấn khác giám sát tác giả thay được không?

WEDO xin được phúc đáp!

– Thiết kế nhà ở riêng lẻ được quy định như thế nào?

Theo khoản 3 điều 56 của Luật Xây dựng, nhà ở riêng lẻ có tổng diện tích xây dựng sàn lớn hơn 250m2, xây từ 3 tầng trở lên hoặc nhà ở trong các khu di sản văn hoá, di tích lịch sử – văn hoá phải do tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định thực hiện thiết kế xây dựng. Nếu nhà ở có quy mô nhỏ hơn và nằm ngoài khu vực như nêu ở trên thì cá nhân, hộ gia đình có thể tự tổ chức thiết kế nhưng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng thiết kế, tác động của công trình đến môi trường và an toàn đối với các công trình lân cận. Nếu là tổ chức thiết kế thì trong bản vẽ phải có dấu của tổ chức và chữ ký của người tham gia thiết kế theo quy định. Nếu là cá nhân hành nghề độc lập thiết kế thì trong bản vẽ phải có chữ ký của thiết kế theo mẫu chữ ký khi đăng ký kinh doanh.

nha-lo-pho-4

– Tại sao phải thực hiện giám sát tác giả thiết kế? Ai là người giám sát tác giả

Theo điều 3 của Luật Xây dựng, giám sát tác giả là hoạt hoạt động giám sát của người thiết kế trong quá trình thi công xây dựng công trình, nhằm đảm bảo việc thi công xây dựng theo đúng thiết kế được duyệt. Như vậy, giám sát tác giả là trách nhiệm của tư vấn thiết kế và thực hiện trong giai đoạn thi công. Tác giả thiết kế xây dựng công trình là người giám sát tác giả.

– Giám sát tác giả thiết kế khác với giám sát thi công xây dựng công trình của chủ đầu tư như thế nào? Trường hợp nhà thầu thiết kế ở xa công trình có thể nhờ tổ chức tư vấn tư vấn khác giám sát tác giả thay được không?

+ Giám sát tác giả thiết kế và giám sát thi công xây dựng công trình khác nhau về thời gian, nội dung thực hiện và trách nhiệm. Cụ thể đối với giám sát tác giả không yêu cầu thường xuyên có mặt tại công trình, chỉ xem xét thi công có đúng thiết kế không và chỉ chịu trách nhiệm khi có sự cố do lỗi của thiết kế. Giám sát thi công phải có mặt thường xuyên tại công trình, nội dung công việc là phải kiểm tra toàn diện các mặt về các quy định của pháp luật như điều kiện khởi công, năng lực nhà thầu, chứng chỉ vật liệu và giám sát chất lượng thi công, lắp đặt, vật tư vật liệu … Giám sát thi công chịu trách nhiệm toàn diện theo hợp đồng về chất lượng, khối lượng, tiến độ, an toàn lao động, vệ sinh môi trường.

+ Theo khoản 1 điều 22 của Nghị định 209/CP, nhà thầu thiết kế cử người đủ năng lực để thiết thực hiện giám sát tác giả. Vì vây, không thể nhờ tổ chức tư vấn khác giám sát tác giả thay cho nhà thầu thiết kế được. Trường hợp nhà thầu thiết kế ở xa công trình và không có khả năng thực hiện giám sát tác giả thì không nên nhận thầu thiết kế công trình đó.