Skip to Content

Category Archives: Mẫu nhà xưởng, nhà tiền chế

Quy định mới về quản lý quỹ nhà, đất sở hữu Nhà nước

Nhằm ngăn chặn tình trạng quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước bị cơ quan sử dụng đất cho thuê lại kiếm lời, chủ hợp đồng tự ý sang nhượng… UBND thành phố vừa có chỉ thị số 25, về tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn. Theo đó:

Ðối với quỹ nhà, đất chuyên dùng thuộc sở hữu Nhà nước do sở TNMT&NÐ đang quản lý và cho thuê.

Tổng kiểm tra để phân loại, đánh giá (về quỹ nhà, đất, mục đích sử dụng, đối tượng đang sử dụng….) đề xuất phương án quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng theo hướng đầu tư lại theo quy hoạch để phát triển quỹ nhà; định giá bán hoặc bán đấu giá các ngôi nhà, cửa hàng mặt phố cho các đơn vị đang thuê sử dụng hoặc các tổ chức, cá nhân khác khai thác sử dụng.

Nghiên cứu cơ chế, chính sách cho thuê nhà, đất, nhất là chính sách giá phù hợp với chính sách, quy định mới ban hành nhằm phát triển nguồn thu ngân sách, hạn chế việc lợi dụng chính sách giá của Nhà nước để cho thuê lại, thu chênh lệch.

Kiểm tra, phát hiện tổ chức, cá nhân vi phạm quy chế quản lý, sử dụng quỹ nhà, đất, tự ý chuyển nhượng, chuyển dịch trái phép, lợi dụng việc sáp nhập, chia tách doanh nghiệp nhằm sang nhượng tài sản Nhà nước để xử lý theo quy định của pháp luật.

Kể từ nay, không cho phép doanh nghiệp đang thuê nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước nhượng bán tài sản để thanh toán công nợ; lấy vốn để phát triển sản xuất; đưa nhà, đất đang thuê của Nhà nước vào phương án cổ phần hoá doanh nghiệp. Các trường hợp đặc biệt phải được sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố.

Ðối với quỹ nhà ở cho các hộ gia đình thuê

Tiếp tục rà soát, phân loại các trường hợp được phép bán theo Nghị định 61/CP để có kế hoạch đẩy nhanh tiến độ bán nhà ở theo quy định; các trường hợp không được phép bán thì lập kế hoạch di chuyển, tái định cư nhằm ổn định sinh hoạt cho các hộ gia đình, tạo điều kiện để Nhà nước sử dụng quỹ nhà, đất này theo quy hoạch; công bố công khai các trường hợp nhà chung cư cao tầng đã xuống cấp để kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng lại, nâng cao điều kiện sinh hoạt cho người dân, phát triển quỹ nhà .

Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm quy chế sử dụng nhà như: tự chuyển nhượng hợp đồng thuê nhà ở; tự cải tạo làm thay đổi hiện trạng nhà; các trường hợp cố tình không ký hợp đồng thuê nhà; không nộp tiền thuê nhà cho Nhà nước theo hướng truy thu nghĩa vụ với Nhà nước, thu hồi lại nhà để cho người khác có nhu cầu thuê, chuyển cơ quan pháp luật xử lý theo quy định của pháp luật.

Ðối với nhà, đất cơ quan tự quản chưa bàn giao cho sở TNMT&NÐ quản lý

Rà soát toàn bộ quỹ nhà ở, các khu tập thể do các cơ quan, tổ chức, đơn vị đóng trên địa bàn thành phố chưa bàn giao cho sở TNMT&NÐ quản lý. Tổ chức cho các đơn vị này kê khai đăng ký toàn bộ quỹ nhà, đất. Sau khi kê khai, các cơ quan, đơn vị phải thực hiện bàn giao toàn bộ quỹ nhà cho sở TNMT&NÐ quản lý xong trước ngày 31/12/2004. Sau thời hạn nêu trên, nếu chưa bàn giao, UBND thành phố sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các đơn vị chủ quản nhà, đất phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Trường hợp các đơn vị đã giải thể không còn đầu mối để quản lý thì, tổ chức cho các hộ gia đình đang sử dụng nhà, đất kê khai đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở theo Nghị định 60/CP, ngày 5/7/1994 của Chính phủ.

Trên cơ sở quỹ nhà, đất nhận bàn giao, UBND thành phố sẽ chỉ đạo việc đầu tư, cải tạo nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, thu hút đầu tư xây dựng lại các khu nhà ở này theo quy hoạch, cải thiện sinh hoạt của dân.

Ðối với quỹ nhà ở phục vụ tái định cư, GPMB

UBND thành phố sẽ ban hành quy định về quản lý, sử dụng quỹ nhà ở tái định cư nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ nhà, bố trí tái định cư kịp thời cho các dự án; xây dựng chương trình đầu tư phát triển quỹ nhà ở tái định cư trên địa bàn đến năm 2010, thực hiện chủ trương xây dựng trước quỹ nhà ở tái định cư phục vụ di dân, GPMB.

READ MORE

Chính sách bồi thường, hỗ trợ đối với tổ chức kinh tế khi Nhà nước thu hồi đất

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố. Theo đó, chính sách bồi thường, hỗ trợ được phân ra nhiều loại cụ thể…

Quyết định 26/2005/QĐ-UB của UBND thành phố ban hành về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn đã quy định: Đất do các tổ chức kinh tế đang sử dụng làm cơ sở sản xuất, kinh doanh nằm trong quy hoạch xây dựng các công trình quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, mục đích phát triển kinh tế, khi Nhà nước thu hồi và phải di dời thì được bồi thường hỗ trợ như sau:

Đối với đất được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng mà tiền đó không thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc đất đang sử dụng có nguồn gốc hợp pháp (đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không phải nộp tiền sử dụng đất) thì được bồi thường, hỗ trợ về đất.

Đối với đất được Nhà nước cho thuê, đất được giao có nộp tiền sử dụng đất, đất nhận chuyển nhượng quyền sử dụng mà tiền sử dụng và tiền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã nộp thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước; đất được giao không phải nộp tiền sử dụng đất thì được hỗ trợ bằng tiền theo dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt, mức hỗ trợ tối đa không quá mức bồi thường cho đất bị thu hồi do tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao, cho thuê đất hoặc tổ chức được giao nhiệm vụ GPMB chi trả. Cụ thể :

– Trường hợp là Cty nhà nước thì được hỗ trợ tối đa bằng mức bồi thường cho đất bị thu hồi. Nếu Cty chưa làm thủ tục theo quy định về quản lý đầu tư và xây dựng để sử dụng số tiền hỗ trợ này thì được mở tài khoản tại kho bạc nhà nước để tổ chức được giao đất, cho thuê đất hoặc tổ chức được giao nhiệm vụ GPMB chuyển số tiền hỗ trợ cho kho bạc quản lý; số tiền không sử dụng hết(nếu có) là nguồn vốn của ngân sách nhà nước đầu tư cho Cty.

– Trường hợp không phải là Cty nhà nước thì được hỗ trợ từ 20 – 30% mức bồi thường cho đất bị thu hồi để di dời, xây dựng cơ sở mới, nhưng tối đa không quá 5 tỷ đồng; mức hỗ trợ cụ thể do UBND thành phố quy định.

READ MORE

Trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc GPMB

Theo Quyết định số 26/2005-QÐ-UB của UBND thành phố, ban hành quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư GPMB và căn cứ vào dự án đầu tư được phê duyệt, khi thực hiện GPMB để thu hồi đất, chủ đầu tư cần phải thực hiện một số điều sau:

Thứ nhất: Trước khi GPMB, chủ đầu tư cần chuẩn bị quỹ nhà, đất tái định cư để tổ chức di chuyển các hộ dân về nơi ở mới hoặc đề nghị UBND thành phố bố trí tái định cư và chi trả kinh phí thực hiện dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và nhà ở tại các khu tái định cư.

Thứ hai: Chủ đầu tư phải lập dự toán chi phí phục vụ công tác GPMB trình UBND quận, huyện phê duyệt và sau 5 ngày nhận được quyết định phê duyệt, chủ đầu tư có trách nhiệm trích nộp theo mức quy định cho Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư quận, huyện và Ban chỉ đạo GPMB thành phố theo tiến độ thực hiện GPMB của dự án, đồng thời chủ động phối hợp với Ban bồi thường GPMB quận, huyện để lập phương án bồi thường hỗ trợ và tái định cư theo chính sách hiện hành.

Thứ ba: Chủ đầu tư phải tham gia Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư quận, huyện, cung cấp hồ sơ, số liệu liên quan đến dự án cũng như phương án bồi thường, hỗ trợ phục vụ công tác thẩm định của Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư quận, huyện trước khi trình Chủ tịch UBND quận, huyện phê duyệt, để phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức công khai phương án và các văn bản liên quan theo thời gian quy định.

Thứ tư: Phối hợp với Ban Bồi thường GPMB quận, huyện và UBND xã, phường, thị trấn, tổ chức chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, bàn giao nhà đất tái định cư và nhận bàn giao mặt bằng.

READ MORE

Delphi thần bí

Trên triền dốc Tây Nam của ngọn núi Parnassos, cách vịnh Corinth không đến 10 km, Delphi đã từng là trung tâm tôn giáo của Hy Lạp vào thế kỷ thứ VI Tr.CN.

Xem hình

Tại đây có một quảng trường tròn ngoạn mục bằng đá với những di tích của thánh đường lớn nhất để thờ phụng Thần Apollo và nói ra những lời sấm truyền của nữ tu sĩ Pythia. Con đường thiêng liêng uốn khúc đến đền thờ có hai bên đường là những kho báu – những ngôi miếu nhỏ để các đô thành lừng lẫy lên đặt đồ tế lễ. Phía trên đền có một nhà hát, một sân vận động và một đấu trường ở gần suối Castalic, tất cả đều phục vụ cho các cuộc thi đấu Pythian toàn Hy Lạp. Phía bên kia suối là thánh đường Athéna Pronaia mà toà nhà nổi tiếng nhất là nhà tròn cẩm thạch Tholos xây dựng vào đầu thế kỷ thứ IV Tr.CN.

READ MORE

Trung tâm thiết kế Tokyo

Vị trí của khu trung tâm thiết kế nội thất này được kiến trúc sư người Ý Mario Bellini giới thiệu với một vấn đề khá thú vị. Mặt tiền của toà nhà bị ngắt quãng bởi một toà nhà được xây dựng từ thế kỷ 17 có trước đó.

Mặt bằng đất xây dựng là phần tiếp nối của phần đất mà xung quanh bị giới hạn bởi các toà nhà ở ba phía. Trung tâm TDC là một công trình thực sự mà có thể xuất hiện như sự xếp đặt vô tình của cả hai.

tdc41

Mặc dù mặt tiền phía nam của công trình được làm rộng hơn so với phía bắc, nhưng những chi tiết tương đồng đặc sắc đã làm cho hai mặt tiền có vẻ như là sinh đôi. Sự giống hệt nhau giữa các mặt của kim tự tháp được phân tách bởi đỉnh tháp. Các cấu kiện rầm nhà đưa ra mặt tiền được sử dụng giữa các tấm panel bê tông là một sự lật ngược của kiến trúc tiêu chuẩn. Các cửa sổ mở hình chữ nhật bị chia đôi bởi các tấm panel bêtông với xu hương nhô ra phía trước mặt tiền của công trình. Các tấm panel này tạo ra các bóng đổ gây ấn tượng phá đi tính phẳng của mặt tiền các công trình thường thấy.

Mặt phía Nam được phân chia bởi các khung chữ nhật mở lớn mà con đường dốc qua 4 cấp dẫn dắt người đi qua những phần riêng biệt của toà nhà từ đằng trước ra phía sau của toà nhà. Sự tạo ra các cấp độ dốc lên của toà nhà từ trước ra phía sau tạo ra sự biến chuyển không gian tăng tiến. Mặc dù một người có thể bước vào toà nh à tại một vài vị trí ở bên trái hoặc bên phải nhưng điểm hút mắt tự nhiên sẽ tập trung vào khu vư ờn tư ơi tốt đằng sau toà nhà, bức tượng điêu khắc con ngựa đập trực tiếp vào mắt khách đi đường ở cuối đường.Bức tường được xây dựng bằng vật liệu travertine và góc vuông cuối đường tạo khung nhìn được tạo hình c ân đ ối và hợp lý. Ở cuối đường, bức tường travertine dường như biến mất thay vào đó những kết cấu thép trên bề mặt lộ ra ở phía dưới. Những cấu trúc thép được thiết kế nhô ra, vươn ra phía vườn cây, hoà nhập với khu vườn, tạo chỗ cho dây leo phát triển, đeo bám. Một vài cái cầu đi bộ bắc ngang qua tại vị trí các tầng 3, 4 của toà nhà. Không gian của khu vực với tính đối lập, tạo không gian trầm lắng và tạo cho người khách khi bước chân vào khu vực này có cảm giác đang đi vào thế giới riêng tư nào đó.

Hình thức kết cấu thép, kính hình trụ với các mái vòm kính được sử dụng tại khu trung tâm của toà nhà, nơi đặt các đường nút giao thông, thang máy của toà nhà ở mỗi t ầng. Ý tưởng của người kiến trúc sư thiết kế về hình thức kiến trúc hiện đại xuất phát từ sự phá vỡ và phát triển các cấu trúc truyền thống thay vì đá và các cấu kiện bê tông nặng nề. Khi nhìn từ khu vườn phía đằng sau toà nhà, kết cấu hình trụ dường như trở thành biểu tượng của toà nhà.

tdc37

Mặt tiền phía sau của công trình có chiều hướng tăng dần lên, một sự ảnh hưởng bởi các quy tắc phân chia khu vực của địa phương. Việc sử dụng xi măng ở mặt sau phản ảnh sự tương đồng trong cách sử dụng vật liệu xây dựng trên toàn dãy phố. Một hàng cột ở mỗi tầng tạ ra sân hiên ở trên nó. Mỗi đầu cột được đặt một vòng hoa trên nó. Mặc dù thiết kế của phía sau toà nhà khá gần với hình thức kiến trúc địa trung hải, nhưng không có các yếu tố mang tính trang trí bề mặt ở đây mà nó chỉ như là sự trình diễn của phong các h kiến trúc hậu hiện đại. Một người có thể đi dạo vòng quanh dưới mái c ổng, sân thượng mà không cần thực sự phải bước chân vào công trình, từ mỗi tầng có sự liên kết với không gian bên ngoài. Người làm vườn đã trồng rất nhiều hoa hồng, tạo sự thân mật, giao kết giữa kiến trúc với thiên nhiên

Khu vườn phía sau trung tâm thiết kế đặt trê n đỉnh một quả đồi dốc về phía toà nhà, một hình ảnh phản chiếu của mặt tiền mà có độ dốc về hướng ngược lại. Một vài năm sau khi cây trong vườn được trồng đã đạt được sự ổn định và phát triển. Một vài làn gió xuyên qua các tán lá rậm rạp tạo ra sự hấp dẫn phía sau tòa nhà.

Nội thất của công trình tập trung xung quanh hình trụ ở trung tâm. Thang máy tại tất cả các tầng mở ra các sảnh trung tâm trong khu hình trụ, nơi mà các bức tường tròn được nối kết với nhau bằng kính, thép. Các lớp cửa kính tự động mở ra các không gian thiết kế khác nhau hoặc những cái cầu đi bộ mà cắt xuyên qua không gian các toà nhà.

Gallery được thiết kế không gian mở dành cho nhiều mục đích trông 2 tầng dưới của công trình.; nó có thể được sử dụng cho các triển lãm nghệ thuật, hội chợ hay các buổi hoà nhạc. Đặc điểm chính của hai tầng không gian này là trần cao và được giới hạn bởi các bức tường bằng vật liệu travertine ở một phía và các cung tường trát thạch cao ở phía kia, liên hoàn tạo ra không gian tròn, vuông liên tục. Một cái cầu thép bắc qua không gian tầng 2 t ạo sự kích thích thị giác ở bên phải trong khi vẫn đảm bảo tính trung lập của không gian cho các triển lãm nghệ thuật khác nhau

Có thể bởi vì công trình được đặt cách xa trung tâm sầm uấ t của Tokyo, nên công trình kiến trúc này như viên ngọc quý duy trì những gì vẫn còn chưa được biết đến của người Tokyo. Hầu như mỗi ngày trong tuần, những người khách đến đây có khi chỉ là một vài kiến trúc sư hay nhà thiết k ế, những người mà vì công việc nên mới đến đây. Ở m ột khía cạnh nào đó có thể khẳng định chắc chắn rằng hầu hết những người khách đến đây đều muốn đi dạo thơ thẩn xung quanh, dưới vòm cổng hay trong khu vườn, qua các phòng trưng bày để cảm nhận được sự tĩnh mịch, thanh thản của tâm hồn.

Dịch sang tiếng Việt: Công ty tư vấn thiết kế kiến trúc & thương mại WEDO

Nguồn : Tokyo culture

 

READ MORE

Chung cư dành cho người thu nhập thấp: Hoàn thành rồi… bỏ không

Trong khi nhiều gia đình chen chúc vài ba thế hệ trong căn phòng tập thể chật chội, nhiều chung cư dành cho người có thu nhập thấp ở Hà Nội đã hoàn thiện từ cuối năm 2002 nay vẫn khóa cửa bỏ không.

Doanh nghiệp mắc nợ

Hiện Hà Nội có các khu chung cư B3, B4, B5 ở Mai Dịch, Cầu Diễn; CT1B Xuân La năm tầng; tòa nhà chín tầng Xuân Đỉnh đã hoàn thiện song phần lớn đều trong tình trạng phơi nắng phơi sương.

Ông Nguyễn Chí Sỹ, giám đốc Công ty Đầu tư và xây dựng số 2 – chủ đầu tư chung cư B3, B5, cho biết để bán được những căn hộ này, thành phố sẽ đưa xuống một danh sách người được mua nhà, xét duyệt giá bán các căn hộ, căn cứ theo đó công ty mới được bán chứ không phải ai đủ tiêu chuẩn mua thì trực tiếp đăng ký với công ty.

Tổng vốn đầu tư hai khu chung cư trên hơn 10 tỉ đồng, trong đó công ty sử dụng cả vốn vay thương mại. Ông Sỹ cho hay khó khăn ở chỗ nhà không bán được thì vốn bị đọng lại phải chịu lãi suất cao, chưa kể công ty tốn không ít chi phí bảo dưỡng tân trang các thiết bị xuống cấp.

“Hồi nhận dự án chúng tôi chỉ vay một năm vì nghĩ sẽ bán được nhà ngay sau khi hoàn thành, ai ngờ gần ba năm rồi mà vẫn để không. Ngân hàng đã chuyển toàn bộ phần vốn vay sang nợ quá hạn chịu lãi phạt”, ông nói.

Tình cảnh của Công ty xây dựng Hồng Hà cũng không khác gì. Gần trăm căn hộ hoàn thiện cách đây hai năm vẫn trong tình trạng nhà không vườn trống, kéo theo cả chục tỉ đồng nợ đọng. Đại diện công ty cho hay đã gửi hàng chục công văn đề nghị UBND TP nhanh chóng ban hành cơ chế bán nhà nhằm giải quyết khó khăn cho họ, nhiều cuộc họp đã được triệu tập song mọi việc đâu vẫn hoàn đấy.

Nộp đơn rồi chờ

Trong khi đó, rất nhiều hộ dân bức xúc về vấn đề nhà ở. Bà Nguyễn Thị Vân trú tại số 8, ngách 49, ngõ Thịnh Hào 3 nói gia đình bà có bảy người thuộc ba thế hệ đang sống trong căn hộ 25m2, thu nhập chỉ dựa vào lương nên không có khả năng tài chính. Bà đã làm đơn đề nghị được mua nhà dành cho người có thu nhập thấp từ mấy năm rồi mà vẫn chưa được.

Theo Sở Tài nguyên – môi trường và nhà đất Hà Nội, đã có 25 căn hộ tại 228 đường Láng được bán thí điểm cho người có thu nhập thấp. Đối tượng được mua là công nhân viên chức có hộ khẩu tại Hà Nội, mức lương tối thiểu dưới 400.000 đồng/tháng và chưa được cơ quan phân nhà đất. Các căn hộ có giá thấp hơn giá thị trường 30%, người mua sẽ trả lần đầu 70% giá trị xây dựng, còn lại sẽ trả góp trong 10 năm.

Thu nhập thấp: chưa định nghĩa

Giám đốc Sở Tài nguyên – môi trường và nhà đất Hà Nội Vũ Văn Hậu cho biết vướng mắc lớn nhất nằm ở chỗ đến nay thành phố vẫn chưa đưa ra được định nghĩa thế nào là thu nhập thấp bởi ngoài lương, người dân có nhiều khoản thu nhập khác mà cơ quan chức năng không thể kiểm soát được. Ngay qui chế bán nhà trả góp cho cán bộ công nhân viên chức, họp nhiều lần vẫn nằm ở dạng dự thảo.

Một điểm khác khiến các công ty xây dựng lo lắng là cơ chế chi trả. Số đông người có thu nhập thấp hiện không đủ sức chi trả liên tục và khả năng chây ỳ cao, nếu kéo dài thời gian tới 10 năm thì theo họ cũng đủ mệt, mà họ đã ở rồi thì dù có nợ tiền cũng không thể kéo họ ra khỏi nhà.

Trong khi đó, hơn 200 tỉ đồng của Quĩ Phát triển nhà ở Hà Nội mới chỉ giải ngân 50%. Thành phố từng đề nghị quĩ cho người có nhu cầu mua nhà và dùng chính ngôi nhà đó làm vật thế chấp nhưng Bộ Tài chính không chấp nhận phương án này do khả năng trả nợ thiếu khả thi.

READ MORE

Nét truyền thống trong kiến trúc dân tộc

Nền kiến trúc độc đáo của mỗi dân tộc trên thế giới đều trải qua quá trình lịch sử dài lâu gắn liền với tính đặc thù của quá trình phát triển của dân tộc mình về mọi mặt.

Tuy nhiên, kiến trúc dân tộc từ xưa tới nay trên sự cấu thành tương tác bởi các nhân tố địa lý, môi trường, môi sinh và các hoàn cảnh kinh tế xã hội, đặc biệt còn phải kể đến một nhân tố quan trọng đó là ảnh hưởng của sự giao lưu văn hóa giữa các vùng, miền dân tộc, các quốc gia và cộng đồng quốc tế thể hiện qua văn hóa vật chất lẫn lối sống, tập quán, thái độ ứng xử của con người trước hoàn cảnh, trong đời sống thường nhật và cả trong đời sống văn hóa tâm linh. Do đó, để nghiên cứu bản sắc dân tộc nói chung và tìm hiểu nét truyền thống trong kiến trúc nói riêng cần phải phát hiện và tập hợp những nét riêng độc đáo, đặc thù, cốt lõi và tinh túy của quá trình hình thành và phát triển này.

Nền kiến trúc truyền thống Việt Nam ngay ở thời kỳ văn hóa Đông Sơn thế kỷ thứ III trước Công nguyên đã định hình với đặc trưng là ngôi nhà sàn dáng hình độc đáo mà hình ảnh của nó được ghi lại trên trống đồng Ngọc Lũ. Những ngôi nhà sàn thời cổ có mái võng hình thuyền thuộc loại nhà có sàn thấp, với 3 gian thông nhau, bếp đặt ở chính giữa nhà, nhà có trang trí ở nóc, hồi, trên cột mái theo mô típ hình chim. Tuy nhà không lớn nhưng có hình dáng, tỷ lệ rất đẹp, phù hợp với tầm vóc của con người. Nhà sàn thời văn hóa Đông Sơn làm bằng tre, nứa, gỗ, và lợp lá nhưng không giống các nhà sàn khác của nhiều vùng trên thế giới. Xã hội trong thời kỳ sau này do đã có sự phân hóa giai cấp nên nhà cửa cũng to nhỏ, có sự trang trí khác nhau như dinh thự, cung điện của An Dương Vương, thành Cổ Loa thể hiện sự phòng thủ và kiên cố bên cạnh nhà ở của dân thường đơn sơ bằng thảo mộc. Từ cội nguồn, kiến trúc truyền thống chia thành 2 dòng:

Dòng kiến trúc dân gian với nhà ở nông thôn có qui mô nhỏ, gặp phổ biến trong các làng xã cổ truyền ở các đô thị cổ Việt Nam. Loại kiến trúc dân gian này đến nay vẫn còn tồn tại ở nhiều vùng với các sắc thái địa phương của nó. Một số ít còn lưu lại trong các khu phố cổ ở một số thành phố, thị trấn…

Dòng kiến trúc chính thống bao gồm các thể loại: kiến trúc cung điện, dinh thự, kiến trúc lăng mộ, thành trì, kiến trúc tôn giáo như chùa, đình làng… thường có qui mô lớn, có sự tập trung tài năng, trí tuệ của các nghệ nhân, thợ cả của cả một vùng, một quốc gia.

Dòng kiến trúc chính thống này là tiêu biểu của kiến trúc truyền thống Việt Nam. Nó đã tập trung được sức người, sức của, đã khai thác được trí tuệ và bàn tay khéo léo của những người thợ Việt Nam. Nói như vậy cũng không loại bỏ kiến trúc dân gian, không chứa chất các giá trị của truyền thống kiến trúc Việt Nam, văn hóa bản sắc dân tộc. Hay nói một cách cụ thể hơn, phấn đấu cho một nền kiến trúc tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Khi nói đến tính dân tộc và hiện đại trong kiến trúc không thể không nghiên cứu các đặc sắc của văn hóa dân tộc vì đặc sắc của văn hóa làm cho mỗi dân tộc hiện ra với những nét độc đáo phân biệt được với các dân tộc khác.

Bản sắc dân tộc chính là cái cốt lõi, cái tinh túy của đặc thù dân tộc. Nó thể hiện ở mọi lĩnh vực cụ thể của đời sống, đặc biệt trong văn hóa và nghệ thuật. Đó là kết quả của một quá trình tích luỹ kinh nghiệm lâu dài, thông qua cách ứng xử thông minh, sáng tạo, khắc phục những khó khăn, các mặt hạn chế, những ràng buộc của điều kiện sống bởi hoàn cảnh địa lý, lịch sử, để từ đó bộc lộ một bản lĩnh thích ứng tối đa, hiệu quả với hoàn cảnh đó, không những chế ngự nó mà còn biết khai thác một cách khoa học và khôn ngoan.

Riêng nói về bản sắc truyền thống trong kiến trúc Việt Nam có một số đặc điểm sau: Sự khiêm tốn và đơn giản về khối hình, kiến trúc thường cân xứng, hướng nội nhưng hài hòa với khung cảnh thiên nhiên như muốn hòa nhập hữu cơ theo quan điểm “nhất thể vũ trụ”, “âm dương quân bình” và “thiên nhiên hợp nhất”. Các công trình công cộng hơi thiên về chất hoành tráng và điêu khắc, nhưng là tính hoành tráng tìm thấy trong thủ pháp tổ hợp không gian trên nguyên tắc không thiên về tính đồ sộ đối chọi hay lấn át thiên nhiên của khối hình như trục thần đạo, các tầng lớp sân, tam cấp, các hệ không gian liên hoàn nửa mở, nửa đóng… Chú ý đến tính biểu tượng, tính ẩn dụ, sự hàm súc, chất điêu khắc của giải pháp tổ chức kiến trúc nghệ thuật, làm cho công trình từ nội dung đến hình thức như chứa đụng chất triết lý, sức biểu hiện nghệ thuật âm thầm, kín đáo nhưng sâu lắng trí tuệ. Từ tổ chức không gian đến kết cấu chất liệu đơn giản, khúc triết, hợp lý, cân bằng và hài hòa với đặc điểm sinh thái môi trường, đạt trình độ cao của nguyên tắc xây dựng điển hình “tối thiểu là tối đa”… Không gian được tận dụng ứng xử linh hoạt, đa năng, biến hóa phong phú, vừa hòa nhập dễ dàng với thiên nhiên môi trường, vừa thích ứng với hoạt động đời sống nông nghiệp kết hợp với thủ công nghiệp của vùng nhiệt đới ẩm có gió mùa với các dạng không gian buồng phòng, hiên thoáng, sân trong, sân ngoài… thật phong phú, sinh động và thích dụng. Ưa trang trí kiến trúc bằng chạm trổ và điêu khắc (ảnh hưởng mạnh kiến trúc nam á) trên các bộ phận kết cấu và chi tiết kiến trúc nhằm làm giảm nhẹ sức nặng, tạo sự phong phú khi con người tiếp cận gần nhưng khi nhìn xa vẫn hoành tráng, ấn tượng khỏe khoắn. Về tạo hình, chú trọng cái đẹp về tỷ lệ hài hòa, tỷ xích nhân văn nhằm nhấn mạnh sức truyền cảm có sự thống nhất từ chi tiết đến tổng thể làm cho kiến trúc vừa thuận mắt dễ coi, vừa gần gũi với tầm vóc người Việt Nam. Vậy là bản sắc kiến trúc được quyết định trước tiên bởi những đặc thù của điều kiện tự nhiên như địa lý, sinh thái, khí hậu, yếu tố tương đối bền vững, ví dụ: Để phù hợp với điều kiện này, nhà ở thường trải dài, bám sát mặt đất hoặc bỏ trống tầng 1 (nhà sàn) để tạo sự thông thoáng, chống ẩm. Nhà có cửa sổ rộng, mái che chống chói, mưa tạt. Xen lẫn vào các không gian ở có mảnh sân, vườn cây, hồ nước, thảm cỏ, nhằm tận dụng bóng mát, cải tạo vi khí hậu các buồng phòng, tạo tầm nhìn đẹp. Kiến trúc thường hòa nhập, náu mình trong vườn cây… Sau các yếu tố trên mới đến các yếu tố văn hóa, xã hội, kinh tế, kỹ thuật dễ biến đổi và thích ứng theo hướng hiện đại.

Thái độ ứng xử trước hoàn cảnh, bảng thang giá trị của con người Việt Nam cũng góp phần quan trọng, tạo nên nét riêng của giá trị truyền thống kiến trúc, ví dụ: Tình làng nghĩa xóm tạo ra lối sống cộng đồng hài hòa, cởi mở, hiếu khách, quan tâm đến nhau. Đời sống gia đình không chỉ bó kín sau cánh cổng. Cuộc sống gắn chặt với cộng đồng biểu hiện ngay trong khuôn viên gia đình, trên ngõ xóm, đường làng, dưới gốc đa, bên quán nước, trên sân đình, vườn chùa…

Kiến trúc truyền thống dân tộc muốn được phát huy và tỏa sáng thường phải là kết quả của một quá trình kế thừa liên tục các giá trị di sản cộng với sự tìm tòi, khám phá và sáng tạo những biểu hiện mới của những tài năng lớn biết khai thác và trân trọng các giá trị truyền thống trong sự năng động. Ngày nay, sẽ không có kiến trúc Nhật Bản, Na Uy… hiện đại, đầy bản sắc nếu như các nước này không có các kiến trúc sư lớn như Mayekawa, Junio Sakakura, Kenzo Tange, Alvar Alto, Jacobson… Như chúng ta biết, kiến trúc thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, nhưng thiên về khoa học xã hội. Vì vậy, cần có một phương pháp luận đúng đắn trong việc nghiên cứu mới mong tập hợp, phát hiện được đầy đủ các giá trị truyền thống. So sánh, phân tích cùng với những lý giải khoa học trong sự đối chiếu mới có thể phát hiện những nét riêng đặc thù, thấy được đâu là các yếu tố bản địa, ổn định, bền vững, đâu là yếu tố ngoại lai, hỗn dung văn hóa, cái theo mốt chỉ xuất hiện tạm thời… Đã là bản sắc văn hóa, bản sắc kiến trúc thì phải là cái truyền thống đã được thử thách qua thời gian, qua lịch sử, là kết quả của một chuỗi kế thừa và phát triển tương đối liên tục, có được sức sống bền bỉ. Vì vậy, rõ ràng không thể xây dựng tiêu chí hay định chuẩn cho bản sắc kiến trúc, vì bản sắc văn hóa hay kiến trúc là một khái niệm, một phạm trù bao trùm, phức tạp đến mức trừu tượng, mang tính khái quát cao. Cái chứa đựng nhiều nhất bản sắc làm cho dân tộc đó hiện ra những nét độc đáo, phân biệt với các dân tộc khác thường không ở những biểu hiện về mặt hình thức cụ thể vốn dễ thay đổi khi mức sống, trình độ văn minh phát triển như y phục, kiểu cách tổ chức, không gian sống, tiện nghi, hình thức mái nhà, cấu trúc xây dựng… mà ở lối sống, triết lý thẩm mỹ, thói quen ứng xử, tập quán và bảng thang giá trị… có sức lưu giữ sâu sa và bền bỉ.

Từ cách phân tích, so sánh cho thấy, trong các biện pháp tổ hợp nghệ thuật của từng cặp đối xứng như biến hóa và tương phản, tỉ lệ và tỉ xích thì kiến trúc Việt Nam thiên về biến hóa và tỉ lệ, cái đẹp, cái khéo của tác phẩm kiến trúc truyền thống Việt Nam có thể tìm thấy khá rõ ở sự phân tích sâu sắc, tính hài hòa, thống nhất và thanh thoát, gần gũi với con người thông qua tỉ lệ về cái đẹp, sự tinh tế và uyển chuyển giữa các chi tiết với nhau, giữa các chi tiết với tổng thể, tổng thể với con người, với cảnh quan. Ngoài ra, kiến trúc Việt Nam cũng không nhấn mạnh yếu tố màu sắc, chất họa hình mà chú ý nhiều đến sự hỗ trợ của phù điêu và ánh sáng.

Đặc điểm và bản sắc kiến trúc truyền thống trong kiến trúc hiện đại Việt Nam có lẽ cần thể hiện ở giải pháp tổ chức không gian theo tinh thần dân tộc, phù hợp với đặc thù khí hậu, cách ứng xử với thiên nhiên và con người trong văn hóa đời thường và sinh hoạt tâm linh người Việt. Có thể nói, tính dân tộc trong kiến trúc được hình thành bởi sự hài hòa nhất thể của 3 yếu tố cơ bản là thiên nhiên, con người và xã hội. Nhờ đó, ông cha ta đã dựng nên các công trình phù hợp với tỷ lệ tầm thước của con người Việt Nam, gắn bó, hòa hợp với thiên nhiên và thể hiện rõ các bản sắc. Kiến trúc hiện đại chỉ có thể tiếp nối con đường đó để phấn đấu có một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc./.

READ MORE

Rủi ro khi mua nhà trên giấy

Tình trạng bán nhà trên giấy đang diễn ra khá phổ biến nhưng hiện chưa có cơ quan nào kiểm soát và xử lý. Trong khi đó, nghị định hướng dẫn Luật Kinh doanh BĐS mới đã có một số quy định có thể khiến người mua nhà kiểu này gặp rủi ro.

Sau The Vista, sáng 22/10, Công ty cổ phần Vạn Phát Hưng cũng đã bán đợt đầu tiên khu căn hộ Phú Xuân (thuộc xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, TP HCM). Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Giám đốc Truyền thông Vạn Phát Hưng cho biết, khu căn hộ này là một dự án nằm trong tổng thể dự án khu dân cư Phú Xuân của công ty đã được đầu tư hạ tầng gần hoàn chỉnh. Do vậy, công ty được phép huy động vốn của khách hàng.

Trước đó, dự án The Vista chưa được xây dựng phần móng nhưng đã huy động vốn thông qua việc ký hợp đồng mua bán căn hộ. Ngoài ra, nhiều dự án xây dựng căn hộ khác như khu căn hộ trên đường Phan Huy Ích, phường 15, quận Tân Bình; dự án đường Tạ Quang Bửu, quận 8… (TP HCM) cũng đều chưa hề xây dựng xong phần móng công trình nhưng đã huy động vốn của khách hàng và quảng cáo rao bán trên các phương tiện thông tin.

Theo nghị định hướng dẫn Luật Kinh doanh bất động sản, chủ đầu tư chỉ được huy động vốn khi bắt đầu triển khai xây dựng hạ tầng thì việc bán nhà tại dự án căn hộ trong tổng thể dự án khu dân cư Phú Xuân (đã xây dựng hạ tầng) của Công ty Vạn Phát Hưng là hợp pháp. Tuy nhiên, theo Luật Nhà ở về vấn đề mua bán nhà ở thương mại có hiệu lực từ 1/1/2006, chủ đầu tư chỉ được phép huy động vốn của khách hàng khi đã được duyệt thiết kế kỹ thuật và xây dựng xong phần móng công trình. Như vậy, việc bán nhà tại dự án khu căn hộ Phú Xuân vẫn có điều bất ổn. Đây cũng là sự thiếu thống nhất giữa các bộ luật hiện nay.

Hiện chuyện chủ đầu tư tung dự án ra thị trường để huy động vốn, trong đó không ít dự án đã bán dù chưa đền bù xong là chuyện phổ biến. Một dự án hàng chục ha tại huyện Nhà Bè (TP HCM) vừa được một trung tâm môi giới địa ốc ở quận 4 rao bán giá 5-7 triệu đồng mỗi m2. Hỏi về tính pháp lý của dự án, một nhân viên lấp lửng: “Thì bán ra mới có tiền để đền bù chứ”. Nhưng mức giá trên không phải là giá gốc mà đã là giá sang tay vài người rồi. Lỡ dự án không đền bù được thì sao? “Làm gì có chuyện đó. Chủ dự án đã đền bù gần hết rồi. Còn nếu không được thì chủ đầu tư sẽ trả lại tiền góp, cộng lãi suất ngân hàng. Lo gì”, nhân viên này tiếp lời.

Một chuyên gia địa ốc nói hầu hết các dự án hiện nay đều huy động theo một trong các hình thức huy động vốn khi dự án chưa đền bù xong, dự án đền bù xong chưa được cấp phép xây dựng… Tuy nhiên, không ít dự án đã huy động vốn của khách hàng 3-4 năm qua mà nay vẫn còn “trên giấy”, chưa giải tỏa đền bù xong. Trong khi giá đất ngày càng tăng cao khiến việc đền bù càng khó khăn hơn.

Ông Nguyễn Anh Khiêm, Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư địa ốc Hưng Phú, cho biết theo quy định của Luật nhà ở, thời điểm doanh nghiệp được huy động vốn từ người mua nhà sớm hơn vì chỉ cần dự án được phê duyệt, đã có mặt bằng và xây dựng xong phần móng.

Các công ty môi giới địa ốc ước tính từ đầu năm đến nay có hơn 10 dự án chung cư tung hàng ra thị trường với số lượng gần 3.000 căn hộ. Dù con số này khá cao so với năm 2006 nhưng so với nhu cầu của thị trường thì vẫn còn ít. Theo chuyên gia Nguyễn Ngọc Dương, gần đây những người quan tâm đến thị trường địa ốc ngày càng nhiều, trong khi người đầu tư cũ đã “buông” được một lượng hàng “ôm” trước đó. Cho nên dù dự án được công khai hoặc rao bán “ngầm” thì số lượng căn hộ đều được bán chóng vánh, trừ những dự án ở các khu vực ven, xa trung tâm.

Nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, Đặng Hùng Võ, cho biết dù Luật Nhà ở đã quy định như vậy, nhưng việc áp dụng luật trong những trường hợp mua bán nhà trong thời gian gần đây vẫn chưa đi vào trật tự. Điều đó cho thấy sự phản ứng yếu ớt, chậm chạp của các cơ quan quản lý nhà nước, sự bất lực và không kiểm soát nổi thị trường bất động sản khiến cho giá nhà đất tăng lên quá nhanh”.

Còn nếu theo nghị định mới thì doanh nghiệp sẽ phải triển khai xây dựng hạ tầng gồm hệ thống giao thông, đường sá, cấp thoát nước, điện… của cả dự án thì mới được huy động vốn. Giữa thời điểm được huy động vốn theo Luật nhà ở và nghị định hướng dẫn Luật kinh doanh bất động sản đã có một khoảng cách rất xa, doanh nghiệp không biết phải tuân theo quy định nào cho đúng. Vấn đề này cần phải có sự hướng dẫn cụ thể thì các doanh nghiệp mới có thể áp dụng thống nhất được. Tuy nhiên, nếu áp dụng điều kiện huy động vốn theo nghị định 153 thì sẽ có hàng loạt nhà đầu tư phải bỏ cuộc do không có đủ tiềm lực để làm dự án.

Theo luật sư Huỳnh Văn Nông, Công ty Luật TNHH Sài Gòn Luật, việc doanh nghiệp huy động vốn đến 95% giá trị căn nhà hoặc căn hộ chung cư trong khi chưa xây dựng cơ sở hạ tầng khu nhà ở hoặc chung cư là vi phạm Luật nhà ở và Luật kinh doanh bất động sản. Theo đó, doanh nghiệp chỉ được huy động vốn tối đa là 70% giá trị nhà ở hoặc chung cư ghi trong hợp đồng. Còn theo điều 14 Luật kinh doanh bất động sản thì doanh nghiệp chỉ được phép huy động vốn lần đầu khi đã hoàn tất việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Tùy tính chất, mức độ vi phạm, doanh nghiệp có thể bị xử phạt hành chính hoặc người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trong trường hợp gây thiệt hại, còn phải bồi thường.

Hiện phần lớn các cá nhân mua nhà ở đều ký hợp đồng huy động vốn theo mẫu của doanh nghiệp soạn sẵn. Hợp đồng này thông thường chỉ quy định các điều khoản có lợi cho doanh nghiệp. Vì vậy trước khi mua, người mua cần xem xét rất kỹ các điều khoản của hợp đồng, đặc biệt là điều khoản về tiến độ xây dựng dự án, mô tả chi tiết nhà ở mà doanh nghiệp sẽ bán. Đồng thời nên yêu cầu ghi nhận các điều khoản về bồi thường thiệt hại nếu một trong các bên vi phạm hợp đồng.

 

READ MORE

Chăm sóc cây cảnh trong nhà

Chỉ cần tận dụng những khoảng nhỏ trong phòng khách, phòng ăn hay ban công là có thể tạo được những khoảng xanh lý tưởng. Cây xanh còn được dùng làm vách ngăn trang trí để phân chia không gian trong nhà. Tuy nhiên, cần lưu ý một vài nguyên tắc chăm sóc những loại cây này.

Trong phòng khách, nên đặt cây xanh tại những góc khó trang trí như cạnh tủ TV để làm nhẹ cảm giác nặng nề. Có thể sắp xếp một góc riêng đặt những chậu cây xanh có độ cao thấp khác nhau. Trong phòng ăn, vị trí đặt cây xanh (xương rồng) phù hợp là trên kệ hoặc cạnh bồn rửa. Với cửa sổ, ban công có thể chơi cây treo hoặc sống đời, xương rồng.

cay1

Đại phú gia mang phú quý tài lộc đến nhà.

Nên cho cây tiếp xúc từ từ với điều kiện thiếu sáng trong nhà để cây thích nghi dần với môi trường mới. Khi đem cây vào nhà cần rải một lớp sỏi trắng trên mặt chậu cảnh vừa để trang trí vừa phòng tránh muỗi. Nên dùng chậu cảnh có đĩa đệm bên dưới dễ di chuyển và thoát nước tốt, tránh trồng các loại dây leo có phấn hoặc bụi ảnh hưởng đến hô hấp, tránh để cây xanh trong phòng ngủ, không tốt cho sức khỏe. Ngoài cây xanh, những loại hoa như lan ý, hồng môn, hòn ngọc viễn đông… với nhiều màu sắc là một lựa chọn tạo điểm nhấn sinh động cho ngôi nhà.

cay3

Đặt cây xanh ở những nơi khó bài trí đồ đạc.

Các cây xanh trồng trong nhà phát triển tốt như đại phú gia, đại liên thanh, bạch mã, thiết mộc lan, lan bạch chỉ (cây thấp), hồng môn, rệu đỏ, thiên thanh Nhật… Với những loại cây này tốn ít công sức và thời gian chăm sóc, xanh tươi quanh năm, nhất là vào mùa xuân, chỉ cần hai năm đảo đất một lần. Vị trí cầu thang ít ánh sáng bạn có thể chơi chậu chơi lá. Chậu cây nên có chiều cao từ 0,8 đến 1,2 m.

cay2

Cây nên để chỗ có ánh sáng mặt trời.

Nếu muốn chơi hoa trong nhà thì bạn cần quan tâm đến việc đảo cây thường xuyên ra vị trí có nắng và có chậu cây thay thế để khoảng 1 -3 tháng đảo cây ra ngoài một lần. Khi đảo tránh đảo đột ngột, nên cho cây tiếp xúc từ từ với điều kiện ánh sáng mới.

Để cây luôn xanh tốt trong nhà, bạn có thể dùng thêm đèn ánh sáng ban ngày (day-light), ánh sáng phát ra từ loại đèn này giống ánh sáng mặt trời nên cây có thể quang hợp được như ngoài môi trường tự nhiên.

READ MORE

Công bố Quy hoạch điều chỉnh ô đất NO-01 và NO-02 khu nhà ở cho công nhân thuê tại xã Kim Chung – huyện Đông Anh

Công bố – bàn giao Quy hoạch chi tiết Điều chỉnh cục bộ quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất các ô đất trong “Quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) khu đất xây dựng nhà ở thí điểm phục vụ công nhân tại xã Kim Chung – huyện Đông Anh — Hà Nội”.

Ngày 9/11/2006 Sở Quy hoạch – kiến trúc phối hợp với UBND huyện Đông Anh tổ chức Công bố – bàn giao Quy hoạch chi tiết Điều chỉnh cục bộ quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất các ô đất trong “Quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) khu đất xây dựng nhà ở thí điểm phục vụ công nhân tại xã Kim Chung – huyện Đông Anh — Hà Nội”.

kimchungqr2

Theo nội dung quyết định 173/2006/QĐ-UBND ngày 25/9/2006, Thành phố đã phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất các ô đất ở (ký hiệu NO-01 và NO-02) trong Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu đất xây dựng nhà ở thí điểm phục vụ công nhân tại xã Kim Chung – huyện Đông Anh do Công ty Cổ phần tư vấn Đầu tư xây dựng phát triển đô thị Hà Nội lập tháng 8/2006, cụ thể:

– Ô đất NO-01 có diện tích 24.216m2 với mật độ xây dựng 33,9% – tầng cao trung bình 5,03 tầng – hệ số sử dụng đất 1,71 lầ

– Ô đất NO-02 có diện tích 26.659m2 với mật độ xây dựng 30% – tầng cao trung bình 5,0 tầng – hệ số sử dụng đất 1,5 lần

Mục đích xây dựng một khu nhà ở phù hợp với yêu cầu phục vụ đời sống xã hội của công nhân trong khu vực (đặc biệt là khu công nghiệp Bắc Thăng Long), có giải pháp tổ chức loại hình và không gian nhà ở phục vụ cho công nhân thuê

điều chỉnh cục bộ quy hoạch này được công bố và bàn giao cho Chính quyền huyện Đông Anh, UBND xã Kim Chung là cơ sở pháp lý để lập dự án đàu tư xây dựng, làm cơ sở để các cơ quan, chính quyền địa phương quản lý xây dựng theo quy hoạch, đáp ứng tình hình thực tế và nhu cầu của xã hội.

READ MORE

Đình chỉ công trình xây dựng Trung tâm thương mại và văn phòng – khu Bắc Linh Đàm

Ngày 16/3/2007, UBND phường Đại Kim, quận Hoàng Mai đã lập biên bản vi phạm hành chính về hoạt động xây dựng đối với Xí nghiệp XD tư nhân số 1 Lai Châu, chủ đầu tư của công trình 13 tầng xây dựng có diện tích đất 2.015m2 nằm tronglô đất có ký hiệu CC2 (theo quy hoạch chi tiết khu nhà ở Bắc Linh Đàm). Công trình đã xây dựng sai với hồ sơ thiết kế được duyệt, cả phần nổi lẫn phần chìm đều lấn ra ngoài phạm vi được phép xây dựng công trình. Hiện nay công trình đã đình chỉ xây dựng nhưng cũng đã kịp xây đến tầng 6 và 1 tầng hầm.

Phường nhận lỗi… chưa sâu sát

Trao đổi với chủ tịch UBND phường Đại Kim Nguyễn Quốc Quyết, được biết công trình khởi công vào cuối tháng 9/2006 nhưng không hề thông báo với chính quyền địa phương. Cũng như nhiều công trình sai phạm khác, chủ đầu tư thường tránh né, không cung cấp đầy đủ hồ sơ cho địa phương. UBND phường Đại Kim đã phải làm việc tới lần thứ 3 thì đại diện của Xí nghiệp XD tư nhân số 1 Lai Châu mới cung cấp các tài liệu liên quan. Ngày 16/3/2007, UBND phường phối hợp cùng Thanh tra XD quận vào kiểm tra thì phát hiện công trình xây dựng sai hồ sơ thiết kế được duyệt. Mặc dù thuộc đối tượng miễn phép nhưng các văn bản pháp lý có liên quan đã quy định khá cụ thể các thông số, chỉ tiêu liên quan đến dự án. Theo đó, diện tích xây dựng tầng hầm để xe của công trình là 790m2, từ tầng 1- 7 diện tích xây dựng 728m2. Tuy nhiên, tầng hầm và tầng 1,2 đã xây dựng với diện tích thực tế là 826m2 (từ tầng 3 – 6 xây thụt vào đúng diện tích cho phép).

Ông Quyết cho biết, khi phát hiện sai phạm, UBND phường kiên quyết đình chỉ có hiệu lực nhưng chủ đầu cũng “quyết tâm” xây tiếp. Hỗ trợ cho chính quyền phường, công an phường Đại Kim đã cử cán bộ trực chốt tại khu vực, không cho thợ tiếp tục xây dựng. Đến buổi làm việc giữa UBND phường với chủ đầu tư vào ngày 24/3/2007, trước yêu cầu chủ đầu tư phải dỡ bỏ toàn bộ phần xây dựng sai với hồ sơ với thời hạn là 10 ngày, nếu không thực hiện phường sẽ tổ chức cưỡng chế thì chủ công trình mới cam kết dừng thi công. Để sai phạm diễn ra trong thời gian khá dài và tính chất sai phạm lại rất khó xử lý, ông Quyết đã thẳng thắn thừa nhận lỗi của chính quyền địa phương là đã thiếu sâu sát, không kịp thời đôn đốc cán bộ quản lý kiểm tra cụ thể.

Chủ đầu tư xin điều chỉnh quy hoạch… lần thứ 2

Theo quy hoạch chi tiết khu nhà ở Bắc Linh Đàm tỷ lệ 1/500 đã được UBND thành phố phê duyệt năm 1997, lô đất có ký hiệu CC2 được xác định với chức năng xây dựng công trình công cộng cấp thành phố như trung tâm thương mại, trung tâm hội thảo… có diện tích 9.116m2; mật độ xây dựng 45,47%; tầng cao trung bình 3 tầng (cao nhất 4 tầng); hệ số sử dụng đất 1,42 lần. Trong đó công trình siêu thị Bắc Linh Đàm đã được xây dựng với quy mô 2 tầng trên diện tích đất khoảng 1.950m2, ở phía bắc lô đất. Năm 2001, Xí nghiệp XD tư nhân số 1 Lai Châu nhận chuyển giao hạ tầng kỹ thuật công trình siêu thị Bắc Linh Đàm tại lô CC2 để khai thác sử dụng. Được sự chấp thuận của Thành phố tại văn bản số 557/UB-XDĐT cho phép điều chỉnh cục bộ quy hoạch lô đất này, Sở QH-KT đã có văn bản số 1516/QHKT-P1 ngày 21/9/2005 về việc thỏa thuận quy hoạch tổng mặt bằng và phương án thiết kế sơ bộ lô đất CC2 khu nhà ở Bắc Linh Đàm với những thông số như: diện tích đất nghiên cứu là 2.015m2; mật độ xây dựng 39,7%; công trình cao 13 tầng…

Theo nội dung giấy cam kết của ông Lê Thanh Thản, giám đốc Xí nghiệp XD tư nhân số 1 Lai Châu ký ngày 26/3/2007 gửi UBND phường Đại Kim, chủ đầu tư đang tiếp tục xin điều chỉnh công trình trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê tại khu đất CC2. Theo đó, chủ đầu tư xin nâng chiều cao công trình từ 13 lên hơn 20 tầng và chuyển mục đích sang xây dựng khách sạn 5 sao. Hiện nay, Xí nghiệp đang trình Sở QH-KT và Thành phố xem xét, phê duyệt. Ông Thản cam kết: “Nếu không được phê duyệt, Xí nghiệp sẽ thi công như dự án cũ”. Được biết, tổ hợp công trình này và khách sạn, nhà hàng Mường Thanh ngay sát công trường đang xây dựng đều do Xí nghiệp XD tư nhân số 1 Lai Châu đầu tư.

Đến thời điểm này chưa rõ đề nghị điều chỉnh của doanh nghiệp có được chấp thuận hay không (?). Trường hợp không được chấp thuận chắc hẳn chủ đầu tư cũng khó bề thực hiện được cam kết “thi công như dự án cũ” bởi công trình bằng bê tông, cốt thép chứ đâu phải chiếc bánh ga tô để có thể dễ dàng “xắn” bỏ phần “thừa”.

READ MORE

Quần thể di tích Cố đô Huế

Được UNESCO công nhận năm 1993.

Di sản văn hoá; Tiêu chí số 4.

Là thủ đô cũ của Việt Nam độc lập từ năm 1802 nên Huế không chỉ là một trung tâm chính trị mà còn là một trung tâm văn hoá, tôn giáo của triều đại nhà Nguyễn cho đến 1945. Dòng sông Hương uốn quanh qua Kinh thành, qua Hoàng thành, qua Tử cấm thành và qua Đại nội, càng làm tăng thêm vẻ đẹp tự nhiên của một kinh đô phong kiến độc đáo này.

Giới thiệu về quần thể di tích cố đô Huế – Di sản văn hoá thế giới

Huế ở trong vùng đất hẹp, ít được thiên nhiên ưu đãi. Nắng mưa khắc nghiệt, chiến tranh liên miên. Trong quá trình hình thành, ngoài cư dân bản địa xứ Huế còn có cư dân tiền trú từ Bắc vào, từ Nam ra và cư dân miền biển lên và cả từ trên miền cao xuống.

Huế là nơi tiếp giáp giữa hai vùng khí hậu Nam- Bắc. Trong các khu vườn của xứ Huế đều có hoa trái của hai miền Nam – Bắc. Chất ca nhạc Huế bắt nguồn từ phía Bắc có mang sắc thái Chàm phương Nam. Cho nên màu sắc xa xưa của Huế còn lại là sự tích hợp, tiếp thu, kế thừa và phát triển của cả hai miền.

Từ thế kỷ XVI, do biến động lịch sử của dân tộc, nên nhiều cộng đồng người Việt, người Chăm và các dân tộc khác khác đã diễn ra một làn sóng di dân triền miên mà tiêu biểu là cuộc “Nam tiến” lớn nhất do chúa Nguyễn Hoàng vào lập trấn thủ trên đất Thuận Hoá, từ đất ái Tử Quảng Trị trở vào từ năm 1558.

Trong gần 400 năm (1558-1945), Huế đã từng là thủ phủ của 9 đời chúa Nguyễn ở xứ Đàng Trong (bắt đầu từ lộ Thuận Hoá), được thiết lập dưới thời Vương triều Trần (1366). Là kinh đô của triều đại Tây sơn, rồi đến kinh quốc của quốc gia thống nhất dưới 13 triều vua Nguyễn. Cố đô Huế ngày nay vẫn còn lưu giữ trong lòng những di sản văn hoá vật thể và phi vật thể chứa đựng nhiều giá trị biểu trưng cho trí tuệ và tâm hồn của dân tộc Việt Nam. Suốt mấy thế kỷ qua, bao nhiêu tinh hoa của cả nước được chắt lọc hội tụ về đây hun đúc cho một nền văn hoá đậm đà bản sắc để hoàn chỉnh thành một bức cảnh thiên nhiên tuyệt vời với sông núi hữu tình thơ mộng. Bởi vậy, nói đến Huế, người ta nghĩ ngay đến nhữnh thành quách, cung điện vàng son, những đền đài miếu vũ lộng lẫy, những lăng tẩm uy nghiêm, những danh lam cổ tự trầm tư u tịch, những thắng tích do thiên nhiên khéo tạo.

Trên nền tảng vật chất và tinh thần đã được hình thành ở Huế từ đầu thế kỷ XIV (khi Vua Chăm là Chế Mân dâng hai châu Ô, Rí cho nhà Trần để làm lễ sính cưới công chúa Huyền Trân), các chúa Nguyễn (thế kỷ XVI-XVIII), triều đại Tây Sơn (cuối thế kỷ XVIII) và 13 đời vua Nguyễn (1802-1945) đã tiếp tục phát huy và gây dựng ở vùng Huế một tài sản văn hoá vô giá. Tiêu biểu nhất là Quần thể di tích của Cố đô đã được sánh ngang hàng với các kỳ quan hàng ngàn năm của nhân loại trong danh mục Di sản Văn hoá Thế giới của UNESCO.

Nằm giữa lòng thành phố Huế, bên bờ Bắc của sông Hương chảy xuyên qua từ Tây sang Đông, hệ thống kiến trúc biểu thị cho quyền uy của chế độ trung ương tập quyền Nhà Nguyễn vẫn sừng sững trước bao biến động của lịch sử và thách thức của thời gian. Quần thể di tích bao gồm: , , Huế, ba toà thành lồng vào nhau được bố trí đăng đối trên một trục dọc xuyên suốt từ mặt Nam ra mặt Bắc. Hệ thống thành quách ở đây là một mẫu mực của sự kết hợp hài hoà nhuần nhuyễn giữa tinh hoa kiến trúc Đông và Tây, được đặt trong một khung cảnh thiên nhiên kỳ tú với nhiều yếu tố biểu tượng sẵn có tự nhiên đến mức người ta mặc nhiên xem đó là những bộ phần của Kinh thành Huế- đó là núi Ngự Bình, dòng Hương Giang, cồn Giã Viên, cồn Bộc Thanh… Nhìn từ phía ngược lại, những công trình kiến trúc ở đây như hoà lẫn vào thiên nhiên tạo nên những tiết tấu kỳ diệu khiến người ta quên mất bàn tay con người đã tác động lên nó.

Được giới hạn bởi một vòng tường thành gần vuông với mỗi chiều xấp xỉ 600m với 4 cổng ra vào mà độc đáo nhất thường được lấy làm biểu tượng của Cố đô: Ngọ Môn, chính là khu vực hành chính tối cáo của triều đình Nguyễn. Bên trong Hoàng thành, hơi dịch về phía sau là Tử cấm thành- nơi ăn ở sinh hoạt của Hoàng gia.

Xuyên suốt cả ba toà thành, khi thì lát đá cụ thể, khi thì mang tính ước lệ, con đường Thần Đạo chạy từ bờ sông Hương mang trên mình những công trình kiến trúc quan trọng nhất của Kinh thành Huế: Nghinh Lương Đình, Phu Văn Lâu, Kỳ Đài, Ngọ Môn, điện Thái Hoà, điện Cần Chánh, điện Càn Thành, cung Khôn Thái, lầu Kiến Trung…Hai bên đường Thần đạo này là hàng trăm công trình kiến trúc lớn nhỏ bố trí cân đối đều đặn, đan xen cây cỏ, chập chờn khi ẩn khi hiện giữa những sắc màu thiên nhiên, luôn tạo cho con người một cảm giác nhẹ nhàng.

Xa xa về phía Tây Kinh thành, nằm hai bên bờ sông Hương, lăng tẩm của các vua Nguyễn được xem là những thành tựu của nền kiến trúc cảnh vật hoá. Lăng vua, đôi khi lại là một cõi thiên đường tạo ra cho chủ nhân hưởng thú tiêu dao lúc còn sống, rồi sau đó mới trở thành cõi vĩnh hằng khi bước vào thế giới bên kia. Hàm nghĩa như vậy nên kiến trúc lăng tẩm ở đây mang một phong thái hoàn toàn riêng biệt ở Việt Nam.

Mỗi lăng vua Nguyễn đều phản ảnh cuộc đời và tính cách của vị chủ nhân đang yên nghỉ: lăng Gia Long mộc mạc nhưng hoành tráng giữa núi rừng trùng điệp khiến người xem cảm nhận được hùng khí của một chiến tướng từng trải trăm trận; lăng Minh Mạng uy nghi bình chỉnh đăng đối giữa núi rừng hồ ao, được tôn tạo khéo léo, hẳn có thể thấy được hùng tâm đại chí của một chính trị gia có tài và tính cách trang nghiêm của một nhà thơ quy củ; lăng Thiệu Trị thâm nghiêm, vừa thâm trầm giữa chốn đồng không quạnh quẽ, cũng phần nào thể hiện tâm sự của một nhà thơ siêu việt trên văn đàn song không nối được chí tiền nhân trong chính sự; lăng Tự Đức thơ mộng trữ tình được tạo nên chủ yếu bằng sự tinh tế của con người, phong cảnh nơi đây gợi cho du khách hình ảnh của một tao nhân mang nặng nỗi niềm trắc ẩn bở tâm huyết của một nhà vua không thực hiện được qua tính cách yếu ớt của một nhà thơ…

Bên cạnh thành quách, cung điện, lăng tẩm nguy nga trág lệ, Huế còn lưu giữ trong lòng bao nhiêu công trình kiến trúc độc đáo gắn liền với thể chế của hoàng quyền mà cách phối trí của các khoảng không gian đã tiến đến đỉnh cao của sự hài hoà trong bố cục. Song song với Kinh thành vững chãi bảo vệ bốn mặt, Trấn Bình Thành án ngữ đường sông, Trấn Hải Thành trấn giữ mặt biển, Hải Vân Quan phòng ngự đường bộ phía Nam, cả một hệ thống thành luỹ của Kinh đô song không mấy ai để ý đến tính quân sự của nó vì nghệ thuạat kiến trúc đạt đến đỉnh cao. Đan xen giữa các khu vực kiến trúc cảnh vật hoá độc đáo ấy, chúng ta còn có đàn Nam Giao – nơi vua tế trời; đàn Xã Tắc – nơi thờ thần đất, thần lúa; Hổ Quyền – đấu trường duy nhất dành cho voi và hổ; Văn Miếu- nơi thờ Khổng Tử và dựng bia khắc tên Tiến sĩ văn thời Nguyễn; Võ Miếu- nơi thờ các danh tướng cổ đại và dựng bia khắc tên tiến sĩ võ; điện Hòn Chén – nơi thờ Thánh mẫu Thiên Y A Na… và còn qua nhiều những thắng tích liên quan đến triều Nguyễn hoà điệu trong các thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng như sông Hương, núi Ngự, Vọng Cảnh, Thiên Thai, Thiên An, Cửa Thuận… thực sự là những bức tranh non nước tuyệt mỹ.

Huế từng hiện hữu những khu vườn ngự danh tiếng như Ngự Viên, Thư Quang, Thường Mởu, Trường Ninh, Thiệu Phương…Chính phong cách kiến trúc vườn ở đây cũng lan toả khắp nơi trong dân gian, phối hợp với những nhân tố sẵn có, dần đần định hình một kiểu thức nhà vườn đặc thù của xứ Huế. Đây là thành phố của những khu nhà vườn với những ngôi nhà cổ thâm nghiêm ẩn hiện giữa xóm phường bình yên trong lòng Cố đô. Mỗi một khu nhà vườn lại mang bóng dáng của Kinh thành Huế thu nhỏ, cũng có bình phong thay núi Ngự, bể nước thế dòng Hương, đôi tảng đá cụm thay cho cồn Dã Viên, Bộc Thanh…đủ các yếu tố tiền án, hậu chẩm, tả long, hữu hổ…lại bốn mùa hoá trái, ríu rít chim ca, không gian ấy còn là thế giới của những thi nhân mặc khách đối ẩm ngâm vịnh, là nơi diễn xướng những điệu ca Huế não nùng như Nam Bình, Nam Ai…trong những đêm gió mát trăng thanh.

Gần một thế kỷ rưỡi là Kinh đô của một triều đại phong kiến với thiết chế chính trị dựa trên nền tảng Nho giáo, từng là thủ phủ của Phật giáo một thời, bên cạnh những kiến trúc cung đình lộng lẫy vàng son, Huế còn lưu giữ hàng trăm ngôi chùa thâm nghiêm cổ kính, an lạc giữa những núi rừng hoang vu u tịch. Ông Amadou Mahtar M’bow- Nguyên Tổng giám đốc UNESCO, đã thật tinh tế khi đưa ra một nhận xét trong lời kêu gọi cho cuộc vận động bảo vệ, giữ gìn, tu sửa và tôn tạo Di sản văn hoá Huế: “Nhưng Huế không phải chỉ là một mẫu mực về kiến trúc mà còn là một cao điểm về tinh thần và một trung tâm văn hoá sôi động – ở đó đạo Phật và đạo Khổng đã thấm sâu, hoà nhuyễn vào truyền thống địa phương, nuôi dương một tư tưởng tôn giáo, triết học và đạo lý hết sức độc đáo”.

Gắn với một triều đại phong kiến tuân thủ những quy tắc rạch ròi của triết lý Khổng Mạnh, lễ hội và âm nhạc ở vùng kinh sư này đã phát triển vô cùng phong phú và mang đậm phong cách dân tộc. Triều đình thì có lễ Tế Giao, Tế Xã Tắc, lễ Nguyên Đán, lễ Đoan Dương, lễ Vạn Thọ, lễ Đại triều, lễ Thương triều, lễ Ban Sóc, lễ Truyền Lô, lễ Duyệt Binh… Mỗi một lễ hội đều có những bước nghi thức mà phần hồn của nó chính là âm nhạc lễ nghi cung. Dân gian cũng đa dạng các loại hình lễ hội: lễ hội điện Hòn Chén, lễ hội Hòn Ngư, lễ hội vật Sình, lễ hội đua ghe, lễ hội tế đình, tế chùa, tế miếu… gắn kết với các loại hình lễ hội lại là những hình thức âm nhạc lễ nghi dân gian muôn màu muôn vẻ. Cùng tồn tại với dòng âm nhạc mang tính lễ nghi, loại hình âm nhạc mang tính giải trí tiêu khiển của xứ Huế cũng được thế giới biết đến như một điển hình mang đậm bản sắc riêng của một vùng văn hoá, mộc mạc thuần khiết, đặc thù không pha trộn. Đó là những điệu múa Huế, những vở tuồng Huế, những bài ca Huế mà ngày nay đã trở thành những món ăn tinh thần không thể thiếu trong một chuyến đến thăm Cố đô của du khách mọi miền. Huế ngày nay vẫn đang cố gắng bằng mọi khả năng để gạn đục khơi trong, cố giữ gìn những tinh hoa văn hoá cổ truyền của dân tộc, cố bảo tồn những hình thái nghệ thuật được tạo nên bằng trí tuệ tâm huyết của tiền nhân nay đang ở bên bờ lãng quên, cố phục hồi những giá trị tinh thần quí báu của cha ông.

Vừa qua, điều khiến cho người dân Huế vui mừng nhất là Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam dưới sự cố vấn của nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước, đã thiết lập hồ sơ đệ trình UNESCO xin công nhận âm nhạc cung đình Huế: Nhã nhạc (triều Nguyễn) là Kiệt tác di sản Văn hoá Phi vật thể và Truyền khẩu của nhân loại. Tuy mọi việc vẫn còn ở phía trước, song động thái đó cung đủ nói nên giá trị vô vàn của âm nhạc truyền thông Huế.

READ MORE