Từ nay đến năm 2010, theo kế hoạch sử dụng đất, Hà Nội sẽ thực hiện thu hồi, chuyển hơn 5.200ha đất nông nghiệp để phục vụ cho nhu cầu phát triển của đô thị ( Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc thành phố Hà Nội cho biết, theo đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến 2025, quy mô đất đai của Hà Nội sẽ được mở rộng lên mức xấp xỉ 1.975km2, rộng hơn gấp đôi so với hiện nay). Quá trình đô thị hóa thể hiện rõ nét ở việc khu vực nông thôn ngoại thành như huyện Từ Liêm, Thanh Trì ngày càng bị thu hẹp. Cùng với đó là 20 vạn lao động nông nghiệp sẽ phải chuyển đổi nghề. Để có được những bước đi phù hợp, hiệu quả, vùng ngoại thành đang rất cần tới những định hướng mang tính quá độ và lâu dài từ quy hoạch.

Đất nông nghiệp còn nhiều biến động

Thời gian qua, công tác quy hoạch của Hà Nội tập trung vào khu vực nội thành, đô thị mới để đáp ứng nhu cầu phát triển, xây dựng. Mặc dù các huyện ngoại thành đều đã có quy hoạch, nhưng còn hạn chế vì chỉ dừng ở tỷ lệ 1/5000. Đến thời điểm hiện tại, công tác nghiên cứu quy hoạch phát triển đô thị nói chung và phục vụ Chương trình phát triển kinh tế ngoại thành và từng bước hiện đại nông thôn trên địa bàn được căn cứ vào điều chỉnh quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 108/1998/QĐ-TTg.

Theo quy hoạch được duyệt có thể thấy quỹ đất ổn định dành cho nông thôn, ngoại thành của Hà Nội được hình thành như sau: ở huyện Sóc Sơn là khu vực phía Đông; huyện Đông Anh và Gia Lâm đều tập trung ở khu vực phía đông, huyện Thanh Trì ởphía Nam – Tây Nam và Đông Nam. Riêng huyện Từ Liêm do tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ, quỹ đất dành cho nông thôn chỉ là các khu còn lại ở phía tây. Theo tổng hợp của Sở QH-KT, đến nay Hà Nội còn khoảng 40 xã còn vùng đất nông nghiệp ổn định.

Dù diện tích đất nông nghiệp ổn định đã được lên danh sách nhưng với những tác động lớn của quy hoạch vùng Thủ đô đang trong quá trình nghiên cứu và quy hoạch điều chỉnh quy hoạch xây dựng chung của Hà Nội gắn với yếu tố mở rộng ranh giới hành chính đã đặt vùng nông nghiệp, ngoại thành của Hà Nội kể cả những vùng được xem là “ổn định” trước nhiều biến động. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và việc xây dựng hạ tầng nông thôn theo hướng văn minh hiện đại đều đòi hỏi phải có được quy hoạch để có hướng đầu tư cho phù hợp. Đầu tư vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đòi hỏi quy hoạch phải đưa ra được những dự báo về thời gian là tất yếu. Nhưng ngay cả việc đầu tư vào hạ tầng cũng cần có những dự báo dài hơi.

Giải pháp – quá độ và lâu dài

Mới đây, Sở QH-KT đã có phương án đề xuất với Thành phố về những giải pháp theo từng giai đoạn. Trong thời gian quá độ, cần xác định các vùng nông nghiệp tương đối ổn định để xây dựng kế hoạch đầu tư cho phù hợp dựa trên quy hoạch tổng thể 108/1998/QĐ-TTg. Về lâu dài, do nhiều vùng ngoại thành sẽ bị đô thị hóa nên cần xây dựng kế hoạch phù hợp với quá trình nghiên cứu của quy hoạch vùng Thủ đô và điều chỉnh quy hoạch chung Hà Nội, gắn với nghiên cứu mở rộng không gian thành phố. Theo ông Đỗ Viết Chiến, phó giám đốc Sở QH-KT, ngay cả Từ Liêm một huyện có tốc độ đô thị hoá rất nhanh cũng vẫn còn và cần thiết phải giữ những vùng nông nghiệp ổn định, xen kẽ trong khuvực đô thị hoá.

Tại kế hoạch thực hiện Chương trình 05-Ctr/TU về phát triển kinh tế ngoại thành và từng bước hiện đại hoá nông thôn giai đoạn 2006-2010, những hướng đi khá cụ thể cũng đã được xác định như: Triển khai các dự án vùng hoa tập trung Tây Tựu (Từ Liêm); vùng rau an toàn Yên Mỹ, Duyên Hà (Thanh Trì); Đặng Xá, Văn Đức (Gia Lâm); Vân Nội, Nam Hồng (Đông Anh); Thanh Xuân (Sóc Sơn). Các vùng trũng ở một số huyện ngoại thành cũng có hướng chuyển đổi sang nuôi trồng thuỷ sản. Hình thành vùng chăn nuôi bò chất lượng cao ở Sóc Sơn, Gia Lâm… Để chuyển dịch cơ cấu lao động, Chương trình 05-Ctr/TU cũng đã xác định việc xây dựng các trung tâm đào tạo nhân lực kết hợp giải quyết việc làm tại 4 huyện ngoại thành. Việc xây dựng các trung tâm được gắn kết với thực hiện đề án dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn và xây dựng đề án chuyển đổi nghề, giải quyết lao động cho vùng bị mất đất. Theo ông Chiến, trong 5 năm trở lại đây, các đồ án nghiên cứu quy hoạch sử dụng đất cho mục đích phát triển đô thị đều không quên dành quỹ đất cho chuyển đổi lao động, việc làm với các chức năng như dạy nghề, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hay thu hút lao động vào các khu công nghiệp, dịch vụ đô thị. Tuy nhiên, trong những quỹ đất mang tính chất “của để dành” này, diện tích được triển khai chưa nhiều, hiệu quả chưa cao.

Bên cạnh việc tìm hướng để hiện đại hoá cho sản xuất và cơ sở hạ tầng, một vấn đề không kém phần quan trọng đó là xác lập và thực hiện quy hoạch kiến trúc không gian nông thôn ngoại thành phù hợp với quá trình đô thị hoá, hài hoà giữa tính truyền thống và hiện đại. Giữ gìn một số làng cổ, làng nghề, khu di tích lịch sử – văn hoá, xây dựng mới làng, xã sinh thái để phát triển du lịch là thế mạnh tiềm năng và quý giá của vùng ngoại thành.