Ngôi nhà năm nay đã 126 tuổi. Ngày nắng, nơi đây biến thành một chiếc “lò” đặc quánh mùi. Ngày mưa, đại gia đình phải chui vào lô cốt chống… sập. Người dân sống ở đây ăn cơm trộn mọt là chuyện thường ngày và tắm giặt thì “lộ thiên”.

Trước đây, Hà Nội còn tồn tại hai căn nhà được coi là cổ nhất đất Kinh Kỳ. Một căn là số 42 Mã Mây nhưng đã bị cháy trụi cách đây dăm bẩy năm. Căn còn lại là nhà số 47 Hàng Bạc. Dễ đến gần mười năm, ngôi nhà cổ nhất này được đưa lên “mổ xẻ” tại rất nhiều cuộc hội thảo, diễn đàn. Và khi chúng tôi đến đây ngỏ ý viết bài, tất cả cư dân sống trong ngôi nhà thở dài: “lại khảo sát, lại báo chí mà có làm gì được đâu”.

Ăn cơm “trộn” mọt

Ngôi nhà cổ này được xây dựng từ năm 1880. Trải qua rất nhiều đời chủ, cùng với sự tùy tiện trong cách sử dụng, sự xuống cấp là điều tất yếu. Năm 1840, gia đình tiểu tư sản, thương gia thời Pháp thuộc Nguyễn Thị Tý, một thời “làm mưa, làm gió” trong giới doanh nhân đất Kinh Kỳ, do có nhiều tiền, được “trương” lại (nhượng lại) từ tay của gia đình người Tầu làm nghề vàng bạc.

Căn nhà có diện tích mặt bằng rộng 206 m2, mặt tiền 7,5m, cả gia đình bà Tý đã chuyển đến ở hẳn nơi này. Cùng với căn nhà này, bà còn có 3 căn nhà khác ở 140 phố Huế, 290 phố Huế và 196 Lê Lợi (nay là Bà Triệu).

Năm 1962, khi nhà nước có chế độ cải tạo lại nhà cửa, gia đình ông Ngọc (con trai bà Tý), người được thừa hưởng căn nhà 47 Hàng Bạc, đã hiến hai căn nhà 140 phố Huế và 196 Lê Lợi cho nhà nước. Còn căn nhà 290 phố Huế được một tổ chức nhà nước thuê với cái giá như “cho không” và đến nay thì “biến thành” của công, một “đi” không “trở lại”.

Cả đại gia đình ông bà Ngọc, các con, các cháu và những người con khác của bà Nguyễn Thị Tý đều được “gom” vào 206 m2 tại căn nhà 47 Hàng Bạc. Trước đây, cả thảy có tới 40 con người sinh sống, học tập và làm việc trong căn nhà này. Do điều kiện vật chất, chỗ ở khó khăn, ngày một xuống cấp, hiện nay, nhiều hộ gia đình đã chuyển ra ngoài thuê nhà hoặc đi ở nhờ. Hiện tại, còn có 5 hộ và 25 nhân khẩu vẫn đang sinh sống trong một không gian khó có thể tưởng tượng được ngay giữa lòng thủ đô.

Toàn bộ ngôi nhà được thiết kế bởi những cột gỗ với kèo và cầu thang cũng bằng chất liệu đấy. Chính vì thế, qua một trăm hai mươi sáu năm, các cột gỗ đã bộc lộ sự già nua của mình. Cách đây năm, sáu năm, khi bước vào trong ngôi nhà, chúng tôi đã thấy vô khối lỗ mối, mọt và cả hàng loạt mảng tường chỉ trực đổ xuống đầu những chủ nhân ở đây. Và, khi quay trở lại, cơ số những hiện tượng đấy tăng lên theo cấp số nhân.

206m2 chia cho 5 hộ với 25 khẩu thì không phải là một vấn đề gì đáng nói cả nếu như toàn bộ diện tích đều sử dụng được. Đằng này, 2/3 diện tích đó đã hoang phế, không sử dụng được. Với diện tích còn lại, gia đình ông Ngọc, ông Đỗ Đình Khiêm, cháu ông Ngọc và một hộ dân khác nữa là hộ bà Nguyễn Thị Phú làm tất cả các công việc hàng ngày trong “khuôn khổ” như vậy. Nắng, đây thực sự là một chiếc “lò” kín đặc, nồng nặc mùi của đủ thứ từ thức ăn đến nhà vệ sinh. Mưa, cả đại gia đình chui vào một cái “lô cốt” được xây chỉ để “trú ẩn” đề phòng trường hợp nhà sập. Mà, cũng không dưới hai lần, mái sau của ngôi nhà này đã sập và sự nơm nớp lo âu của họ ngày một tăng lên.

Có một, hai người liều ở lại nhà của mình thì cũng không biết phải xoay kiểu gì khi nước ở trên dội xuống vì mái ngói không còn làm tốt được chức năng che mưa, nước ở dưới thì tràn lên do tắc cống. Đấy là chưa kể nước ở các mái nhà hàng xóm đổ sang khe giữa của tường và mái ngói. Về tắm, giặt thì “lộ thiên” hết khi mà hàng xóm vô tình phơi quần áo, cúi xuống thấy mấy gia đình ở dưới đang có người “khỏa thân”.

Và đã có những trường hợp không biết nên khóc hay cười nữa. Có bữa, cả đại gia đình đang ăn cơm, có cái gì đó to to, đen xì rơi thẳng xuống bát canh cá biển mà chị Phú phải vất vả lắm mới mua được ở chợ Hàng Bè. Tất cả các thành viên có mặt trong bữa cơm đều thất thanh la lối và hàng xóm chạy sang mới phát hiện ra đấy là miếng vữa, một mảnh thời gian, bị lở từ trên trần xuống. Và, trong mấy hộ dân sống ở đây, chỉ cần một người nhóm bếp than thì “hun” cả mấy nhà còn lại trong cái “lò” này.

Còn việc ăn cơm “trộn” với mọt rụng từ trên các xà gồ bằng gỗ xuống thức ăn thì “mãi cũng thành quen”.

Giải pháp nào?!

Đây không còn là câu hỏi mới đối với các cơ quan có trách nhiệm quản lý căn nhà cổ này cũng như đối với những người dân nơi đây. Trước đây, cụ Tý có rất nhiều nhà nhưng do đã hiến hết cho nhà nước nên cụ đành “ngậm ngùi” để con, cháu “chui rúc” trong căn nhà này. Thế hệ tiếp nối nhau, đại gia đình cụ, người còn người mất, vẫn “bám trụ” lại đây vì không còn có sự lựa chọn nào nữa.

Tháng 10/2000, đại diện của hai thành phố Toulouse (Pháp), Bruxell (Bỉ) đã khảo sát, đo đạc, vẽ thiết kế và ký thỏa thuận hợp tác với chính quyền thành phố Hà Nội để phục chế lại căn nhà này cũng như những di tích phố cổ với tổng giá trị của dự án lên đến 2,8 triệu Francs. Để khởi động cho dự án này, ngôi nhà được đem ra đo đạc, thiết kế để rồi…đợi. Sau đoàn khảo sát ấy, có rất nhiều chuyên gia nghiên cứu cũng đến để đo đạc, vẽ bản thiết kế và kết quả là… vẫn thế.

Mới đây nhất, 9/9/2005, Ban quản lý phố cổ Hà Nội đã có buổi làm việc với các hộ dân sống tại đây để bàn bạc, lấy ý kiến và đưa ra bản phác thảo dự án phục chế căn nhà này nhưng vẫn chưa thấy động tĩnh gì.

Đã hơn mười năm trôi qua kể từ ngày có ý kiến cũng như động thái phục chế ngôi nhà, không một viên gạch, không một thanh xà nào được mang đến. Nhưng, cũng vì là nhà cổ cần bảo tồn, ngày 19/3/1998, ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ra quyết định 1170/QĐ-UB quy định không sửa chữa, cơi nới và cải tạo lại nhà trong khu phố cổ trong đó có nhà 47 Hàng Bạc. Mọi ý định cải tạo, sửa chữa nhà của gia đình ông Ngọc và các hộ dân sống ở đây bị chặn đứng.

Đến bao giờ?

Trả lời chúng tôi, một quan chức của ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã quả quyết rằng: “Trong thời gian gần nhất, chúng tôi sẽ phục chế lại căn nhà này theo nguyên trạng ban đầu cũng như khảo sát, thiết kế và phục dựng những căn nhà cổ còn sót lại trên địa bàn Hà Nội”.

Nghe thì rất mừng nhưng việc bao giờ tuyên bố đó thành sự thật thì… chưa ai biết. Chỉ biết rằng họ, những cư dân ở số nhà 47 Hàng Bạc, vẫn nằm trong tâm trạng nơm nớp lo âu. Và, những mảnh thời gian vẫn cứ ngày ngày rơi xuống đầu…