Skip to Content

Category Archives: Wedo Tư vấn

Sắp có qui định mới về cấp sổ đỏ

Dự thảo nghị định mới hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (về một số trường hợp cấp sổ đỏ, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất) đang được Bộ TN-MT rà soát, hoàn thiện. Được đưa ra lấy ý kiến các chuyên gia hôm qua, bản dự thảo mới nhất hiện có nhiều quy định đáng lưu ý.

Đất không giấy tờ được xét cấp “sổ đỏ”

Theo dự thảo nghị định, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có nhà ở, công trình xây dựng mà không có một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật Đất đai nhưng đã sử dụng ổn định trước 15/10/1993, không có vi phạm, được xác nhận không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch đã có thì được xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN). Nếu tại thời điểm xét duyệt chưa có quy hoạch, thì người sử dụng vẫn được cấp GCN.

Trường hợp sử dụng đất trái với quy hoạch (tại thời điểm xét cấp GCN) và cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có chủ trương thu hồi đất thì người sử dụng đất không được cấp GCN nhưng được sử dụng theo hiện trạng cho tới khi có quyết định thu hồi đất.

Về các nghĩa vụ tài chính liên quan đất đai, nếu cơ quan nhà nước chậm làm thủ tục hoặc hướng dẫn kê khai đăng ký không đúng quy định… thì thời điểm tính nghĩa vụ tài chính được xác định tại thời điểm nộp hồ sơ lần đầu.

Đất giao trái thẩm quyền được hợp thức hóa

Theo dự thảo nghị định, đất được sử dụng theo văn bản giao đất (có ký tên, đóng dấu) của cơ quan, tổ chức giao không đúng thẩm quyền trước ngày 1/72004 (ngày Luật Đất đai 2003 có hiệu lực) nhưng có giấy tờ chứng minh về việc đã nộp tiền sử dụng đất cho cơ quan, tổ chức trước ngày này, nếu được UBND cấp xã trở lên xác nhận là đất không có tranh chấp thì người đang sử dụng đất được cấp GCN. Trường hợp đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 15/10/1993 sẽ không phải nộp tiền sử dụng đất đối với diện tích đất thực tế đang sử dụng.

Không được cấp “sổ đỏ” trong trường hợp nào?

Cũng theo dự thảo, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trước 15/10/1993 không được cấp GCN nếu tại thời điểm bắt đầu sử dụng có một số hành vi vi phạm như: vi phạm quy hoạch xây dựng đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét duyệt và công bố; lấn chiếm hành lang bảo vệ an toàn công trình công cộng đã được công bố, cắm mốc; lấn chiếm lòng đường, lề đường, vỉa hè đã có chỉ giới xây dựng; lấn chiếm đất sử dụng cho mục đích công cộng, đất chuyên dùng, đất của tổ chức, đất chưa sử dụng và các trường hợp vi phạm đã có văn bản ngăn chặn nhưng người sử dụng đất vẫn cố tình vi phạm.

Ngoài ra, sẽ xử lý tương tự đối với các hành vi vi phạm quy hoạch tổng thể hoặc quy hoạch chi tiết mặt bằng xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền xét duyệt và công khai đối với diện tích đất đã giao cho tổ chức, cộng đồng dân cư quản lý…

Bồi thường hỗ trợ khi thu hồi đất sử dụng sau 15/10/1993

Về xử lý thu hồi, bồi thường đối với đất không giấy tờ sử dụng từ sau 15/10/1993 tới trước 1/7/2004, nếu được UBND cấp xã xác nhận không tranh chấp, phù hợp với quy hoạch thì hộ gia đình, cá nhân được xét cấp GCN. Tuy vậy, hộ gia đình, cá nhân sẽ phải nộp 50% tiền sử dụng đất đối với diện tích sử dụng không vượt quá hạn mức đất ở. Phần vượt hạn mức (nếu có) sẽ phải nộp 100% tiền sử dụng đất.

Đối với diện tích đất thuộc dạng trên nhưng chưa được cấp GCN, dự thảo giải quyết theo hướng nếu đất đang sử dụng thuộc nhóm đất nông nghiệp thì người đang sử dụng được bồi thường theo đúng diện tích đang sử dụng nhưng không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp.

Trường hợp là đất có nhà ở, công trình và không có các vi phạm trong quá trình sử dụng thì được bồi thường 50% giá trị về đất đối với diện tích thực tế đang sử dụng nhưng phần được bồi thường cũng không được vượt quá hạn mức giao đất ở.

READ MORE

Hà Nội: 300 tỉ đồng để thí điểm nhà xã hội

Trong phiên họp chiều qua 18-7, HĐND TP Hà Nội đã nghe Sở Tài nguyên – môi trường & nhà đất đọc tờ trình về việc đầu tư xây dựng thí điểm quĩ nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố.

Về đối tượng thuê, thuê mua được qui định cụ thể gồm: cán bộ, công chức, người có thu nhập thấp, người có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng là nhà tạm, hư hỏng hoặc dột nát, công nhân tại các khu công nghiệp khó khăn về chỗ ở.

Trong đó đặc biệt ưu tiên vợ chồng trẻ, những trường hợp có thời gian công tác tại vùng xa xôi.

Quĩ nhà này sẽ được đầu tư xây dựng tại ba khu vực trong giai đoạn 2006-2008. Trong đó, hai dự án xây dựng nhà ở cho công nhân Khu công nghiệp Bắc Thăng Long sẽ được triển khai đầu năm 2007, mỗi dự án khoảng 10ha tại thôn Bầu và thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung, huyện Đông Anh.

Riêng dự án xây dựng chung cư cho thuê, thuê mua đối với cán bộ, công chức, người có thu nhập thấp… sẽ được đầu tư xây dựng trên 20% diện tích đất tại khu đô thị mới Việt Hưng, khu Nghĩa Đô Dịch Vọng.

Trên toàn địa bàn thành phố có trên 30% số hộ gia đình có nhu cầu được cải thiện chỗ ở. Riêng nhu cầu về nhà ở thuê, thuê mua với các đối tượng là cán bộ, công chức, công nhân khoảng 18.000 căn hộ, trong đó số lượng khó khăn, bức xúc cần cải thiện chỗ ở chiếm 30%, tức khoảng 6.000 căn hộ.

Nhiều đại biểu đặt câu hỏi: sẽ triển khai thế nào, liệu có xảy ra tình trạng lên kế hoạch, lập đề án rồi “treo”?… Ông Vũ Văn Hậu – giám đốc Sở Tài nguyên – môi trường & nhà đất, đơn vị được giao thực hiện thí điểm mô hình này – khẳng định trong giai đoạn thí điểm, thành phố sẽ ứng vốn ngân sách khoảng 150-300 tỉ đồng.

Đơn vị nhận vốn ủy thác của thành phố sẽ tùy từng dự án cụ thể mà cho vay với lãi suất ưu đãi. Đồng thời miễn tiền sử dụng đất, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho các đơn vị tham gia đầu tư. Mức giá thuê, thuê mua nhà xã hội sẽ chờ Chính phủ ban hành khung giá.

Tuy nhiên đối với dự án thí điểm tại Hà Nội, mức giá sẽ phù hợp với thu nhập của các đối tượng được thuê.

READ MORE

Tháng 6, Hà Nội sẽ có “chợ” nhà đất

Ngày 12/4, UBND TP Hà Nội đã có cuộc họp để lấy ý kiến các sở, ban, ngành về Đề án quản lý và phát triển thị trường bất động sản (BĐS) trên địa bàn Hà Nội. Theo đó, Nhân dân Thủ đô, các nhà đầu tư có một địa chỉ tin cậy để thực hiện các giao dịch, cầm cố, thế chấp, tìm thông tin về giá đất, quy hoạch, chính sách đất đai… Theo dự kiến, Hà Nội sẽ có một sàn giao dịch BĐS và “chợ” nhà đất này sẽ có thể đi vào hoạt động từ tháng 6 năm nay.

Theo điều tra mới nhất của Sở TNMT&NĐ Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có gần 3.000 trung tâm, văn phòng hoạt động trên lĩnh vực kinh doanh nhà đất nhưng chưa có đơn vị nào đăng ký với các cơ quan chức năng, do đó vai trò quản lý nhà nước không thực hiện được. Hà Nội hiện cũng đã thành lập 1 văn phòng và 2 trung tâm hoạt động về BĐS nhưng chủ yếu thực hiện nhiệm vụ về BĐS thuộc sở hữu Nhà nước theo sự chỉ đạo và điều hành của các cơ quan quản lý Nhà nước. 

Theo ông Vũ Văn Hậu, Giám đốc Sở TNMT&NĐ nhận định, trong thời gian vừa qua, thị trường BĐS có nhiều biến động về giá cả và chưa thể nhận biết được đâu là giá ảo, đâu là giá thật. Những giao dịch “ngầm” trong thị trường BĐS nhằm mục đích đầu cơ phần nào nằm ngoài sự kiểm soát của Nhà nước, gây thất thu thuế nghiêm trọng và trở ngại trong quản lý.

Cũng chính vì lý do này, Hà Nội là một trong 3 thành phố (Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng) được chọn thí điểm thành lập Trung tâm Giao dịch BĐS.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Quý Đôn, đến thời điểm hiện nay, việc ra đời sàn giao dịch BĐS của thành phố là rất cần thiết, nhằm tăng cường quản lý và tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường BĐS tại Hà Nội phát triển lành mạnh, minh bạch.

Ông Lê Quý Đôn cũng thừa nhận, chợ “BĐS” là vấn đề khá mới, không dễ thực hiện. Trước mắt, Hà Nội nên đưa những giao dịch mua bán, tư vấn các hoạt động liên quan đến BĐS, sau đó mới mở dần ra. Phải tạo ra một quỹ hàng hoá, sản phẩm theo hướng vừa là hàng, vừa là tiền. Về dịch vụ tư vấn, không chỉ trú trọng đến việc thu phí mà phải làm thế nào tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mọi pháp nhân hoạt động.

Tính đến thời điểm này, Hà Nội đã cấp được 424.413 ‘sổ đỏ’ cho hộ gia đình, cá nhân- một nguồn hàng lớn tham gia vào thị trường BĐS. Sàn giao dịch BĐS Hà Nội ra đời, các nhà đầu tư và người dân sẽ được cung cấp một cách đầy đủ, trung thực các thông tin trong các lĩnh vực liên quan đến BĐS như quy hoạch, các thông tin về chính sách và đường lối phát triển của Nhà nước, thành phố; thông tin về các dự án BĐS trên địa bàn thành phố; dịch vụ cung cấp các thông tin giúp các cơ quan có thẩm quyền thực hiện công tác định giá BĐS phục vụ các mục đích thu thuế và lệ phí…

READ MORE

Tư vấn thiết kế nhà 4 tầng bạn Nghiêm Giang Anh

Chào bạn, yêu cầu tư vấn của bạn chúng tôi đã nhận được, dựa theo các yêu cầu về ngôi nhà, chúng tôi đã phác thảo phương án như sau:

phoi-canh-1

Chúng tôi bỏ cầu thang hiện tại đi, như vậy trên tầng 2, khu bếp nhà bạn sẽ rộng rãi hơn. Lối vào chính từ tầng 1 sẽ đặt tại lối vào cũ ở khu A, tầng 1 của bạn sẽ là phòng ngủ theo như yêu cầu, cầu thang sẽ đặt ở cạnh chéo của khu, vệ sinh sẽ được làm tại phía cuối nhà ở khu A. Cầu thang sẽ làm phía trên một vườn cảnh nhỏ, như vậy, bãn sẽ có một chút không gian xanh trong nhà, mà lại tận dụng được gầm thang.Thanh từ tầng 1 lên tầng 2 sẽ không làm tay vịn ở vế chính mà sẽ làm dây cáp đính từ bản thang vào bản sàn tầng 2. Ngôi nhà sẽ trông hiện đại hơn với các sợi cáp này.

phoi-canh-2

-Tầng 2 là nơi sinh hoạt chính của gia đình. Bếp và phòng ăn sẽ làm ở vị trí khu C, tại đây bạn có yêu cầu làm vệ sinh, nhưng vì điều kiện diện tích không đủ, chúng tôi đã không chon làm vệ sinh tại đây, hơn nữa, ngôi nhà đẹp sẽ làm vệ sinh ở phía tường cuối của khu A. Phòng khách nhà bạn sẽ khá rộng rãi, vị trí kê đồ nội thất, chúng tôi đã bố trí như trong hình. Tầng 2, chúng tôi có đua ra 80cm về phía sân chung, không biết có được không, bạn sẽ phản hồi cho chúng tôi thông tin này, điều này khá quan trọng.

phoi-canh-3

-Tầng 3 là phòng ngủ và tầng 4 là nơi thờ cúng có tận dụng kê thêm một bàn làm việc.

phoi-canh-4

Phương án ngôi nhà của bạn mới ở bước đầu sơ thảo dây chuyền công năng, chắc chắn sẽ còn nhiều vấn đề phát sinh cho tới khi ra một thiết kế hoàn chỉnh. Bạn hãy liên lạc với chúng tôi để cung cấp các ý kiến phản hồi. Cám ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn.

Chào bạn!

READ MORE

Không gian của các bà nội trợ (phần 3)

Ở các căn hộ nhỏ, đó chỉ là cái bàn (có khi chỉ là bàn xếp) bố trí trong bếp, nhưng ở các căn hộ lớn hơn, nên bố trí thành chỗ ăn đàng hoàng nhưng vẫn liên hệ trực tiếp với bếp mà không bị cản trở.

Có 3 giải pháp chính: Kiểu bán đảo đưa ra từ bếp, kiểu đảo (độc lập) và kiểu bố trí ở một ngách riêng.

khong-gian-nha-bep-sang-bong-500x332

Không nên ngăn cản tầm nhìn từ bếp sang bàn ăn nội bộ. Khi thiết kế cho khu vực ăn uống, cần chú ý đến mối giao tiếp giữa bếp và bàn ăn nội bộ để người đang nấu bếp và người đang ăn có thể nói chuyện với nhau (các thiết kế của phương Tây gần đây ưa dùng loại bàn ăn hay quầy kiểu bán đảo tạo sự liên hệ gần gũi giữa người nấu và người ăn). Nếu có thể, bếp cũng cần có cửa ra sân để phục vụ các bữa ăn ngoài trời mà không phải đi qua khu bàn ăn bên trong.

* Phòng ăn:

Một khi đã có phòng ăn nhỏ gắn liền với bếp thì chức năng của phòng ăn thiên về phía lễ tân mặc dù vẫn phải đáp ứng yêu cầu ẩm thực và được nâng cao để phục vụ cho một hình thức tỏ lòng hiếu khách cổ xưa nhất là mời khách dùng cơm. Vì vậy phòng ăn phải có tính thẩm mỹ cao, sự sang trọng của nó thể hiện ở không gian, cửa sổ cùng chất liệu hoàn thiện và chất lượng vật liệu.

kien-truc-phong-bep-hien-dai-trong-can-nha-07

Các đặc điểm yêu cầu phải có đối với nột phòng ăn là:

+ Có diện tích đủ để bộ bàn ăn, ít nhất là khoảng 15m2, ngoài ra còn có các bàn soạn ăn, tủ ly chén.

+ Cần có đèn trang trí kiểu cách dùng bóng đèn dây tóc cho ánh sáng vàng (nên chiếu theo kiểu đèn ánh sáng gián tiếp).

+ Cần chú ý đến tầm nhìn của khách ở tư thế ngồi.

+ Cần tránh các lối đi phải lượn quanh phòng ăn.

+ Có các mảng tường đặc cần thiết để bố trí tủ buffet hay trình bày ly chén, rượu, các dụng cụ ăn uống có tính thẩm mỹ, chỗ treo tranh trên tường.

+ Phòng ăn thường dùng về ban chiều, ánh sáng của nó đóng góp phần trang trí cho cảnh quan nhìn từ ngoài vào nhà.

+ Cần có mối liên hệ giữa phòng ăn với bếp (yêu cầu thông lệ), nói chung không nên xa quá 3m.

READ MORE

Sự vô lý của giá nhà dự án

Phải đợi đến khi một số cán bộ của một cơ quan Trung ương “tẩy chay” nhà chung cư tại một dự án khu đô thị mới dù đã có tên trong danh sách được duyệt mua nhà theo giá ưu đãi của thành phố vì giá quá cao (khoảng 9 triệu đồng/m2), các cơ quan chức năng của Hà Nội mới tá hỏa lên rằng, các chủ đầu tư đã tự đưa giá nhà (giá gốc) lên mức quá cao so với giá thành.

Giá nhà chung cư thương mại của Hà Nội tại các khu đô thị mới rẻ nhất trung bình ở mức 5,3 triệu đồng/m2, đa phần ở mức 8-10 triệu đồng, có những khối nhà nằm trong nội đô giá tới 12 – 15 triệu đồng/m2. Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường và Nhà đất Hà Nội Vũ Văn Hậu thừa nhận, giá nhà tại một số dự án hiện ở mức quá cao: “Ở mức giá 8 triệu đồng/m2 thì với một căn hộ hiện đại rộng chừng 100m2, người mua sẽ phải trả 800 triệu đồng. Đây là một số tiền lớn, không phải ai cũng có khả năng thanh toán ngay cả khi đã được nhận một số cơ chế ưu đãi của thành phố”.

Theo Quyết định 123/2001/QĐ-UB, các dự án nhà đều phải dành 50% diện tích nhà cao tầng để bán cho cán bộ, công nhân viên (danh sách do thành phố phê duyệt); giá bán nhà tại phần diện tích này cũng do thành phố phê duyệt trên cơ sở chủ đầu tư tự xây dựng. Việc tính toán của Hội đồng thẩm định giá (gồm các chuyên viên của các sở, ngành liên quan như tài chính, nhà đất, đầu tư…) dựa trên những chi phí hợp lý của chủ đầu tư. Chẳng hạn như, tại khu đô thị mới Mỹ Đình II, giá mà chủ đầu tư xây dựng hệ số 1 là 5,3 triệu đồng/m2 nhưng Hội đồng thẩm định chỉ chấp nhận 4,8 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, việc thẩm định này cũng được chăng hay chớ, chủ đầu tư nào “nghiêm chỉnh” thì xin ý kiến thẩm định, còn chủ đầu tư nào lờ đi thì cũng chưa có chế tài nào xử lý…

Một kỹ sư xây dựng từng tham gia thi công nhiều công trình nhà chung cư tiết lộ, với giá vật liệu xây dựng và giá nhân công hiện tại, một khối nhà chung cư cỡ 9 tầng trở lên có giá phần thô khoảng 1,3 triệu đồng/m2, cộng các thiết bị hoàn thiện ở mức trung bình (thiết bị sứ vệ sinh nội địa, ổ khóa Minh Khai, vòi nước Hàn Quốc hoặc Đài Loan…) giá thành 1m2 nhà thành phẩm (gồm cả thuế) cũng chỉ ở mức trên, dưới 2 triệu đồng.

Rất nhiều người, trong đó có Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ cho rằng, giá nhà dự án của Hà Nội quá cao chính là do các chính sách điều tiết mang tính hành chính mà Hà Nội đang áp dụng. Chẳng hạn như, tất cả các dự án đều phải cắt lại 1/4 diện tích đất cho thành phố xây nhà chính sách, 1/2 diện tích nhà chung cư bán theo giá và danh sách do thành phố phê duyệt, 1/2 diện tích còn lại mới được bán theo giá kinh doanh. Các nhà đầu tư do đó phải đẩy giá nhà chung lên cao để “khỏi thiệt”. Tuy nhiên, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Quý Đôn phủ nhận điều này. Ông cho rằng: “Giá cao là do các doanh nghiệp tính vào giá bán cả những chi phí phi chính sách”. Ông Đôn lấy ví dụ: “Do tâm lý muốn thực hiện dự án nhanh, nên nhiều chủ đầu tư đã thực hiện những việc như hỗ trợ địa phương, chi cho các sở, ban ngành… thậm chí dù đã được miễn tiền sử dụng đất, giảm nhiều nghĩa vụ thuế cho nhà chung cư nhưng nhiều chủ đầu tư vẫn tính vào giá bán”…

Dù bởi nguyên do gì chăng nữa thì giá nhà dự án đang ngất ngưởng trên cao đối với người dân. Một đòi hỏi chính đáng từ phía nhân dân là cần đưa giá nhà dự án về đúng với trị giá thực của nó. Giải pháp theo ông Lê Quý Đôn là các chủ đầu tư bắt buộc phải giải trình giá bán nhà trước khi nhận được quyết định giao đất và Hội đồng thẩm định giá thành phố sẽ có trách nhiệm giám định các mức giá mà chủ đầu tư đưa ra. Có vẻ như các chủ đầu tư sẽ không còn được toàn quyền quyết định giá nhà dự án như lâu nay!

READ MORE

Khái niệm về phong thuỷ

Khi nói về sự thành đạt của một đời người, người Trung Quốc xưa thường quan niệm: “Nhất phúc, nhì phận, tam phong thủy, tứ đức, ngũ giáo” (thứ nhất là vận may, thứ hai là phận số, thứ ba là phong thủy, thứ tư là đức hạnh, thứ năm là học vấn).

 Điều đó có nghĩa rằng, dù phong thủy có năng lực siêu phàm đến mấy trong việc hình thành nên cuộc đời chúng ta, đó cũng không phải là thần dược, chữa trị được mọi tai ương, vận rủi. Hiểu theo quan niệm trên thì vận may có vai trò chủ chốt, rồi mới đến thân phận, tức nghiệp, những gì đã làm ở kiếp trước.

Những điều chúng ta thực hiện cho cuộc đời mình và cách chúng ta cư xử với người khác trong thế giới hiện tại sẽ đóng góp một phần, và cuối cùng là nền học vấn mà chúng ta tiếp thu được, những kiến thức giúp chúng ta hiểu biết về thế giới xung quanh. Như đã thấy, phong thủy chỉ là một phần trong toàn bộ các yếu tố cấu thành nên sự thịnh suy của một người.

Điều duy nhất làm cho phong thủy khác với các hệ thống triết học khác là sự linh hoạt, tự biến hóa của nó. Phần lớn các hệ thống triết học tiến hóa dựa trên cùng một nguyên tắc: biết rằng thiên nhiên giữ một vai trò quan trọng và tin rằng mỗi hiện tượng tự nhiên đều chịu sự chi phối của một linh thần; sự thừa nhận những điều như vậy sẽ đem lại lợi ích cho cuộc sống của con người. Nơi nào mà các triết lý đó được xác lập như một tôn giáo thì nơi đó thần linh được tôn thờ. Nhưng phong thủy thì không. Trải qua bao biến động của thời gian phong thủy vẫn còn nguyên là một triết thuyết và có thể được áp dụng trong mọi nền văn hóa và tồn tại song hành với mọi tín ngưỡng của dân gian.

Khoa phong thủy sử dụng các công thức xác định mức năng lượng trồi sụt của một cá nhân hay một ngôi nhà trong một khoảng thời gian nhất định. Những công thức khác lại cho thấy nơi tốt nhất của một người khi sinh sống trong nhà hay khi làm việc ở văn phòng, và thậm chí có thể chỉ ra vị trí kê giường hoặc bàn phù hợp nhất. Nhiều người Trung Quốc mỗi năm mỗi thỉnh vấn các thầy chiêm tinh để xem xét lại vấn đề này để mỗi hoạt động của họ trong năm có thể được minh định một cách chính xác và tiến hành vào đúng giờ lành của họ. Điều này được thực hiện kỹ đến từng chi tiết, ví dụ như thời gian tốt nhất để thụ thai hoặc thậm chí để gội đầu.

Triết lý phong thủy thường được đón nhận bởi những ai nhận ra rằng khung cảnh sống xung quanh tác động đến họ và thấy rằng cần phải làm điều gì đó để cải thiện cuộc sống của họ. Đây là một suy nghĩ tích cực nhưng việc áp dụng đúng thuật phong thủy vào thực tế đời sống đòi hỏi người thực hiện phải có kỹ năng và để thích hợp với hoàn cảnh của một địa điểm hay cá nhân nào thì các nguyên lý của nó không thể vận dụng một cách qua loa, đại khái.

Hiểu biết về phong thủy có thể giúp chúng ta tự đặt mình vào những vị trí có lợi nhất trong môi trường sống của mình. Việc chọn nơi làm nhà và văn phòng cũng như cách thiết kế nội thất sẽ ảnh hưởng đối với mỗi chúng ta theo chiều hướng tích cực hoặc tiêu cực. Thuật phong thủy không những giúp ta biết vị trí thuận lợi nhất đối với ta mà còn chỉ cho ta cách bài trí, chọn màu sắc và kiểu dáng để hỗ trợ chúng ta trong cuộc sống. Trong một khu vườn, ta có thể dễ dàng phân chia ra những khu vực thích hợp nhất cho từng loại hoạt động mà chúng ta dự định cho nơi đó, nhưng cũng cần phải lưu tâm đến loại cây được trồng trong vườn và cả nhu cầu của chúng nữa, vì những điều này cũng không kém phần quan trọng nếu như chúng ta muốn môi trường phát triển tốt.

Những chương sau của cuốn sách này sẽ bàn đến các khía cạnh vừa hấp dẫn vừa phức tạp của đề tài nói trên để mọi người có thể mang ra áp dụng vào không gian của riêng mình. Việc thể hiện những lý thuyết của thuật phong thủy vào cuộc sống chắc chắn sẽ mang lại những lợi ích cụ thể cho chúng ta, cho dù chúng ta chỉ mới biết sơ qua về chúng. Khi chúng ta hiểu nhiều hơn về môi trường sống của mình và bắt đầu tích cực thay đổi những nhân tố gây khó chịu cho chúng ta thì chúng ta đã bắt đầu hiểu rõ bản thân và vai trò của mình trong bối cảnh rộng lớn hơn.

READ MORE

Seoul tặng HN 4,27 triệu USD quy hoạch TP bên sông Hồng

Với hơn 4,27 triệu USD, TP Seoul (thủ đô Hàn Quốc) giúp Hà Nội nghiên cứu lập quy hoạch xây dựng đô thị bên sông Hồng.

 Hà Nội sẽ nghiên cứu lập quy hoạch xây dựng một thành phố bên bờ sông Hồng đoạn qua Hà Nội, thay thế hình ảnh quy hoạch ”lổn nhổn” hai bên bờ sông Hồng gây mất mỹ quan hiện nay.

Dự án nghiên cứu lập quy hoạch đô thị bên sông Hồng này là bước tiếp của ký kết trong chuyến thăm thủ đô Seoul trước đó (20/5/2006) của lãnh đạo TP Hà Nội.

Lãnh đạo hai Thủ đô Việt Nam – Hàn Quốc đã ký kết dự án thoả thuận hợp tác phát triển khu vực sông Hồng phỏng theo mô hình thành phố Seoul xây dựng quy hoạch phát triển bên sông Hàn tại Hàn Quốc.

Hiện Hà Nội đang giao Sở Quy hoạch Kiến trúc chủ trì phối hợp với các sở, ngành khẩn trương hoàn tất các thủ tục liên quan và tạo điều kiện thuận lợi cho tổ dự án triển khai các nội dung như thoả thuận được ký kết giữa hai thành phố.

Dự kiến khoảng tháng 11/2007 dự án nghiên cứu lập quy hoạch phát triển khu vực sông Hồng đoạn qua Hà Nội sẽ hoàn thành.

Thành phố đẹp bên sông sẽ là một ấn tượng đẹp của Hà Nội trong lòng người dân Việt và du khách nước ngoài với thủ đô thanh lịch và văn minh của Việt Nam.

READ MORE

Việt kiều được xác lập quyền sở hữu đối với nhà ở trước ngày 1/7/1991

Tất cả người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam đều được phép xác lập quyền sở hữu đối với nhà ở trước ngày 1/7/1991 (thời điểm trước khi có Pháp lệnh Nhà ở). Đó là một trong những nội dung của Nghị quyết số 1037/2006/NQ-UBTVQH11 (ngày 27/7/2006) về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 1/7/1991 có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia.

Cũng theo nghị quyết trên, Việt kiều có thể tiếp tục cho thuê, cho mượn nhà tại Việt Nam với điều kiện phải có hợp đồng rõ ràng; trường hợp muốn lấy lại nhà phải thông báo cho bên thuê, mượn trước 6-12 tháng. Cơ quan tổ chức phải trả lại nhà cho Việt kiều có thể thực hiện theo các phương thức: trả nhà ở đang quản lý sử dụng, trả bằng nhà ở khác, trả bằng tiền hoặc Nhà nước giao đất và người nhận (Việt kiều) không phải trả tiền sử dụng đất…Người Việt Nam định cư ở nước ngoài muốn xác lập quyền sở hữu nhà ở cần có các giấy tờ:- Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở;
– Giấy tờ chứng minh là người Việt Nam định cư ở nước ngoài;
– Các hợp đồng cho thuê, mượn, giấy tờ thừa kế, sơ đồ nhà ở đất ở;
– Hộ chiếu hợp lệ của Việt Nam hoặc của nước ngoài (trường hợp sử dụng hộ chiếu nước ngoài thì phải kèm theo giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam hoặc giấy xác nhận mất quốc tịch Việt Nam hoặc giấy xác nhận đăng ký kinh doanh…).

Nghị quyết 1037/2006/NQ-UBTVQH11 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2006.

READ MORE

Các dự án xây khu đô thị dưới 200 tỷ đồng sẽ do UBND cấp tỉnh toàn quyền quyết định

Đó là một quy định mới mà Bộ Xây dựng đưa ra trong dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Quy chế Khu đô thị mới, dự kiến được ban hành trong quý này. Việc phân cấp quản lý đầu tư xây dựng sẽ thực hiện theo hướng một cửa nhằm đơn giản thủ tục và tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư. Cũng theo đó, Thủ tướng sẽ phê duyệt đầu tư dự án có quy mô vốn 200 tỷ đồng trở lên.

Ngoài ra, thông tư cũng đề cập nhiều đến các yêu cầu về quy hoạch xây dựng đô thị, khuyến khích ưu đãi trong đầu tư khu đô thị mới, trách nhiệm của chủ đầu tư sau kinh doanh… Chủ đầu tư lập quy hoạch chi tiết xây dựng dự án, đồng thời có quyền đề nghị điều chỉnh quy hoạch xây dựng do Nhà nước lập để phù hợp với dự án đầu tư của mình.

Nhằm kiểm tra năng lực tài chính của các chủ đầu tư, ban soạn thảo dự kiến yêu cầu doanh nghiệp thực hiện dự án phải trình báo cáo kiểm toán trong thời gian 1 đến 3 năm gần nhất. Quy định này sẽ hạn chế tình trạng nhiều doanh nghiệp không có khả năng tài chính vẫn lập dự án, xin đất rồi bán lại kiếm lời.

READ MORE

Người trẻ chuộng căn hộ chung cư cao cấp

Một điều tra mới đây của một Cty chuyên cung cấp các dịch vụ bất động sản cho thấy, đối tượng người tiêu dùng trẻ tuổi, đặc biệt là những trí thức trẻ tuổi đang có xu hướng thiên về lựa chọn căn hộ cho nhu cầu ở thay vì mua đất làm nhà như trước đây.

Điều này có thể sẽ gây ảnh hưởng ở một mức độ nào đó đến thị trường nhà ở trong thời gian tới theo chiều hướng tích cực.

Lý do “mua nhà để ở” thay vì “mua đất làm nhà” của nhiều người là bởi lẽ họ – đa phần là người trẻ tuổi có thể dễ dàng “biện cơm gắp mắm”, tuỳ túi tiền mà lựa chọn căn hộ phù hợp và hơn nữa là muốn hướng đến một không gian sống được quy hoạch đồng bộ, có nhà ở, có các dịch vụ hạ tầng xã hội hoàn chỉnh, ở đó căn nhà trở thành nơi nghỉ ngơi thực sự.

Hiện tại trên thị trường có 3 loại căn hộ chính tính theo giá trị. Loại từ 300 triệu-500 triệu đồng/căn được xếp vào loại giá trị thấp; căn hộ trung bình giá từ 1-1,5 tỷ đồng và loại cao cấp thường có giá từ 3 tỷ đến 5 tỷ đồng.

Nếu như vào cuối những năm 90 những căn hộ tại khu Bắc Linh Đàm (Hà Nội) có giá 300-400 triệu đồng đã là mơ ước của nhiều người thì hiện giờ chính những người đó đang nhòm ngó những căn hộ có giá trị cao hơn với những yêu cầu về thiết kế, chất lượng nội ngoại thất tốt hơn.

Một vài chung cư cao cấp có giá bán tính bằng USD bắt đầu xuất hiện 2 năm trở lại đây nhưng đó thực sự chỉ là đối tượng săn lùng của người rất lắm tiền và mua không phải để ở.

Đây đang được xem là một hình thức đầu tư kiếm lời; đa phần người mua những khu chung cư cao cấp này là để cho người nước ngoài hoặc các văn phòng Cty thuê lại với giá vài nghìn USD/tháng.

Điều tra khác của một tổ chức tài chính nước ngoài cho thấy: 60% dân số Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có tiềm năng mua những căn hộ trung bình với giá từ 1-1,5 tỷ đồng.

Đây thực sự là một thị trường lớn và chủ đầu tư của những chung cư giá trị thấp từng nổi tiếng một thời đó – Tổng Cty đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị (HUD) cũng đang phải bắt đầu lên phương án xây dựng những chung cư có giá trị cao hơn để đáp ứng nhu cầu này của thị trường.

Vấn đề còn lại là trong hàng loạt những chung cư có giá đồng hạng như thế thì người tiêu dùng sẽ căn cứ trên tiêu chí nào để lựa chọn cái này mà không phải cái kia?

Trước hết người ta sẽ đòi hỏi vị trí địa lý của cả khu chung cư nào đó có đắc địa hay không, có phù hợp với việc ở không? Tiếp đến là chất lượng của chung cư có “đáng đồng tiền bát gạo” không?

Thiết kế của từng căn hộ có phù hợp không và cuối cùng là hạ tầng (bao gồm cả hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội) có bảo đảm không? Bấy nhiêu thôi cũng đủ làm cho bài tính của các chủ đầu tư phức tạp khi muốn tham gia vào thị trường nhà ở đang có chiều hướng phát triển mạnh.

Chi phí cao hơn, nhu cầu lớn hơn đồng nghĩa với việc người tiêu dùng sẽ đòi hỏi khắt khe hơn về chất lượng.

Với một thị trường hứa hẹn nhộn nhịp cả người bán và người mua trong năm 2007 chắc chắn sẽ không có chỗ cho những khu chung cư giá cả chục triệu đồng/m2 nhưng lại không có chợ, không có trường, thậm chí đường đi cũng tạm bợ như đã từng thấy ở một vài khu của Hà Nội thời gian qua.

 

READ MORE

Hà Nội: giá cho thuê đất mới

UBND TP Hà Nội vừa ban hành quyết định số 201/2006 về việc xác định đơn giá cho thuê đất mới trên địa bàn Hà Nội. Theo đó, đơn giá đất cho thuê thời hạn một năm được xác định cụ thể như sau:

Trường hợp sử dụng đất làm mặt bằng sản xuất, xây dựng, vận tải và công trình công cộng có mục đích kinh doanh, đơn giá thuê đất tính bằng 0,5% giá đất theo mục đích sử dụng đất thuê.

Trường hợp sử dụng đất làm mặt bằng kinh doanh thuộc các ngành thương mại, du lịch, bưu điện, ngân hàng và các mục đích khác, đơn giá thuê đất tính bằng 0,7% giá đất theo mục đích sử dụng đất thuê.

Trường hợp thuê đất trên địa bàn huyện Sóc Sơn, đơn giá thuê đất tính bằng 0,5% giá đất theo mục đích sử dụng đất thuê.

Đơn giá thuê đất xác định theo qui định trên được giữ ổn định năm năm kể từ ngày quyết định cho thuê đất của cấp có thẩm quyền có hiệu lực thi hành.

READ MORE