Skip to Content

Category Archives: Công trình kiến trúc đẹp

Du Miên – quán cà phê không cửa sổ

Ở Du Miên không có những ô cửa sổ, nên tôi thích nhìn những bức tường bằng nhiều chất liệu khác nhau và thích nhìn cả những tia nắng màu ngọc bích nhảy múa trên những cánh hoa bên hồ.

Quán Du Miên rộng lắm, nhưng điều lạ là cả khối kiến trúc đồ sộ và hiện đại ấy lại tạo cho người ta cảm giác thư giãn. Sẽ thật tuyệt vời nếu bạn đến Du Miên vào lúc xế chiều, khi ánh hoàng hôn sắp tắt, chỉ đủ hắt những tia nắng vàng rọi khắp không gian và chọn một chỗ ngồi trên lầu, dưới những tán cây to, lá xoè rộng. Khi đó, Du Miên như nằm ở ranh giới giữa cái cũ và cái mới, giữa mộng và thực, trong ánh sáng đó, bạn có thể ngắm những cánh hoa mềm mại trên cỏ xanh, nghe bên tai tiếng thì thầm của gió và có những cảm nhận riêng của mình.

d3

Nếu trong kiến trúc, các nhà thiết kế thường hay dùng thủ pháp “đóng mở” để tạo cảm giác cho người thưởng ngoạn thì Du Miên quán lại khá thành công trong việc tạo ấn tượng bằng những lối đi nhỏ lòng vòng. Nhờ đó, ai dừng lại cũng phải bất ngờ trước một không gian rộng mở và khá tĩnh lặng khiến những ồn ào, ngột ngạt của phố phường xe cộ như được giũ bỏ.

dm6

Thật khó xác định phong cách kiến trúc của quán, nhưng bù lại, “ba chàng ngự lâm”, một họa sĩ, một kiến trúc sư và một chủ quán đã tạo cho quán nhiều góc trang trí khá đẹp với những phong cách khác nhau như những vòm đá mạnh mẽ gợi nhớ châu Âu trung cổ, những mảng tường ốp gỗ với vài dây leo như lạc từ những thảo nguyên, những khối nhà vuông vức đơn giản với những mảng kính lớn ôm lấy những không gian lung linh ánh sáng từ những chùm đèn pha lê.

d5

Nhưng điều thú vị nhất ở quán này là cách tổ chức độ cao thấp. Những mảng xanh chạy bao bọc một góc vườn và một hồ nước lớn xanh thẳm, tất cả đều đảm bảo tiêu chí “mở”. Điều này làm cho quán dù đông khách nhưng mọi người không cảm thấy ngột ngạt và cảm nhận được sự phong phú của những góc nhìn.

Còn mảng xanh ở đây thì rất dày và len lỏi mọi nơi. Những đốm nắng len lỏi giữa những chậu cỏ thằn lằn dày, xanh mướt. Những buổi chiều gần tối, khi quán chưa quá đông, những ánh đèn chia đủ rực sáng để khoe những chi tiết trang trí thì các màu “trầm” của quán như nối tất cả các không gian thành một.

DuMien1

Đến Du Miên, sẽ gặp hình ảnh người chủ quán chế vài chậu hoa, tất bật chăm sóc quán với tất cả sự  say mê. Anh đã chọn cho Du Miên một con đường phù hợp với hơi thở cuộc sống, khi mà mọi người thôi không còn đổ xô đi cà phê compact disc nghe nhạc hoặc vào cà phê máy lạnh. Giờ đây mọi người đi cà phê không chỉ để uống mà còn để ngắm nhìn, để tìm một cảm giác và “Du Miên” đã đáp ứng được nhu cầu đó. Tới đây giữa một khung cảnh lãng mạn cảm xúc của bạn sẽ được lãng du như ước mong của người chủ quán.

 

Địa chỉ: 48/9A Hồ Biểu Chánh, Phường 11, quận Phú Nhuận

READ MORE

Petronas Twin Towers – Tháp đôi Petronas

Petronas Towers tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia hiện là tòa tháp đôi cao nhất thế giới. Công trình do kiến trúc sư người Argentina, César Pelli, thiết kế, và được hoàn thành vào năm 1998.

Petronas Towers có 88 tầng, mọc trên khu đất từng là một trường đua xe. Kết cấu tòa nhà phần lớn là bê tông cốt thép có khả năng chịu lực cực tốt. Bề mặt hai tòa tháp hoàn toàn bằng kính và thép, được thiết kế theo motip nghệ thuật đạo Hồi, tôn giáo chính tại Malaysia.

KLCC7

 Do mặt bằng khá cứng, móng của Petronas Towers được đào sâu tới 120 m, một kỷ lục với các công trình xây dựng nhà cao tầng trên thế giới. Đã phải có một lượng bê tông khổng lồ được đổ ở phần móng để đảm bảo sự vững chắc. Điều kỳ lạ ở đây là mỗi công ty xây dựng chịu trách nhiệm thi công một tòa tháp và phải cạnh tranh nhau về tốc độ. Khởi công chậm hơn Công ty Hazama 1 tháng, nhưng Samsung Construction, phụ trách tòa tháp thứ nhất, đã thắng cuộc. Tuy nhiên, khi công trình hoàn thành, người ta phát hiện ra rằng cấu trúc của tòa tháp thứ 2 nghiêng so với phương thẳng đứng 25 mm.

KLCC8

Thiết kế của Petronas được lấy cảm hứng từ các tòa nhà đạo Hồi.

Thiếu thép do chi phí nhập khẩu quá cao, tòa nhà đã được xây dựng theo thiết kế bê tông siêu chịu lực, một kết cấu khá quen thuộc ở châu Á, giúp tiết kiệm rất nhiều. Tuy nhiên, phần móng sẽ phải chịu sức nặng gấp đôi so với những tòa nhà kết cấu thép. Lõi bê tông kích thước 23 x 23 m và các cột siêu rộng vòng ngoài, tòa nhà thật sự là không gian lý tưởng cho các văn phòng. Ở đây có những khu vực làm việc rộng từ 1.300 đến 2.000 m2 mà không hề có cột.

Một điểm nhấn rất ấn tượng của tòa tháp đôi này là chiếc cầu trên không, có chiều cao 170 m và dài 158 m, nằm ở tầng thứ 41 và 42, nơi được xem là tầng chuyển vì du khách muốn lên những tầng cao hơn phải đổi thang máy tại đây. Bất kỳ khách du lịch nào khi đến thăm Petronas Towers đều được phép đi qua cây cầu đặc biệt này. Mỗi ngày, chỉ có 1.400 lượt người được vào tham quan và hoàn toàn miễn phí. Tòa nhà đóng cửa vào thứ hai hằng tuần.

KLCC1

Lối đi ở cầu trên không, nối liền hai tòa tháp.

Chiếc cầu cũng chính là nơi thoát hiểm, dùng trong các trường hợp hỏa hoạn hoặc sự cố khẩn cấp xảy ra ở một bên tháp. Ngày 12/9/2001, một ngày sau vụ khủng bố nước Mỹ làm sập tòa tháp đôi WTC ở New York, Petronas Towers cũng bị báo động đánh bom. Nhưng khi đó, khá nhiều lộn xộn đã xảy ra. Thực tế cho thấy, nếu trường hợp khẩn cấp xảy ra ở cả hai bên tháp thì chiếc cầu trên không cũng phải… bó tay.

Phía dưới của tòa tháp đôi là Suria KLCC, một trong những trung tâm thương mại lớn và hiện đại nhất Malaysia, và Dewan Filharmonik Petronas, của dàn nhạc Philharmonic nổi tiếng của Malaysia. Bên ngoài tòa nhà là một công viên có đường chạy bộ và lối đi dạo, một đài phun nước có trình diễn nhạc nước, hồ đi dạo và sân chơi trẻ em.

 KLCC3

Tòa nhà thứ nhất hoàn toàn là trụ sở làm việc của Công ty Petronas, chủ đầu tư của công trình, và các công ty chi nhánh. Tòa tháp còn lại hầu hết dành để cho thuê. Một số công ty tên tuổi đặt trụ sở ở đây gồm Accenture, Al Jazeera International, Bloomberg, Boeing, IBM, Khazanah Nasional Berhad, McKinsey & Co, Microsoft và Newfield Exploration.

 

READ MORE

Chung cư ở Singapore

Thiết kế đơn giản, gọn gàng và thông thoáng có thể biến một căn hộ trong chung cư cao tầng trở thành chốn nghỉ ngơi thư giãn, tránh xa sự nhộn nhịp và hối hả của cuộc sống đô thị. Đó là nguyên tắc mà nhà thiết kế nội thất George Budiman đã áp dụng cho một căn hộ penthouse (căn hộ ở tầng trên cùng của chung cư cao tầng) cho một gia đình tại Singapore.

Trong khu vực sinh hoạt chung, sàn đá cẩm thạch trắng, mặt bàn tiếp khách, bàn ăn bằng kính và bộ sô pha màu kem tạo nên một khung cảnh rất trẻ trung. Chiếc ghế sofa đặc biệt với màu sắc mạnh mẽ được đặt gần cửa sổ, nơi đón nhận ánh sáng tự nhiên, được thiết kế làm nơi đọc sách. Những chiếc đèn chùm là một trong những chi tiết lãng mạn làm mềm đi vẻ cứng nhắc của phong cách thiết kế hiện đại. “Một thiết kế đơn giản tạo ra một môi trường thư giãn cho cuộc sống ở thành thị”, tác giả khẳng định.

Sing1

Các mảng màu nhỏ, như là những chiếc nệm cam và viền đỏ trên khăn trải giường, gây ấn tượng thị giác tốt.

Sing3

Trong thư phòng, giá sách lớn. Hai cánh cửa kính mờ che bớt những vật riêng tư.

Sing5

Không gian chung được chia thành các vùng phục vụ ăn uống, đọc sách, thư giãn, sinh hoạt…

Sing7

Căn hộ trần thấp và không gian giới hạn, những vật liệu “bóng bẩy” sẽ tạo cảm giác rộng rãi.

READ MORE

Bảy kỳ quan kiến trúc hiện đại

Tuần qua, tạp chí Condé Nast Traveler vừa công bố danh sách “Bảy kỳ quan thế giới” của thời đại mới. Đó là bảy công trình kiến trúc đồ sộ đã góp phần thu hút một lượng du khách tham quan khổng lồ cho quê hương, đất nước của chúng.

images76333 Museum%20of%20Glass,%20Tacoma,%20Bundesstaat%20Washington

Viện bảo tàng Museum of Glass

Đáng nể nhất vẫn là Mỹ với hai công trình kiến trúc đứng đầu bảng xếp hạng: Viện bảo tàng nghệ thuật đương đại (Modern Art Museum) ở Texas và Viện bảo tàng kính (Museum of Glass) ở Washington. Viện bảo tàng Modern Art Museum do kiến trúc sư người Nhật Tadao Ando thiết kế. Hầu như toàn bộ ánh sáng trong viện bảo tàng đều lấy từ mặt trời thông qua những bức tường kiếng khổng lồ. Những buổi bình minh và hoàng hôn là lúc viện bảo tàng đẹp hơn bao giờ hết. Nó lung linh huyền ảo như một ngọn hồng đăng bồng bềnh trên sóng nước.

images76373 Shizuoka%20Prefectural%20Fuji%20Swimming%20Pool,

Hồ bơi Shizuoka Prefectural Fuji, Nhật

Không chỉ thành công trên đất khách, những kiến trúc sư người Nhật cũng góp phần đưa tên tuổi của đất nước mình vào danh sách các nước có kỳ quan thế giới bằng công trình hồ bơi Shizuoka Prefectural Fuji (hạng năm). Lợi thế của công trình này là nằm ngay trong vùng du lịch trọng điểm của Nhật: vùng núi tuyết nổi tiếng Fuji. Hạng ba là đường trượt băng Bergisel Ski Jump ở Innsbruck, Áo. Tại đây người đã từng tổ chức hai kỳ thi Olympic vào năm 1964 và 1976. Hiện nay đường băng Bergisel Ski Jump được xem là nơi nghỉ hè lý tưởng nhất của nhiều du khách nước ngoài.

images76365 Kingdom%20Centre

Trung tâm Kingdom Centre ở Riyadh của Saudi Arabia

Lần lượt các thứ hạng bốn, sáu và bảy thuộc về các công trình kiến trúc sau: Falkirk Wheel của Scottland, Câu lạc bộ Bed Supperclub ở Bangkok, Thái Lan và Trung tâm Kingdom Centre ở Riyadh của Saudi Arabia. Có thể nói: Câu lạc bộ Bed Supperclub ở nước láng giềng đã tạo được tiếng vang lớn và là niềm hãnh diện chung của các nước Đông Nam Á. Hy vọng rằng một ngày gần đây chúng ta có công trình kiến trúc sánh vai cùng nước bạn Thái Lan.

READ MORE

Cánh buồm Dubai

Burj al-Arab là một trong những khách sạn sang trọng nhất thế giới, nằm ở Dubai (Các tiểu Vương quốc Ảrập Thống nhất). Công trình có hình dáng đặc biệt, giống như một cánh buồm đang no gió, do KTS Tom Wright của Tập đoàn WS Atkins PLC thiết kế.

burj al arab 1

Cánh buồm căng gió khơi

Burj Al-Arab được khởi công năm 1994. KTS Tom Wright cho biết, chủ đầu tư muốn công trình phải trở thành một biểu tượng của Dubai, tương tự như nhà hát Opera ở Sydney hay tháp Eiffel của Paris. Tư vấn cho dự án này là Atkins, một đơn vị có tiếng của Anh, còn việc xây dựng do nhà thầu Murray & Roberts của Nam Phi thực hiện.

burj al arab 3

Khách sạn Burj al-Arab nhìn từ trên cao

Với độ cao 321 m, Burj Al-Arab là công trình khách sạn cao nhất thế giới. Điều đặc biệt hơn nữa là Burj al-Arab không nằm trong đất liền mà trên một hòn đảo nhân tạo ngoài biển, cách bờ 280 m. Quá trình xây dựng rất kỳ công. Để đảm bảo cho một nền móng vững chắc, người ta đã sử dụng 230 cột móng dài 40 m để đóng xuống đất. Phần đảo nhân tạo được giữ chắc không phải bởi đá tảng, mà bằng những công nghệ mới tạo ma sát giữa cát biển với bùn dọc theo chiều dài của các cột ống cọc. Các kỹ sư xây dựng cũng làm một lớp bề mặt đá lớn, với hình dạng lược, để đảm bảo phần nền móng không bị xói mòn. Đã phải mất tới 3 năm để hoàn thiện phần móng, bằng đúng thời gian để xây dựng toàn bộ tòa nhà. Công trình tiêu tốn 70.000 tấn xi măng, 9.000 tấn thép, với tổng chi phí 1,5 tỷ USD.

burj al arab 5

Sảnh cao và rộng với hệ thống đài phun nước

Để giữ nhiệt độ cân bằng bên trong nội thất, một giải pháp được sử dụng là dùng hệ thống ống thông hơi nối thẳng từ mái và chôn sâu 1 m dưới lòng đất, tạo ra vùng đệm nhằm điều chỉnh nhiệt độ bên trong tòa nhà. Nhờ đó, không cần phải dùng tới nguồn năng lượng khổng lồ cho hệ thống điều hòa, không khí bên trong vẫn rất dễ chịu.

Sợi thủy tinh được sử dụng cho phần ngoại thất của khách sạn. Đơn vị thiết kế cho rằng đây là vật liệu tốt nhất để chống chọi lại thời tiết khắc nghiệt với nắng, gió, bão cát ở vùng sa mạc, và có thể duy trì trong vòng 50 năm.

burj al arab 13

Phòng ăn sang trọng

Burj Al-Arab có thể được coi là khách sạn 7 sao nếu xét tới những khoản đầu tư hoành tráng, cho dù trên bảng xếp hạng của hệ thống khách sạn thế giới, 5 sao đã được coi là… đỉnh. Chính vì vậy, Burj Al-Arab có thêm cụm từ “sang trọng”. Khách sạn có khoảng 8.000 m2 tường, cột được dát vàng lá 22 carat và 24.000 m2 đá marble, gồm 30 loại khác nhau. Đây còn là khách sạn 5 sao đầu tiên vượt quá độ cao 305 m. Ngoài ra, Burj al-Arab có khu hành lang rộng và cao nhất thế giới, 180 m.

Vào buổi tối, Burj Al-Arab nổi bật giữa biển nhờ hệ thống chiếu sáng hiện đại, long lanh và ấn tượng. Một điểm nhấn trong thiết kế của khách sạn chính là sân đỗ máy bay trực thăng được “treo” lơ lửng gần đỉnh. Ngoài mục đích sử dụng chính, nơi đây còn từng được nhiều người nổi tiếng chọn để tổ chức các sự kiện tầm cỡ. Ca sĩ người Ireland, Ronan Keating, đã qauy môt clip của anh ở đây. Tháng 3/2004, tay golf số một thế giới, Tiger Woods, đã có màn biểu diễn golf từ nơi đây vào vịnh Persian. Tháng 2/2005, còn có một trận đấu quần vợt “đỉnh cao” giữa hai tay vợt hàng đầu thế giới là Roger Federer và Andre Agassi.

Phần nội thất của khách sạn do Khuan Chew, người đứng đầu tập đoàn Thiết kế nổi tiếng KCA International thực hiện, người đã làm Cung điện Vua Brunei, sân bay quốc tế Dubai, khu nghỉ dưỡng Jumeirah Beach, Madinat và còn rất nhiều công trình khác nữa.

burj al arab 6

Bể bơi xa hoa như cung điện xưa

ks4

Nội thất phòng Royal

Trông hoành tráng, nhưng khách sạn Burj al-Arab chỉ có 28 tầng với 202 phòng. Căn phòng nhỏ nhất có diện tích 169 m2, còn phòng rộng nhất là phòng Hoàng gia (Royal Suite) 780 m2. Đây là một trong những khách sạn đắt nhất thế giới, với chi phí cho mỗi đêm từ 1.000 đến 15.000 USD. Riêng phòng Royal là 28.000 USD.

The Burj al Arab nhận được nhiều lời ngợi khen nhưng cũng không ít chê bai. Nội thất của khách sạn theo kiểu vừa phương Đông với những chi tiết trang trí của kiến trúc Ảrập với cột, tường rườm rà… kết hợp cả với phương Tây thể hiện qua những đường nét hiện đại, màu sắc sử dụng táo bạo… đã khiến nhiều người cảm thấy không hài lòng. Ngoài ra, sự sa hoa, sang trọng thái quá thể hiện qua màn đầu tư hoành tráng cũng khiến một số quan chức thành phố Dubai khó chịu. “Thể hiện sự giàu có bằng cách tạo ra một khách sạn xa hoa như cung điện là điều thật lố bịch”.

READ MORE

Torso vặn mình, Tháp nghiêng của Malmo

Tòa nhà mới khánh thành cao 54 tầng, gồm 9 khối (mỗi khối 6 tầng) chồng lên nhau. Tính từ dưới đất lên tới nóc, tòa nhà này tự “vặn” quanh mình một góc đúng bằng 90 độ, trong đó mỗi tầng “vặn” 1,6 độ, một độ vặn nhỏ tới mức người ta không nhận ra bằng mắt thường nếu đang ở trong tầng đó. 13 tầng dưới được dung làm văn phòng. Các tầng trên dung làm nhà ở.

Một trong những tác phẩm kiến trúc độc đáo nhất thế giới.

Torso vặn mình có lẽ khôngphải là cái tên hay đặt cho toàn nhà cao chọc trời này, bởi khiến người ta liên tưởng tới một pho tượng bán thân không tay và không đầu của Hy lạp cổ đại, tức là một cái gì đó thiếu hoàn chỉnh. Năm 2001, khi “pho tượng kiến trúc” này được khởi công xây dựng, nó đã gây một làn sóng chống đối mạnh mẽ của công luận, bởi người ta cho rằng nó sẽ phá vỡ cảnh quan kiến trúc khá êm dịu của thành phố ven biển Malmo .

Thứ Bảy tuần qua nhà được khánh thành, hầu như chẳng có ai nhớ lại những chỉ trích đó nữa. Giờ đây nó được ca ngợi là “viên ngọc kiến trúc” của Malmo, thậm chí là một trong những biểu trưng cho cả Thụy Điển, như tháp nghiêng Pisa đối với Italia.

4

Có lẽ vì thế mà mặc dầu có giá thuê “cao đến tận mức láo xược” ( nhận xét của J. Klinberger, chủ tịch hội đồng những người thuê nhà Malmo trên báo Svenska Dagbladet), tất cả những căn hộ của Torso vặn mình đã được đăng ký thuê hết trước khi nó được xây dựng xong. Các căn hộ này rộng từ 45 đến 190 m2 được cho thuê với giá xấp xỉ từ 1,000 đến 3,500 USD/tháng. Thậm chí còn có một số người muốn ở đây vĩnh viễn, vì thế đã có căn hộ được bán đứt, với cái giá lên tới 1,7 triệu USD/căn…

Những người sống trong các căn hộ nền lát gỗ sồi và tường ốp đá granit đen được chăm sóc như trong một khách sạn: Tại phòng lễ tân có một đội phục vụ, sẵn sàng thuê taxi, đặt vé xem ca nhạc hay thu xếp một cuộc gặp gỡ nào đó cho họ. Ngoài ra người thuê nhà còn được sử dụng miễn phí những thiết bị của tòa nhà, như phòng xông hơi, trung tâm luyện tập thể hình, hầm rượu…Để di từ tầng 1 lên “công viên xanh” trên mái tòa nhà chỉ mất có 30 giây bằng thang máy.

Người thiết kế Torso vặn mình là kiến trúc người Tây Ban Nha Santiago Calatrava, 55 tuổi, tác giả của nhiều công trình rất nổi tiếng, gần đây có cầu Turtle Bay Bridge ở California, Sân vận động Olympic ở Athén, Thư viện của DH Zurich (Thụy Sĩ) hay bản thiết kế “Forham Spire” tòa nhà cao nhất thế giới (609m) sắp được khởi công xây dựng tại Chicago (Mỹ)… Trong lễ khánh thành Torso vặn mình , ông nói: “Người ta muốn tạo một cái gì thật độc đáo cho Malmo . Tôi hy vọng là sự mong muốn ấy đuợc thỏa mãn”.

Torso vặn mình – Viên ngọc của kiến trúc thế giới

Tuy nhiên người ta phải gợi ý để ông thiết kế tòa nhà độc nhất vô nhị này lai là Johnny Oerbaeck, nguyên giám đốc HSB, công ty kiểm soát ¼ diện tích nhà cho thuê của Malmo. Số là KS Santiago Calatrava được mời tham dự cuộc thi vẽ mẫu thiết kế cho chiếc cầu nối giữa Thụy Điển và Đan Mạch từ Malmo qua eo biển Oeresund. Đồ án dự thi của Calatrava khiến người ta trầm trồ khen ngợi vì trông rất đẹp. Chỉ tội không có tính khả thi, vì nó mang kiến trúc hình “xoắn”. Bị ấn tượng bởi đồ án thiết kế này, Oerbaeck đã đề nghị Calatrava sử dụng kiến trúc hình xoắn đó cho việc thiết kế một tòa nhà chọc trời.

2

Vậy là Torso vặn mình được xây dựng, gây ra không biết bao khó khăn cho HSB, bởi chi phí của công trình dội lên quá cao (1,6 tỷ Krona, gấp đôi so với dự toán) và thời gian thi công phài kéo dài thêm hai năm so với kế hoạch. Việc tòa nhà khởi công xây dựng đúng vào dịp xảy ra khủng bố 11/9/2001 tại New York , sự kiện khiếnngười ta tiên đoán thời đại của những tòa nhà chọc trời đã chấm dứt, càng khiến Oerbaeck phải hứng chịu những lời công kích, tới mức buộc ông phải xin từ chức.

Thật bất công cho Oarbaeck, bởi chính nhờ sự quyết tâm của ông mà giờ đây HSB tự hào được sở hữu một trong những viên ngọc kiến trúc của thế giới.

 

READ MORE

Đặc điểm của kiến trúc biệt thự tại Đà Lạt

Đà Lạt là thành phố của tình yêu. Những căn kiến trúc biệt thự tại Đà Lạt nơi đây cũng mang hơi thở của tình yêu, đẹp, mang dấu ấn riêng.

Nước Pháp tuy là một quốc gia độc lập lâu đời, nhưng về kiến trúc thì thật đa dạng. Kể từ Đại chiến thế giới lần thứ 2 về trước, kiến trúc cổ điển của Pháp thực là đặc sắc. Hàng ngàn lâu đài mỗi cái một kiểu. Từ Château de Versailles đến Château de Fontaine – Bleau sang các Château vùng sông Loire, sông Seine,… ở mỗi nơi kiến trúc mỗi thay đổi. Phía Bắc Pháp phần lớn có kiến trúc chung loại Anglo-Normand, có thể phân ra vùng Normandie, vùng Bretagne, vùng cực Bắc, vùng Bắc Paris, vùng Tây – Bắc. Kiến trúc vùng Alsace – Lorraine – Strasbourg có phần lai kiến trúc Đức. Kiến trúc miền Đông từ Nantes xuống đến Bordeaux là kiến trúc miền biển.

biet-thu-da-lat-2
Nhà ở đà lạt

Kiến trúc miền Trung là vùng cao nguyên Trung bộ. Kiến trúc miền Vosges xuống kiến trúc miền núi Alpes, kiến trúc cực Nam vùng Marseille – Carmargue tức vùng Provence và kiến trúc vùng Đông – Nam Montpellier sang Toulouse và kiến trúc xứ Basque lai Tây Ban Nha. Chính sự đa dạng ấy đã tạo cho kiến trúc Pháp mang tính quốc tế. Do đó khi đi chiếm thuộc địa, các kiến trúc sư Pháp đã mang theo tinh túy của mình xây các biệt thự theo kiến trúc của các địa phương Pháp. Người Pháp sang Việt Nam cũng không quên điều đó.

Riêng ở Đà Lạt các kiến trúc sư Hébrard, Pineau, Moncet, Lagisquet là những nhà quy hoạch đô thị thường hay nói: “Ai đi xa cũng muốn mang màu sắc quê hương, nhất là kiến trúc, đến chỗ mình mới đến ở”. Đó là sự thực, vì kiến trúc các biệt thự nhà cửa ở Đà Lạt sao tránh khỏi hình ảnh của kiến trúc các địa phương nước Pháp. Từ người Pháp nghèo có cái nhà nho nhỏ cho đến biệt thự lớn, cái nào cũng do các kiến trúc sư thiết kế và cái nào cũng theo ý của chủ nhà: Ngôi nhà phải giống như nhà của họ ở bên Pháp để cho đỡ nhớ và khỏi quên quê hương.

Hơn 1.500 biệt thự phần lớn là loại kiến trúc miền Bắc nước Pháp. Có lẽ cũng có ảnh hưởng của kiến trúc vùng núi nên các biệt thự đầu tiên, các nhà gỗ lợp ngói, lợp tôn đều giữ nguyên kiến trúc cũ. Nếu có thay đổi chỉ là số ít bố cục.

Nhiều nhất và cũng đặc biệt nhất là loại biệt thự có khung sườn bằng gỗ tốt xây chèn gạch. Sàn bằng một hai lớp gỗ hay bằng sàn ghép. Kiến trúc sàn gỗ, trần gỗ gây nên cảm giác ấm cúng cho xứ lạnh. Đó là loại kiến trúc miền Bắc nước Pháp từ thành phố Rouen về phía Lille. Hệ khung cột giữ cho nhà vững chắc đều bằng gỗ, sau đó xây chèn gạch, nhìn bức tường từ xa giống như có sơn cột và thanh chống, thanh giằng giả. Phổ biến là các nhà ở chung quanh viện Pasteur, khu biệt thự bên đường Trần Hưng Đạo, đường Huỳnh Thúc Kháng. Thời gian đầu xi măng chưa lên được, nhà xây gạch toàn bằng vôi tôi trộn chất nhớt lấy ra từ lá cây giã ra. Các tường gạch xen chèn vào các khung gỗ vẫn không nứt nẻ. Lúc làm họ chọn gỗ tốt kể cả gỗ thông, có nhà làm đã bảy, tám mươi năm vẫn còn tốt. ở Đà Lạt không có mối mọt nhiều, gỗ chỉ hư hỏng khi mục, khi thanh gỗ nào mục thì thay thanh đó mà mảng tường không hề nứt đổ.

Các biệt thự đầu tiên một tầng, có loại hai mái cân xứng, có loại mái dài mái ngắn, đầu hồi nhô ra mặt trước. Biệt thự sang trọng một hai tầng thì cầu thang đặt ở trong nhà (cầu thang gỗ hay xây có tay vịn gỗ). Vào các năm 1920 – 1940 ở Đà Lạt chỉ có gỗ là nhiều, còn thép phải nhập từ Pháp và đưa từ Sài Gòn lên nên cấu trúc ít dùng thép. Các côngxon của những nhà xây thường đúc theo kiểu tam giác, cạnh lớn uốn cong. Còn các biệt thự kiến trúc kiểu Bắc Pháp thì côngxon bằng gỗ đục mộng chắc chắn. Lò sưởi thường bố trí ở phòng khách, phòng ăn hay phòng ngủ chính. Trang thiết bị trong phòng vệ sinh đều nhập từ Pháp.

biet-thi-da-lat-1
Biệt thự pháp cổ đà lạt

Đặc điểm kiến trúc biệt thự tại Đà Lạt

1. Người Pháp có hai quan niệm làm cho Đà Lạt trở thành nơi an dưỡng đẹp, đó là:

– Xây các biệt thự có vườn hoa, xa cách nhau, có tầm nhìn đẹp: nhìn ra rừng thông, nhìn xuống thung lũng, nhìn về hướng các đỉnh núi Lang Bian. Các dinh thự đều chiếm cao điểm (Đà Lạt có 99 cao điểm). Các biệt thự đều ẩn mình trong rừng thông. Thời trước trong bài viết của một du khách Pháp đã tả Đà Lạt như sau: “Từ xa ta thấy những thảm cỏ xanh rì (đó là những rừng thông) nối tiếp nhau đến tận chân trời, trong đó có những nụ hoa đỏ (đó là mái ngói của những biệt thự ) nổi lên”.

– Đà Lạt chỉ được xây cất biệt thự không quá ba tầng (kể cả tầng trệt) vì làm cao tầng sẽ phá cảnh rừng thông. Và đặc biệt là về hướng Tây – Bắc và Bắc của hồ Lớn (nay là hồ Xuân Hương) không được xây dựng nhà cửa như phía Đông – Bắc vòng về phía Tây bờ hồ.

2. Mọi sự xây dựng trên thành phố đều phải do kiến trúc sư thiết kế.

Có kiến trúc sư chịu trách nhiệm về thẩm mỹ. Mọi sự xây dựng phải qua phòng quy hoạch đô thị của Sở Công chánh và nơi này phải chịu trách nhiệm về mọi sự xây dựng.

Người Pháp dự định dân số Đà Lạt có thể đến 300.000 người, nhưng cho đến lúc họ rời Việt Nam thì mới chỉ trên 20.000 (người Pháp 2.500) nên việc xây dựng còn ít và dễ kiểm soát.

3. Người Pháp đi tha phương luôn luôn hướng về quê hương, được thể hiện trong kiến trúc và trong cuộc sống. Do đó trên 1.000 biệt thự thì kiến trúc các địa phương Pháp ảnh hưởng nhiều nhất là:

– Kiến trúc Anglo – Normand;

– Kiến trúc miền cao nguyên trung phần Pháp;

– Kiến trúc miền núi Alpes và phía Nam;

– Kiến trúc miền Pyrénées và Basques.

Đặc điểm của các kiến trúc nhà đẹp này là:

– Mái nhà: Loại hai mái ít dốc, ở hai đầu có hai mái ngắn (miền Nam).

Loại hai mái có các mái nhô: nếu các mái nhô tròn là của miền Trung và Bắc Pháp, nếu các mái nhô nhọn và cao có cửa kính lớn (có cũng hai mái) là của miền Nam Paris.

Loại mái dài, mái ngắn dốc nhiều là loại nhà vùng núi, từ vùng Vosges xuống Alpes, mùa tuyết tan dễ tháo nước.

Loại mái dốc xây đá chẻ là loại nhà kiểu Anglo – Normand (nhiều ở vùng biển Normandie).

Loại mái nhà lợp ardoise (đá mài miếng mỏng màu đen) là loại của miền cao nguyên miền Trung nước Pháp.

– Ống khói lò sưởi: ống khói lò sưởi có cái thấp nếu mái ít dốc, có cái cao nếu mái dốc nhiều. Lò sưởi ở miền Bắc Pháp thường có ba ống tròn ở trên đầu chóp để che mưa, tuyết khỏi vào nhiều hoặc chỉ có một ống tròn ở giữa tấm che.

Ống khói, lò sưởi miền Trung và Nam cho khói ra 4 phía có tấm che bên trên.

Ống khói lò sưởi xây có cẩn đá và một phía uốn tròn là kiểu mới cải tiến để cho hợp với nét cao nguyên

– Tường xây: Tường xây có khung cột bằng gỗ là kiến trúc miền Bắc Pháp, Bắc Paris (nhất là vùng Rouen, quê hương của Jeanne d’Arc).

Tường xây bằng đá chẻ là của vùng Trung Pháp hay Đông – Nam Pháp.

– Mái nhô: Mái tròn nhô lên có cửa sổ kính là của vùng Bắc Pháp.

Hai mái cao nhô ra và có cửa kính lớn là của miền Trung Pháp.

Mái nhô ra và có cửa kính dài, kiểu được cải tiến ở Đà Lạt.

Các mái nhô cốt để sử dụng các phòng trên mái nhà mà người Pháp gọi là tầng áp mái (mansarde). Nó cũng làm đẹp cho mái nhà của biệt thự, nhất là những mái nhà quá lớn rộng.

– Lò sưởi trong nhà: Lò sưởi trong nhà là một dạng kiến trúc trang trí vừa là để sưởi những ngày lạnh. Chỉ cần đếm số lượng lò sưởi nhiều hay ít trong biệt thự ở Đà Lạt mà biết nội thất sang trọng hay không.

Những người quen sống ở Đà Lạt ít thấy cái lạnh của Đà Lạt. Nhưng những ai từ xứ nóng đến thì cái lạnh vô cùng thấm thía. Phòng khách biệt thự nào cũng nối liền phòng ăn, nơi đây thường có một lò sưởi và cũng thường để một khúc gỗ để trang trí khi không đốt lửa.

Phòng ngủ của gia đình chủ nhân cũng có lò sưởi. Sở dĩ có lò sưởi mà không làm ngợp thở khi ngủ là nhờ có ống hút đi lẫn khói cả khí cacbonic.

Ở Pháp mỗi biệt thự đều có nơi treo áo, mũ trước khi vào nhà, nhưng ở Đà Lạt rất ít nhà có, mà thường ở lối vào nhà có một khoảng lõm vào hoặc nhô ra để khi trời mưa lạnh khách đến có chỗ trút bỏ áo mưa, nón v.v…

– Vườn cảnh và cổng ra vào:Người Pháp và kiến trúc sư Pháp rất chú ý đến ngoại thất, đặc biệt là vườn cảnh, vì họ biết khí hậu Đà Lạt thích hợp với những loại hoa từ Pháp đưa sang. Từ cổng vào nhà, lối đi trong vườn, vườn trước và sau nhà đều trồng hoa, đem lại cái đẹp cho con người. Thường thiết kế phòng khách sâu về sau để có tầm nhìn ra một vườn hoa rộng, nhìn xuống thung lũng hay rặng thông đẹp. Các biệt thự ít đất thì thường có bồn hoa đúc ở trước các cửa sổ, quanh chân tường nhà. Nó tạo nên màu sắc điểm tô cho căn nhà khi từ ngoài bước vào.

Cổng vào cũng thay đổi tùy ý của mỗi kiến trúc sư hay mỗi chủ nhà. Số nhà có cổng đi thẳng vào mặt trước không nhiều. Cổng vào và lối đi vào thường lệch sang một phía để vườn hoa rộng dễ tạo thành một mảng lớn, khi ra vào nhà có tầm nhìn bao quát vườn hoa. Nhà vườn rộng, có xe ô tô thường làm cổng vào, cổng ra riêng biệt, đường xe vào ra không cần trở đầu.

READ MORE

Phương án dự thi công trình cửa ngõ Tây Nam Hà Nội

Dự án cầu vượt Ngã Tư Sở đang được gấp rút hoàn thiện đánh dấu điểm mở đầu cho hàng loạt các dự án nâng cấp trục đường Tây Sơn – Nguyễn Trãi. Trong tương lai đây chính là trục cảnh quan trọng điểm trên tuyến đường chính vào trung tâm Hà Nội từ cửa ngõ phía Tây Nam. Theo quy hoạch chung của TP Hà Nội đến 2020, tuyến đường này là một trục các dự án nhà tổ hợp cao tầng phục vụ chủ yếu cho mục đích thương mại dịch vụ, đan xen với các hệ cảnh quan cây xanh và khoảng không lớn nhằm tạo hiệu quả về thẩm mĩ đô thị…

PC1

Công trình Trung Tâm Giao Dịch và Khai Thác Dịch Vụ Tin Học Viễn Thông 279 Tây Sơn – Hà Nội là một tổ hợp 25 tầng với quy mô 30.000 m2 sàn . Công trình nằm cách chân cầu vượt Ngã Tư Sở khoảng 300m về phía giao lộ Tây Sơn – Thái Thịnh, có được một vị trí rất đắt trong toàn bộ tuyến nhìn chính của trục giao thông này. Trong những ngày cuối năm 2005 ,Chủ Đầu tư của Dự án là Bưu Điện Hà Nội đã tiến hành tổ chức Thi phương án Thiết Kế Kiến Trúc cho công trình này. WEDO xin giới thiệu với các bạn phương án dự thi thực hiện bởi Nhóm thiết kế (NTK) thuộc phòng dự án của WEDO do KTS Huỳnh Tám chủ trì, một gương mặt trẻ đã sớm khẳng định mình trong lĩnh vực thiết kế với hàng loạt các giải thưởng và công trình rất ấn tượng đã được xây dựng trong vài năm trở lại đây.

tmb

Quan điểm của NTK là đưa ra một giải pháp tổng thể sáng tạo và hiện đại, đem lại một khái niệm mới cho giải pháp mặt đứng nhà tháp trong đô thị cũng như sự so sánh cân bằng giữa giá trị sử dụng của mặt bằng công năng, giá trị thẩm mỹ và tính bền vững tự nhiên của công trình. Vì theo NTK vấn đề mấu chốt đầu tiên của một công trình tầm cỡ chính là sự mâu thuẫn giữa lợi ích kinh tế của Chủ Đầu Tư và giá trị thực cân bằng giữa thẩm mỹ và tính sử dụng tiện nghi trong công trình của các nhà thiết kế Kiến Trúc và Cảnh Quan Đô Thị.

MB12

Với điều kiện vị trí mà công trình có được , tòa tháp 25 tầng này sẽ là sự mở đầu của một tuyến nhìn khá quan trọng mang tính bộ mặt đô thị trong tổng thể quy hoạch của thủ đô. NTK cho rằng giá trị không thể bỏ qua chính là tính điển hình của công trình. Vấn đề ở đây là đưa ra được giá trị mới thiết thực hơn cho sự điển hình này, sự điển hình không chỉ đơn giản nằm trong sản phẩm mà hiện hữu ngay cả trong cách làm ra sản phẩm đó.

MB34

Hướng tiếp cận của tòa nhà rất linh hoạt, các sảnh chức năng được tách biệt rõ ràng nhưng vẫn được liên thông bởi các khoảng không gian đệm thông tầng , nơi tầm nhìn không bị hạn chế.

Hội trường hơn 300 ghế được bố trí ngay trên khối siêu thị, các khối kỹ thuật và phần phụ nằm tập kết tại góc sau của mặt bằng theo một trục đứng tại toàn bộ các tầng.

MB921

Điểm nhấn đặc biệt của toàn bộ công trình là khoảng thông tấng kéo từ sảnh chính lên đến hết tầng 6 và cao tới hơn 20m , hệ thông tầng này trực tiếp tham gia vào toàn bộ các không gian đan xen của hệ thống công năng khá đa dạng tại các tầng. Ánh sáng tự nhiên tràn ngập trong công trình, vật liệu kính và thép kết hợp chính là ngôn ngữ thông suốt của không gian công trình.

mat dung

OKMC

TC

PC2

 Tất cả các phân tích trên có thể không diễn tả được toàn bộ được ý tưởng của NTK, nhưng Wedo hi vọng phần nào những nét chính của công trình thông qua những bức ảnh sẽ đem lại cho bạn những suy nghĩ mới hơn cụ thể hơn về kiến trúc đô thị, về những gì chúng ta đã làm đang làm và sẽ làm , trong tương lai bạn nghĩ các đô thị của chúng ta sẽ có diện mạo như thế nào?

READ MORE

Trụ sở chính của Liên Hợp Quốc

Trụ sở chính của Liên Hợp Quốc rất dễ được nhận ra giữa muôn vàn các cao ốc tại phía đông khu Manhattan (New York) bởi đó là một tòa nhà có kiến trúc khá đặc biệt, rộng nhưng mỏng, nằm trên diện tích hơn 7 ha.

Trên thực tế, quần thể trụ sở chính của Liên Hợp Quốc không chỉ có tòa nhà chính cao 39 tầng dành cho các cơ quan của Liên Hợp Quốc mà còn có 3 khối nhà khác gồm tòa nhà của Đại hội đồng (General Assembly building); khu hội nghị và Dag Hammarskjold Library (mới được bổ xung xây dựng năm 1961).

UN11

Quần thể này được thiết kế bởi 11 kiến trúc sư, trong đó phụ trách chính là Wallace K. Harrison (người Mỹ). Trụ sở chính của Liên Hợp Quốc là khu vực “quốc tế”, thuộc về tất cả các quốc gia thành viên. Nơi đây có lực lượng an ninh, cứu hộ, hành chính… riêng biệt.

Trụ sở chính của Liên Hợp Quốc được xây dựng từ năm 1949 và hoàn thành 4 năm sau đó. Đây là địa điểm làm việc của khoảng 3.400 nhân viên. Toàn bộ khu đất của quần thể các tòa nhà Liên Hợp Quốc được mua lại từ tập đoàn bất động sản lớn nhất nước Mỹ thời đó là William Zeckendorf với giá 8,5 triệu USD.

un22

Trước Mahattan, đã có San Francisco, Chicago, South Dakota… được cân nhắc để chọn làm nơi đặt trụ sở của Liên Hợp Quốc. Sau đó, có thông tin cho rằng Pháp, Anh và Hà Lan đã bỏ phiếu chống với việc xây dựng trụ sở ở Mỹ.

Thay vì tổ chức một cuộc thi chọn các mẫu thiết kế, Liên Hợp Quốc đã kêu gọi sự hợp tác của các kiến trúc sư hàng đầu thế giới, thuộc nhiều quốc gia khác nhau. KTS Wallace K. Harrison là người đứng đầu nhóm thiết kế, và các kiến trúc sư khác đến từ Liên Xô, Bỉ, Canada, Pháp, Trung Quốc, Thụy Điển, Brazil, Anh, Australia và Uruguay. 50 bản thiết kế khác nhau đã được cân nhắc trước khi phương án cuối cùng được lựa chọn. Phần cơ bản của thiết kế được sử dụng dựa trên phương án của KTS người Pháp, Le Corbusier.

u33

Yêu cầu đầu tiên đặt ra cho trụ sở chính của Liên Hợp Quốc, đó là tòa nhà cao tầng, có đủ chỗ làm việc cho các cơ quan. Độ cao 39 tầng với thiết kế hiện đại vào thời điểm đó gặp phải nhiều ý kiến không tán đồng. Tuy nhiên cuối cùng, nó lại là biểu tượng tiêu biểu của chủ nghĩa tân thời.

u55

Điểm nhấn của tòa nhà chính là hai mặt hướng tây và đông hoàn toàn được bao phủ bởi kính giảm nhiệt màu xanh, hấp thụ tốt ánh sáng mặt trời. Các khoang thoát khí được bố trí ở tầng 6, 16, 28 và 38 có thể dễ dàng nhìn thấy bằng mắt thường. Hai mặt hẹp hơn ở hướng bắc và nam sử dụng đá marbe Vermont.

Khi thiết kế được thông qua, cũng có một số ý kiến không tán đồng bởi nhiều người cho rằng tòa nhà có nguy cơ cháy rất cao. Nhưng trên thực tế, ở đây có hệ thống phòng cháy tốt, đặc biệt là đội ngũ chuyên nghiệp trong việc chống cháy. Toàn bộ tòa nhà được xây dựng với khoản vốn vay không tính lãi 65 triệu USD từ Chính phủ Mỹ.

 

READ MORE

Những ngôi nhà kỳ lạ

Kiến trúc sư là những người sáng tạo ra những công trình và có những lúc xuất thần, họ đã kiến tạo cho thế giới những ngôi nhà có một không hai.

1. Dancing House – Ngôi nhà khiêu vũ

Dancing building 2

Đây là ngôi nhà gây sự thu hút cho những ai đi ngang qua nó. Ngôi nhà khiêu vũ được xem là một trong những công trình gây tranh cãi nhiều nhất ở thủ đô Prague (Cộng hòa Czech). Nhà được thiết kế bởi một KTS nổi tiếng ở California: Frank O. Gerhy, người nổi tiếng với những ngôi nhà kỳ dị có một không hai.

2. Robot Building – Nhà Robot

Robot Building

Ngân hàng Châu Á là một toà nhà rất nổi tiếng ở Bangkok, Thái Lan. Xây dựng lại vào năm 1985, tòa nhà với hình dáng Robot này là biểu tượng cho hiện đại hoá ngân hàng và khả năng chuyển thành robot vĩ đại.

3. Wonder Works

Wonder Works

Hãy khám phá ngôi nhà có tên Wonder Works nằm ở trung tâm Florida có kiến trúc lộn ngược. Trước khi bước vào ngôi nhà khách tham quan cần phải chuẩn bị tâm lý thật vững. Và hãy chiêm ngưỡng một toà nhà của Ripley có hình dáng “nghiêng ngả” tương tự.

Ripley Building 1

4. The Willson Hall

wilson hall fall b

Toà nhà có vẻ khá hiện đại này thực chất được xây dựng từ năm 1971-1974. Thiết kế lạ đời của toà nhà khiến nó nổi bật trên nền trời. Toà nhà có rất nhiều phòng thí nghiệm, phòng làm việc lớn cho hơn 1500 nhà khoa học và chuyên gia nghiên cứu. Đây là ngôi nhà của những thí nghiệm lớn nhỏ trên thế giới.

5. 135 Degree Angle – Nhà 135 độ

135 degree angle house

Căn nhà buồn cười này không có một cái tên chính thức nào và nó được gọi với tên “nhà 135 độ” bởi nếu nhìn kĩ, bạn sẽ thấy nó nghiêng đúng 135 độ.

6. Hotel Sofitel – Tokyo: Khách sạn Sofitel

Sofitel Tokyo

Đây là khách sạn Sofitel với kiến trúc thiết kế được lấy cảm hứng từ một ngôi chùa truyền thống ở Nhật Bản. Toà nhà này có trên 72 phòng với 11 tổ hợp phòng, có khu vực không hút thuốc.

7. Triangle Building – Nhà tam giác

nha07

Điều thật thú vị của tòa nhà tam giác này là tất cả các phòng và không gian kiến trúc đều mang hình tam giác.

8. The Astra Haus

The Astra Haus

Ngôi nhà kì lạ này từng là xưởng sản xuất của một hãng bia nổi tiếng ở Hamburg, Đức. Các tầng có thể chuyển dịch lên xuống quanh cái trụ của nhà. Nhưng đáng tiếc, ngôi nhà nay đã không còn tồn tại nữa. Nhãn hiệu bia Đức này là Astra.

9. Ripley House

Ripley Building 2

Lần đầu nhìn thấy ngôi nhà này, chắc hẳn bạn sẽ nghĩ nó vừa bị tàn phá bởi một trận động đất khủng khiếp Nhưng thật ra đó là kiểu kiến trúc ấn tượng của Ripley Legacy nhắm tái hiện vụ động đất khủng khiếp 8.0 độ ricte xảy ra vào năm 1812.

10. Crooked House – Nhà ngoằn ngoèo

Crooked House

 Bạn có nghĩ là mình đang nhìn thấy một ngôi nhà không? Ngôi nhà uốn khúc này được xây vào năm 2004 tại trung tâm thương mại và là điểm thu hút khách du lịch tại Sopot, Balan. Hàng nghìn khách du lịch đã từng ghé qua đây đều bị thu hút bởi kiến trúc kì quặc của nó.

 

 

 

READ MORE

Mẫu mặt tiền nhà ống đẹp

Trích trong thư viện sưu tập của WEDO, chúng tôi xin gửi tới các bạn một số mẫu mặt đứng nhà phố có kích thước từ 3m đến 6m, và mong muốn rằng sẽ giúp các bạn có được hình dung về ngôi nhà tương lai của mình.

READ MORE

Các công trình kiến trúc Hà Nội đầu Thế Kỷ 20

Hình ảnh các công trình kiến trúc Hà Nội đầu Thế Kỷ 20

Tiếp theo bài viết Hình Ảnh Hà Nội Xưa , chúng tôi xin gửi tới bạn đọc các hình ảnh tiếp theo trong kho ảnh tư liệu của Wedo,những hình ảnh chủ đề về các công trình kiến trúc cổ của Hà Nội vào những năm đầu thế kỷ 20

Bưu điện Hà nội xưa - ảnh chụp đầu thế kỷ 20

Bưu điện Hà nội xưa – ảnh chụp đầu thế kỷ 20

Sân quần ngựa xưa - ảnh chụp đầu thế kỷ 20

Sân quần ngựa xưa – ảnh chụp đầu thế kỷ 20

Vừa hoa nhà kèn xưa - ảnh chụp Hà nội đầu thế kỷ 20

Vừa hoa nhà kèn xưa – ảnh chụp Hà nội đầu thế kỷ 20

Ga Hà nội xưa nhìn từ bên trong - ảnh chụp Hà nội đầu thế kỷ 20

Ga Hà nội xưa nhìn từ bên trong – ảnh chụp Hà nội đầu thế kỷ 20

Ga Hà nội xưa nhìn từ bên ngoài - ảnh chụp Hà nội đầu thế kỷ 20

Ga Hà nội xưa nhìn từ bên ngoài – ảnh chụp Hà nội đầu thế kỷ 20

Chợ Đồng xuân xưa - ảnh chụp Hà nội đầu thế kỷ 20

Chợ Đồng xuân xưa – ảnh chụp Hà nội đầu thế kỷ 20

Phố Huế xưa - ảnh chụp Hà nội đầu thế kỷ 20

Phố Huế xưa – ảnh chụp Hà nội đầu thế kỷ 20

Vọng Lâu Các - Văn miếu xưa - ảnh chụp Hà nội đầu thế kỷ 20

Vọng Lâu Các – Văn miếu xưa – ảnh chụp Hà nội đầu thế kỷ 20

Tháp Hòa phong xưa - ảnh chụp Hà nội đầu thế kỷ 20

Tháp Hòa phong xưa – ảnh chụp Hà nội đầu thế kỷ 20

Phố Hàng Nón xưa - ảnh chụp Hà nội đầu thế kỷ 20

Phố Hàng Nón xưa – ảnh chụp Hà nội đầu thế kỷ 20

Cầu Long Biên xưa - ảnh chụp Hà nội đầu thế kỷ 20

Cầu Long Biên xưa – ảnh chụp Hà nội đầu thế kỷ 20

Phố Hàng Quạt  xưa - ảnh chụp Hà nội đầu thế kỷ 20

Phố Hàng Quạt xưa – ảnh chụp Hà nội đầu thế kỷ 20

READ MORE