Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo như vậy tại Hội nghị kiểm điểm công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên – môi trường do Bộ TN&MT tổ chức tại Hà Nội sáng qua (27/2).

Thủ tướng cho rằng, quy hoạch phải đi trước, phải đảm bảo quyền lợi cho người dân trong vùng có quy hoạch.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tài nguyên là nguồn lực quan trọng góp phần vào tăng trưởng kinh tế, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Thủ tướng lưu ý việc khai thác, sử dụng tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên đất đai cần thực hiện hiệu quả, tạo điều kiện cho phát triển bền vững, nhất là đảm bảo môi trường trong lành.

Lắng nghe ý kiến từ các địa phương phản ánh bức xúc trong việc thực thi chính sách, pháp luật đất đai ở cơ sở, Thủ tướng cho rằng, chính sách vẫn còn nhiều bất cập, yếu kém, cần sửa đổi, hoàn thiện theo hướng đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân.

Theo ông Trần Ngọc Thới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tình trạng khiếu kiện về đất đai vẫn rất bức xúc, trong đó có việc định giá, xác lập quyền sử dụng đất…

Ông Thới dẫn chứng hai ví dụ, một trường hợp do đi kháng chiến, khi về thì nhà đã bị cấp giấy chứng nhận cho người khác dạng “nhà vắng chủ”; trường hợp khác: người được cho “ở nhờ” không chịu trả lại nhà cho chủ cũ. Trong khi đó, cơ quan chức năng công nhận quyền sở hữu cho người ở nhờ vì “ở ổn định lâu dài”…

Cách giải quyết của cán bộ trong cả 2 trường hợp này, theo Thủ tướng là không thể chấp nhận được. “Khi giải quyết, phải có tình có lý, phải vận động để người dân hiểu chính sách, cán bộ không nên áp dụng pháp luật cứng nhắc” – Thủ tướng nói.

Liên quan đến những dự án thu hồi đất, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các cấp quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương không được tùy tiện thu hồi đất của dân.

“Nhà nước chỉ thu hồi đất tại những dự án phục vụ công trình công cộng, an ninh quốc phòng, chỉnh trang đô thị, xây dựng các cụm, khu công nghiệp phục vụ phát triển kinh tế -xã hội. Khi thu hồi, đền bù, tái định cư phải đảm bảo quyền lợi cho người bị thu hồi đất.

Còn tại các dự án khác, doanh nghiệp hoặc người có nhu cầu sử dụng đất phải tự thỏa thuận với người dân. Nhà nước không thể đứng ra thu hồi đất của dân để doanh nghiệp làm cây xăng, nhà hàng!”- Thủ tướng khẳng định.

Cũng theo Thủ tướng, hiện nay, công tác quy hoạch còn yếu kém, không khả thi, không đi liền với kế hoạch. “Người dân phải được biết quy hoạch, nếu quy hoạch không phù hợp thì phải sửa.

Đồng thời, phải công khai cho người dân thấy rõ, trong khi chờ quy hoạch thì người dân được đảm bảo sinh sống như thế nào, công tác tái định cư, đền bù ra sao để dân yên tâm…”.

Thủ tướng cho biết, tuyến đường sắt cao tốc Bắc-Nam đã được quy hoạch từ hàng chục năm trước, sau đó kêu gọi đầu tư được hơn 30 tỷ USD. Có được kết quả đó là nhờ có quy hoạch tốt.

Thủ tướng đề nghị Bộ TN&MT nên hoàn thiện hệ thống quy hoạch theo hướng tránh điều chỉnh nhiều lần, tránh quy hoạch “treo”, tạo kẽ hở cho tiêu cực, nhũng nhiễu.

Định giá đất theo thị trường

Quy hoạch “treo”, dự án “treo” là nguyên nhân gây khiếu kiện

Theo báo cáo của Bộ TN&MT, cả nước hiện có1.649 khu vực quy hoạch với diện tích 344.665ha được xếp vào diện quy hoạch “treo”, trong đó có 840 khu vực quy hoạch cho xây dựng công trình kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội với diện tích 24.700 ha. 379 khu vực quy hoạch cho xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp với 266.114 ha.

Các tỉnh có nhiều khu vực quy hoạch “treo”: Đồng Nai (368 khu); Hòa Bình(124 khu); Hà Tĩnh (94 khu); An Giang (84 khu); Cao Bằng (75 khu); Long An (72 khu); Tiền Giang (68 khu); Cần Thơ (66 khu); Vĩnh Long (65 khu); Kiên Giang (58 khu); Cà Mau (55 khu). Các tỉnh Đồng Tháp; Bình Phước; Lào Cai; Bình Dương; Bắc Kạn; Vĩnh Phúc đều có các khu quy hoạch “treo” với số lượng từ 20 đến 34 khu.

Tại các dự án giải tỏa treo, hiện đang có 3.852 đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân về công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Các tỉnh có nhiều đơn thư, khiếu nại, tố cáo gồm: Vĩnh Phúc 32 dự án với 645 đơn, Lạng Sơn 7 dự án với 436 đơn, Kiên Giang 20 dự án với 413 đơn, Đồng Tháp 41 dự án với 313 đơn, Bình Dương 7 dự án với 199 đơn…

Một trong những bức xúc mà các địa phương kêu ca, trong đó có Hà Nội, là quy định “doanh nghiệp phải tự thỏa thuận với dân khi thu hồi đất”; định giá đất phải theo nguyên tắc “sát giá thị trường”. “Quy định này không thể thực hiện được trong suốt 2 năm qua”- Ông Lê Quý Đôn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết.

Tuy nhiên, Thủ tướng yêu cầu ngành TN&MT phải hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai theo hướng thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. “Chúng ta không thể quay lại chính sách cũ, việc định giá đất phải sát với giá thị trường trong điều kiện bình thường” – Thủ tướng nói.

Thủ tướng đề nghị các địa phương thảo luận, tìm giải pháp ổn thỏa cho việc thực thi cơ chế này, theo nguyên tắc, giải quyết hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Sai phạm về quản lý đất đai phổ biến xảy ra tại cơ sở. Theo ông Mai Văn Ninh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, hơn 70% các sai phạm về đất đai do cán bộ xã làm sai, nhiều trường hợp năng lực yếu kém, áp dụng sai luật.

Trong khi đó, ông Trần Ngọc Thới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề xuất, tiêu cực về đất đai không nên giao cho thanh tra chuyên ngành xử lý.

“Nên chuyển hồ sơ cho Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng T.Ư xử lý, nếu xử thật nghiêm vài vụ thì tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, vi phạm sẽ giảm rõ rệt”- Ông Thới nói.

Thủ tướng cho rằng, tình trạng phiền hà, sách nhiễu khiến dân và doanh nghiệp phải kêu ca có phần do chính sách, cơ chế, nhưng cũng có phần do phẩm chất, đạo đức cán bộ yếu kém.

Nếu vụ việc nào lãnh đạo địa phương lỡ giải quyết sai thì phải thẳng thắn thừa nhận, sửa sai. “Hết sức hạn chế quyết định từ trên, mà nên sửa sai ngay từ cơ sở. Tuy nhiên, khi cần thì cấp trên cũng phải xử lý thật kiên quyết” – Thủ tướng nói.