Skip to Content

Category Archives: Mẫu nhà đẹp

Đất Hà Đông nóng lên từng ngày

Phiên đấu giá gần đây nhất tại khu đô thị Ngô Thì Nhậm, giá quyền sử dụng đất lên tới trên 30 triệu đồng/ m2. Giá giao dịch bất động sản tại các khu đô thị như Văn Khê, Văn Phú, Mỗ Lao cũng tăng từng ngày.

Tham gia phiên đấu giá quyền sử dụng đất tại khu đô thị Ngô Thì Nhậm cuối tháng 10 vừa qua, nhiều người cũng không khỏi choáng váng vì mức giá quá cao. Giá sàn là 11,6 triệu. Kết thúc phiên đấu giá, mỗi lô đất được mua với giá thấp nhất là 23 triệu đồng/ m2, cao nhất là hơn 30 triệu đồng. Những người “đơn thương độc mã” đi mua đất khó có thể đấu được với những nhà đầu cơ “buôn có hội, bán có phường”.

Ông Nguyễn Văn Duy, người chuyên môi giới bất động sản cho biết, khu đô thị Văn Phú, giá Nhà nước đặt ra khoảng 7 triệu đồng/ m2 thì nay đã lên đến 12-18 triệu đồng. Theo dự đoán, mức giá này còn có thể lên tới 17-30 triệu do giá đất giãn dân đang ở vào khoảng 18-23 triệu đồng. Đất khu Văn Quán cũng dao động từ 13-23 triệu đồng/ m2. Trong khi đó, đất ở Mỗ Lao ở mức trội hơn hẳn, trung bình 24 triệu đồng.

Ông Tuấn, một người có “thâm niên” trong đầu tư bất động sản, hiện nắm trong tay hơn 10 lô đất ở khu Văn Phú, Văn Quán cho biết: “Tuần trước, tôi vừa bán lô đất 60 m2 với giá 17 triệu đồng/ m2. Giá mua hồi tháng 3 chỉ có 7 triệu thôi”.

Sức nóng của đất Hà Đông lan nhanh đến giới cò mồi chuyên nghiệp của Hà Nội. Theo ông Duy, nếu trước đây, một số trung tâm bất động sản ở Trần Duy Hưng, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng… hướng khách hàng đến các khu đô thị Mỹ Đình, Trung Hoà – Nhân Chính, Linh Đàm… thì nay các dự án như Văn Phú, An Khánh, Mỗ Lao… lại là mục tiêu cho nhiều khách hàng của họ.

Vào những sáng thứ 7 tổ chức đấu giá đất, người đổ về Nhà văn hoá Hà Đông đông như trẩy hội. Khuôn mặt mỗi người một vẻ. Người trúng được đất thì vui vẻ, mãn nguyện. Người ra về tay không thì thất vọng, mong chờ cơ hội lần sau. Một điều dễ dàng nhận thấy là trong bãi đỗ xe, ngoài biển kiểm soát đầu số 33 của Hà Tây, ôtô con và xe máy mang biển 29, 30 của Hà Nội chiếm một số lượng khá lớn.

Cơn sốt đất Hà Đông dường như bắt đầu nóng hơn từ khi dấy lên tin đồn Hà Đông sẽ được sáp nhập vào Hà Nội. Những dự án nhà ở cho người nước ngoài như làng Việt kiều châu Âu tại Mỗ Lao hay khu Hàn Quốc tại Văn Phú đón đầu chủ trương cho phép Việt kiều mua nhà, góp phần đẩy cao giá đất.

Không ít người đổ xô đi mua đất với hy vọng đón những cơ hội ngàn vàng phía trước. Một số ít người tỏ ra cảnh giác, cho rằng đó cũng chỉ là mánh khoé của giới kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, những dự án khu đô thị như Văn Quán, Văn Phú, Mỗ Lao… đang được rầm rộ triển khai là một thực tế không thế phủ nhận.

Trong phiên đấu giá quyền sở hữu đất ở khu đô thị Ngô Thì Nhậm, bà Hằng ở Thanh Xuân (Hà Nội) đã trúng một lúc 3 lô đất, với mức giá 24-25 triệu đồng/ m2. Mục đích mua đất của bà Hằng là “chờ giá đất lên để bán lấy lời, nhất là sau Tết, thị trường còn “sốt” hơn nhiều.”

Thế nhưng, không ít nhà đầu cơ đang bị kẹt vốn. Theo ông Tuấn, một số người bỏ đất ở khu đô thị Xa La, Hà Đông đang bị rắc rối. Nhiều lô đất ở khu đô thị này là đất chưa chuyển mục đích sử dụng từ đất dùng có thời hạn 50 năm sang đất thổ cư. “Những người đã bỏ tiền mua đất loại này giờ đang kẹt vốn không rút ra được”, ông Tuấn nói.

READ MORE

Sống hẹp trong phố cổ

Mua nhà mới, chuyển khỏi căn phòng vỏn vẹn 35 m2 với 4 người ở phố cổ, chị Hương, hiện sống tại Lạc Trung, Hà Nội vẫn chưa thể quên 10 năm khốn khổ đã qua. Thế nhưng, với một số người, phố cổ vẫn là nơi “không thể rời xa”.

Phố cổ Hà Nội còn gọi là “36 phố phường”. Mỗi tên phố gợi lên một ngành nghề truyền thống. Theo quyết định của Bộ Xây dựng năm 1995, phố cổ Hà Nội nằm trong khu vực Hàng Đậu (phía bắc), Phùng Hưng (phía tây), Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu Gỗ, Hàng Thùng (phía nam) và Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật (phía đông), hiện có hơn 70 tuyến phố.

Kiến trúc cổ của khu phố cổ là các ngôi nhà nhỏ với mái tranh hay ngói, thường có sân chung, lô nhô nối tiếp nhau từ phố này đến phố khác. Khu phố cổ cũng là nơi buôn bán sầm uất nhất Hà Nội và có nhiều khách du lịch. Nhưng hiện nay, vẻ cổ kính trên đường nét kiến trúc đang dần mất đi dù có nhiều dự án trùng tu, nâng cấp. Ngoại trừ một số ngôi nhà thuộc diện “sách đỏ” ở Hàng Đào, Mã Mây…, cuộc sống nơi phố cổ Hà Nội đang trở nên thực sự cổ kính và lạc hậu ngay trong lòng thành phố dần hiện đại. Những căn nhà chỉ vài chục mét vuông mà phải “chứa chấp” cả chục hộ dân là chuyện thường tình. Và để vào được trong nhà, phải chui qua ngõ tối om, sâu thẳm, bề ngang có khi chưa tới 80 cm, tránh nhau cũng khó.

ngo 2

Những con hẻm như thế này khá phổ biến ở phố cổ.

Hầu hết những ngôi nhà này hàng chục năm rồi chưa qua tu sửa. Nhiều khu nhà, cầu thang gỗ đã hỏng nặng. Nhà liền nhau cũng cứ “thông thống”, nhà bên này chỉ nói to một chút là bên kia nghe rõ mồn một. Trước đây, số nhà nào cũng có sân tương đối rộng, nhưng khi mà nhu cầu ở tăng lên gấp đôi, gấp ba, cũng không thể tránh nổi việc cơi nới, bổ sung diện tích. Khoảnh sân ngày càng bị thu hẹp, trở thành một lối đi chỉ vừa đủ một người và một xe.

sinh hoat chung1

Khu phụ chung của 3 gia đình

Khu nhà số 71 Lò Sũ gồm 5 hộ dân, tất cả đi chung một ngõ dài hơn 20 m, rộng không đến 1 m, nên dắt xe máy qua cũng là một vấn đề. “Hôm nào ông xã không có nhà thì chỉ có nước thuê xe ôm đi làm, vì ngõ quá nhỏ, lại ngoằn ngoèo”, chị Hương kể. Cả gia đình chị sống trong một căn hộ hẹp với một khu bếp khoảng 2 m2, khu vệ sinh phải dùng chung với cả xóm. “Mỗi sáng xếp một hàng dài trước nhà vệ sinh thật là bi kịch. Mấy chục con người chỉ biết trông cậy vào cái hố vệ sinh ẩm thấp, tưởng như chỉ còn trên phim ảnh về cuộc sống mấy chục năm trước”. Cả khu nhà kín mít, chỉ những ngày đẹp trời mới có chút nắng lọt qua một giếng trời chừng 4 m2. Các nhà trong ngõ luôn phải thắp đèn mới nhìn rõ vì không bao giờ thấy ánh nắng mặt trời. “Thằng bé con mình ai cũng khen trắng trẻo, nhưng thật ra nó rất ít khi tiếp xúc với ánh mặt trời”, chị Hương nói.

Không kinh doanh, cả gia đình 3 thế hệ với 5 người của bà Lanh đã sống trong một căn nhà diện tích hơn 40 m2 tại phố Hàng Bạc cũng hơn 30 năm. “Con trai tôi có gia đình, muốn tách ra ở riêng nhưng chưa mua được nhà, nên vẫn phải chui rúc trong khu chật hẹp này”, bà Lanh cho hay.

Khu phố 4, đường Nguyễn Du, quận 1, TP HCM, gồm gần chục hộ dân sống chen chúc nhau dọc theo phía tay trái con hẻm. Trung bình mỗi hộ 3-5 người trú trong căn nhà chỉ 1,5 hoặc 2 m2. Những “căn nhà” này đều không có số. Sau đồn làm việc của tổ dân phòng khu phố 4 là dãy nhà tạm với tủ, bàn, ghế biến tấu cho hợp với không gian hẹp. Diện tích 1,5 m2, dựng xe thì người không còn chỗ ngủ nên phương tiện đi lại đều để ở ngoài. Hộ nào cũng vậy, cả nhà vợ chồng con cái đều cùng ăn, cùng ngủ trong diện tích chật hẹp. Vài người còn mang bếp ra nấu ngoài hẻm. Chừng ấy con người dùng chung một nhà vệ sinh công cộng xập xệ.

gieng troi1

Khu nhà với 5 hộ gia đình có nguồn sáng tự nhiên duy nhất là giếng trời khoảng 4 m2 này

“Lịch sử” những căn nhà này có từ nhiều năm nay, từ nhà tạm làm bằng ván ép, vách tôn, đến tường gạch, tôn và gỗ như hiện nay. Sống ở đây đa số là người làm các nghề buôn gánh bán bưng. Đàn ông thì chạy xe ôm, bốc vác tại các chợ, phụ nữ bán nước, trái cây, hoặc các xe đẩy, hàng quán lề đường. Hầu như không một người nào có nghề nghiệp ổn định, mà sống ăn theo các dịch vụ quanh khu trung tâm.

Chị Hải, một hộ dân sống tạm tại đây gần chục năm nay tâm sự: “Những năm 1990, chúng tôi đi đến vùng kinh tế mới lập nghiệp. Được ít lâu lại trở về vì không làm ăn gì được. Bây giờ chỉ biết sống tạm như vậy, chứ nhà bạc tỷ làm sao mua nổi”.

Đại diện tổ dân phòng khu phố 4 cho hay, các hộ dân sống tạm ở đây đều bất hợp pháp và nằm trong diện chờ giải tỏa. “Mùa nắng thì họ ở chật chội, mùa mưa thì ướt nước, trong khi giá nhà đất thì cao ngất trời. Thế nên chúng tôi chỉ biết cảm thông và chờ chỉ đạo của thành phố”, vị đại diện này cho biết thêm. Trong khi đó, bà Phụng, một cư dân trong khu phố 4 tỏ ra ái ngại cho các hộ dân này. “Lúc đầu mọi người ở đây rất khó chịu vì các gian nhà tạm chiếm hết một phần con hẻm, đi lại rất chật chội. Sau này phần vì thông cảm, phần vì quen rồi nên lắng dịu dần”, bà Phụng cho hay.

Quyết tâm bám trụ

Nhiều bất cập, chật chội và ẩm thấp, nhưng hầu như chẳng mấy ai rời những căn nhà nhỏ trên phố cổ Hà Nội. Với những hộ dân có một chút mặt tiền thì lý do chính đáng nhất là họ còn phải bám trụ để kinh doanh. Nhưng, còn những người ở tận sâu tít phía trong ngõ, họ cũng vẫn trung thành với cuộc sống nơi đây bởi nhiều lý do.

gallery 2

Gallery tranh tại số 127 Hàng Bạc có bề ngang 2 m, chiều sâu hàng chục mét. Phía sau gallery là không gian sinh sống của gia chủ.

Bà Thảo, chủ cửa hàng phụ trang sân khấu tại số 52 Hàng Ngang, nói: “Cửa hàng này là nguồn sống của cả gia đình, mà nhiều người muốn mua hàng chỉ tìm đến phố cổ, nên tôi không muốn di chuyển”. Cũng với suy nghĩ này, chủ hàng bún riêu có tiếng trên phố Lò Sũ cho hay, mỗi ngày chị bán hơn 100 tô, đảm bảo thu nhập cho cả gia đình và 4 người giúp việc: “Bán hàng tại đây tôi mới có nguồn thu như vậy, nên ở chật cũng chấp nhận được”. Còn chị Minh ở Hàng Cót thì cho biết: “Cần gì, ra khỏi nhà là có, rất tiện lợi, chẳng phải xách xe cộ đi đâu. Đồ ăn thức uống thì ngon lành còn những nhu cầu thiết yếu khác đều sẵn mà lại rẻ”.

Riêng với ông Dần tại phố Mã Mây, sự gắn bó lâu dài với phố cổ là lý do níu kéo ông ở lại. Đã sống tại đây gần 70 năm, ông rõ từng góc phố. Hàng ngày ông lão này viết chữ Nôm, đồng thời giới thiệu phố cổ cho khách du lịch tại căn nhà cổ 87 Mã Mây. Ông Dần cho hay, nhiều người cao tuổi khác như ông cũng muốn ở lại phố cổ vì đã quen với nếp sống nơi đây.

READ MORE

Hỏi đáp pháp luật – Di sản thừa kế

Hỏi: Trước đây di sản là nhà ở được mở thừa kế trước ngày 1.7.1991 có Việt kiều tham gia đều tạm ngưng, chưa giải quyết. Hình như nay đã được giải quyết? Nếu tôi nhập quốc tịch Mỹ thì có ảnh hưởng tới việc hưởng phần di sản đó không?

Lam Tuyen (Mỹ)

Trả lời: Kể từ ngày 1.9.2006 đối với di sản là nhà ở mà thời điểm mở thừa kế trước ngày 1.7.1991 được giải quyết như sau:

– Nếu bạn có quốc tịch Việt Nam hoặc đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng chưa thôi quốc tịch Việt Nam hoặc đã thôi quốc tịch Việt Nam nhưng chưa nhập quốc tịch nước ngoài thì được xác lập quyền sở hữu nhà ở đối với phần thừa kế của mình.

– Nếu bạn đã nhập quốc tịch nước ngoài và đã thôi quốc tịch Việt Nam hoặc bạn là người gốc Việt Nam nhưng chưa từng có quốc tịch Việt Nam thì được hưởng giá trị phần thừa kế đó.

Trường hợp đến ngày 1.9.2006, di sản là nhà ở đó đã được bán mà số tiền đang được gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng của Việt Nam thì bạn làm thủ tục nhận tiền tại kho bạc, ngân hàng theo quy định của pháp luật và bạn xuất trình giấy tờ sau đây chứng minh được hưởng thừa kế:

– Văn bản thoả thuận chia thừa kế hoặc trích lục bản án hoặc quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

– Hộ chiếu hợp lệ của Việt Nam hoặc hộ chiếu hợp lệ của nước ngoài hoặc giấy tờ thay thế hộ chiếu nước ngoài hợp lệ. Trong trường hợp bạn sử dụng hộ chiếu nước ngoài thì phải kèm theo giấy xác nhận mất quốc tịch Việt Nam hoặc giấy xác nhận đăng ký công dân (theo Nghị quyết số 1037/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 27.7.2006).

READ MORE

Chợ cóc lên chung cư

“Chợ cóc” đã rất thân quen với đa số người Hà Nội, thường họp rải rác ở các tuyến đường, vỉa hè, khu dân cư… Nhưng khi các khu chung cư phát triển mà chưa có hạ tầng đồng bộ, như tại khu tái định cư Nam Trung Yên, thì chợ cóc leo cả lên cao.

Buổi sáng, chợ họp ngay trong khuôn viên chung cư. Những người bán hàng đều sinh sống trong các khu nhà. Cũng như bất cứ một chợ cóc nào khác, ở đây bán đủ thứ từ rau dưa, mắm muối đến các loại thực phẩm tươi sống như thịt, cá, gà, ngan… Một người bán ngô luộc cho biết: “Những người bán hàng ở đây đều là dân chung cư cả, chợ họp từ 6 đến 9h sáng là tan. Còn tôi thì bán vào buổi sáng và buổi tối, mỗi ngày cũng được vài chục nghìn”.

Xem hình

Đấy là chuyện ở dưới sảnh, còn trên các tầng, đã hai năm nay, “chợ” diễn ra cả ngày, ở hành lang và cả trong phòng khách các nhà, có đủ cả từ đồ ăn sáng như bún, miến, cháo, phở, rau cỏ, đồ tạp hóa cho tới các gian thuê băng đĩa, giặt là hay thậm chí là cắt tóc gội đầu. Trên các cửa sổ hay cửa ra vào từ tầng 1 cho đến tầng 13, còn có thể tìm thấy hàng loạt biển quảng cáo, pano như “Cắt tóc nam – nữ, gội đầu, sơn sửa móng tay”, “Cho thuê băng đĩa, CD – DVD”, thậm chí cả “Chuyên sửa chữa các loại xe máy”… Một người bán hàng cho biết, chợ mở ra để phục vụ bà con tại chỗ, nhất là những người già.

Trên hành lang tầng 3 nhà B3B là một hàng bánh mỳ sáng. Bà chủ nhà cho biết: “Mỗi hôm tôi lấy chừng 30 chiếc. Mỗi tòa nhà ở đây đều có vài hàng ăn như thế này”. Tầng 12 là một quán phở khá to, khách khứa đông đúc. Gần chục bộ bàn ghế nhựa thường thấy ở các quán ăn trên phố được kê khắp phòng khách, chạy dài ra tận ngoài hành lang gần thang máy. Tất cả các bàn thường kín chỗ. Sáng nào quán cũng phục vụ vài chục lượt khách. Ở đây cũng có đến 4-5 người phụ việc.

Chị Lan, chủ một chủ cửa hàng tại gia, cho biết: “Cửa hàng của tôi mở từ sáng đến tối”. Chỉ vào tảng thịt lợn to, chị nói thêm: “Hôm nào tôi cũng bán hết chỗ này trước 9h, có định mức hết cả rồi. Bán xong thì dọn hàng sạch sẽ, cố gắng giữ vệ sinh. Ban quản lý cũng không phản đối, chỉ nhắc nhở phải gọn gàng thôi. Mà cái đấy thì khỏi phải nhắc, chúng tôi cũng không thể để mất vệ sinh cho khu mình ở được”.

Hàng hóa tại các sạp hàng trong khu nhà được vận chuyển lên cao bằng thang máy như bình thường. Ngoài việc phục vụ nhu cầu của người dân ngay lập tức, những người bán hàng còn làm dịch vụ đặt hàng theo yêu cầu.

Không thể ngăn cấm!

Nam Trung Yên là khu tái định cư của người dân phường Phương Kim Liên, Nam Đồng thuộc diện giải tỏa cho dự án đường Kim Liên – Ô chợ Dừa. Tháng 9/2005, gần 2.000 người đã chuyển đến đây với lời hứa hẹn của cơ quan chức năng về một khu chung cư tiện nghi. Nhưng sau hai năm chờ đợi, hiện nay, bà con vẫn sống trong cảnh tạm bợ và việc buôn bán hàng hóa là tất yếu. Đa số người dân không phản đối chuyện bán hàng tại nhà, dù họ đều thừa nhận rằng có thể ảnh hưởng đến trật tự, vệ sinh cho tòa nhà.

NTY22

Bà Tuyết, Tổ phó khu B2A, cho biết phần lớn người ở đây đều là những dân lao động với thu nhập không cao nên với họ việc vào các siêu thị như BigC hay Hapro Mart gần đó để mua sắm là quá xa xỉ. Việc mở ra “chợ cóc” kiểu này là do nhu cầu bức thiết hằng ngày. Nhưng nếu Ban quản lý dành riêng cho một nơi để họp chợ thì vẫn tốt hơn là mở các cửa hàng tại gia như thế”. Một người dân khác cũng bày tỏ ý kiến: “Đúng là mở quán ở đây thì không phù hợp với một khu chung cư cao tầng lắm. Nhưng biết làm sao được. Không cho mở thì chúng tôi ăn uống ở đâu?”.

Phản đối nhưng cũng đành phải nhượng bộ, một cán bộ hưu trí sống ở nhà B3B, nói: “Tôi không ủng hộ việc mở hàng quán trong phòng ở và cả dưới khuôn viên. Nhưng đó là do thói quen từ xưa và cũng do nhu cầu của đại đa số dân chúng, cũng đành chịu”.

Đại diện ban quản lý tòa nhà là Xí nghiệp Quản lý dịch vụ và Kỹ thuật khu đô thị, cũng khẳng định không có bất kỳ một văn bản nào quy định cụ thể về việc cấm bán hàng tại các khu chung cư. Biện pháp chủ yếu hiện nay vẫn là vận động và nhắc nhở giữ trật tự và vệ sinh chung.

READ MORE

Căn hộ, chung cư cao cấp có thật… cao cấp ?

“Kinh doanh phải có lời, nhưng trong trường hợp này lợi nhuận của các ông chủ đầu tư nhà chung cư được gọi là cao cấp quá cao, lên tới 100-200%, tức là gấp 5 -10 lần lợi nhuận thông lệ trên thế giới”. GS.TS Nguyễn Trường Tiến, Phó TGĐ Tổng công ty Xây dựng Hà Nội.

Giá căn hộ bị đẩy lên nhiều lần so với giá trị thật

Cụm từ “chung cư cao cấp”, “căn hộ cao cấp” xuất hiện ngày càng nhiều gắn với những tòa nhà cao tầng có thang máy mà ở đó khách hàng muốn sở hữu phải trả mức giá rất… cao cấp.

Nhưng những phiền muộn của khách hàng liên quan đến chất lượng tỷ lệ nghịch với những căn hộ được gắn mác cao cấp ngày càng nhiều, thậm chí có vụ phải đưa nhau ra tòa khiến người dân bắt đầu lo ngại và đặt câu hỏi “thế nào gọi là cao cấp?”, “căn hộ cao cấp” có cao cấp thật?

trung hoa nhan chinh

Loạn chung cư cao cấp

Anh Hưng vỗ nhẹ nhẹ lên tường nhà, từng mảng vôi cát, sơn tường rơi ra để chứng minh với tôi rằng: “Giá cao không có nghĩa mua được căn hộ cao cấp”. Anh Hưng đã mua căn hộ này tại 101 Láng Hạ (Đống Đa, Hà Nội) với giá gần 10 triệu/m2, một mức giá rất cao vào thời điểm cách đây 2 năm. Nhưng trước khi có thể sử dụng căn hộ “cao cấp” của mình làm văn phòng làm việc như hiện nay, anh Hưng phải chi hơn 100 triệu đồng để thay toàn bộ các thiết bị trong nhà, từ đèn chiếu sáng đến thiết bị vệ sinh, thậm chí cả tay nắm cửa. Trong quá trình sử dụng, anh luôn phải đối mặt với tình trạng tắc, vỡ ống nước, nền nhà nứt vỡ; “còn việc sơn tường bong tróc, nham nhở là chuyện thường ngày” – anh Hưng nói.

Một chung cư khác ngay trong trung tâm thành phố, xen kẽ giữa vô số nhà cao, thấp lố nhố; thiết kế, trang trí nội thất vào loại trung bình, không có không gian xanh cũng như các tiện ích ở khác cũng được chủ đầu tư gắn mác “cao cấp” và bán với giá 1.600 USD/m2 và nghe đâu họ còn đang “dọa” tăng lên 1.800 USD/m2 do “nhu cầu lớn quá”. Dường như đang trở thành phong trào, các chủ đầu tư cứ hễ xây chung cư là phải “cao cấp”, hàng loạt dự án chuẩn bị làm của Hà Nội cũng đang được thiết kế kiểu “cao cấp” như Đông Nam đường Trần Duy Hưng, tổ hợp Trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng và nhà ở Cầu Giấy… đều được tính toán ở mức giá 1.300 – 1.600 USD/m2.

GS.TS Nguyễn Trường Tiến, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, người có nhiều năm nghiên cứu về kết cấu và đặc biệt tâm huyết trong lĩnh vực nhà ở nhận xét: “Tôi đã vào những căn hộ có giá bán 1.300 – 3.000 USD/m2, điều dễ dàng nhận thấy, chủ đầu tư đã “ăn” quá nhiều”.

Hãy là khách hàng thông minh

Theo TS Tiến, chất lượng của một ngôi nhà không chỉ đơn thuần là sự bền vững của kết cấu mà cơ bản nó phải được tạo nên bởi sự tiện ích, cảm giác thoải mái, an toàn và sự hài lòng mang lại cho người sử dụng. Nhưng đa phần các khu chung cư hiện nay, ngoài một vài khu được thiết kế bởi kiến trúc sư nước ngoài, đều ở trong tình trạng bất hợp lý cả về quy hoạch và thiết kế.

the manor

“Nổi bật nhất là thiếu cây xanh, cả một khu được gọi là đô thị mới cao cấp như Trung Hòa – Nhân Chính mà rất ít cây xanh, bãi xe cũng khiêm tốn, hệ thống cứu hỏa thì kém” – ông Tiến bức xúc. Một kiến trúc sư có uy tín kể với tôi rằng, khi ông đến khu căn hộ cao cấp 18 tầng Botanic, 321 Nguyễn Thượng Hiền (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), ông đã rất “choáng” vì sự hiện đại của cả tòa nhà cũng như từng căn hộ. “Nó quả là cao cấp nhưng tôi nói với người phụ trách ở đó rằng, nó chỉ là một ngôi nhà đẹp đơn lẻ trong một khu dân cư rất lộn xộn”, ông này nói.

Khi được hỏi về vấn đề này, TS. KTS Nguyễn Đình Toàn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kiến trúc (Bộ Xây dựng) bày tỏ quan điểm: “Pháp luật hiện hành không có sự phân chia cấp độ nhà cao cấp hay trung bình; cũng chưa có tiêu chuẩn cho các loại nhà nên có sự lộn xộn là dễ hiểu. Theo tôi, với nhà chung cư chúng ta cũng nên làm giống như gắn sao cho khách sạn, tức là cơ quan quản lý – theo tôi nên là Cục Quản lý nhà – phải đặt ra các tiêu chuẩn để chủ đầu tư căn cứ vào đó xác định cấp loại nhà của họ, người sử dụng cũng không lẫn lộn”.

Ông Toàn khuyến cáo: “Trong khi chưa có tiêu chuẩn đó thì hãy làm một khách hàng thông minh bằng cách thông qua các đơn vị tư vấn có uy tín nhằm xác định chính sách chất lượng căn hộ để chỉ phải trả một mức giá hợp lý cho một căn hộ sống phù hợp”. Ông Toàn cho biết: “Một kiến trúc sư bình thường cũng có thể xác định được ngay lập tức tính tiện ích của một căn hộ và giá thành của nó để đưa ra tư vấn chính xác cho khách hàng rằng, căn hộ đó có phù hợp hay không và mức giá như vậy đã hợp lý chưa”. “Nhưng đáng tiếc, hình như rất ít khách hàng làm việc này trước khi quyết định mua một căn hộ nào đó, kể cả với những căn hộ có giá tới chục tỉ đồng”, ông Toàn tiếc rẻ.

TS Nguyễn Trường Tiến khẳng định rằng, với công nghệ và giá thành đầu vào hiện nay, giá xây lắp các căn hộ chung cư (loại trung bình) tại các đô thị lớn ở mức 4-5 triệu đồng/m2. “Nếu hoàn thiện nội thất loại xịn nhất cũng chỉ gấp 2 lần số đó, tức khoảng 8-10 triệu đồng/m2”, ông Tiến quả quyết.

 

READ MORE

Cư dân The Manor Hà Nội biểu tình

Gần 100 hộ dân tập trung tại toà nhà trung tâm The Manor Hà Nội chiều qua để phản đối mức phí dịch vụ quá cao cũng như thái độ phục vụ của ban quản lý và chủ đầu tư Bitexco.

Theo thông báo của The Manor Hà Nội, phí quản lý nhà tính theo m2, mỗi tháng là 14.000 đồng, phí gửi xe máy 160.000 đồng, ôtô là 1,6 triệu đồng một xe. Mức phí này bắt đầu áp dụng từ tháng 7. Các hộ được yêu cầu phải truy thu 3 tháng 7, 8, 9.

Bác Thuỳ một cán bộ hưu trí ở B112 nói: “Cả đời vợ chồng tôi tích cóp được bao nhiêu tiền thì đổ hết vào mua căn hộ này. Giờ cả hai đã về hưu lương tháng mỗi người hơn một triệu, lấy đâu ra tiền để đóng cái mức phí nhà cao ngất đến 1,4 triệu một tháng cho một căn hộ 100 m2”.

Nhưng điều làm bác cảm thấy bực mình hơn là cách hành xử của Bitexco. “Họ không coi dân ra gì cả, đơn phương đưa ra các mức phí trên trời và ép người dân phải thực hiện. Họ lại còn đưa ra các bức thư mang tính chất đe dọa”.

Chị Liên ở nhà B3 đang ở căn hộ rộng 200 m2. Tính theo biểu của ban quản lý, mỗi tháng chị phải mất 2.800.000 tiền phí nhà, cộng với tiền gửi 2 chiếc ôtô và một chiếc xe máy nữa sẽ hết khoảng 6,2 triệu đồng, ngang với tiền thuê một căn hộ. “Tôi bỏ hơn 4 tỷ đồng ra mua nhà, giờ lại phải đi “thuê lại” chính căn hộ của mình sao”, chị Liên nói.

Bác Khanh một giáo viên về hưu thì rất bực mình vì chất lượng công trình và thái độ của Bitexco. Cách đây khoảng 6 tháng bác nhận được một bức thư của Bitexco yêu cầu trong vòng 15 ngày phải đến nhận nhà nếu không sẽ huỷ hợp đồng. Khi đó hai vợ chồng bác đang ở miền Nam vội vàng bay ngay ra Hà Nội. Nhưng đến nơi thì nước lênh láng khắp sàn nhà, tường thì vẫn đang đục khoét thi công. Nhà chưa xong, vợ chồng lại phải khăn gói lên máy bay về Nam vừa mệt, vừa tốn tiền đi lại mà không nhận được bất cứ lời xin lỗi nào.

Hơn 3 tháng sau nhận được nhà thì lại khổ vì thang máy và ô nhiễm môi trường. Bác cho biết, bác phải sống chung với công trường với bụi bẩn, tiếng ồn và mùi hôi hám. Còn thang máy thì thường xuyên chết, có lần chồng bác bị nhốt trong thang máy cả tiếng đồng hồ.

Bức xúc của người dân nơi đây lên đến cao trào khi họ nhận được thông báo mới vào ngày 2/10. Theo đó, đến hết ngày 15/10 nếu các hộ không đóng phí gửi xe theo mức Bitexco đưa ra, sẽ không được phép đưa xe vào địa phận của The Manor. Sau đó do sự đấu tranh của người dân, Bitexco cho lùi thời hạn đến 30/10 và dựng hai barie trước cửa khu vực bãi đỗ xe.

 

Các hộ dân ở đây đã cử ra một Ban đại diện lâm thời, nhiều lần đưa thư phản ánh lên Ban quản lý khu chung cư và Bitexco. Tới lần thứ 4, Bitexco mới chịu cử đại điện là ông Vũ Quang Bảo và ông Nguyễn Đức, Phó giám đốc chi nhánh Bitexco Hà Nội đứng ra thu xếp cuộc họp vào chiều 11/10.

 

Tuy nhiên, chỉ 12 người đại diện cho các hộ dân được vào họp. Phòng họp bị phong toả bởi lực lượng bảo vệ chung cư và một số cán bộ của Bitexco. Bên ngoài gần 100 người dân vẫn kiên trì chờ đợi theo dõi kết quả. Họ đã nghỉ làm để đến đây, có người đang công tác ở miền Nam cũng tức tốc bay ra tham dự.

Điều hoà, quạt gió bật hết tốc lực, nhưng không khí ở tiền sảnh vẫn vô cùng ngột ngạt, thỉnh thoảng lại có một nhóm nhao nhao lên đòi vào phòng họp. Cuối cùng ban đại diện phải thống nhất, cứ sau khoảng một tiếng đồng hồ, sẽ cử người ra ngoài thông báo diễn biến để bà con ở ngoài đỡ sốt ruột

Cuộc họp giữa hai bên kéo dài suốt từ 3h chiều đến 7h45 tối. Đại diện Bitexco cam kết sẽ phối hợp làm việc với cư dân, chấm dứt tình trạng đơn phương áp đặt như trước đây. Các khoản phí và mức phí sẽ do Bitexco và các hộ dân thống nhất đưa ra. Bitexco sẽ xin lỗi người dân bằng văn bản về những sai sót trước đây trong cách hành xử. Và ngay trong tuần này sẽ tháo bỏ các barie ở chắn ở cửa hai khu để xe.

Tuy đã rất mệt và đói, vì phải chờ đợi nhiều tiếng đồng hồ, nhưng bà con rất phấn khởi vỗ tay rào rào, khi nghe công bố kết quả cuộc họp. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn những ý kiến nghi ngại, khi cho rằng đây có thể chỉ là kế hoãn binh của phía chủ đầu tư.

Phía Bitexco hiện vẫn chưa đưa ra bình luận gì và từ chối trả lời các câu hỏi của báo chí.

READ MORE

Bàn ghế ngoài trời

Sống cơ động trong những mobile house và dùng bàn ghế ngoài trời là một xu thế mới đang dần hình thành. Hãy tìm hiểu về bàn ghế ngoài trời dưới đây và về mobile house.

Xu thế mới trên thế giới về đồ ngoài trời được tạp chí Art Deco số tháng 5.2006 đăng một loạt bài, cho thấy nó ngày càng đi vào nét hiện đại, tinh tế, thực dụng và vẫn giữ lại dáng vẻ đồng quê. Điểm nổi bật là việc xuất hiện các chất liệu mới cho phép nâng cao tính thẩm mỹ và thực dụng. Tại Việt Nam, việc sản xuất bàn ghế ngoài trời cũng đi cùng với các xu hướng đó. Hiện nay bàn ghế ngoài trời đã được người tiêu dùng trong nước sử dụng, chính vì thế mẫu mã ngày càng nhiều và chất liệu có những thay đổi chứ không chỉ đơn thuần là gỗ.

ban-ghe-ngoai-troi-1

Chất liệu mới, kiểu dáng mới

Đặc điểm của loại sản phẩm này là mẫu mã được thiết kế cho từng khu vực như hồ bơi, sân vườn, hàng hiên… Kiểu dáng thiết kế ngày càng bớt nặng nề và đi vào thanh mảnh hơn, do việc đưa thêm các chất liệu như sắt, nhôm vào phần khung… Các đường nét thẳng vuông vức hiện đại của đồ nội thất cũng được ứng dụng ở đây. Tính thực dụng được đề cao, các bộ bàn ghế xếp gập được, xếp chồng lên nhau dễ dàng. Các loại ghế tạo cho sự thư giãn tối đa và độ bền của chất liệu được chú ý.

Ngoài ra, đồ ngoài trời dùng được trong nhà là một nét mới do xuất hiện các vật liệu mới cho phép làm những bộ bàn ghế nhẹ hơn, dáng gọn hơn. Do đó, trong phòng khách người ta bắt đầu sử dụng những bộ salon dùng ngoài hàng hiên. Những bộ bàn ăn bên ngoài cũng được mang vào trong nhà, những loại ghế đơn cũng được đưa vào phối hợp với bàn dùng trong nhà tạo ra cảm giác mới.

Thị trường

Hiện nay có những công ty lớn chuyên về đồ ngoài trời như Trường Thành, Hoàng Anh Gia Lai, Osivn, trong đó hai công ty Trường Thành và Hoàng Anh Gia Lai chuyên sản xuất đồ gỗ và Osivn sản xuất hàng mây nhựa. Gỗ thường được dùng là dầu, xoan đào, canela, chò chỉ… Việc xử lý bề mặt và gỗ được ứng dụng nhiều công nghệ khác nhau nhưng dựa trên nguyên tắc không sử dụng nhiều hoá chất và giữ màu sắc tự nhiên của gỗ. Cách nhúng dầu lanh cho phép gỗ giữ màu tự nhiên, bảo vệ bề mặt không bị phai màu và gỗ chịu được nắng mưa. Nếu khách hàng thích màu gốc của gỗ thì có loại hàng chà nhám. Loại hàng sơn trắng cũng được ưa chuộng, sơn sử dụng ở đây là loại sơn chế tạo riêng có tính chống oxy hoá cao, chịu được sự mài mòn. Bên cạnh đó, việc dùng sơn phủ nhiều lớp cũng tăng cường thêm độ bền.

ban-ghe-ngoai-troi-2

Hàng mây nhựa là mặt hàng nổi bật đang được ưa chuộng trong và ngoài nước. Nhựa PU có tính dẻo, sức căng cao, bền màu, được kéo thành sợi rồi đan bằng tay. Đây chính là chất liệu có tính cách tân tác động đến sự thay đổi về thiết kế. Sợi nhựa được kéo khoảng 30 kiểu, có hình dáng giống như sợi tự nhiên như mây, nan tre, lục bình từ màu sắc cho đến độ nhám bề mặt. Loại chất liệu này cho phép sản xuất kiểu dáng mềm mại, tinh tế, nhiều màu sắc, có khả năng kết hợp với nhiều chất liệu khác như sắt, nhôm, inox, chrome.

Phong phú chủng loại

Như đã nêu trên, sản phẩm ngoài trời có các dòng chủ đạo như: ghế thư giãn, bộ bàn ghế ngồi chơi, bộ bàn ăn, ghế lẻ, quầy bar và các đồ phụ kèm theo. Bộ bàn ghế ngồi chơi và bàn ăn là loại được sản xuất có nhiều mẫu nhất. Các bộ này thường mang hơi hướng đồng quê, các kiểu song gỗ, carô xuất hiện nhiều. Ghế lẻ mẫu phong phú, loại để cố định thường dùng gỗ kiểu chắc chắn. Ghế có dạng hai ghế dính liền có bàn ở giữa, hoặc ghế băng gắn liền với bàn. Ghế gỗ kết hợp với vải nhựa dùng cho khu vực hồ bơi. Ghế thư giãn chú ý đến kiểu dáng và sự tiện dụng. Loại gỗ thường không liền khối mà chia làm ba đoạn để xếp gọn. Loại kim loại kết hợp với vải cũng là loại gập được, kiểu thường hiện đại và thanh mảnh. Loại mây nhựa thì kiểu liền một khối với những đường lượn cong lãng mạn.

 

 

READ MORE

Đèn chiếu sáng NVC

Các sản phẩm đèn chiếu sáng của NVC sang trọng, phong phú, đặc biệt phù hợp với các công trình kiến trúc hiện đại. Với hơn 2.000 mẫu mã, đèn NVC được sử dụng ở nhiều dạng công trình.

NVC có các sản phẩm như đèn thương mại, nội thất, ngoài trời, các thiết bị điện… trong đó, đèn thương mại là sản phẩm số một với các dạng như đèn trần, đèn tường, đèn rọi, đèn trưng bày, đèn multiple… Hiện một số công trình tại Việt Nam đã sử dụng đèn chiếu sáng của NVC như toà nhà thương vụ (Đại sứ quán Pháp), hệ thống nhà hàng kem Italy tại Hà Nội, hệ thống cửa hàng phân phối điện thoại di động FPT trên toàn quốc, khu biệt thự  Ciputra, khu chung cư The Manor, TD Plaza Hải Phòng…

Mục tiêu của NVC tại Việt Nam là không chỉ cung cấp đèn mà còn tư vấn để người tiêu dùng sử dụng đèn. Ngoài ra, hiện đơn vị phân phối sản phẩm NVC tại Việt Nam, Công ty Thành Long, còn cung cấp đến các đại lý phần mềm thiết kế ánh sáng, giúp người tiêu dùng bố trí các loại đèn chiếu sáng trong ngôi nhà, văn phòng, công trình xây dựng… một cách hợp lý nhất.

Một số công trình sử dụng sản phẩm của NVC:

nvc1

Đèn trần (downlight) có trọng lượng nhẹ, thể tích nhỏ, thích hợp cho những căn phòng lớn như phòng tiệc hay đại sảnh như thế này.

NVC2

Đèn tường được lắp nổi hoặc chìm, thích hợp với các không gian quầy bar, nhà hàng, trung tâm hội nghị, những khu vực cần dẫn đường…

NVC3

Đèn rọi chiếu sáng những điểm nhấn cục bộ.

nvc4

Đèn multiple được bố trí chiếu sáng theo cụm từ hai bóng trở lên. Loại đèn này chủ yếu dành cho cửa hàng kinh doanh, một phần nhỏ dành cho gia đình.

NVC5

Đèn ngoại thất đặt dưới nước, thường dùng cho các đài phun nước, trang trí những khu vực công cộng.

READ MORE

Ga hàng không quốc tế Bắc Kinh

Đó là Nhà ga số 3, thuộc Sân bay quốc tế Bắc Kinh, Trung Quốc. Nhà ga sân bay lớn nhất thế giới này nằm trên diện tích 1km vuông và là một cấu trúc thép, kính khổng lồ, trị giá 2,8 tỷ USD. Công trình là tác phẩm của KTS Norman Forter và cộng sự.

beijing airport 51

Nhà ga số 3 tại Sân bay quốc tế Bắc Kinh là một dự án lớn trong số những dự án đón chào Olympic Bắc Kinh 2008. Nhà ga sẽ giúp giảm sự quá tải ở 2 nhà ga hiện thời của sân bay. Dự kiến nhà ga mới sẽ qua giai đoạn kiểm tra vào tháng một tới, và chính thức đưa vào hoạt động vào dịp Olympic tháng 8 năm sau.

beijing airport 61

Bắc Kinh đang thật sự rất cần một sân bay mới, do tốc độ phát triển kinh tế nhanh đến chóng mặt trong những năm gần đây. Nhà ga thứ hai của sân bay quốc tế Bắc Kinh được mở cửa cách đây 8 năm, nhưng nhanh chóng bị quá tải, hành khách luôn phải xếp hàng dài để lên máy bay, và các chuyến bay liên tục bị hoãn.

Nhà ga do Norman Foster thiết kế, trị giá 2,8 tỷ USD. Hiện Bắc Kinh cũng đang lên kế hoạch cho một sân bay quốc tế thứ hai, dự định mở cửa vào năm 2015.

Trước khi xây dựng nhà ga, 10.000 người đã phải di dời đi nơi khác. Khoảng 50.000 công nhân liên tục làm việc tại công trường. Và việc xây dựng nhà ga tiêu thụ mất 500.000 tấn thép.

airport140907 4

Nhà ga số 3 mất chưa đầy 4 năm để hoàn thành. Trong khi đó, Anh phải mất hơn thế chỉ để tranh cãi về việc xây dựng Nhà ga số 5 của Sân bay Heathrow. Nhà ga 3 trải trên một diện tích 1km2.

beijing airport 7

Nhà ga là một khối kiến trúc khổng lồ bằng kính và thép, với mái dốc. Nhà ga được trang bị một hệ thống chuyên chở hành lý tinh vi, một đường tàu chở khách vào thành phố, các cổng và một đường băng có khả năng đón nhận cả máy bay lớn nhất thế giới hiện nay A380.

viewofairport

 Nhà ga được thiết kế với cột màu đỏ, mái màu vàng, gợi nhớ đến những cung điện, đền thờ thời phong kiến trước kia. Khi nhà ga được mở cửa, dự kiến cứ 30 giây lại có một máy bay cất hoặc hạ cánh.Hành khách của sân bay quốc tế Bắc Kinh tăng hơn 20% mỗi năm, từ 21,7 triệu năm 2000 lên đến 48,6 triệu vào năm ngoái. Sân bay này cũng “nhảy” từ vị trí thứ 42 lên vị trí thứ 9 trong bảng xếp hạng các sân bay đông đúc nhất thế giới.

 

READ MORE

Chùa Núi vàng – Golden Mountain (Myanmar)

Bàn tay sáng tạo của con người kết hợp với tuyệt tác thiên nhiên đã tạo nên điều kỳ diệu. Chùa Núi Vàng (Kyaikhtiyo) cho tới nay vẫn là điểm đến đầu tiên của hầu hết những ai ghé thăm Myanmar.

Tĩnh lặng đến mức từng giọt nước rơi rất nhẹ cũng được nghe thấy, tâm hồn con người trở nên thanh thoát hơn khi đến chùa Kyaikhtiyo.

Đến Myanmar là bước vào một thế giới khác với hương vị, cảnh quan, và cảm giác hết sức quyến rũ với bầu không khí thật sự khác thường.

Yangon, thủ đô của Myanmar, là nơi kết hợp hài hoà giữa truyền thống và hiện đại, giữa một bên là nền văn hoá Miến Điện thực thụ, bên kia là những di sản thời thuộc địa sót lại, vẫn còn tồn tại hàng thập kỷ sau khi Anh quốc rút lui.

Nhịp đập của thành phố hòa nhịp cùng những con đường rộn rã của nó đã tạo nên nét rất riêng của đất nước: người Myanmar.

Du khách tới đây sẽ hứng khởi khi chứng kiến những cuộc diễu hành rất nghiêm trang của các nhà sư trong bộ áo choàng màu vàng nghệ và tím, những ni cô đang tìm của bố thí, và những phụ nữ Myanmar sang trọng điểm xuyết cho mình những món trang sức giả kim vàng óng.

Kẻ trẻ, người già thích kéo dài cuộc tán gẫu trong những phòng trà, trên môi là điếu xì gà truyền thống thơm ngát, trong những bộ trang phục truyền thống theo kiểu longyi và htamein đã có từ hàng thế kỷ qua.

Những bãi biển của Myanmar có lẽ là nơi độc nhất vô nhị trên trái đất này chưa bị ngành du lịch khai phá, điển hình nhất là bãi biển mang tên Ngapali.

Tại đây, khách du lịch có thể thư giãn dưới bóng râm của hàng cọ, thả bộ trên dải cát bàng bạc, ngắm nhìn ngư dân đánh cá buổi sớm tinh sương, hay chỉ đơn thuần là để cho những cơn gió từ vịnh Bengal thổi vào làm cho trí não được tuệ minh.

Chùa Kyaikhtiyo là một trong những ngôi chùa cổ nhất và nổi tiếng nhất trong tất cả các ngôi chùa ở Myanmar. Chùa Kyaikhtiyo tọa lạc gần thị trấn Kyaikhto, quận Thaton, và nhiều người tin rằng nó được xây dựng trong thời gian Đức Phật còn sống, trên 2.500 năm trước.

Theo truyền thống của đạo Phật, tên ngôi chùa này được bắt nguồn từ “Kyaik” có nghĩa là “chùa”, còn “yo” nghĩa là ngự trên đầu của nhà ẩn dật; còn trong tiếng Pali thì “hti” nghĩa là một nhà ẩn dật và vì thế Kyaikhtiyo hàm ý ngôi chùa mang đầu của nhà ẩn dật. Theo truyền thuyết kể lại, sau khi một người tu hành xuống tóc vì Đức Phật thì không còn quyến luyến gì trần đời và toàn tâm đi tìm miền cực lạc.

Nơi đây có một tảng đá thiêng, được bao bọc bởi những lá bằng vàng dát mỏng, nằm cheo leo trên bờ một vách đá. Truyền thuyết kể rằng, sở dĩ tảng đá giữ vững được vị trí của nó là nhờ có một sợi tóc của Phật Tổ được đặt ở vị trí chính xác trong một cái tháp thờ cao đến 7,3 m nằm trên khối đá này.

Ngôi chùa được xây dựng trên một tảng đá tròn, hình quả trứng rất to lớn trên độ cao 1.100 m so với mặt biển. Đây là một công trình kiến trúc tôn giáo nổi tiếng thế giới, di sản văn hoá khổng lồ của nhân loại.

Trước khi tới Yangon, những người nước ngoài đều đã có khái niệm sơ bộ về kỳ quan này qua sách báo, phim ảnh hoặc lời kể. Điều đáng nói là khoảng cách giữa khái niệm và thực tế rất lớn, điều này tạo ra niềm hứng thú và cảm phục cho mọi người như khi chính ta đang đứng trước Angkor vĩ đại. Quần thể kiến trúc to lớn này tọa lạc trên đỉnh một khu đồi lớn với nhiều bậc thang trải dài xuống tận chân đồi và một hệ thống thang máy hiện đại.

Từ dưới chân núi, du khách chỉ nhìn thấy duy nhất chỏm đá nhô ra phía ngoài; nhưng khi lên đến đỉnh, cảnh quan diễn ra trước mắt là một quần thể kiến trúc thống nhất.

Ngôi chùa Kyaikhtiyo cao gần đến 30 m với vô vàn tượng Phật được đặt khắp ngóc ngách, đặc biệt có một số tượng Phật được trang điểm bằng hàng nghìn viên đá quý, vài trăm viên kim cương với hàng trăm chiếc chuông vàng.

Toàn bộ khuôn viên chùa vàng có kích thước hình chữ nhật, cao hơn mặt bằng thành phố 20 m. Từ 4 hướng chính là 4 dãy cầu thang có mái ngói che phủ. Dãy cầu thang dài nhất 175 bậc, dãy ngắn nhất 104 bậc. Hai bên các dãy bậc thềm là hàng loạt các nhà nghỉ cho khách hành hương.

Để leo lên đến được đỉnh núi dài 12 km tính từ vùng Kimmunsakhan, du khách phải leo bộ qua 20 trạm nghỉ khác nhau với các quán cóc nhỏ phục vụ đầy đủ các loại nước giải khát và trái cây.

Tuy nhiên, điểm hấp dẫn mọi người nhất là trong suốt quãng đường dài như thế, không một tia nắng nào có thể ảnh hưởng đến vì các tán lá cây rộng lớn có thể che mát mọi người.

READ MORE

Các công trình làm thay đổi London

Diện mạo của London, một trong những thành phố lâu đời nhất thế giới, sẽ có nhiều thay đổi khi một loạt cao ốc chọc trời được hoàn thành trong những năm tới. Dưới đây là hình ảnh những tòa nhà này.

Leadenhall Street:

LeadenhallSt

Công ty xây dựng của kiến trúc sư Rogers đã thiết kế tòa nhà cao 220 m này theo hình dạng thẳng đứng. Toàn bộ thang máy của tòa nhà sẽ được trang bị kính trong suốt để tôn lên chiều thẳng đứng của tòa nhà.

Heron Tower:

LD

Đây là tòa nhà gây ra nhiều tranh cãi khi nó được cấp phép xây dựng, và cũng thu hút nhiều sự chú ý khi chủ nhân của nó là nhà tài phiệt Gerald Ronson, người trước đây đã phải vào tù vì dính dáng đến một vụ bê bối liên quan đến buôn bán cổ phiếu nội bộ. Tòa nhà 37 tầng này được cấp phép dù nhiều ý kiến cho rằng nó sẽ làm hỏng cảnh quan của nhà thờ Thánh Paul nổi tiếng gần đó.

Lime Street :

LimeStreet

Khu phức hợp gồm 3 tòa tháp này được xây dựng tại ngay trung tâm London, với một tháp 29 tầng và một tháp 17 tầng và một tòa nhà 7 tầng.

St Mary Axe:

Tòa nhà này được tập đoàn Foster & Partners xây dựng theo đơn đặt hàng của hãng bảo hiểm Swiss Re. Ngay từ khi hoàn thành khâu thiết kế, nó đã được nhiều người ca tụng là “cỗ máy in tiền thanh mảnh”.

London Wall:

LondonWall

Đây cũng là một công trình khác của Foster & Partners. Tòa nhà 13 tầng được thiết kế với phần lớn là kính này được hoàn thành cách đây một năm và được mệnh danh là “khối băng lộng lẫy”.

Minerva:

Minerva1

Tòa nhà 50 tầng này do kiến trúc sư Nicholas Grimshaw, vốn nổi tiếng với các các công trình Eden tại Cornwall và nhà ga Eurostar tại Waterloo, đảm nhận. Tòa nhà được cấp phép dù nhiều ý kiến cho rằng chiều cao của nó sẽ che khuất nhiều khu nhà gần đó.

 

READ MORE

Trang trí nhà theo ngân quỹ

Việc trang trí một ngôi nhà có thể rất tốn tiền. Những lời khuyên sau sẽ giúp bạn luôn kiểm soát được hầu bao của mình khi xây mới hay tân trang chốn an cư.

– Quyết định thời gian chi tiêu vào việc trang trí, xây dựng. Bạn nên nhớ tính cả các khoản dành cho thiết bị trang trí đi kèm.

– Quyết định một phòng sẽ được ưu tiên làm trước để mở đầu kế hoạch dài hơi.

– Có kế hoạch, phối hợp màu sắc, phong cách và hệ thống lưu thông không khí.

phong-bep-1

– Mức độ tự tin của bạn trong việc xử trí dự án trang trí tạo nên một sự khác biệt lớn. Nếu bạn là một người hơi thiếu tự tin, hãy liên lạc với một kiến trúc sư chuyên nghiệp. Họ sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức và tránh được sự thất vọng. Bạn nên chọn một người có tinh thần hợp tác tốt và đáng tin cậy. Họ cần biết bạn thích và không thích những gì. Và bất cứ điều gì họ làm phải phù hợp với bạn và gia đình bạn.

– Đo kích thước căn phòng. Quyết định điểm trọng tâm. Đo nội thất, thảm trải sàn… trước khi mua và điền luôn kích thước, vị trí vào bản vẽ mặt bằng sàn mà bạn cho rằng sự sắp xếp đó là hợp lý. Phần việc sau đó sẽ trở nên dễ dàng hơn. Thủ tục này sẽ giúp bạn quyết định tỷ lệ cân xứng với căn phòng. Bạn cũng nên cân nhắc tới độ cao trần và lối đi lại.

– Lặp lại mỗi màu trong kế hoạch phối màu ở xa tầm mắt, trung bình và sát sàn để có sự cân bằng thị giác tốt nhất. Lặp lại bất cứ một hoạ tiết hay kết cấu ít nhất 2 lần trong một căn phòng.

– Sơn và dùng giấy dán tường để làm mới căn phòng thường có chi phí không quá cao.

– Nhìn kỹ màu sắc và hoạ tiết trong phòng vào ban ngày trước khi mua đồ trang trí.

– Nếu bạn không có kế hoạch cho ngôi nhà trong một khoảng thời gian dài thì việc đầu tư cho các vật dụng trang trí như các tác phẩm nghệ thuật, thảm trải sàn theo khu vực sinh hoạt, gối trang trí sofa có thể dễ dàng dùng lại được khi có nhà mới.

READ MORE