Norman Foster sinh năm 1935 ở thành phố Manchester, vương quốc Anh. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Tổng hợp Manchester, khoa Kiến trúc và Quy hoạch đô thị năm 1961, ông nhận được học bổng của trường Tổng hợp Yale và tốt nghiệp ở đây với bằng Thạc sĩ Kiến trúc.

Năm 1967, ông thành lập văn phòng Foster Associates và ngày nay mang tên “ Forter và cộng sự”. Từ ngày thành lập đến nay, với những đóng góp to lớn trong sáng tác và thiết kế kiến trúc, văn phòng của ông đã giành được hơn 190 bằng khen trong nước và quốc tế. Nói đến những tác phẩm nổi tiếng của ông phải kể đến: Willis Faber & Dumas Fimanzentrale năm 1975; Sainsbury Center for Visual Art, Norrwich năm 1978; Hongkong and Shanghai Bank năm 1985; Sân bay Stansted ở London năm 1991; Centry Tower ở Tokyo năm 1991, bảo tàng American Air ở Duxford năm 1997…

Công trình cải tạo nhà quốc hội Đức ở Thủ đô Berlin, CHLB Đức.

Mặt đứng nhà quốc hội Đức

Mặt đứng nhà quốc hội Đức

Mặt bằng nhà quốc hội Đức

Mặt bằng nhà quốc hội Đức

Phối cảnh nhà quốc hội Đức

Phối cảnh nhà quốc hội Đức

Lịch sử hình thành và xây dựng Nhà Quốc hội gắn liền với lịch sử phát triển chế độ nghị viện ở Đức. Năm 1871, chỉ vài tháng sau khi lập ra đế chế Đức, thủ tướng Bismark đã quyết định cho xây dựng khu làm việc mới cho Chính phủ và nghị viện Đức ở thủ đô Berlin. NĂm 1872, Uỷ ban xây dựng của Nghị viện đã cho tiến hành cuộc thi sáng tác kiến trúc tìm ý tưởng để xây dựng Nhà Quốc hội. Đây là cuộc thi quốc tế có rất nhiều Kiến trúc sư (KTS) các nước tham gia. Chỉ riêng nước Anh đã có 15 KTS, trong đó, ngài George Gilbert Scott – người xây dựng rất nhiều nhà thờ ở nước Anh – đại diện cho trường phái Newgotik giành được giải nhì; giải nhất thuộc về KTS Ludwig Bohnstedt. Do địa điểm lựa chọn xây dựng Nhà quốc hội lúc đó nằm trên khu đất của bá tước Graf Raczynski đã không được sự đồng ý của ông nên kết quả cuộc thi sau đó bị huỷ bỏ. Mười năm sau, năm 1881, sau khi đã thống nhất lựa chọn được địa điểm xây dựng nằm phía Đông của Quảng trường Vua và nằm phía Tây của Thủ đô Berlin với kích thước 300m x 200m, cuộc thi quốc tế sáng tác Kiến trúc lần thứ 2 được tiến hành. Từ 189 phương án dự thi, ban giám khảo lựa chọn ra được 1 phương án giải nhất của KTS Paul Wallot đến từ Frankfurt am Main để xây dựng. Phong cách kiến trúc nhà Quốc hội do Wallot thiết kế mang đầy cá tính của ông với phong cách Kiến trúc riêng – mà như ông nói: “Phong cách Đế chế”. Đó là sự kết hợp giữa kiến trúc thời kỳ Phục Hưng Ý và trào lưu kiến trúc Hochbarock đang thịnh hành lúc đó. Phong cách này cho đến nay vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi trong giới chuyên môn Kiến trúc nghệ thuật. Năm 1884, vua Wilhelm I đã đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà Quốc hội và cũng phải 10 năm sau, năm 1894, toà nhà mới được vua Wilhelm II làm lễ khánh thành.

Nhà Quốc hội Đức, một biểu tượng của Đế chế Đức đã tồn tại và chứng kiến những thăng trầm của nền chính trị nước Đức, đi từ Đế chế Đức của Bismark, trải qua thời kỳ nhà nước Cộng hoà Weimar, đến Nazi của Hitler với Chiến tranh thế giới lần thứ 2 và cuộc chiến tranh lạnh giữa Đông và Tây Đức trong những năm nửa cuối thế kỷ 20. Toà nhà đã bị một lần đốt cháy năm 1933 và bị phá huỷ nặng năm 1945.

Sự thống nhất nước Đức năm 1989 đánh dấu sự kết thúc của Chiến tranh lạnh và mở ra một trang sử mới cho dân tộc Đức. Sau 66 năm chia cắt, ngày 19/4/1999, Nghị viện Đức bắt đầu chuyển từ Bon về làm việc tại nhà Quốc hội ở Berlin sau khi ngôi nhà này được cải tạo. Với quyết định chuyển toàn bộ cơ quan đầu não từ Bon về Berlin, cải tạo nhà Quốc hội và xây dựng khu làm việc mới cho chính phủ tại thủ đô Berlin là hai công việc ưu tiên hàng đầu mà chính phủ Đức đặt ra sau khi thống nhất đất nước.

Vị trí và địa điểm khu làm việc cho Nghị viện và chính phủ được quy hoạch theo một dải dài có kích thước 100m x 1500m theo trục Đông Tây, vắt qua vòng cung của sông Spree. Giải pháp quy hoạch trên được lựa chọn thông qua phương án giải nhất của KTS Axel Schulter & Charlote trong cuộc thi quốc tế Quy hoạch lần thứ 1 năm 1993 và cuộc thi thứ 2 năm 1994 – thiết kế chi tiết khu làm việc của Chính phủ với diện tích làm việc 19000m2.

Đầu năm 1933, cùng với cuộc thi sáng tác quy hoạch trên là cuộc thi quốc tế kiến trúc lựa chọn phương án cải tạo nhà Quốc hội. Ban giám khảo đã chọn được 3 phương án đồng giải nhất của KTS Norman Foster (Anh), KTS Santiago Calatrava (Tây Ban Nha) và KTS Pi de Bruijn (Hà Lan). Cả 3 phương án trên được các tác giả tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện sau khi nhận được ý kiến đóng góp của Quốc hội và một lần nữa đưa ra trưng cầu ý kiến các nhà chính trị và chuyên môn. Kết quả thật ngạc nhiên, 2 trong 3 phương án được giải đã thay đổi phương án cũ đạt giải của mình. Bruijn thay đổi cấu trúc của phòng họp lớn, Foster thì bỏ toàn bộ mái nhẹ che phủ của phương án được chọn. Với sự làm việc cố gắng cao độ, hội đồng nguyên lão của quốc hội đã đưa ra quyết định vào tháng 6/1993 chọn phương án của Norman Foster để tiếp tục hoàn thiện thiết kế thi công.

Khi Foster nhận nhiệm vụ, có 3 vấn đề cơ bản đặt ra cần giải quyết:

1. Việc tiến hành cải tạo phải đúng thời hạn đặt ra, không gian hoạt động phải hiện đại đáp ứng được những yêu cầu hoạt động của Nghị viện trong hiện đại và tương lai.

2. Tiếp nhận và tôn tạo các yếu tố lịch sử để lại của nhà Quốc hội cũ.

3. Công trình xây dựng cải tạo phải thiết kế với định hướng sử dụng năng lượng sạch, phù hợp với môi trường sinh thái của thành phố.

Giải quyết đồng thời 3 yếu tố trên là một nhiệm vụ khó khăn đặt ra cho Foster và các cộng sự. Ông đã suy nghĩ việc cải tạo nhà Quốc hội dựa trên 4 ý tưởng chính nhằm nêu bật và nói lên được các ý nghĩa:

– Lòng tin của nhân dân và ý nghĩa quan trọng của chế độ nghị viện – một thắng lợi của Cách mạng dân chủ thế giới.

– Là tượng đài của dân tộc, gắn liền với các yếu tố lịch sử, quá khứ, hiện tại, tương lai của nước Đức hiện đại, của châu Âu mới.

– Sự hiểu biết và tôn trọng lịch sử tạo nên sức mạnh dân tộc.

– Xây dựng thích ứng khí hậu, tận dụng tối đa điều kiện khí hậu thuận lợi, hạn chế các điều kiện bất lợi, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu sự thải nhiệt và các chất ô nhiễm vào môi trường sống là nguyên lý cơ sở của thiết kế Kiến trúc tương lai.

 

Mặt cắt 3D bên trong nhà quốc hội Đức

Mặt cắt 3D bên trong nhà quốc hội Đức

Vòm lấy sáng nhà quốc hội Đức

Vòm lấy sáng nhà quốc hội Đức

Công trình nhà quốc hội Đức

Công trình nhà quốc hội Đức

Vòng lấy sáng của nhà quốc hội Đức

Vòng lấy sáng của nhà quốc hội Đức

Bên trong nhà quốc hội Đức

Bên trong nhà quốc hội Đức