Hàng trăm người tại TP Đà Nẵng đổ xô tìm mua đất làm nhà, lập trang trại với hy vọng sẽ kiếm được tiền đền bù cùng đất ở. Thậm chí nhiều người vì không đủ tiền đã vay ngân hàng. Đùng một cái, TP Đà Nẵng quyết định xóa quy hoạch treo. Vậy là hàng trăm người méo mặt vì nợ nần.

Có lẽ thôn Thạch Nham Đông thuộc xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng sẽ không có sự xáo trộn nếu không có quy hoạch biến nơi đây thành khu dân cư Thạch Nham. Ngay sau khi bảng quy hoạch được dựng lên, nhiều nhóm người từ nội thành Đà Nẵng đã ùn ùn kéo lên tìm mua đất.

Giá rẻ, thủ tục sang nhượng đơn giản, vậy là chỉ cần 30 triệu đồng, nhiều người đã sở hữu được ngay một mảnh vườn rộng 400 m2. “Mua lập trang trại, sau này có giải tỏa thì Nhà nước sẽ đền bù”, ông K. ở phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, nói.

Theo Sở Xây dựng Đà Nẵng, trong số 200 dự án đã triển khai, trong năm 2006 TP Đà Nẵng sẽ điều chỉnh chi tiết khoảng 70 dự án theo hướng chỉnh trang đô thị, hạn chế thấp nhất việc giải tỏa trắng, trong đó có ba dự án sẽ xóa hẳn, gồm: khu dân cư (KDC) thu nhập thấp Đà Sơn – Hòa Khánh, KDC Miếu Bông và KDC Thạch Nham. Riêng với các dự án KDC Hòa Xuân, Hòa Phước trước mắt sẽ tạm dừng triển khai. Tháng 6, tất cả đồ án điều chỉnh sẽ chính thức được công bố.

Sau khi mua đất xong, ông K. lập tức tập kết vật liệu tiến hành xây dựng nhà ở, tường rào, cổng và trồng cây. Cũng như ông K., gia đình bà T. ở quận Hải Châu cũng đã hoàn tất căn nhà cấp 4 với trị giá xây dựng gần 16 triệu đồng từ hai năm nay. “Nếu tính cả tiền đất thì ngót nghét bỏ vào đó gần 50 triệu đồng”, bà T. cho biết.

Phong trào mua đất làm nhà ở Thạch Nham Đông có lẽ bùng phát mạnh nhất vào cuối năm 2004, tức sau thời gian quy hoạch được công bố chừng năm tháng. Và chỉ sau một thời gian ngắn, nơi đây đã mọc lên hơn 100 nóc nhà được xây dựng vội, rào giậu sơ sài. Thêm vào đó trận bão số 8 vào tháng 10/2005 làm hàng chục căn nhà nơi đây sập, tốc mái. Quang cảnh trở nên tiêu điều.

Quy hoạch được công bố vào tháng 5/2004 thì đến cuối năm 2005, thông tin Nhà nước sẽ xóa bỏ một số dự án trong đó có Thạch Nham Đông đã khiến nhiều hộ dân mua đất tại đây méo mặt, bởi hàng tỷ đồng bỏ ra dựng nhà đang có nguy cơ mất. “Trước sau cũng phải bỏ nhà bởi xuống cấp do để hoang phế”, bà T. thừa nhận.

Ông Trương Búp, Phó trưởng thôn Thạch Nham Đông, xác nhận: “Trong số hơn 100 căn nhà mới xây chỉ có khoảng 20 căn là của dân địa phương, số còn lại của dân từ nội thành Đà Nẵng lên xây”.

Hầu hết những căn nhà của người dân địa phương đều được xây dựng từ nguồn tiền vay ngân hàng qua các kênh khác nhau. Nhiều hộ dân khi lập dự án vay tiền ghi rõ “vay để phát triển trang trại, chăn nuôi gia cầm…” nhưng thực tế không ít hộ đã làm nhà “chạy giải tỏa”.

Một trong số các trường hợp như thế khi được hỏi đã không dám thừa nhận mà chỉ… cười méo mặt. “Kinh tế của người dân nơi đây chủ yếu là vườn đồi nên không khá giả lắm đâu.Vậy mà suốt hai năm qua, chúng tôi đã phải vất vả giải quyết nhiều vụ việc lộn xộn trong mua bán, làm nhà ở đây”, ông Đinh Văn Thống, Phó chủ tịch xã Hòa Nhơn, cho biết.

Theo số liệu thống kê của Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp huyện Hòa Vang, đến giữa tháng 2, số dư nợ của 85 hộ dân thôn Thạch Nham là 765 triệu đồng, đó là chưa kể đến số dư nợ của các kênh vay vốn khác. Và chỉ bằng một phép tính đơn giản cũng có thể tính được gần 2 tỷ đồng tiền vật liệu dựng nhà ở Thạch Nham Đông sẽ phải bị bỏ phí.