Theo nghiên cứu của các nhà khảo cổ, Di tích Cổ Loa hội tụ các giai đoạn lịch sử đồ đá, đồ đồng, sắt với hệ thống vòng thành hình xoáy ốc duy nhất trên thế giới, xung quanh là hệ thống sông hào có sự phối hợp hài hòa giữa đồng lầy tự nhiên và nhân tạo, có hệ thống các công trình kiến trúc và các làng cổ có giá trị lịch sử văn hóa nghệ thuật lớn. Và đây cũng chính là nơi thành phố chọn để tu bổ, tôn tạo sao cho xứng tầm là công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Ðến Cổ Loa để ngẫm về một kỳ quan quân sự
Thành Cổ Loa có 9 vòng được xây dựng kiểu vòng ốc (nên gọi là Loa thành), dưới thành ngoài là hào sâu ngập nước thuyền bè đi lại được. Chu vi ngoài 8 km, vòng giữa 6,5 km, vòng trong 1,6 km, diện tích trung tâm lên tới 2 km². Thành được xây theo phương pháp đào đất đến đâu, khoét hào đến đó, thành đắp đến đâu, lũy xây đến đó. Mặt ngoài lũy, dốc thẳng đứng, mặt trong xoải để đánh vào thì khó, trong đánh ra thì dễ. Lũy cao trung bình từ 4-5 m, có chỗ 8-12 m. Chân lũy rộng 20-30 m, mặt lũy rộng 6-12 m. Chất liệu chủ yếu dùng để xây thành là đất, sau đó là đá và gốm vỡ. Xen giữa đám đất đá là những lớp gốm được rải dày mỏng khác nhau, nhiều nhất là ở chân thành và rìa thành để chống sụt lở.
Cổ Loa có vị trí chiến lược thuận lợi, nối liền mạng lưới đường thủy của sông Hồng cùng với mạng lưới đường thủy của sông Thái Bình. Hai mạng lưới đường thủy này chi phối toàn bộ hệ thống đường thủy tại Bắc Bộ Việt Nam. Qua con sông Hoàng, thuyền bè có thể tỏa đi khắp nơi, nếu ngược lên sông Hồng có thể thâm nhập vào vùng Bắc hay Tây Bắc của Bắc Bộ, nếu xuôi sông Hồng, thuyền có thể ra đến biển cả, còn nếu muốn đến vùng phía Ðông Bắc Bộ thì dùng sông Cầu để thâm nhập vào hệ thống sông Thái Bình đến tận sông Thương và sông Lục Nam.
Người xưa xây thành bên cạnh con sông Hoàng để dùng sông này vừa làm hào bảo vệ thành vừa là nguồn cung cấp nước cho toàn bộ hệ thống hào vừa là đường thủy quan trọng. Ðầm Cả rộng lớn nằm ở phía Ðông cũng được tận dụng biến thành bến cảng làm nơi tụ họp cho hàng trăm thuyền bè. Cổ Loa là một căn cứ phòng thủ vững chắc để bảo vệ nhà vua, triều đình và kinh đô. Nhờ ba vòng hào thông nhau dễ dàng, thủy binh có thể phối hợp cùng bộ binh để vận động trên bộ cũng như trên nước khi tác chiến.
Ngày nay đến Cổ Loa khách thập phương được chiêm ngưỡng 3 vòng thành gồm thành nội, thành trung và thành ngoại. Thành nội hình chữ nhật, cao trung bình 5 m so với mặt đất, mặt thành rộng từ 6 – 12m, chân rộng từ 20 – 30m, chu vi 1.650m. Thành trung là một vòng thành không có khuôn hình cân xứng, dài 6.500 m, nơi cao nhất là 10m, mặt thành rộng trung bình 10m, có năm cửa ở các hướng đông, nam, bắc, tây bắc và tây nam, trong đó cửa đông ăn thông với sông Hoàng. Thành ngoại cũng không có hình dáng rõ ràng, dài hơn 8.000m, cao trung bình 3 – 4m (có chỗ tới hơn 8m). Mỗi vòng thành đều có hào nước bao quanh bên ngoài, hào rộng trung bình từ 10 – 30m, có chỗ còn rộng hơn. Các vòng hào đều thông với nhau và thông với sông Hoàng. Ngày nay, thành còn có chiều cao trung bình từ 4-5m, có chỗ còn cao tới 12m, chân thành rộng tới 20 – 30m… Qua các giai đoạn lịch sử, Cổ Loa có rất nhiều tên: Loa thành (thành ốc), thành Côn Lôn, thành Tư Long, Cửu thành, thành Việt Vương, thành Khả Lũ, Cổ Loa thành. Ðến thế kỷ thứ X, thời kỳ Ngô Quyền làm vua, Cổ Loa lại trở thành kinh đô lần thứ hai.
Qua cổng làng, cũng là cổng thành trung là tới đình làng Cổ Loa. Cạnh đình là Am Bà Chúa tức là miếu thờ công chúa Mỵ Châu. Qua am Mỵ Châu tới đền Thượng, tức đền An Dương Vương. Trước đền là Giếng Ngọc, tương truyền là nơi Trọng Thuỷ tự tử vì hối hận. Năm 1962, Cổ Loa được xếp hạng di tích lịch sử – văn hoá cấp nhà nước ngay trong lần xét duyệt đầu tiên. Hàng năm, lễ hội Cổ Loa tưởng nhớ vua An Dương Vương được tổ chức vào mùa xuân, ngày mồng 6 tháng giêng.
Tu bổ để lưu giữ một huyền thoại
Ông Nguyễn Ðăng Sơn, phó chủ tịch UBND xã Cổ Loa cho rằng: Hướng tới 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Cổ Loa đang từng bước được tu bổ, tôn tạo để xứng với Thủ đô ngàn năm văn hiến. Thành phố đã lập dự án “Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy tác dụng di tích khu thành Cổ Loa”.Song, thực tế việc triển khai công tác tôn tạo thời gian qua diễn ra quá chậm khiến nhiều người tỏ ra lo lắng, đến năm 2010, Cổ Loa có thực sự đổi khác? Cơn lốc đô thị hoá khiến người dân trong thành đua nhau xây dựng nhà cửa, bung hàng quán. Thành Cổ Loa do vậy dường như đã chìm lẫn trong khối kiến trúc lộn xộn.
Ông Nguyễn Ðức Thắng, trưởng ban quản lý di tích Cổ Loa cho biết: Di tích Cổ Loa vẫn được tu bổ hàng năm, cụ thể: giai đoạn 1999 – 2000 tu bổ được đình Ngự Triều Di Quy; đình và chùa Mạch Tràng… Năm 2004 – 2005 tu bổ tôn tạo khu đền Cổ Loa gồm đường xung quanh Giếng Ngọc, trồng cây, đảo ngói, tu bổ nhà hành lang ở hai bên sân thượng; tôn tạo khu am Mỵ Châu, phục hồi nhà khách với sự bề thế, vứng chãi. Năm 2006 tiếp tục lập dự án tu bổ khu đình Cầu Cả, tu bổ xây lăng mộ Mỵ Châu, sửa chữa toàn bộ khu mái đình, nâng cấp khu trưng bày trong đình.
Hà Nội đang tiếp tục triển khai Dự án “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích Cổ Loa” (UBND TP Hà Nội đã phê duyệt) có tổng diện tích 830,34ha thuộc các xã Cổ Loa, Việt Hùng, Dục Tú và Uy Nỗ (huyện Ðông Anh). Dự án gồm 20 dự án thành phần thuộc 6 lĩnh vực: khảo cổ, bảo tồn và tôn tạo di tích trong toàn bộ khu di tích, trong đó tập trung tôn tạo 3 vòng thành đất, hào nước tập trung vào 8 cổng (dài 3.200m) ở thành trung và thành ngoại và toàn bộ 1.700m trong thành nội và các công trình văn hoá như: mộ Mỵ Châu, giếng Ngọc, chùa – đình Mạch Tràng, cụm đình – chùa – am Cổ Loa, sân tiếp đón tại phía Nam Thành Nội, tôn tạo xóm Chùa, xóm Chợ theo kiến trúclàng cổ đặc trưng đồng bằng Bắc Bộ; phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật toàn khu; xây trung tâm công cộng xã Cổ Loa; xây dựng các công viên hỗ trợ khu di tích (công viên truyền thuyếtÂu Cơ – Lạc Long Quân, Sơn Tinh – Thủy Tinh, Rùa vàng, công viên đô thị…); mở rộng, xây dựng một số bảo tàng trưng bày các di tích khảo cổ; tổ chức các lễ hội truyền thống…
Quy hoạch khu di tích Cổ Loa sẽ được thực hiện đến năm 2020 với các khu quy hoạch chính:Khu vực di tích thành: Các vòng thành bao gồm luỹ và hào được bảo vệ chống sự xâm phạm, vòng thành nội sẽ được tôn tạo lại toàn bộ với chiều dài hơn 1.700m. Thành ngoại và thành trung sẽ tôn tạo lại một số đoạn đã xuống cấp để phục vụ việc khai thác di tích, các đoạn tôn tạo chủ yếu tập trung tại 8 cửa ra vào.
Khu trung tâm di tích Cổ Loa bao gồm: khu vực sân tiếp đón đặt tại phía Nam của thành nội; khu vực trung tâm thành nội sẽ hình thành một không gian tập trung của toàn bộ khu di tích với quy mô 5 ha để có thể bố trí các công trình bảo tàng trưng bày các di chỉ khảo cổ, tổ chức các hoạt động lễ hội văn hoá làm sống lại các phong tục tập quán của người Việt…
Khu vực các di tích kiến trúc như: đình, chùa, mộ Mỵ Châu… được đầu tư để tôn tạo. Khu vực các di chỉ khảo cổ chính Ðồng Vông, Bãi Mèn và Ðường Mây sẽ được xây dựng thành các bảo tàng tàng… Khu vực sẽ phát triển mới để hỗ trợ khu di tích gồm: Công viên tại phía Nam khu vực di tích với quy mô hơn 74ha; khu vực trồng hoa, cây cảnh tại khu vực bắc sông Hoàng và phục hồi một phần diện tích mặt nước tạo lại một phần diện mạo cảnh quan xưa…