(Trích)

QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Về việc phê duyệt điều chỉnh

Quy hoạch chung của Thủ đô Hà Nội đến năm 2020

(Số 108/1998/QĐ-TTg ngày 20/6/1998)

Quy mô dân số

Đến năm 2020 , dân số đô thị Thủ đô Hà Nội và các đô thị xung quanh trong phạm vi nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch chung khoảng 4,5 đến 5,5 triệu người.Trong đó quy mô dân số nội thành của thành phố Hà Nội Trung tâm là 2,5 triệu người .

Về chỉ tiêu sử dụng đất đai

Chỉ tiêu sử dụng đất đô thị bình quân là 100 m2/người, trong đó phải bảo đảm chỉ tiêu đất giao thông là 25 m2/người, chỉ tiêu đất cây xanh, công viên, thể dục thể thao là 18 m2/người và chỉ tiêu đất xây dựng đất công trình phục vụ lợi ích công cộng là 5 m2/người

Về phân khu chức năng

Các khu dân cư bao gồm khu hạn chế phát triển, giới hạn từ vành đai 2 (Vĩnh Tuy – Ngã Tư Vọng – Ngã Tư Sở – Cầu Giấy – Nhật Tân) trở vào trung tâm, về lâu dài khống chế quy mô dân số khoảng 0,8 triệu người, các khu phát triển chủ yếu nằm ven đô ngoài vành đai 2 có quy mô dân số ở phía Nam Sông Hồng khoảng 0,7 triệu người và ở phía Bắc Sông Hồng khoảng 1 triệu người

Các khu công nghiệp hiện có được cải tạo, sắp xếp lại phù hợp với quy hoạch xây dựng Thành phố, đồng thời phát triển các khu công nghiệp mới. Diện tích đất dành để xây dựng các khu công nghiệp khoảng 3.000ha

Hệ thống các trung tâm công cộng, bao gồm trung tâm Thành phố hiện có như Trung tâm hành chính – chính trị Quốc gia Ba Đình. Trung tâm hành chính – chính tri của Thành phố tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm và các trung tâm thương mại, tài chính, dịch vụ, văn hoá mới ở Tây Hồ Tây, Nam Thăng Long (Xuân La, Xuân Đỉnh, Nghĩa Đô ), Phương Trạch (Nam Vân Tri), Gia Lâm và Trung tâm dịch vụ, văn hoá – thể dục thể thao Cổ Loa.

Trung tâm Liên hợp thể dục thể thao Quốc gia và của Thành phố được bố trí tại Mỹ Đình (huyện Từ Liêm). Các trung tâm thể dục thể thao khác được bố trí đồng đều trong Thành phố như Hàng Đẫy, Quần Ngựa, Nhổn, Vân Trì, Triều Khúc..

Về kiến trúc và cảnh quan đô thị

Trong các khu phố hiện có, phải giữ gìn, tôn tạo các di sản văn hoá, lịch sử,cảnh quan thiên nhiên và các công trình kiến trúc có giá trị;… cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải thiện điều kiện ở, làm việc, đi lại, tạo thêm các khu vui chơi giải trí cho nhân dân.

Trong các khu phát triển mới: Bao gồm các khu xây dựng theo hướng hiện đại, mang bản sắc dân tộc, có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ.

Về qui hoạch giao thông và cơ sở hạ tầng kỹ thuật

Đất xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, bao gồm cả hệ thống giao thông động và hệ thống giao thông tĩnh phải đạt tỷ lệ bình quân 25% đất đô thị.

Ưu tiên cho việc xây dựng hệ thống đường sắt đô thị để tạo nên những trục chính của mạng lưới vận tải hành khách công cộng của Thủ đô, bao gồm cả các tuyến đi trên cao và đi ngầm.

Mở rộng và xây dựng hoàn chỉnh sân bay Nội Bài theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tích cực nạo vét, chỉnh trị tiến tới kênh hoá Sông Hồng, nâng cấp các cảng Hà Nội tại Phà Đen, Khuyến Lương, đồng thời mở thêm các cảng Vạn Kiếp, Thượng Cát.

Xây dựng hệ thống thoát nước mưa, bao gồm các trạm bơm và mạng lưới cống và kênh tiêu hoá, bảo đảm mật độ 0,6 đến 0,8 km/km2.

Chỉ tiêu cấp nước sinh hoạt đến năm 2001 là 150-180 lít/người/ngày, với 90-95% dân số đô thị được cấp nước và đến năm 2002 là 180-200 lít/người/ngày với 95-100% dân số đô thị được cấp nước.

Đến năm 2020, bảo đảm 100% khối lượng chất thải rắn của Thành phố được thu gom, vận chuyển, xử lý bằng công nghệ thích hợp.

Cải tạo và xây dựng các nghĩa địa, nghĩa trang tập trung, kết hợp với việc xây dựng nghĩa địa, nghĩa trang nhỏ bố trí phân tán, phù hợp với điều kiện từng địa phương.

Kỳ sau:

– Bản đồ quy hoạch Điện

– Bản đồ quy hoạch Nước

– Bản đồ quy hoạch Không gian

– Bản đồ quy hoạch Giao thông

– QUY HOẠCH CHI TIẾT CÁC QUẬN, HUYỆN