Tấm bình phong thường gặp trong ngôi nhà truyền thống Đông phương. Nó không chỉ là một bức vách di động linh hoạt mà còn mang ý nghĩa che chắn, ngăn chia tạm thời không gian giữa trong và ngoài, giữa chung với riêng, che chắn tầm nhìn và gió mạnh.

 

binh-phong-1

Hiện nay, xu hướng quay về với các giá trị truyền thống không có nghĩa là sao chép nguyên bản mà là sáng tạo trên tinh thần chắt lọc tinh hoa truyền thống. Tấm bình phong hiện đại vì thế đã có nhiều cải biên về hình dáng, chất liệu và cách thức bố trí, đem lại những sắc thái mới cho không gian nhà ở trong điều kiện “đất chật người đông” rất cần những ngăn chia thoáng.

Bình phong xây bằng gạch bông gió được sơn trắng đơn giản nhưng khá điệu đà, tạo nên một khoảng đệm tại tiền sảnh kín đáo mà vẫn thoáng hở. Thay đổi màu sắc là một giải pháp đơn giản, hiệu quả và linh động khi điều kiện thực tế không cho phép biến đổi kết cấu vốn có.

binh-phong-2

Bình phong đặt trong phòng khách với vật liệu sử dụng là ván MFC mặt vân gỗ kết hợp veneer, sơn theo kiểu giả cổ làm nên một “chỗ dựa” trang nhã và chủ động trong che chắn khi nhà có diện tích không rộng

Cũng là một tấm bình phong nhưng chất liệu sử dụng khá giản dị: những khung gỗ thẳng đứng nâu sậm và một mảng rèm che dệt bằng lục bình, một sản phẩm mới lạ từ những chất liệu quen thuộc ở thôn quê. Đi cùng với bộ sofa bọc vải đũi, và những trang trí Đông phương kèm theo mang lại một không gian thân quen và ấm áp.

binh-phong-3

Bình phong bằng chất liệu gỗ MDF sơn phủ nhũ vàng theo mô típ “ bên bờ ao nhà mình” với chuối cau, chuồn chuồn, sen súng… Chính những đường nét tạo dáng và xử lý bề mặt theo lối design hiện đại đã giúp tấm bình phong thoát khỏi ràng buộc cổ điển như sơn mài, tứ bình, long ly quy phuơng …mà trở nên đời thường và có cá tính hơn, cũng là phù hợp hơn với những gia chủ thế hệ trẻ hôm nay. Ngoài ra còn có khá nhiều loại bình phong kết hợp vật liệu như sắt uốn, gỗ kính, mây tre … mà mỗi chủ nhân đều có thể lựa chọn hoặc đặt hàng theo ý thích riêng của mình tại các siêu thị nội thất