Lại một vụ nghi án vi phạm bản quyền nữa. Lần này không phải là tranh, ảnh, thơ, nhạc; mà liên quan đến cả một dự án khoa học về quy hoạch sông Hồng, hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc đang triển khai. Người lên tiếng cho rằng ý tưởng của mình có thể đã bị “copy” chính là một…họa sỹ Việt Nam, một người ngoại đạo về quy hoạch. Ông tên là Văn Thơ.

Chuyện này tưởng như là chuyện đùa (vì gần đây có quá nhiều những lời tố cáo giật gân tương tự và không chính xác), nhưng trong tuần qua đã đủ làm xôn xao dư luận với sự vào cuộc của một số báo, và kết quả là ông Lee Won Chan (Hàn Quốc), đại diện cho cả trăm cán bộ, kỹ sư của dự án đã phải gửi thư trả lời đến một số cơ quan chức năng Việt Nam…

* Cứ dùng giải pháp “bỏ đê” là copy?

2 năm nay, người ta đã phong thanh biết đến ý tưởng dự án “Thành phố sông Hồng” của họa sỹ Văn Thơ. Dĩ nhiên, dư luận cũng chỉ biết như sáng kiến của một người yêu Hà Nội- một họa sỹ giàu có và mơ mộng, đã tỉ mỉ vẽ ra một bản vẽ phối cảnh rộng bằng nửa gian nhà, trên đó sông Hồng giống như một góc của thành phố New York với 600 cao ốc chọc trời.

Điều gì khiến tác giả Văn Thơ tin rằng ý tưởng của mình đã bị “copy”

… Và tôi hết sức ngạc nhiên, khi ông Văn Thơ chỉ lấy ra “tang chứng” là một phác đồ quy hoạch cỡ trang A4 do phía Hàn Quốc trình bày vào tháng 11 vừa rồi. Phác đồ đó còn sơ sài đến mức đã đánh lộn giữa Cầu Thanh Trì và cầu Chương Dương, trong đó họ phác ra hướng tuyến cho hai bờ đê mới (sẽ xây dựng) thay cho đê cũ, nhằm mục đích chỉnh trị sông Hồng. Hướng tuyến đê mới trong bản vẽ, còn rất chung chung, nhưng chỉ vào đó, họa sỹ Văn Thơ nhấn mạnh: “Đây là điều chứng tỏ ý tưởng và giải pháp chỉnh trị sông Hồng của họ là giống của tôi. Từ trước đến nay, có rất nhiều phương án chỉnh trị sông Hông nhưng chưa có phương án nào là có ý tưởng bỏ đê cũ, làm thành hệ thống đê mới. Đã thế, hướng tuyến của đê mới lại có rất nhiều phần trùng với dự án của tôi- họa sỹ vừa nói vừa lấy dự án của mình ra để đối chiếu- khó mà tin rằng người làm cái nọ lại không biết cái kia”.

Và dự án của ông, thì như đã biết, đã được công bố từ tháng 5/2005, và đã đăng ký bản quyền từ tháng 4/2006. Trong khi phía Hàn Quốc đến tháng 7/2006 mới bắt tay vào làm, và tháng 11 vừa qua mới công bố…

Như tôi đã nói, với hướng tuyến của đê mới chỉ phác ra một cách hết sức sơ sài của cả hai dự án, thì khó có thể so sánh với nhau xem trùng bao nhiêu %. Họa sỹ Văn Thơ cũng nhận thấy điều này, song ông khăng khăng cho rằng ý tưởng bỏ đê cũ, xây dựng đê mới chính là một phát minh độc đáo của ông vào giây phút lóe sáng. Và phát minh đó đã được bảo hộ!

 

* Cái lý, cái tình đằng sau một dự án

Và thế là, tất cả những ai coi ý tưởng bỏ đê cũ, xây đê mới của họa sỹ Văn Thơ là một sáng kiến độc đáo, một phát minh, thì đều cho rằng ở đây có sự copy hoặc “thất thoát” ý tưởng, hoặc ý tưởng lớn gặp nhau!

Quan điểm này cũng có lý ở chỗ, các quy hoạch trước đây và tới đây hầu hết đều tôn trọng hệ thống đê cũ như một ranh giới bất khả xâm phạm theo quy định của pháp luật (mới nhất là dự án Quy hoạch Hà Nội đến 2020 do tổ chức JICA- Nhật Bản đang thực hiện cũng nhìn nhận đê sông Hồng như vậy). Trong bối cảnh đó, ý tưởng của họa sỹ Văn Thơ là “phá đê”cũ, thay vào đó là xây đê mới, “tịnh tiến” ra phía dòng sông, để vừa nắn dòng chảy, và tận dụng quỹ đất dôi ra (lên tới 2000ha) để phát triển đô thị (đủ để xây dựng thành phố sông Hồng) . Đó có thể coi là một bước đột phá trong tư duy quy hoạch sông Hồng.

Không dừng ở đó, ông Văn Thơ còn tự nghiên cứu qua sách vở và thực địa để xây dựng cơ sở khoa học cho dự án này.

Tuy nhiên, về lý mà nói, khó có thể khẳng định rằng việc bỏ đê cũ chính là một phát minh. Nếu bỏ đê chỉ là giải pháp trị thủy thông thường (nhất là trong cách tư duy của người nước ngoài) thì sao? Vấn đề có vi phạm hay không phải xét cả đến cách bỏ đê như thế nào: có áp dụng các lập luận, các thông số kỹ thuật, những kết quả nghiên cứu của ông Văn Thao hay không?

Và chúng ta cũng có thể thấy ngay rằng, chưa có bằng chứng nào về điều này.

Vậy thì tại sao lại có những phản ứng nặng nề như vừa rồi? Có một chuyện là, UBND TP. Hà Nội khi xem xét dự án của ông năm 2005, tuy chối không dùng với lý do (bằng văn bản) là “hiện tại Hà Nội chưa đủ điều kiện để triển khai”, nhưng lại có chua thêm rằng, “trong tương lai ý tưởng của ông có thể được áp dụng”, đồng thời “yêu cầu Sở Quy hoạch Kiến trúc phải mời họa sỹ Văn Thơ tham gia đóng góp ý kiến cho các chương trình nghiên cứu quy hoạch hai bên bờ sông.

Nói tóm lại, ban đầu TP. Hà Nội tỏ ra muốn hợp tác và phát huy ý tưởng của ông Văn Thơ, nhưng đến khi có dự án 4,3 triệu USD hợp tác với Hàn Quốc thì lại chẳng nhớ đến ai. Đương nhiên, những người có tâm huyết thấy lời nói trước sau không thống nhất thì không vui; lại thấy người ta lập dự án to như thế, mà xem ra ý tưởng chính cũng không khác mình bao nhiêu, thì cho rằng có thể đã bị xâm phạm bản quyền…

s.hong

* “Bắt tay” nhau chưa muộn

Chúng tôi đã xem Quy hoạch phát triển sông Hồng đoạn qua Hà Nội của Tổ dự án, và quả thực thấy rằng, trừ việc bỏ đê cũ xây đê mới như đã nói, , thì các hạng mục quy hoạch khác theo dự kiến của họ cũng rất hay và tôi tin rằng, nếu đưa ra trưng cầu sẽ được người dân ủng hộ.

Bởi lẽ, việc sử dụng đất kẹp giữa 2 đê không hoàn toàn vào việc phát triển đô thị “chọc trời” như họa sỹ Văn Thơ mà thiên về tự nhiên, sinh thái. Có thể nói họ cũng muốn “nhân bản” sông Hàn từ bên Seoul sang. Hai bên sông Hồng (theo đề xuất của dự án) sẽ là các khu công viên, cây xanh, sinh thái, và đặc biệt với bãi giữa sông Hồng, họ định biến thành khu bảo tồn sinh thái giống như đảo Bam sông Hàn (thiên đường của các loài chim nước, lập khu bảo tồn bãi cát, nhóm thực vật…) …Đương nhiên như thế sẽ dễ chịu hơn nhiều so với việc “bê tông hóa” sông Hồng và bãi giữa …

Vấn đề là hợp tác như thế nào cho phải đạo!

“Nhìn vào bản quy hoạch của hoạ sĩ Văn Thơ và “Kế hoạch xử lý sông Hồng…” của NAMWONKEONSEOL ENGINEERING CO,. LTD- một công ty của Hàn Quốc- tôi ngỡ ngàng bởi sự trùng hợp về ý tưởng đến kỳ lạ.

Từ giữa năm 2005, HS Văn Thơ đã đưa ra ý tưởng này gửi đến các cơ quan có trách nhiệm của Hà Nội. Đây là một ý tưởng sáng tạo mang tính khoa học cao song rất táo bạo, mới mẻ, chưa từng xuất hiện từ trước đến nay. Trong đó ông nhấn mạnh:” Đầu tiên là điều chỉnh dòng chảy của sông Hồng. Cụ thể là mở rộng dòng chảy mùa cạn của sông Hồng sang cả hai phía. Nạo vét dòng sông. Đồng thời kiên cố hoá tuyến đê mới hai bên bờ sông bằng kè bê tông kiêm đại lộ… Song song với việc bê tông hoá kè và nắn dòng, mở rộng dòng chảy là xây dựng khu đô thị hai bên bờ sông. Và có thể cả bãi giữa sông “. Từ quan điểm này dẫn đến các bản quy hoạch thể hiện ý tưởng được Viện Khoa học Thuỷ lợi đánh giá cao. Viện Quy hoạch Đô thị- Nông thôn ( Bộ Xây dựng) cũng có ý kiến: “Chúng tôi những nhà quy hoạch hoan nghênh ý tưởng của tác giả và cũng mong ý tưởng đó trở thành hiện thực trong dự án” Quy hoạch đô thị hai bên bờ sông Hồng”- Dự án hợp tác giữa UBND thành phố Hà Nội và Hàn Quốc” (Công văn số 392/VQH- NCKHQHXD ngày 18/8/2006 ).

Bản quy hoạch của công ty Hàn Quốc công bố vào tháng 11-2006 giống hệt bản quy hoạch của ông Văn Thơ công bố cách đây hơn một năm, nhất là tuyến đê mới dọc hai bên bờ sông Hồng đoạn qua Hà Nội. Chỉ khác là diện tích khai thác đất để xây dựng thành phố hẹp hơn do phía bạn không sử dụng các bãi giữa sông…

Công ty của Hàn Quốc thực hiện dự án này với mấy chục nhà chuyên môn gồm những giáo sư, tiến sĩ không thể đặt vấn đề với một hoạ sĩ Việt Nam một cách thách thức:” Dự án này có những phần cần đòi hỏi về mặt kỹ thuật cao, nên phía tổ dự án chúng tôi cũng muốn hỏi ông Văn Thơ về đề án của ông có những căn cứ khoa học không?” . Câu hỏi này của người đi sau mà dự án của mình không khác dự án của người đi trước thì quả là kỳ lạ. Sao không đặt vấn đề nên hợp tác như thế nào cho phải đạo?