Nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong ngành xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đã cùng lãnh đạo các viện trực thuộc đi thực tế tại các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng và Cà Mau.

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông ngay sau chuyến đi này.

Bộ trưởng đánh giá như thế nào về tình hình quy hoạch xây dựng tại những địa phương có đặc thù miền sông nước và tốc độ phát triển đô thị còn hạn chế?

Tùy theo tình hình phát triển kinh tế – xã hội của mỗi địa phương mà những công tác này có sự khác nhau, trong đó, việc thực hiện quy hoạch cũng khác nhau. Tôi nhận thấy các địa phương đã rất chú trọng đến việc lập quy hoạch xây dựng. Có địa phương thực hiện với ý thức rất tốt và cần tiếp tục phát huy như Cà Mau.

Tuy nhiên, việc lập quy hoạch vẫn còn có nhiều khiếm khuyết, chưa phát huy được hết tiềm năng, đặc điểm của vùng đất. Nguyên nhân của tình trạng này là thiếu sự đóng góp tích cực của đội ngũ kiến trúc sư giỏi, cũng như vốn để thực hiện. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị mà còn có tác động xấu tới việc xây dựng trên địa bàn, nhất là gây phản ứng tiêu cực từ phía người dân có nhu cầu xây dựng và là đối tượng nằm trong diện giải toả.

Bộ trưởng có thể cho biết cụ thể những tác động từ quy hoạch đô thị tới quá trình xây dựng?

Trong quy hoạch, các địa phương phải thực hiện cùng lúc hai nhiệm vụ là quy hoạch tổng thể (1/2000) và quy hoạch chi tiết (1/500). Việc lập quy hoạch chi tiết lại liên quan tới các yếu tố địa lý, tập quán của nguời dân.

Trong khi đó, yêu cầu của quy hoạch chi tiết phải rõ ràng, không chỉ thể hiện mặt bằng mà còn phải vẽ được mặt đứng của các con đường đô thị. Điều này sẽ giúp các nhà làm quy hoạch thấy được những ưu khuyết điểm và đưa ra những tiêu chí cho việc xây dựng. Nói cách khác, đây là cơ sở cho việc cấp phép xây dựng.

Có một nguyên tắc trong Luật Xây dựng là các sở xây dựng chỉ được cấp phép xây dựng khi đã có quy hoạch chi tiết. Đây là mấu chốt của vấn đề vì nếu không để quy hoạch đi trước một bước sẽ gây ra tình trạng khó giải quyết những trường hợp người dân đã xây dựng xong nhà, đặc biệt là xuất hiện tình trạng xây dựng bừa bãi, lộn xộn.

Có địa phương cho rằng nhiều địa điểm cần thiết phải lập quy hoạch để quản lý xây dựng và kêu gọi đầu tư chưa được làm kịp thời. Bộ trưởng nhận định về vấn đề này như thế nào?

Thực tế, vốn cho công tác lập và triển khai thực hiện quy hoạch ở địa phương còn hạn chế. Mặt khác, quy hoạch xây dựng là quy hoạch vật thể. Điều này khác với quy hoạch kinh tế – xã hội và phải được thể hiện rõ trên bản vẽ. Trong việc quy hoạch xây dựng, cần phải nhìn nhận công tác của người lãnh đạo ở địa phương đó đóng vai trò hết sức quan trọng. Ví dụ, quy hoạch thị xã thì chủ tịch UBND thị xã phải quan tâm.

Về chi phí xây dựng quy hoạch thì tiền trả cho khảo sát chiếm khá nhiều. Tuy nhiên, điều này có thể khắc phục được khi các đơn vị quản lý xây dựng địa phương phối hợp chặt chẽ với sở tài nguyên và môi trường. Vừa qua, Chính phủ đã cấp khoảng 600 tỷ đồng để Bộ Tài nguyên và Môi trường làm bản đồ. Do đó, các đơn vị có thể lấy thông tin từ nguồn này và không phải trả chi phí. Điều này cũng giúp giảm chi phí thiết kế quy hoạch vì chi phí khảo sát trong công tác này khá lớn.

 

Thưa Bộ trưởng, trong công tác quản lý xây dựng, vấn đề cải cách hành chính ở các đơn vị quản lý xây dựng địa phương được đánh giá như thế nào?

Đúng là năm 2005, Chính phủ ban hành nhiều chính sách mới có liên quan tới ngành xây dựng. Chính vì thế, với năng lực của nhiều địa phương còn hạn chế vẫn còn tồn tại không ít lúng túng trong việc triển khai, nhất là đã xuất hiện tình trạng nhiều cơ quan quản lý nhà nước không hiểu thấu đáo tinh thần của Luật Xây dựng. Tuy nhiên, tôi có thể khẳng định rằng các địa phương đã có ý thức rất tốt trong việc triển khai. Điều này sẽ là yếu tố khắc phục những tồn tại.

Hiện có 3 vấn đề tôi cần nhấn mạnh đối với các đơn vị quản lý xây dựng địa phương.

Thứ nhất, năng lực của các địa phương. Theo đó, hoạt động xây dựng là hoạt động chuyên môn và mang tính chuyên nghiệp. Luật đã quy định về chứng chỉ hành nghề cho những người làm nghề có đủ năng lực và không cấp cho các tổ chức. Vì vậy các đơn vị quản lý phải lập ra những hội đồng xét duyệt. Đáng nói là hội đồng này phải linh hoạt để đánh giá cho đúng hồ sơ của những người đăng ký, nếu đủ thì phải cấp cho họ. Riêng những người làm nghề ở vùng sâu, vùng xa có trình độ cao đẳng mà có đủ kinh nghiệm, năng lực thì cũng phải linh hoạt cấp cho họ.

Thứ hai, Nghị định 16 đã phân cấp mạnh đến cơ sở. Các đơn vị phải hiểu tinh thần của Nghị định này là phân cấp trách nhiệm và quyền hạn cho chủ đầu tư nhưng lại đề cao vai trò quản lý Nhà nước.Thứ ba, hồ sơ thủ tục xây dựng, các địa phương phải phân biệt thủ tục quản lý đầu tư xây dựng và thủ tục quản lý của nhà đầu tư.