Skip to Content

Category Archives: Quy hoạch xây dựng

Không gian đô thị Tp. Hồ Chí Minh

So với tuổi của đất nước 4000 năm lịch sử, thành phố Hồ Chí Minh còn rất trẻ, chỉ hơn ba trăm năm tuổi. Trẻ, nhưng thành phố này lại tạo được nhiều dấu ấn như một mảnh đất có bề dày lịch sử. Từ món ăn ngon, cách mặc tinh tế của người phố thị, sự phồn hoa, rồi cả sự nồng nhiệt đón khách. Nhưng tìm sâu hơn trong khuôn mặt kiến trúc đô thị, bạn sẽ thấy ở mảnh đất này còn nhiều khám phá cho người thập phương đến và tìm hiểu.

Sài Gòn xưa kia nằm trên một thềm phù sa cổ, mang những gò đất cao, chịu sự chi phối của hệ thống sông Đồng Nai – Vàm Cỏ. Suốt một thời gian dài, thành phố này mang tên Sài Gòn – Gia Định. Ngay từ khi hình thành, miền đất đã được bao bọc trong sự đan xen chằng chịt bởi những con sông, dòng kênh. Hệ thống sông ngòi từ đó trở thành đặc trưng tự nhiên, tác động lên đất, người và cuộc sống mảnh đất này. Lấy sông, rạch làm điểm mốc, nhà nhà nối nhau, từng thôn ấp, con đường, hay khu chợ khi được mở mang, ở đâu người Sài Gòn xưa cũng bám theo dòng chảy để làm nên không gian sống cho mình. Chính đặc trưng tự nhiên ấy đã phả vào cách nghĩ, nếp sống người Sài Gòn những ứng xử chân thành, thẳng thắn và dễ hiểu. Để rồi, tất cả những yếu tố đất, nước, và con người đã hình thành nên cấu trúc Sài Gòn, trong mối quan hệ chặt chẽ giữa con người và môi trường sông nước. Cuộc sống của đất cảng, của những con thuyền và những cuộc gặp gỡ từ đây mà sinh ra.

Nhà văn Sơn Nam: “Hồi Nguyễn Hữu Cảnh 300 năm trước, nội đường sông không là ta đã đủ sống, vận chuyển lúa gạo trái cây, củi… tất cả đều đi đường sông. Trong Nam này, nghiên cứu về văn hoá nó có nét đặc trưng. Người ta gọi là văn minh sông nước, và điệu hò trên sông nước”.

Có điều đặc biệt, Sài Gòn từng được bồi đắp nên từ phù sa của những dòng sông, nhưng không sống bằng nguồn phù sa ấy. Ngược lại, cấu trúc địa hình sông nước đã ấn định cho thành phố ở vai trò không gian chủ đạo: vừa trung chuyển hàng hoá, vừa giao lưu với nhiều luồng văn hoá khác nhau. Bởi thế, Sài Gòn vừa mang khuôn mặt tự nhiên theo hình thế đất đai, vừa biểu hiện mạnh mẽ sự khoáng đạt của vùng đất mới. Yếu tố quan trọng ấy đã làm nên bản sắc riêng cho miền đất này: một đô thị sông nước, giàu tính cởi mở. Đó là tất cả hình ảnh một Sài Gòn – Gia Định xưa, sơ khởi đầy giá trị, mang đậm tính bản địa.

Khi người Pháp đặt chân đến Sài Gòn, dù đã thiết kế kiến trúc và quy hoạch thành phố này một cách thật tỉ mỉ, nhưng nền văn minh sông nước và mô hình cấu trúc đô thị sông nước, vẫn là những thang giá trị cần thiết mà các kiến trúc sư Pháp tôn trọng, để thiết lập nên một đô thị Sài Gòn thời bấy giờ.

Tận dụng hệ thống sông rạch có sẵn, nơi điều hoà sức nóng và điều phối nguồn nước của đô thị quanh năm chỉ có hai mùa mưa và nắng này, kiến trúc sư Pháp đã thiết kế đan cài trong từng khu phố, đại lộ là những khoảng trống của quảng trường, và mảng xanh của cây cối. Từng khối kiến trúc, nhà chen nhà được giãn thoáng. Đường phố được che mát hơn, con người cũng vì thế mà tìm được không gian nghỉ ngơi riêng cho mình. Thực dụng và tiện ích, mục đích ấy đã được khai thác hiệu quả trong việc quy hoạch quảng trường công viên nối những con đường và đại lộ. Nhờ vậy, không gian đô thị Sài Gòn cũ thực sự ổn định, trật tự và điều hoà tốt môi trường khí hậu nóng. Đấy là giá trị kiến trúc đầu tiên mà đô thị Sài Gòn cũ đã từng có. Để rồi hôm nay, đã qua hàng trăm năm, hệ thống cây xanh và công viên vẫn còn giữ nguyên giá trị sử dụng.

Gương mặt kiến trúc Sài Gòn cũ, nếu bỏ quên khu Chợ Lớn, nơi mang nhiều dấu ấn của Sài Gòn – Gia Định thời sơ khởi, coi như đô thị này mất đi một phần giá trị quan trọng. Đây là nơi cư trú, sinh sống của người Hoa, những cư dân ban đầu đã cùng với người Việt mở cuộc khẩn hoang vùng đất phương Nam này. Ở đó là không gian sống, vốn nổi danh với những phố Tàu sầm uất, hiển thị rõ nhất sắc thái cuộc sống của con người ham làm, giỏi làm.

Những ngôi nhà mang kiến trúc cũ từ thời Pháp được xem là kiến trúc lâu đời trong lòng đô thị non trẻ. Chúng là quỹ kiến trúc cũ quan trọng, đã sống với thời gian, còn sót lại, đọng lại, để rồi minh chứng cho ta hiểu về lối sống, nếp nghĩ và cách ứng xử của một cộng đồng dân cư du nhập đã được Việt hoá. Điều quan trọng hơn cả, quỹ kiến trúc này đã làm đa dạng thêm màu sắc kiến trúc của một đô thị mở; đồng thời, là khối tài sản kiến trúc đầy giá trị, không thể vắng mặt trong kiến trúc tổng thể đô thị Sài Gòn, nhất là trong sự tiếp cận với những giá trị mới.

Muốn nhìn đô thị Sài Gòn cũ, không thể nhìn trong một hai điểm nhìn từ những khóm cây, quảng trường hay những dãy phố. Trong cách tiếp nhận cụ thể từng giá trị kiến trúc riêng biệt, bạn mới hiểu nguồn cội và những điều thành phố này muốn nói. Những khối kiến trúc nhà công sở và các công trình công cộng thời thuộc Pháp là điều dễ nhận thấy. Mang phong cách kiến trúc châu Âu, dù được dựng lên với mục đích thống trị người bản xứ Sài Gòn, nhưng điều kiện khí hậu nóng ẩm Việt Nam và một môi trường sống đặc trưng vùng sông nước, đã tác động nhiều trong việc thiết lập kiến trúc những công trình. Từ trụ sở hành chính, nhà hát, bưu điện hay bất cứ công trình kiến trúc nào, mang bóng dáng kiến trúc Pháp, nhưng lại chịu sự chi phối về tầm cao, độ rộng phù hợp với điều kiện tự nhiên cũng như tỷ lệ con người Việt Nam. Sự xuất hiện của chuỗi kiến trúc đó, đã góp thêm tiếng nói kiến trúc đa dạng của Sài Gòn cũ. Những công trình một lần nữa khẳng định rõ hơn chiều sâu kiến trúc quy hoạch của một thành phố đô thị sông nước còn non trẻ.

Không phải ngẫu nhiên, những công trình như nhà thờ Đức Bà thời thuộc Pháp lại dễ dàng tồn tại qua hàng trăm năm như với biết bao thay đổi. Những khối kiến trúc ấy là một ký hiệu đặc biệt, nó điều phối khoảng trống giữa công viên, quảng trường và những con đường. Nhờ đó, mà giá trị không gian, và hiệu quả quy hoạch đô thị của kiến trúc sư Pháp trước đây được khẳng định. Đó là những điểm nhấn quý giá trong chuỗi kiến trúc đô thị của Sài Gòn xưa. Dẫu là hình thức kiến trúc nào, có nguồn gốc từ đâu, khi đã định vị trên mảnh đất cởi mở này, chúng đều trở thành tài sản chung đặc biệt, biết nói và có hồn. Chỉ ở đô thị ngã ba đường, nơi nhiều cái mới dễ dàng được dung nạp; và biểu hiện cao nhất trong bản sắc kiến trúc thành phố này là sự đa dạng đã được Sài Gòn hoá.

Xuất phát từ đô thị sông nước Nam Bộ, được định hình thêm bằng quy hoạch kiến trúc rõ ràng, khuôn mặt không gian đô thị Sài Gòn xưa – cũ đã được khắc dấu nhiều giá trị đáng trân trọng: cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu, và dễ nhớ. Nhưng đó là câu chuyện cũ, là kỷ niệm quá khứ, khi ta nhìn về Sài Gòn hiện tại, tức thành phố Hồ Chí Minh hôm nay.

READ MORE

Quy hoạch chung của Hà Nội đến năm 2020

(Trích)

QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Về việc phê duyệt điều chỉnh

Quy hoạch chung của Thủ đô Hà Nội đến năm 2020

(Số 108/1998/QĐ-TTg ngày 20/6/1998)

Quy mô dân số

Đến năm 2020 , dân số đô thị Thủ đô Hà Nội và các đô thị xung quanh trong phạm vi nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch chung khoảng 4,5 đến 5,5 triệu người.Trong đó quy mô dân số nội thành của thành phố Hà Nội Trung tâm là 2,5 triệu người .

Về chỉ tiêu sử dụng đất đai

Chỉ tiêu sử dụng đất đô thị bình quân là 100 m2/người, trong đó phải bảo đảm chỉ tiêu đất giao thông là 25 m2/người, chỉ tiêu đất cây xanh, công viên, thể dục thể thao là 18 m2/người và chỉ tiêu đất xây dựng đất công trình phục vụ lợi ích công cộng là 5 m2/người

Về phân khu chức năng

Các khu dân cư bao gồm khu hạn chế phát triển, giới hạn từ vành đai 2 (Vĩnh Tuy – Ngã Tư Vọng – Ngã Tư Sở – Cầu Giấy – Nhật Tân) trở vào trung tâm, về lâu dài khống chế quy mô dân số khoảng 0,8 triệu người, các khu phát triển chủ yếu nằm ven đô ngoài vành đai 2 có quy mô dân số ở phía Nam Sông Hồng khoảng 0,7 triệu người và ở phía Bắc Sông Hồng khoảng 1 triệu người

Các khu công nghiệp hiện có được cải tạo, sắp xếp lại phù hợp với quy hoạch xây dựng Thành phố, đồng thời phát triển các khu công nghiệp mới. Diện tích đất dành để xây dựng các khu công nghiệp khoảng 3.000ha

Hệ thống các trung tâm công cộng, bao gồm trung tâm Thành phố hiện có như Trung tâm hành chính – chính trị Quốc gia Ba Đình. Trung tâm hành chính – chính tri của Thành phố tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm và các trung tâm thương mại, tài chính, dịch vụ, văn hoá mới ở Tây Hồ Tây, Nam Thăng Long (Xuân La, Xuân Đỉnh, Nghĩa Đô ), Phương Trạch (Nam Vân Tri), Gia Lâm và Trung tâm dịch vụ, văn hoá – thể dục thể thao Cổ Loa.

Trung tâm Liên hợp thể dục thể thao Quốc gia và của Thành phố được bố trí tại Mỹ Đình (huyện Từ Liêm). Các trung tâm thể dục thể thao khác được bố trí đồng đều trong Thành phố như Hàng Đẫy, Quần Ngựa, Nhổn, Vân Trì, Triều Khúc..

Về kiến trúc và cảnh quan đô thị

Trong các khu phố hiện có, phải giữ gìn, tôn tạo các di sản văn hoá, lịch sử,cảnh quan thiên nhiên và các công trình kiến trúc có giá trị;… cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải thiện điều kiện ở, làm việc, đi lại, tạo thêm các khu vui chơi giải trí cho nhân dân.

Trong các khu phát triển mới: Bao gồm các khu xây dựng theo hướng hiện đại, mang bản sắc dân tộc, có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ.

Về qui hoạch giao thông và cơ sở hạ tầng kỹ thuật

Đất xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, bao gồm cả hệ thống giao thông động và hệ thống giao thông tĩnh phải đạt tỷ lệ bình quân 25% đất đô thị.

Ưu tiên cho việc xây dựng hệ thống đường sắt đô thị để tạo nên những trục chính của mạng lưới vận tải hành khách công cộng của Thủ đô, bao gồm cả các tuyến đi trên cao và đi ngầm.

Mở rộng và xây dựng hoàn chỉnh sân bay Nội Bài theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tích cực nạo vét, chỉnh trị tiến tới kênh hoá Sông Hồng, nâng cấp các cảng Hà Nội tại Phà Đen, Khuyến Lương, đồng thời mở thêm các cảng Vạn Kiếp, Thượng Cát.

Xây dựng hệ thống thoát nước mưa, bao gồm các trạm bơm và mạng lưới cống và kênh tiêu hoá, bảo đảm mật độ 0,6 đến 0,8 km/km2.

Chỉ tiêu cấp nước sinh hoạt đến năm 2001 là 150-180 lít/người/ngày, với 90-95% dân số đô thị được cấp nước và đến năm 2002 là 180-200 lít/người/ngày với 95-100% dân số đô thị được cấp nước.

Đến năm 2020, bảo đảm 100% khối lượng chất thải rắn của Thành phố được thu gom, vận chuyển, xử lý bằng công nghệ thích hợp.

Cải tạo và xây dựng các nghĩa địa, nghĩa trang tập trung, kết hợp với việc xây dựng nghĩa địa, nghĩa trang nhỏ bố trí phân tán, phù hợp với điều kiện từng địa phương.

Kỳ sau:

– Bản đồ quy hoạch Điện

– Bản đồ quy hoạch Nước

– Bản đồ quy hoạch Không gian

– Bản đồ quy hoạch Giao thông

– QUY HOẠCH CHI TIẾT CÁC QUẬN, HUYỆN

 

READ MORE

Hà Nội: thêm một khu đô thị phía Đông

UBND TP Hà Nội vừa ban hành quyết định phê duyệt qui hoạch chi tiết (tỉ lệ 1/500) Khu đô thị mới Đặng Xá 2, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Khu đô thị có diện tích 390.226m2, thuộc địa bàn hai xã Cổ Bi và Đặng Xá, huyện Gia Lâm. Phía đông – bắc, giáp đường khu vực và ga Cổ Bi; phía tây – nam, giáp đường khu vực và Khu đô thị mới Đặng Xá 1; phía đông – nam, giáp tuyến đường khu vực; phía tây – bắc, giáp đường khu vực. Các công trình thấp tầng được bố trí ở phía trong, lấy trung tâm khu đô thị mới là không gian cây xanh, thể dục thể thao, trường học… Các trục đường chính có mặt cắt ngang 35m. Các công trình công cộng, nhà vườn và nhà ở kiểu biệt thự đảm bảo chỗ đỗ xe trong công trình…

UBND TP Hà Nội cũng ký quyết định phê duyệt qui hoạch chi tiết (tỉ lệ 1/500) khu đất xây dựng nhà ở để đấu giá quyền sử dụng đất tại xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh, Hà Nội. Khu đất qui hoạch được giới hạn như sau: phía bắc, cách đường liên xã Nguyên Khê – Bắc Hồng (khoảng 200m về phía Bắc); phía đông, giáp quốc lộ 3; phía tây, giáp UBND xã Nguyên Khê và thôn Khê Nữ; phía nam, cách đường liên xã Nguyên Khê – Bắc Hồng (khoảng 300m về phía Nam). Tổng diện tích đất trong ranh giới lập qui hoạch là 264.090m2, dân số khoảng 2.700 người.

Mục tiêu của dự án nhằm xây dựng khu nhà ở và trung tâm xã đồng bộ cơ sở hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật để đấu giá quyền sử dụng đất; khai thác sử dụng đất hợp lý, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan, đóng góp vào bộ mặt trung tâm xã Nguyên Khê và dọc hai bên trục đường liên xã: Nguyên Khê – Bắc Hồng…

READ MORE

Hà Nội sẽ quy định riêng về chiều cao nhà

Chiều 30/1, Phó chủ tịch UBND thành phố Đỗ Hoàng Ân đã chỉ đạo các ngành chức năng chủ động ra quy định về độ cao, khoảng lùi cho các nhà cao tầng, không đợi Bộ Xây dựng ra nghị định về kiến trúc đô thị. Đây là biện pháp hạn chế tình trạng chủ đầu tư “xin xỏ” để điều chỉnh giấy phép xây dựng.

Hà Nội ban hành quy định mới về quy hoạch xây dựng

“Có tình trạng cơ quan chức năng cấp phép 7-8 tầng, sau đó chủ công tình xin điều chỉnh tới 14-15 tầng mà vẫn được chấp thuận. Nhiều người thắc mắc xây dựng nhà cao tầng trong thành phố theo tiêu chí nào. Họ ví von muốn xây cao tầng thì xin phép thấp, muốn xây thấp thì xin cao, để cơ quan cấp phép điều chỉnh là vừa”, Phó chủ tịch Đỗ Hoàng Ân bức xúc.

Theo ông Ân, đã đến lúc Hà Nội cần phải ra quy định chiều cao tối đa để chủ đầu tư không thể xin điều chỉnh giấy phép, cũng như đơn vị cấp phép có căn cứ để thực hiện. “Hà Nội không thể đợi Bộ Xây dựng ra nghị định, chúng ta phải chủ động ra quyết định về độ cao công trình của một số tuyến phố. UBND các quận thực hiện, Sở Quy hoạch kiến trúc hướng dẫn”, ông Đỗ Hoàng Ân nói.

Chỉ đạo này được đưa ra khi nhiều cơ quan quản lý trật tự đô thị bức xúc về tình trạng thiếu thiết kế đô thị và quy hoạch 1/500 nên gây khó khăn cho công tác quản lý. Theo ông Lâm Quốc Hùng, Phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, phải lập và công khai quy hoạch chi tiết để người dân giám sát, cơ quan chính quyền có căn cứ để cấp phép và quản lý sau cấp phép.

Trước những bất cập về quy hoạch, ông Nguyễn Tuấn Khải, Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc, trả lời thẳng thắn, không thể có quy hoạch chi tiết trên toàn thành phố, hiện chỉ một số khu đô thị lớn mới có quy hoạch này. Luật Xây dựng ra đời song Bộ Xây dựng cũng chưa có nghị định hướng dẫn về vấn đề này nên Sở không thể đưa ra các quy định.

Theo ông Khải, hiện quy hoạch 1/2.000 và 1/500 kèm theo điều lệ quản lý. Ngoài ra, quy hoạch quận huyện đều có quy định trong mỗi ô đất có những chỉ tiêu tầng cao, mật độ, hệ số. Do vậy, các cơ quan chức năng được tùy theo điều kiện để cấp phép xây dựng. Tuy nhiên, trong thời gian tới, Sở sẽ ra quy định riêng về kiến trúc tại những tuyến đường mới mở.

 nha-chung-cu-2

Xây dựng sai phép do xử lý không cương quyết

Phó chủ tịch thành phố Đỗ Hoàng Ân cho rằng những vụ xây dựng trái phép, sai phép thời gian qua là hậu quả của quá trình quản lý không nghiêm, khiến chủ đầu tư cố tình vi phạm. “Công trình xây dựng không thể ngày một ngày hai mà không biết. Chúng ta nể nang, né tránh, đùn đẩy nên tình trạng xử lý kéo dài. Phải nghiêm túc xem xét, thiết lập lại trật tự xây dựng đô thị”, ông Ân nhận xét.

Theo ông Ân, trong khi thiếu người quản lý trật tự xây dựng ở các phường, lực lượng thanh tra xây dựng phải trực tiếp xuống cơ sở, không để tình trạng cấp trên đùn đẩy cho cấp dưới, còn cấp dưới lại kêu thiếu người.

Ông Lâm Anh Tuấn, Phó chủ tịch quận Hai Bà Trưng, cho rằng cần tăng trách nhiệm cho thanh tra xây dựng từ cấp phường. Thanh tra có quyền ra quyết định xử lý tại chỗ chứ không thể báo cáo lại UBND quận.

Ông Lâm Quốc Hùng, Phó chủ tịch quận Hoàn Kiếm, cũng cho rằng, cấp phường vẫn chịu trách nhiệm chính xử lý công trình sai phép, không được đùn đẩy cho quận. Tuy nhiên, chánh thanh tra xây dựng quận có thể ra quyết định cưỡng chế thay vì lãnh đạo quận như hiện nay.

Chiều 30/1, Sở Xây dựng Hà Nội đã đề xuất 6 biện pháp cụ thể trong lĩnh vực quản lý và cấp phép xây dựng. Trong đó, tăng cường trách nhiệm của chính quyền cơ sở như khi phát hiện công trình sai phạm, UBND phường, xã chỉ lập 2 biên bản. Lần thứ nhất cảnh cáo, lần thứ 2 yêu cầu khắc phục có thời hạn. Quá thời hạn mà chủ đầu tư không chấp hành, chính quyền ra quyết định cưỡng chế hoặc cắt điện, nước của các hộ vi phạm. Bên cạnh đó, tập trung triển khai quy hoạch chi tiết 1/500 và thiết kế đô thị, khẩn trương công bố, cắm mốc giới theo các đề án quy hoạch đã được duyệt để người dân biết và kiểm tra.

READ MORE

Bộ Xây dựng tăng cường phân cấp trong quản lý đầu tư xây dựng công trình

Ủy quyền phê duyệt quyết định đầu tư, kế hoạch đấu thầu dự án nhóm C cho 5 đơn vị: Viện Khoa học công nghệ xây dựng, Viện Vật liệu xây dựng, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn, Trường đại học kiến trúc Hà Nội, Trường đại học kiến trúc TP Hồ Chí Minh.

Ngày 11/4/2006, Bộ Xây dựng đã ra Quyết định số 11/2006/QÐ-BXD về uỷ quyền trong quản lý đầu tư xây dựng công trình đối với các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng. Phạm vi ủy quyền bao gồm quyết định đầu tư, điều chỉnh dự án đầu tư, công tác đấu thầu và thẩm định thiết kế cơ sở. Việc ủy quyền của Bộ Xây dựng xuất phát từ yêu cầu cải cách các thủ tục hành chính, tăng cường việc phân cấp, uỷ quyền trong đầu tư xây dựng công trình, nâng cao trách nhiệm, đẩy nhanh tiến độ trong việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình.

Ủy quyền về chủ trương đầu tư, đối với dự án nhóm A, B, các tổng công ty, các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Xây dựng báo cáo Bộ xin chủ trương đầu tư, chỉ rõ tính hiệu quả của việc đầu tư, khái quát về nội dung và quy mô đầu tư, mức đầu tư… Sau khi được Bộ đồng ý bằng văn bản, các doanh nghiệp mới lập dự án đầu tư theo đúng quy định của pháp luật. Ðối với các dự án nhóm C, hội đồng quản trị tổng công ty chịu trách nhiệm xem xét, quyết định và báo cáo về Bộ. Riêng đối với các dự án nhóm C mang tính đặc thù (đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng mới, đầu tư ngành nghề mới, công nghệ mới) thì trước khi quyết định đầu tư phải được Bộ đồng ý về chủ trương và quy mô đầu tư.

Về quyết định đầu tư, Bộ trưởng uỷ quyền quyết định phê duyệt dự án đầu tư các dự án nhóm C cho các đơn vị: Viện Khoa học công nghệ xây dựng, Viện Vật liệu xây dựng, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn, Trường đại học kiến trúc Hà Nội, Trường đại học kiến trúc TP Hồ Chí Minh. Các đơn vị được uỷ quyền tổ chức lập dự án, thẩm định và phê duyệt dự án theo quy định. Ðối với các dự án có tổng mức đầu tư dưới 500 triệu đồng, uỷ quyền cho các đơn vị có dự án tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt theo quy định…

Bộ Xây dựng uỷ quyền phê duyệt kế hoạch đấu thầu dự án nhóm C cho 5 đơn vị nêu trên và các đơn vị có dự án đầu tư mà tổng mức đầu tư dưới 500 triệu đồng. Ðối với dự án nhóm A, Bộ sẽ xem xét uỷ quyền cho chủ đầu tư phê duyệt hồ sơ mời thầu và kết quả lựa chọn nhà thầu các gói thầu khi Bộ phê duyệt kế hoạch đấu thầu. Ðối với các dự án nhóm B, nhóm C, uỷ quyền cho các chủ đầu tư phê duyệt hồ sơ mời thầu và kết quả lựa chọn nhà thầu.

Người được uỷ quyền quyết định đầu tư và quyết định về các nội dung của quá trình thực hiện đầu tư phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và Bộ trưởng Bộ Xây dựng về quyết định của mình; bảo đảm dự án được thực hiện đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm, không xảy ra thất thoát lãng phí; đồng thời chấp hành chế độ báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư hàng tháng, hàng quý của từng dự án và tổng thể các dự án, chế độ báo cáo giám sát đánh giá đầu tư theo quy định.

READ MORE

Nam Định mở rộng quy hoạch về phía Tây Nam

Tỉnh Nam Định vừa xây dựng xong quy hoạch mở rộng trung tâm TP Nam Định về phía tây nam. Tỉnh sẽ xây dựng tại khu vực này các cụm công nghiệp, khu đô thị mới, góp phần xây dựng TP thành trung tâm kinh tế, văn hóa của vùng Nam đồng bằng sông Hồng.

Quy hoạch được xây dựng trên quan điểm bảo tồn, tôn tạo các khu di tích lịch sử, văn hóa, phát triển cụm công nghiệp và khu đô thị mới, định hướng cải tạo nâng cấp hạ tầng các khu dân cư cũ; thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển kinh tế…

Khu vực quy hoạch mới nằm dọc 2 bên đường vành đai ngoài, phía tây nam thành phố Nam Định (đường S2), với tổng diện tích 485,57 ha (thuộc địa phận các xã: Nghĩa An, Nam Vân, Nam Toàn) sẽ được bố trí các khu chức năng, gồm: 27,35 ha xây dựng các khu nhà chung cư nằm ven các trục đường giao thông lớn và tạo ra khu dân cư tập trung; 14,08 ha cho các khu nhà biệt thự; khu nhà ở liền kề là 65,25 ha; khu đất ở cũ dự kiến cải tạo và chỉnh trang 73 ha; khu tái định cư 9,47 ha; khu trung tâm thương mại, dịch vụ 33,84 ha.

Ngoài quy hoạch trên, tại khu vực phía tây nam thành phố, Nam Định cũng nghiên cứu mở rộng quy hoạch Khu công nghiệp Nghĩa An 150 ha vì đây là nơi tập trung cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của tỉnh; ưu tiên dành diện tích đất cho một số trường đại học, mỗi trường 15 đến 20 ha; bố trí ít nhất 6 khu tái định cư trở lên.

READ MORE

Thành phố sông Hồng – bài toán chỉnh trị khó khăn

Dự án TP sông Hồng được đánh giá cao về mặt ý tưởng. Nhưng nhiều người vẫn băn khoăn trước bài toán khó là làm sao có thể chỉnh trị con sông Hồng vốn nổi tiếng “bất trị”, làm sao di dời được hàng chục vạn dân.

Chỉnh trị sông tức là phải làm được ba việc, chống ngập lụt, tăng khả năng thoát lũ và chống xói mòn đất trong khu vực sông. Việc này quyết định bởi các phương án xác định dòng chảy chính của sông và đắp đê mới.

song hong11

Sơ đồ vị trí đường chỉnh trị và vị trí tương đối giữa đê mới và đê cũ

Theo đề án mới công bố của Tổ dự án TP sông Hồng, đoạn sông qua Hà Nội sẽ có một tuyến đê mới, thay thế tuyến đê hiện nay. Tuyến đê này về cơ bản sẽ thu hẹp lại so với đê cũ. Lòng dẫn của sông sẽ được thu hẹp tại bốn điểm là khu vực thượng lưu cầu Thăng Long, khu vực ngã ba sông Đuống, khu vực cầu Vĩnh Tuy và khu vực Bát Tràng. Riêng khu vực chân cầu Chương Dương lòng dẫn được mở rộng hơn so với trước đây (chi tiết trong sơ đồ trên).

Theo GS, TS Ngô Đình Tuấn, ĐH Thủy Lợi Hà Nội, cần một dự án tổng thể và có quy mô như dự án sông Hồng, nhưng để làm một tuyến đê mới thì phải nghiên cứu kỹ lưỡng. Dự án chưa đưa ra được cơ sở khoa học vững chắc cho những điều chỉnh của mình.

Dự án đề xuất một tuyến đê mới, với một phương án nắn dòng chảy dựa trên các kết quả đã nghiên cứu trước đây của Viện Khoa học Thủy Lợi. Nhưng theo ông Tuấn, bản thân kết quả này vẫn còn đang gây nhiều tranh cãi. Để xác định được dòng chảy chính của sông làm cơ sở cho việc xây dựng tuyến đê mới cần phải có sự nghiên cứu các nhà khoa học, cần phải được thử nghiệm trên các mô hình toán học và vật lý cụ thể. Những thử nghiệm này sẽ mất nhiều thời gian và tiền bạc nhưng hết sức cần thiết.

Để thông thoáng dòng chảy, dự án đưa ra kế hoạch nạo vét sông hằng năm. Ông Tuấn cho rằng việc nạo vét hàng triệu m3 bùn cát ở đây cũng phải có kế hoạch cụ thể. Giáo sư cũng đề xuất phương án tạo dòng chảy có tốc độ lớn ở một số điểm làm xói mòn, tạo độ sâu cần thiết. “Chỉnh trị sông Hồng là việc hết sức quan trọng, cần phải có một hội đồng khoa học, nghiên cứu kỹ lưỡng và bài bản. Việc này có thể mất nhiều thời gian chứ không thể là chuyện một sớm, một chiều”, ông Tuấn nói.

Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc cho biết, việc chỉnh trị sông Hồng không hề đơn giản. Nó vẫn được mệnh danh là con sông “bất trị”. Trong thời gian đô hộ nước ta thực dân Pháp đã cử những kỹ sư giỏi nhất sang để nghiên cứu chỉnh trị con sông tuy nhiên vẫn không thành công. Khoa học thời đó và ngày nay đã khác nhiều, nhưng việc chỉnh trị sông vẫn cần phải được nghiên cứu kỹ và làm thật cẩn trọng.

Bài toán di dân

Theo dự tính sẽ có khoảng 39.100 hộ, tương đương với khoảng 180.000 dân phải di dời cho dự án. Tức là gần như toàn bộ dân đang sống ở khu vực ven sông và bãi sông trên địa bàn huyện Từ Liêm, quận Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng phía hữu ngạn và huyện Đông Anh, Gia Lâm, quận Long Biên phía tả ngạn sẽ phải di dời.

XomThuyenChai11

Khu vực này chiếm đa phần là dân làm nông nghiệp. Cự Khối, Long Biên là khu trồng rau sạch của Hà Nội, còn Nhật Tân, Quảng Bá, Tứ Liên thì vẫn nổi tiếng xưa nay với nghề trồng hoa, trồng quất…

Ở Nhật Tân có khoảng 40% hộ thuần nông, 65% hộ bán nông nghiệp. Còn ở phường Tứ Liên số dân nông nghiệp chiếm đến khoảng 50%. Ông Chu Văn Sinh, đảng viên 40 năm tuổi đảng ở Nhật Tân, nói: “Gia đình tôi cũng như đa số những người ở đây, mảnh đất nếp nhà là cả sản nghiệp, lấy nghề trồng rau, trồng hoa là kế sinh nhai. Giờ phải di dời, không biết việc đền bù ra sao, gia đình ông sẽ phải chuyển đi đâu? Sẽ sống bằng nghề gì?”. Những băn khoăn, lo lắng của ông Sinh cũng là của hầu hết những hộ dân nằm trong diện phải di dời.

Ông Nguyễn Vinh Phúc cho rằng việc di dời một số lượng lớn người dân như vậy sẽ tạo nên một sự biến động xã hội lớn. Nếp sống của người dân từ bao đời qua sẽ bị thay đổi. Cần phải tính được những vấn đề nảy sinh khi những người xưa nay chỉ biết đến vườn tược, sông nước chuyển lên ở chung cư cao tầng sẽ như thế nào. Cần phải có thời gian nghiên cứu đưa ra được phương án giải quyết thỏa đáng, tránh “dục tốc, bất đạt”.

 

READ MORE

Quy hoạch thành phố sông Hồng

Nếu dự án được Quốc hội và Chính phủ thông qua, việc quy hoạch hai bờ sông Hồng sẽ tiến hành từ năm 2009 với 4 khu vực sông và đô thị tương ứng.

Theo dự án, Hà Nội sẽ kè đê dọc theo phần sông Hồng chạy qua thành phố, với chiều dài mỗi bên sông trên 40 km. Đồng thời, thành phố xây dựng đường ven sông Hồng theo đê hiện có và đê mới, liên kết với mạng lưới đường vành đai 2, 3 và 4 và mở rộng thêm đường bộ trên trục Nam – Bắc. Hệ thống đường bộ này cũng sẽ được liên kết với đường thủy và đảm bảo tiếp cận sông dễ dàng.

Hà Nội dự kiến sẽ có 4 đường vành đai, 8 đường hướng tâm và 5 cây cầu, trong đó một cầu đang xây dựng (cầu Vĩnh Tuy) và 4 cầu khác có kế hoạch xây dựng. Các tuyến đường huyết mạch đô thị đều có tốc độ thiết kế 60 km/g.

Theo các chuyên gia Hàn Quốc, các tuyến đường đê bên hữu ngạn (phía Hà Nội) sẽ có 2-8 làn xe, đường phía tả ngạn là 2-4 làn xe và thêm 2 đường chui.

Hai bên bờ sông sẽ là các công trình giúp người dân tiếp cận sông, trong đó sẽ có các tuyến đường đi bộ và các bậc thang. Gần bờ sông cũng có những bãi đỗ xe và điểm dừng xe buýt để hạn chế xe hơi cá nhân vào bãi sông.

Phát triển các đô thị ven sông Hồng

q11

Phân bố 4 khu vực ven sông. Ảnh: DOHWA

Nhờ phần đê mới kè, thành phố sẽ có thêm khoảng 2.050 ha đất phát sinh trong đó khoảng 1.500 ha sẽ dành để phát triển đô thị. Theo kế hoạch, sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội cùng phần đất trên bờ sẽ được phân chia thành 4 khu vực có chức năng khác nhau, lần lượt gồm các đoạn từ Chèm đến cầu Thăng Long, từ cầu Thăng Long đến cầu Chương Dương, từ cầu Chương Dương đến cầu Thanh Trì, và từ cầu Thanh Trì đến làng Bát Tràng.

Khu vực Diện tích (ha) Định hướng phát triển
KV1 220 Cư trú, thương mại phân phối hàng đa chức năng
KV2 600 Khu tổng hợp quốc tế, tổ chức các hoạt động quốc tế
KV3 170 Cư trú, công cộng, phân phối hàng đa chức năng
KV4 980 Cư trú, nghỉ ngơi, sản xuất
Tổng 2.050 Bao gồm diện tích giữ lại (80 ha)

Khu vực 1

KV1

Theo kế hoạch, khu vực 1 sẽ xây dựng thêm một cây cầu tại Chèm và phát triển khu dân cư lân cận khu công nghiệp hiện hữu. Tại đây cũng sẽ hình thành khu phân phối hàng đa chức năng được liên kết với sân bay và khu công nghiệp, đồng thời phục vụ thu hút dân di dời đợt một.

Khu vực 2

KV2 huu ngan

Khu vực hữu ngạn sông Hồng. Ảnh: DOHWA

Khu vực 2 là phần quan trọng nhất của dự án chỉnh trị và phát triển sông Hồng. Tại hữu ngạn (phía Hà Nội) hiện có diện tích 280 ha, sẽ phát triển khu đa chức năng quốc tế liên kết trên cơ sở các khu phố tập trung các công ty chứng khoán, tài chính, kinh doanh hiện hữu. Tại đây cũng sẽ có các khu dân cư cao cấp có liên kết với hồ Tây và vùng ven sông.

KV2 ta ngan

Khu vực tả ngạn sông Hồng. Ảnh: DOHWA

Khu vực tả ngạn (phía Đông Anh, Cổ Loa, diện tích 320 ha) sẽ có 2 chức năng chính: khu phức hợp phục vụ Olympic (Olympic Complex) và các sự kiện thể thao lớn như làng Olympic, làng báo chí… nhằm tạo đông lực phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa.

Phần thứ hai phía tả ngạn là khu phức hợp triển lãm (Expo Complex) phục vụ các lễ hội, triển lãm lớn.

Khu vực 3

KV3

Khu vực kéo dài từ cầu Chương Dương đến cầu Thanh Trì (170 ha) sẽ là khu dân cư, đồng thời là khu phân phối hàng đa chức năng bao gồm các chợ đầu mối, trung tâm phân phối hàng và công trình phụ trợ.

Khu vực 4

KV4

Khu vực này có diện tích lớn nhất dự án (980 ha), có chức năng một khu cư trú, nghỉ ngơi kết hợp làm khu sản xuất của thành phố. Tại đây cũng sẽ hình thành một du lịch có liên kết với không gian văn hóa, lịch sử của làng Bát Tràng, một sân golf và khu công nghệ cao. Theo các chuyên gia Hàn Quốc, sân golf sẽ được đặt tại phía bắc khu vực 4, nhưng hiện Hà Nội đã chấp thuận cho Vincom lập quy hoạch sân golf tại phía nam. Vì thế, khu vực này có thể còn có điều chỉnh.

Phân chia chức năng các khu vực cụ thể

ên khu vực Phương án
Võng La Khu bảo tồn sinh thái ven sông
Đông Anh Công viên thể thao tổng hợp
Ngọc Thụy Nơi nghỉ ngơi
Long Biên Nơi học tập, sinh thái
Gia Lâm Vùng tinh lọc thực vật tự nhiên ven sông
Từ Liêm Khu phục hồi sinh thái ven nước
Tây Hồ Công viên mở
Hoàn Kiếm Công viên sinh thái lịch sử
Hoàng Mai Gate Park
Vùng bãi bồi Khu bảo tồn sinh thái đảo tự nhiên
Tứ Liên Vườn thực vật (Hanoi World Class Garden) 

Kinh phí khổng lồ

Theo ước tính của các chuyên gia Hàn Quốc, đầu tư cho “thành phố sông Hồng” sẽ lên tới 27.240 tỷ đồng, tương đương gần 2 tỷ USD, trong vòng 12 năm. Như vậy trung bình mỗi năm Hà Nội sẽ cần đến 2.400 tỷ đồng để thực hiện dự án.

Công việc Khối lượng Kinh phí (tỷ đồng)
Chỉnh trị sông Đắp đê: 75,1 km
Chỉnh trị lòng dẫn: 13,1 triệu m3
Bến phà: 6 bến
9.360
Công viên ven sông Tổng 4.200 ha
Vùng trung tâm sử dụng: 1.350 ha
Vùng bảo tồn và sử dụng: 2.850 ha
4.260
Đường đê Tổng chiều dài 80 km
6 cầu
2 đường chui
7.660
Phí dự phòng 5.960
Tổng cộng 27.240
READ MORE

Dự án sông Hồng không chỉ để kinh doanh địa ốc

“Nếu chỉ vì mục đích kinh doanh bất động sản thì chắc chắn chúng tôi và cả những nhà đầu tư khác đã không tham gia vào dự án này vì đây là một dự án khó”, ông Han Jei Hyun, Giám đốc dự án thành phố ven sông Hồng, cho biết.

Tiến độ triển khai dự án hiện nay đến đâu và có gặp khó khăn gì không, thưa ông ?

Hiện nay, tổ công tác của dự án vẫn đang làm việc khẩn trương để hoàn thành nốt một số điểm chi tiết của dự án. Dự kiến đến cuối tháng 11 này, chúng tôi sẽ có một bản kế hoạch hoàn chỉnh để đầu tháng 12 chúng tôi sẽ gửi sang cho UBND thành phố Hà Nội và một số bộ, ngành có liên quan của Việt Nam.

Còn về khó khăn thì đến thời điểm này chúng tôi vẫn chưa gặp một khó khăn nào lớn trong công việc của mình. Mọi việc xem ra khá suôn sẻ đối với tổ công tác của chúng tôi. Chỉ duy nhất một điều khiến chúng tôi lấy làm tiếc là trong cuộc triển lãm dự án tại Hà Nội vào tháng 9 vừa qua, ý kiến đóng góp của người dân và các nhà khoa học vẫn chưa nhiều.

Vì vậy, sắp tới, khi chúng tôi gửi bản kế hoạch chi tiết cho phía Việt Nam, hy vọng sẽ nhận được nhiều hơn những ý kiến đóng góp của người dân, các nhà nghiên cứu và cuối cùng là sự phê duyệt của Chính phủ Việt Nam.

Nhưng đến thời điểm này thì vẫn có nhiều ý kiến cho rằng, ý tưởng về xây dựng một thành phố ven sông như sông Hàn của Hàn Quốc là khó khả thi vì tính toán chưa kỹ và sông Hồng không giống với sông Hàn?

Theo tôi thì không phải như vậy. Sau khi khảo sát, chúng tôi thấy, sông Hồng và sông Hàn có nhiều điểm tương đồng hơn là khác biệt. Chẳng hạn như về diện tích lòng sông và thủy văn là khá giống nhau.

Vì thế, chúng tôi cho rằng, Hà Nội hoàn toàn có thể xây dựng một thành phố ven sông, giống như thành phố nổi tiếng bên sông Hàn tại Hàn Quốc.

Còn theo tôi hiểu thì những ý kiến quan ngại đối với dự án sông Hồng cũng chỉ xoay quanh việc di dời gần 40.000 hộ dân trong vùng dự án. Đây sẽ là một khâu quan trọng của dự án vì nó liên quan đến kinh phí đền bù cũng như vấn đề xã hội, khiếu kiện…

Vậy, kế hoạch di dời 40.000 hộ dân đã được tính toán như thế nào, thưa ông ?

Số hộ phải di dời trong dự án lên tới 40.000 hộ, tương đương với 170.000 dân. Đây sẽ là một con số không nhỏ nên cũng không phải là chuyện dễ. Do đó, chúng tôi dự kiến, việc di dân sẽ phải mất khá nhiều thời gian, nhanh nhất cũng phải từ 10 đến 12 năm và chia thành 3 giai đoạn.

Theo tính toán, chi phí dành cho việc bồi thường, tái định cư của 40.000 hộ dân sẽ lên tới 1,5 tỉ USD. Phương án bồi thường cho các đối tượng này là bồi thường bằng tiền mặt hoặc cung cấp chung cư theo phương thức cho thuê dài hạn. Dự kiến, khi dự án hoàn thành thì quỹ nhà mới tạo ra sẽ cung cấp chỗ ở tái định cư cho khoảng 29.000 hộ trong khu vực dự án.

Tuy nhiên, theo tôi nghĩ nếu Chính phủ Việt Nam và thành phố Hà Nội quyết tâm thì không việc gì là không thể làm. Vấn đề còn lại chỉ là việc huy động nguồn vốn cho dự án, mà theo dự kiến là sẽ lên tới 7 tỷ USD.

Vậy, 7 tỷ USD này sẽ được huy động như thế nào, thưa ông ?

Đây là một dự án lớn nhất của Hà Nội từ trước đến nay. Vừa qua, chúng tôi cũng đã có một cuộc họp với lãnh đạo thành phố Hà Nội để bàn về việc huy động vốn cho dự án. Hai bên cũng đã thống nhất là sẽ huy động chủ yếu từ các doanh nghiệp nước ngoài, kể cả ở Hàn Quốc. Phần còn lại sẽ do Chính phủ Việt Nam đóng góp.

Có nhiều ý kiến cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến dự án này là do bất động sản Hà Nội đang và sẽ được giá ?

Mục đích đầu tiên của chúng tôi khi tham gia vào dự án này là mong muốn làm sao cho người dân sống hai bên sông Hồng có một đô thị hiện đại mà không phải chịu cảnh lũ lụt. Còn nếu chỉ vì mục đích kinh doanh bất động sản thì chắc chắn chúng tôi và cả những nhà đầu tư khác đã không tham gia vào dự án này vì đây là một dự án “khó”.

Còn theo tôi, giá bất động sản ở Hà Nội tăng cao là một tất yếu của việc phát triển đô thị. Việc xây dựng dự án này cũng là nằm trong xu thế phát triển đô thị đó. Cho nên, phát triển đô thị không thể bị kìm hãm bởi lợi ích của một cá nhân hay tổ chức nào đó. Tất cả đều phải vì lợi ích chung và phải hòa chung xu thế của sự phát triển.

Tất nhiên, khi dự án này hoàn thành thì chắc chắn sẽ ít nhiều tác động đến thị trường bất động sản của Hà Nội nhưng sẽ là theo hướng có lợi cho người dân.

Vì vậy, tôi mong muốn rằng tất cả những người dân Hà Nội và các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, hãy xem đây là một dự án mang tính xã hội, phục vụ người dân.

READ MORE

Đô thị sông Hồng có thể ngốn 20 tỷ USD

Nguồn tin từ Tổ dự án quy hoạch sông Hồng và khu vực 2 bên sông cho biết, dự kiến tổng vốn đầu tư cho dự án này có thể gấp vài lần so với con số 7 tỷ USD mới được công bố.

Tại Hội nghị do Tổ dự án tổ chức để báo cáo Chính phủ và Hà Nội vào đầu tháng 7 vừa qua, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng cũng nhận định, con số phải là vài chục tỷ đôla. Cũng theo Phó thủ tướng, hiệu quả tài chính của dự án phụ thuộc vào nguồn vốn sinh lợi từ đất, lấy giá trị của đất làm dự án để đầu tư vào các công trình chính. Vì thế, Hà Nội và các bộ, ngành phải tính toán chặt chẽ về tiến độ giải tỏa và tiến độ thu hồi vốn. Trước đó, Bộ Tài chính đưa ra con số ước tính 27.000 tỷ đồng, tương đương 1,7 tỷ USD.

TP song Hong

Theo Tổ dự án, phía Hàn Quốc cũng đã dự trù mức kinh phí hàng chục tỷ đôla từ trước, song chưa đưa ra con số cuối cùng do chưa xây dựng xong bản kê khai chi tiết các hạng mục cũng như để tránh gây bất ngờ khi vốn đầu tư quá lớn.

Thông tin về dự án thành phố sông Hồng được Chủ tịch UBND TP Hà Nội khi đó là ông Nguyễn Quốc Triệu công bố lần đầu vào tháng 5 vừa qua. Khi đó, mức kinh phí dự kiến cần thiết cho dự án là 2 tỷ USD. Gần đây nhất, các chuyên gia Hàn Quốc công bố con số 7,099 tỷ USD.

Đến phiên công bố thông tin dự án lần cuối vào tháng 11 năm nay, các chuyên gia Hàn Quốc sẽ đưa ra mức kinh phí dự kiến mới, cao hơn 7,1 tỷ USD công bố mới đây. Dự án khổng lồ này có thể sẽ cần đến 20 tỷ USD, thậm chí nhiều hơn.

Dự kiến đến tháng 11 năm nay, Tổ dự án sẽ hoàn tất dự án, trình Chính phủ và Hà Nội.

READ MORE

Cần cân nhắc khi xây dựng thành phố sông Hồng

Nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt rất quan tâm đến đề án qui hoạch thành phố hai bên sông Hồng (Hà Nội). Ông đã gửi thư đến Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, gặp Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị để góp ý.

Trao đổi với báo giới sáng 19-9, nguyên thủ tướng nói:

– Dự khai mạc kỳ họp Quốc hội mới đây tại Hà Nội, tôi có gặp đồng chí Phạm Quang Nghị hỏi về hướng phát triển Hà Nội ra phía bên kia sông Hồng mà gần đây các thông tin công khai đã đưa. Đồng chí Nghị có trao đổi sơ bộ về vấn đề này nhưng cho rằng hướng phát triển chủ yếu vẫn là Hà Tây.

Nếu như hướng phát triển Hà Nội về phía Hà Tây đã được xác định thì có nên đặt ra hướng phát triển về phía bên kia sông Hồng nữa không? Đương nhiên hướng mở rộng Hà Nội có liên quan đến vùng cảng biển và vùng tam giác động lực là đúng. Tuy nhiên, đặt mức phát triển với qui mô coi sông Hồng là trung tâm, chảy qua giữa thủ đô thì tôi rất ngại bởi nhiều lẽ. Trong đó có lý do là sông Hồng rất khác so với một số sông chảy qua thủ đô ở các nước, xét về điều kiện tự nhiên.

* Với thời gian nghiên cứu như vừa qua liệu phương án đủ “chín” để trình Chính phủ thông qua chưa, thưa ông?

– Về vấn đề này, lãnh đạo cao nhất của Đảng, của Nhà nước phải hết sức cân nhắc, cẩn trọng. Hà Nội là thủ đô, là trung tâm phát triển của cả nước nên chuyện của Hà Nội cũng là vấn đề mà cả nước quan tâm. Nếu là dự án nhỏ thì không có vấn đề gì, nhưng đây là vấn đề mới, có tính chất đặc biệt nên càng phải nghe ý kiến của cả nước, của các nhà khoa học chuyên ngành về qui hoạch, môi trường, địa chất, thủy văn… để cùng góp tiếng nói cho dự án. Tôi lấy làm tiếc khi có nhiều người dân tại các quận Gia Lâm, Tây Hồ… quan tâm đến đề án qui hoạch, muốn góp ý nhưng lại hết phiếu.

Để xây dựng TP.HCM và Hà Nội hiện đại phải có tư duy rất lớn, “đi” đường dài. Nếu không suy nghĩ đúng tầm sẽ dẫn đến lúng túng, công tác quản lý, xây dựng không hiệu quả. Trong khi đó, phương án xây dựng thành phố dọc sông Hồng đưa ra mốc năm 2020 hoàn thành. Như vậy từ nay đến đó chỉ còn 13 năm. Thời gian này chưa đủ để hoàn thành một đô thị tầm cỡ như vậy. Muốn hoàn tất phải chạy đua với thời gian?

Việc phá bỏ đô thị cũ để xây dựng mới là cách làm của những nước giàu. Với nước nghèo, người ta thường “cấy” thêm vào hoặc chỉnh trang đô thị.

Qui hoạch Hà Nội còn rất nhiều vấn đề và không thể tách ra từng mảng mà phải nhìn trên tổng thể. Hướng phát triển thành phố dọc sông Hồng dù là một mảng nhưng có tính chất chi phối cả thủ đô, liên quan đến nhiều khu vực khác. Chưa kể ở góc độ xã hội, việc di dời 170.000 dân là vấn đề đại sự, không đơn giản chút nào. Không khéo lại gây ra sự xáo trộn lớn. Về chuyện này tôi không tán thành.

* Thưa ông, dự án lần này cũng đề cập việc chỉnh trị sông Hồng nhưng biện pháp ra sao chưa rõ, trong khi đây là vấn đề liên quan thiết thực đến người dân?

– Tôi hiểu biết về con sông này khi có thời gian dài ở Hà Nội. Khi mùa nước dâng cao con sông rất dữ, ngược lại nhiều lúc cạn đến đáy sông. Do vậy chỉnh trị dòng sông là khâu đầu tiên phải làm, phải tìm cách đào thoát cho dòng sông. Khi con sông thông thoáng, đảm bảo đến mức an toàn nhất cho người dân, cho thủ đô thì lúc đó mới tính đến chuyện xây dựng thành phố dọc con sông.

Tôi chưa biết nguyên thủy của sông Hàn (Hàn Quốc) ra sao nhưng nếu dòng chảy con sông Hàn hiền lành thì giải pháp chỉnh trị khó có thể áp dụng cho sông Hồng. Còn nếu với điều kiện tương tự thì đây quả là kinh nghiệm rất quí đối với ta trong việc chỉnh trị sông Hồng.

Chuyên gia nghiên cứu về qui hoạch đô thị Nguyễn Trọng Huấn

Thông tin về dự án còn quá ít. Đây là dự án với chi phí đầu tư lên đến 7 tỉ USD nhưng thông tin về dự án còn quá ít. Với dự án này, cần có nhiều ngành tham gia để có cái nhìn đa dạng hơn và giải quyết vấn đề một cách đồng bộ. Nhưng nhiều thông tin về dự án chưa rõ nên những người quan tâm đến dự án khó có thể góp ý. Mặt khác để góp ý có hiệu quả, cần công khai rộng rãi, thời gian kéo dài hơn.

READ MORE

Kiến trúc Hà Nội – kiến trúc… không phong cách

Có người nói: “Không đâu đẹp như Hà Nội… Những ngôi nhà ấy chắc là do dân tự làm, không có kiến trúc sư thiết kế nên mới phong phú thế.” Lại có người nhận xét: “Kiến trúc không phong cách là kiến trúc Việt Nam!”.

Từ Hà Nội với những đường phố nhỏ 36 phố phường

Đổi mới đã được 20 năm, cùng với thời gian, diện mạo, kiến trúc Hà Nội không ngừng thay đổi. Ai đấy đã nói: “Hà Nội sắp trở thành Băngkốc”. Tôi sinh ra ở miền quê đất bãi sông Hồng, nhưng lại lớn lên giữa lòng Hà Nội. Tuổi thơ tôi đầy ắp kỷ niệm với những chiều thu heo hút gió, cùng lũ bạn nghèo lang thang trên những đường phố nhỏ của khu 36 phố phường có những mái nhà lợp ngói lô xô, xám một màu rêu mốc bởi mưa nắng và thời gian.

Kiến trúc Hà Nội - kiến trúc... không phong cách

Sau này lớn lên, đi khắp mọi miền đất nước, kể cả những tháng năm bên xứ người mênh mông tuyết phủ…, nỗi nhớ về Hà Nội, về những cây bàng lá đỏ nghiêng nghiêng trên hè phố Mã Mây; về rặng cây bằng lăng hoa tím ở phố Thợ Nhuộm; về hàng cây cơm nguội trơ những cành khẳng khiu mỗi độ đông về trên đường Lý Thường Kiệt; về hàng cây sao đen thân cao hàng chục thước, chiều chiều xao xác tiếng cò ở phố Lò Đúc, cùng tiếng chuông tầu điện “leng keng” lúc sớm mai đầu phố Huế cứ cồn cào, da diết trong tôi. Có phải vì thế chăng, mà bây giờ, mỗi biến đổi của Hà Nội thân yêu cũng để lại cho tôi những day dứt, buồn vui lẫn lộn…

Đổi mới với nền kinh tế thị trường như một động lực, thúc đẩy đoàn tàu vốn trì trệ hàng chục năm bởi cơ chế quan liêu bao cấp, giờ hăm hở đến vội vã băng về phía trước. Tấm bản đồ quy hoạch treo trong phòng làm việc của các nhà quản lý đô thị luôn được tô thêm những mảng màu mới của sự phát triển và đô thị hóa.

… Đến thành phố mở với nhiều công trình mới

Thành phố mở ra với những quận mới như Tây Hồ, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Long Biên. Các khu phố mới, khu đô thị mới như Linh Đàm, Định Công, Nam Trung Yên, Trung Hòa- Nhân Chính, Nam Thăng Long… Những tuyến đường được mở rộng vài chục mét với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ như đường Liễu Giai, La Thành, Láng Hạ, Đại Cồ Việt, Trần Khát Chân, Kim Mã…

081025130221 228 252

Nhiều công trình kiến trúc lớn, hiện đại do kiến trúc sư nước ngoài thiết kế đã và đang được xây dựng như Sân thể thao Mỹ Đình, Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Bảo tàng Hà Nội… Rồi sắp tới đây là Nhà Quốc hội, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cùng nhiều, rất nhiều dự án lớn khác do nước ngoài trực tiếp đầu tư hoặc liên danh với người Việt Nam sẽ mọc lên ở khu vực trung tâm nội đô, ở Hà Đông và nhiều nơi khác của Hà Nội mới…

Tương phản

Thế nhưng, bên cạnh đó lại xuất hiện các dãy phố mới với những ngôi nhà cao 3-4 tầng, thậm chí 5-6 tầng ngất ngưởng khoe cái mặt tiền rộng hơn 3 mét được đắp điếm đủ loại môtíp kiến trúc nhái theo kiểu: Gô tích, Hy-La, Trung Hoa, Pháp… cùng những biển hiệu quảng cáo nhấp nháy đèn màu.

Những khu khu nhà tập thể 5 tầng xây dựng từ những năm 60- 70 của thế kỷ trước như Giảng Võ, Thành Công, Kim Liên, Quỳnh Mai… nơi trú ngụ của lớp công nhân viên chức ăn lương Nhà nước, mơ ước của một thời, giờ bị lãng quên xuống cấp đến thảm hại. Tường vôi mốc thếch nứt nẻ, hệ thống kỹ thuật hạ tầng hư hỏng, nước thải thì thừa, nước sạch lại thiếu bởi sự thiếu trách nhiệm của người quản lý và cả người sử dụng.

081025130221 742 791

Nhiều ngôi nhà như E7 Quỳnh Mai giờ lún đến 1,8m, cửa sổ biến thành cửa đi. Người ở tầng một sống cứ như bị nhốt trong hầm. Khu nhà ở Thành Công cũng trong tình trạng na ná như vậy. Nhiều nhà khoa học đã phải kêu lên trong vài cuộc hội thảo gần đây: “Nếu như có một trận động đất cỡ 6 rích-te thì Hà Nội sẽ là thảm họa”.

Sự phát triển đến chóng mặt của kiến trúc Hà Nội như một chú ngựa bất kham, chẳng chịu tuân theo điều khiển của nhà kị sỹ vốn đã yếu lại thiếu kinh nghiệm, nên cứ chạy lung tung. Những mảng xanh của mặt nước trên bản đồ quy hoạch cứ dần biến mất. Người ta đua nhau lấn chiếm đất công để làm nhà, đua nhau chen ra mặt đường. Trẻ con bây giờ nghêu ngao hát: “Nhà mặt phố, bố làm to!”. Cái ngõ xưa vốn đã hẹp giờ càng hẹp hơn, cửa sổ nhà nọ nhìn sang nhà kia, nói dại, nếu có hỏa hoạn thì cũng chẳng có lối cho xe cứu hỏa!

Khu 36 phố phường mà ta quen gọi là khu phố cổ, dẫu đã được khoanh định ranh giới để bảo tồn, lại có cả Ban Quản lý được thành lập để giúp Thành phố quản lý khu phố đặc biệt này, kèm theo một danh sách cụ thể từng tuyến phố, từng số nhà được coi là “cổ” cần được bảo tồn tôn tạo, vậy mà, những ngôi nhà mới 3-4 tầng với cái mái tôn đỏ chót vẫn cứ mọc lên, hiên ngang, như thách thức chính quyền rằng đây không phải là “cổ”, là “di sản”!

Tôi cứ thấm thía nhận xét của nhà thơ Vũ Duy Thông trong một bài báo của ông khi viết về Hà Nội: “Mặc các nhà kiến trúc cách tân hay bảo thủ, lao vào các cuộc tranh cãi chưa ngã ngũ, và cũng chưa biết khi nào ngã ngũ, thì diện mạo kiến trúc Hà Nội vẫn biến đổi từng giờ.”

Cách đây chừng dăm năm, Viện sỹ Viện Hàn lâm kiến trúc Nga P.Gnedopvky sang thăm Hà Nội, sau khi đi một vòng quanh Hồ Tây, ngắm nghía các ngôi nhà lộng lẫy với hàng hàng mái chóp đã nắc nỏm khen: “Không đâu đẹp như Hà Nội”. Rồi ông nói thêm: “Những ngôi nhà ấy chắc là do dân tự làm, không có kiến trúc sư thiết kế nên mới phong phú thế.” Lại có du khách nước ngoài nhận xét: “Kiến trúc không phong cách là kiến trúc Việt Nam!”.

Kiến trúc mang tính nhân văn

Tôi không phải là người theo chủ nghĩa cực đoan, hoài cổ, nhưng tôi khó chấp nhận thứ kiến trúc hỗn tạp và cách quản lý đô thị như đang diễn ra ở Hà Nội hiện nay. Chính lối tư duy quản lý theo nhiệm kỳ và trách nhiệm tập thể đã là môi trường tốt để thứ kiến trúc hàng chợ, chen lấn, phá vỡ không gian cảnh quan của một Hà Nội nghìn năm văn hiến, tồn tại và có nguy cơ phát triển.

Kiến trúc Hà Nội - kiến trúc... không phong cách

Không chỉ trong các khu phố cổ, phố cũ, quanh khu vực hồ Gươm, hồ Tây… mà nó còn lan nhanh ra các vùng đô thị hóa như Thanh Trì, Từ Liêm, Đông Anh…, tạo cho lối sống cơ hội, ích kỷ, bất chấp kỷ cương luật pháp ( kể cả tham nhũng) của một lớp người thêm phát triển. Kiến trúc là văn hóa. Kiến trúc sư là người sáng tạo ra cái sản phẩm mang tính văn hóa ấy để góp phần xây dựng xã hội. Tính nhân văn của kiến trúc chính là ở chỗ đó.

Cristan Descam, một học giả Pháp, trong cuốn Vật chất và Triết học đã viết: “Một kiến trúc sư mà không tự hỏi một cách triết lý về không gian đặc thù nơi ông ta đang xây dựng, thì đó chỉ là người làm công việc sắp đặt buồn thảm”. Thế giới ngày hôm nay đang chán ngấy lối sống công nghiệp, con người như một cỗ máy. Nhân loại đang muốn quay về với cội nguồn, với bản sắc riêng của từng dân tộc.

Con người muốn thoát ra khỏi căn nhà hộp bằng bê tông cốt thép với lỉnh kỉnh những vách kính, điều hòa nhiệt độ, dàn âm thanh lập thể… để hòa vào màu xanh bất tận của thiên nhiên, nghe một tiếng chim hót, hít thở bầu không khí trong lành tràn ngập ánh nắng ban mai… Liệu ai sẽ đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi có tính nhân văn đó?

Đừng để cái đẹp chỉ còn trong hoài niệm

Bây giờ, Hà Nội mới đã vươn về phía Tây, rộng gấp hơn ba lần Hà Nội cũ, ôm trọn tỉnh Hà Tây và bốn xã của huyện miền núi Lương Sơn- Hòa Bình để trở thành đại đô thị, mang một diện mạo mới, vóc dáng mới, vị thế mới xứng tầm Thủ đô của nước Việt Nam hùng cường, giầu mạnh trong thế kỷ 21 như mong muốn của Chính phủ, Quốc hội khóa XII.

Đồ án Quy hoạch chung Hà Nội sẽ được ba nhà thầu nước ngoài lập sau nhiều lần tuyển chọn, mà trong đó, liên danh Jina Architet, Perkins Feestman (Hoa kỳ) và Posco E&C (Hàn quốc) nổi trội nhất với triết lý: một thành phố tạo nên cho người dân cảm giác thuộc về thành phố đó, như lời của Thứ trưởng Bộ Xây dựng trên Báo điện tử VietNamNet.

081025130221 91 329

Cũng theo vị thứ trưởng này, thì đến năm 2010 Đồ án Quy hoạch chung Hà Nội sẽ lập xong?! Và khi ấy, chắc sẽ có những cuộc triển lãm quy hoạch lớn, tuyên truyền rầm rộ để người dân Thủ đô, cũng như những ai yêu Hà Nội đến xem mà hình dung ra diện mạo mới của vùng đất thiêng như thế nào trong thế kỷ này.

Tôi cũng mong đến ngày ấy, và cầu mong cho cái bản sắc của Thăng Long- Hà Nội với những hồ Gươm, hồ Tây, khu phố cổ, phố cũ… và của Hà Tây – xứ Đoài mây trắng với những làng nghề, làng cổ Mông Phụ, Đường Lâm…mãi mãi chẳng bao giờ mất đi qua cái đồ án mà người nước ngoài sẽ vẽ ra đó!

Đấy là chuyện sau này. Còn bây giờ, trong khi chính quyền thành phố đang bận rộn với những chính sách quản lý đại đô thị Hà Nội mới này và thực hiện các kế hoạch của Đại lễ nghìn năm, thì những “Không gian phố Phái” vẫn cứ đang dần bị gậm nhấm, phá vỡ. Để rồi, nếu chẳng có các biện pháp hữu hiệu nào hơn, thì không lâu nữa, tất cả những gì mà chúng ta đã có hàng trăm, hàng nghìn năm, như ngôi sao màn bạc nổi tiếng một thời của nước Pháp Catherine Deneuve đã nói: “Hà Nội là thành phố có sức hấp dẫn đến phát điên, đã xuống cấp hoàn tòan nhưng vẫn tìm thấy những ngôi nhà rất đẹp của những năm 30… Một thứ gì đó vừa xưa cũ, lại vừa trí tuệ trong lòng đất nước này.” sẽ mãi mãi chỉ còn là hoài niệm…!

READ MORE