Sau khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên – Môi trường và UBND TP Hà Nội làm rõ vụ việc được đăng trong bài Dự án Khu đô thị Nam Thăng Long, Hà Nội: Nhà nước thiệt hại 3.000 tỉ đồng do quyết định duyệt giá đất của UBND TP Hà Nội trên Báo Thanh Niên số ra ngày 28.9, ngày 5.10, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Đặng Hùng Võ xung quanh vấn đề này.
* Thứ trưởng có nhận xét gì về vụ việc chỉ do một quyết định duyệt giá đất cho dự án CIPUTRA của UBND TP Hà Nội sớm hơn 16 ngày so với việc công bố giá đất theo Luật Đất đai (1.1.2005) mà Nhà nước đã thiệt hại 3.000 tỉ đồng như thông tin đăng trên Báo Thanh Niên?
– Tôi rất ủng hộ bài báo đăng trên Thanh Niên. Vì không chỉ riêng dự án CIPUTRA mà còn nhiều dự án tại Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng… ký duyệt giá đất trong giai đoạn trước khi luật mới (Nghị định 188/2004/NĐ-CP ngày 16.11.2004) có hiệu lực khoảng chừng 15 ngày, hoặc phương án bồi thường giải phóng mặt bằng được ký trước khi Nghị định 197 có hiệu lực thi hành cũng trong khoảng 15, 20, 30 ngày. Ở đây, nói về mặt luật pháp thì lãnh đạo UBND có thẩm quyền ký văn bản (trên cơ sở trình đủ điều kiện của các cơ quan chức năng cấp dưới) là không sai, nhưng nếu nói về nghiệp vụ quản lý thì không nên ký.
* Thưa Thứ trưởng, giá đất mới ở Hà Nội theo Luật Đất đai công bố từ ngày 1.1.2005 thì cao gấp bao nhiêu lần so giá đất cũ trước đó?
– Giá đất mới và cũ có sự chênh lệch cao ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Tôi nghĩ giá đất mới cao hơn giá đất cũ đến 10 lần. Tôi chưa tính cụ thể sự chênh lệch giữa giá đất cũ và mới ở khu vực này, nhưng số tiền ấy có thể lên tới con số 3.000 tỉ đồng
* Thưa ông, nhận xét thế nào khi TP Hà Nội vừa cho đấu thầu 20 ha đất ven Hồ Tây lấy 2.000 tỉ đồng xây dựng hạ tầng ven hồ trong khi tiền sử dụng đất 148 ha giai đoạn 2 ở CIPUTRA chỉ thu được có 313 tỉ đồng
– Đây là sự bất hợp lý, việc đấu giá quyền sử dụng 18,6 ha đất ở Hồ Tây hơn 2.000 tỉ đồng, đất không “màu mỡ” lắm mà có lô lên tới 25 triệu đồng/m2. Tôi nghe nói còn nhiều khoản nghĩa vụ tài chính nữa mà CIPUTRA chưa nộp, nên phải có sự phán xét chi tiết của cấp thẩm quyền trung ương về dự án này. Tại sao chúng ta lại giao một diện tích đất rộng tới 323 ha cho một nhà đầu tư nước ngoài trong một dự án thí điểm xây dựng khu đô thị mới tại Hà Nội như vậy, vì thí điểm thì chỉ nên giao ít thôi chứ !
* Biết chắc chắn là giá đất mới công bố theo Luật Đất đai sau đó 16 ngày sẽ tăng gấp nhiều lần mà cấp thẩm quyền vẫn ký phê duyệt theo giá đất cũ thì phải chăng có vấn đề gì thông đồng ở phía sau?
– Có đủ “điều kiện” có thể dẫn đến chuyện ấy vì có sự chênh lệch lớn về giá đất. Tôi có thể nói lúc ấy, ý thức của các nhà lãnh đạo chắc chắn đã biết được hệ quả ấy rồi, biết chuyện giá đất mới sau 16 ngày nữa sẽ tăng lên gấp nhiều lần rồi, vì việc xây dựng khung giá đất đã diễn ra trước đó khoảng 2 tháng. Với sự chênh lệch về hiệu quả khá lớn về kinh tế như vậy mà vẫn ký vào thời điểm nhạy cảm thì theo tôi là có tính hệ thống. Và người không muốn hiểu thì cũng phải biết rằng cái chênh lệch ấy được tính vào cái gì ? Nếu đối với người trong nước đầu tư thì còn có thể cho rằng đó là vì mối quan hệ thân thích, ơn huệ mà phê duyệt giá đất ấy; nhưng đây là đối với người nước ngoài đầu tư mà duyệt giá ấy thì có thể chỉ giải thích bằng mối quan hệ thông qua kinh tế. Tôi không kết luận chuyện này nhưng đấy là một cách để giải thích. Khi biết định hướng giá đất mới rồi mà vẫn ký thì có thể nói cái động tác ký vào thời điểm mấp mé các văn bản mới được thi hành là có vấn đề. Việc ký tuy không sai luật về thẩm quyền được ký nhưng sẽ dẫn tới hậu quả ngân sách nhà nước bị thiệt hại. Do vậy người ký phải trả lời trước công luận: “Tại sao tôi ký vào thời điểm nhạy cảm ấy?”.
* Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa có văn bản giao cho Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên – Môi trường làm rõ vấn đề này, quan điểm của Thứ trưởng ra sao?
– Theo quan điểm của tôi, đầu tiên phải kiểm tra xem có sự vi phạm pháp luật hay không? Thứ hai là phải kiểm tra xem việc vận dụng, áp dụng đúng pháp luật trong quá trình triển khai dự án hay không? Thứ ba là phải kiểm tra quá trình triển khai dự án. Dự án CIPUTRA còn một số vấn đề khác cần xem xét, vì đây là một dự án quá lớn với tổng diện tích hơn 323 ha, quá trình triển khai từ năm 1997 đến nay rất ì ạch. Theo tôi, quá trình hoạt động tại Việt Nam cho thấy doanh nghiệp nước ngoài này không có năng lực tài chính dồi dào. Dự án CIPUTRA từ năm 1997 – 2001 không triển khai được mà theo Luật Đất đai, sau 12 tháng không đưa đất vào sử dụng, sau 24 tháng sử dụng đất không đúng tiến độ thì phải thu hồi đất, chậm trễ như vậy nhưng không thấy UBND TP Hà Nội xử lý gì.