Tủ âm tường thường được thiết kế nhằm giải quyết các góc cạnh do kết cấu của công trình để lại, giải quyết bài toán về tiết kiệm diện tích trong không gian nội thất, làm cho công trình chặt chẽ hơn cả về công năng lẫn bố cục. Sản phẩm này thích hợp đặt trong phòng ngủ, dùng để treo quần áo, đồ dùng cá nhân…

tu-am-tuong-1

Nếu diện tích căn phòng rộng rãi, bạn có thể thiết kế chiếc tủ treo quần áo này như một phòng thay đồ nhỏ xinh. Những kiểu dáng tủ âm tường có kết cấu dạng chữ U, chữ L chỉ thích hợp cho những căn hộ lớn. Còn kết cấu tủ âm tường dạng chữ I, chữ V giúp bạn tận dụng không gian hạn hẹp ở những căn hộ nhỏ hơn.

Loại tủ âm dùng để trưng bày những vật dụng trang trí bắt mắt còn được thiết kế để tạo vách ngăn giữa các phòng, rất tiện lợi và sáng tạo. Bạn còn có thể tạo cho mình một thư viện nhỏ trong nhà với những kệ sách đa dạng có thiết kế âm tường.

Tuy nhiên khi thiết kế tủ âm tường, bạn cần phải lưu ý:

Vị trí đặt tủ

Bạn không nên để tủ ở bức tường tiếp xúc trực tiếp với nắng mưa. Bởi chúng rất dễ bị thấm nước, ẩm khiến tủ dễ bị hư hại. Cũng không nên để tủ nằm kế phòng tắm vì độ ẩm của phòng tắm cao khiến tủ dễ bị mốc và có mùi. Gia chủ tuyệt đối tránh để tủ ở bức tường mà phía bên kia là tiểu cảnh nước.

Theo đó, bạn nên chọn những bức tường mà tiếp giáp là những nơi khô ráo, thoáng đãng, có thể là phòng khách, phòng ngủ, hoặc phòng dành cho trẻ.

Nếu buộc phải đặt tủ ở những vị trí không thuận lợi thì bên trong phải dán gạch men toàn bộ hoặc có thể làm tủ bình thường có kích thước nhỏ hơn khoảng đặt tủ một chút, đẩy tủ vào và trang trí viền xung quanh cho kín đáo những chỗ hở tường với tủ. Độ âm vào bức tường đặt tủ khoảng 55- 60 cm là tốt nhất, vì chiều sâu tủ áo cũng tầm 60.

Ngoài ra, bạn có thể tận dụng những góc sẵn có trong nhà để đặt tủ âm tường nhằm tiết kiệm không gian như gầm cầu thang, khoảng trống trong nhà, từ đó tạo thành những chiếc tủ nhỏ xinh.

tu-ao-am-tuong-1

Cách đặt tủ

Đối với những không gian hẹp thì nên đặt tủ theo hình chữ I hoặc chứ V. Nghĩa là trên một bức tường hoặc chạy dọc theo 2 bức tường tiếp giáp nhau. Bạn sử dụng cửa trượt để tạo cảm giác rộng rãi. Khi đóng cánh cửa lại thì chiếc tủ sẽ như một phần của bức tường khiến không gian rộng hơn.

Những chiếc tủ âm lớn kéo dài suốt một mảng tường sẽ rất hữu dụng cho một ngôi nhà nhỏ vì nó vừa chứa được rất nhiều đồ đạc, vừa giúp kết nối các không gian trong các phòng. Hơn nữa, tủ âm tường thường được kéo dài chiều cao đến trần nhà tạo sự liền mạch không gian phòng.

Cách chọn tủ

Màu sắc: Tủ âm tường là giải pháp tối ưu cho nhà hẹp, vì thế để tạo cảm giác rộng rãi cho các căn phòng nhỏ, chật chội, tốt nhất bạn vẫn nên chọn những màu sáng nhạt cùng tông nhà hoặc màu trắng cho các cánh cửa tủ này.

Kích thước: Tùy thuộc vào diện tích của bức tường và công năng sử dụng mà có những lựa chọn khác nhau. Để tủ có thể vừa khít với bức tường thì bạn nên cung cấp số đo của bức tường cho nhà cung cấp hoặc yêu cầu họ đến lấy số đo để đảm bảo chính xác.

Thêm công năng: Bạn có thể yêu cầu gắn kính cho các cánh cửa tủ để tăng tác dụng phản chiếu, tạo cảm giác không gian rộng hơn nhiều lần. Những kệ nhỏ hoặc những móc treo cho gắn liền vào tủ cũng là cách để tăng thêm không gian chứa đồ.

tu-ao-da-nang-1

Bảo quản

Thường xuyên lau dọn và để tủ khô thoáng thước khi cất đồ là lời khuyên cho mọi loại tủ có trong ngôi nhà của bạn, không chỉ dành riêng cho tủ âm tường. Bạn nên yêu cầu thêm phần sơn hậu – nghĩa là phần mặt sau trong tủ để đảm bảo tủ không bị ẩm ướt và bốc mùi.