So với tuổi của đất nước 4000 năm lịch sử, thành phố Hồ Chí Minh còn rất trẻ, chỉ hơn ba trăm năm tuổi. Trẻ, nhưng thành phố này lại tạo được nhiều dấu ấn như một mảnh đất có bề dày lịch sử. Từ món ăn ngon, cách mặc tinh tế của người phố thị, sự phồn hoa, rồi cả sự nồng nhiệt đón khách. Nhưng tìm sâu hơn trong khuôn mặt kiến trúc đô thị, bạn sẽ thấy ở mảnh đất này còn nhiều khám phá cho người thập phương đến và tìm hiểu.

Sài Gòn xưa kia nằm trên một thềm phù sa cổ, mang những gò đất cao, chịu sự chi phối của hệ thống sông Đồng Nai – Vàm Cỏ. Suốt một thời gian dài, thành phố này mang tên Sài Gòn – Gia Định. Ngay từ khi hình thành, miền đất đã được bao bọc trong sự đan xen chằng chịt bởi những con sông, dòng kênh. Hệ thống sông ngòi từ đó trở thành đặc trưng tự nhiên, tác động lên đất, người và cuộc sống mảnh đất này. Lấy sông, rạch làm điểm mốc, nhà nhà nối nhau, từng thôn ấp, con đường, hay khu chợ khi được mở mang, ở đâu người Sài Gòn xưa cũng bám theo dòng chảy để làm nên không gian sống cho mình. Chính đặc trưng tự nhiên ấy đã phả vào cách nghĩ, nếp sống người Sài Gòn những ứng xử chân thành, thẳng thắn và dễ hiểu. Để rồi, tất cả những yếu tố đất, nước, và con người đã hình thành nên cấu trúc Sài Gòn, trong mối quan hệ chặt chẽ giữa con người và môi trường sông nước. Cuộc sống của đất cảng, của những con thuyền và những cuộc gặp gỡ từ đây mà sinh ra.

Nhà văn Sơn Nam: “Hồi Nguyễn Hữu Cảnh 300 năm trước, nội đường sông không là ta đã đủ sống, vận chuyển lúa gạo trái cây, củi… tất cả đều đi đường sông. Trong Nam này, nghiên cứu về văn hoá nó có nét đặc trưng. Người ta gọi là văn minh sông nước, và điệu hò trên sông nước”.

Có điều đặc biệt, Sài Gòn từng được bồi đắp nên từ phù sa của những dòng sông, nhưng không sống bằng nguồn phù sa ấy. Ngược lại, cấu trúc địa hình sông nước đã ấn định cho thành phố ở vai trò không gian chủ đạo: vừa trung chuyển hàng hoá, vừa giao lưu với nhiều luồng văn hoá khác nhau. Bởi thế, Sài Gòn vừa mang khuôn mặt tự nhiên theo hình thế đất đai, vừa biểu hiện mạnh mẽ sự khoáng đạt của vùng đất mới. Yếu tố quan trọng ấy đã làm nên bản sắc riêng cho miền đất này: một đô thị sông nước, giàu tính cởi mở. Đó là tất cả hình ảnh một Sài Gòn – Gia Định xưa, sơ khởi đầy giá trị, mang đậm tính bản địa.

Khi người Pháp đặt chân đến Sài Gòn, dù đã thiết kế kiến trúc và quy hoạch thành phố này một cách thật tỉ mỉ, nhưng nền văn minh sông nước và mô hình cấu trúc đô thị sông nước, vẫn là những thang giá trị cần thiết mà các kiến trúc sư Pháp tôn trọng, để thiết lập nên một đô thị Sài Gòn thời bấy giờ.

Tận dụng hệ thống sông rạch có sẵn, nơi điều hoà sức nóng và điều phối nguồn nước của đô thị quanh năm chỉ có hai mùa mưa và nắng này, kiến trúc sư Pháp đã thiết kế đan cài trong từng khu phố, đại lộ là những khoảng trống của quảng trường, và mảng xanh của cây cối. Từng khối kiến trúc, nhà chen nhà được giãn thoáng. Đường phố được che mát hơn, con người cũng vì thế mà tìm được không gian nghỉ ngơi riêng cho mình. Thực dụng và tiện ích, mục đích ấy đã được khai thác hiệu quả trong việc quy hoạch quảng trường công viên nối những con đường và đại lộ. Nhờ vậy, không gian đô thị Sài Gòn cũ thực sự ổn định, trật tự và điều hoà tốt môi trường khí hậu nóng. Đấy là giá trị kiến trúc đầu tiên mà đô thị Sài Gòn cũ đã từng có. Để rồi hôm nay, đã qua hàng trăm năm, hệ thống cây xanh và công viên vẫn còn giữ nguyên giá trị sử dụng.

Gương mặt kiến trúc Sài Gòn cũ, nếu bỏ quên khu Chợ Lớn, nơi mang nhiều dấu ấn của Sài Gòn – Gia Định thời sơ khởi, coi như đô thị này mất đi một phần giá trị quan trọng. Đây là nơi cư trú, sinh sống của người Hoa, những cư dân ban đầu đã cùng với người Việt mở cuộc khẩn hoang vùng đất phương Nam này. Ở đó là không gian sống, vốn nổi danh với những phố Tàu sầm uất, hiển thị rõ nhất sắc thái cuộc sống của con người ham làm, giỏi làm.

Những ngôi nhà mang kiến trúc cũ từ thời Pháp được xem là kiến trúc lâu đời trong lòng đô thị non trẻ. Chúng là quỹ kiến trúc cũ quan trọng, đã sống với thời gian, còn sót lại, đọng lại, để rồi minh chứng cho ta hiểu về lối sống, nếp nghĩ và cách ứng xử của một cộng đồng dân cư du nhập đã được Việt hoá. Điều quan trọng hơn cả, quỹ kiến trúc này đã làm đa dạng thêm màu sắc kiến trúc của một đô thị mở; đồng thời, là khối tài sản kiến trúc đầy giá trị, không thể vắng mặt trong kiến trúc tổng thể đô thị Sài Gòn, nhất là trong sự tiếp cận với những giá trị mới.

Muốn nhìn đô thị Sài Gòn cũ, không thể nhìn trong một hai điểm nhìn từ những khóm cây, quảng trường hay những dãy phố. Trong cách tiếp nhận cụ thể từng giá trị kiến trúc riêng biệt, bạn mới hiểu nguồn cội và những điều thành phố này muốn nói. Những khối kiến trúc nhà công sở và các công trình công cộng thời thuộc Pháp là điều dễ nhận thấy. Mang phong cách kiến trúc châu Âu, dù được dựng lên với mục đích thống trị người bản xứ Sài Gòn, nhưng điều kiện khí hậu nóng ẩm Việt Nam và một môi trường sống đặc trưng vùng sông nước, đã tác động nhiều trong việc thiết lập kiến trúc những công trình. Từ trụ sở hành chính, nhà hát, bưu điện hay bất cứ công trình kiến trúc nào, mang bóng dáng kiến trúc Pháp, nhưng lại chịu sự chi phối về tầm cao, độ rộng phù hợp với điều kiện tự nhiên cũng như tỷ lệ con người Việt Nam. Sự xuất hiện của chuỗi kiến trúc đó, đã góp thêm tiếng nói kiến trúc đa dạng của Sài Gòn cũ. Những công trình một lần nữa khẳng định rõ hơn chiều sâu kiến trúc quy hoạch của một thành phố đô thị sông nước còn non trẻ.

Không phải ngẫu nhiên, những công trình như nhà thờ Đức Bà thời thuộc Pháp lại dễ dàng tồn tại qua hàng trăm năm như với biết bao thay đổi. Những khối kiến trúc ấy là một ký hiệu đặc biệt, nó điều phối khoảng trống giữa công viên, quảng trường và những con đường. Nhờ đó, mà giá trị không gian, và hiệu quả quy hoạch đô thị của kiến trúc sư Pháp trước đây được khẳng định. Đó là những điểm nhấn quý giá trong chuỗi kiến trúc đô thị của Sài Gòn xưa. Dẫu là hình thức kiến trúc nào, có nguồn gốc từ đâu, khi đã định vị trên mảnh đất cởi mở này, chúng đều trở thành tài sản chung đặc biệt, biết nói và có hồn. Chỉ ở đô thị ngã ba đường, nơi nhiều cái mới dễ dàng được dung nạp; và biểu hiện cao nhất trong bản sắc kiến trúc thành phố này là sự đa dạng đã được Sài Gòn hoá.

Xuất phát từ đô thị sông nước Nam Bộ, được định hình thêm bằng quy hoạch kiến trúc rõ ràng, khuôn mặt không gian đô thị Sài Gòn xưa – cũ đã được khắc dấu nhiều giá trị đáng trân trọng: cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu, và dễ nhớ. Nhưng đó là câu chuyện cũ, là kỷ niệm quá khứ, khi ta nhìn về Sài Gòn hiện tại, tức thành phố Hồ Chí Minh hôm nay.