Skip to Content

News & Blog

Chủ đầu tư có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về chất lượng công trình

Bạn Hoàng Anh Dũng – Cao Bằng hỏi:

Tôi là giám đốc một bệnh viện, tôi được giao là chủ đầu tư xây dựng các công trình của bệnh viện, tôi muốn được biết, nếu trong quá trình xây dựng công trình xảy ra sự cố được xác nhận là do lỗi của thiết kế, bên thi công có báo lại lỗi này cho tôi trước khi thi công. Vậy tôi có chịu trách nhiệm gì nếu xảy ra sự cố thi công không?

WEDO phúc đáp!

Bạn Hoàng Anh Dũng thân mến!

WEDO xin được trả lời câu hỏi của bạn như sau:

Theo khoản 2 điều 57 của Luật xây dựng có quy định nghĩa vụ của chủ đầu tư đối với việc thiết kế công trình xây dựng. Do vậy, mặc dù bạn là giám đốc bệnh viện tuy không có chuyên môn về xây dựng, nhưng với tư cách là chủ đầu tư bạn vẫn phải chịu trách nhiệm toàn diện về chất lượng công trình xây dựng, cụ thể theo các trường hợp sau đây:
– Chọn nhà thầu thiết kế, thẩm tra thiết kế không đủ điều kiện năng lực theo quy định.
– Đề ra nhiệm vụ thiết kế, cung cấp thông tin tài liệu phục vụ thiết kế không chuẩn xác, nghiệm thu hồ sơ thiết kế không đúng quy định.
– Trong quá trình xây dựng, nếu lỗi của thiết kế được nhà thầu, giám sát thi công phát hiện và thông báo, nhưng bạn giải quyết chậm hoặc không xử lý.
Tuy nhiên, nếu sự cố gây ra do cố tình vi phạm vì vụ lợi cá nhân, gây thiệt hại lớn thì bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chúc bạn có được công trình xây dựng đạt chuẩn, và đừng quên chú ý đến các điều kiện an toàn của công trình.

READ MORE

Đủ hạ tầng mới chuyển nhượng

Theo dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản, dự án phải hoàn thành giải phóng mặt bằng và hạ tầng mới được chuyển nhượng.

Ngày 27/9, Bộ Xây dựng phối hợp với Hiệp hội Bất động sản TP HCM tổ chức phổ biến Luật Kinh doanh bất động sản và góp ý cho dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, với Nghị định này, tình trạng làm ăn bát nháo trên thị trường nhà đất sẽ được chấm dứt.

Ông Tống Văn Nga, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho biết, dự kiến Chính phủ sẽ xem xét ban hành nghị định tháng 12/2006 và Nghị định sẽ chính thức có hiệu lực vào năm 2007.

Theo dự thảo Nghị định, tổ chức kinh doanh bất động sản, đối với doanh nghiệp Việt Nam thì phải có ít nhất 2 tỷ đồng và đối với doanh nghiệp nước ngoài phải có 10 tỷ đồng. Loại hình hợp tác xã phải có vốn pháp định ít nhất 1 tỷ đồng.

Về điều kiện năng lực tài chính, đối với dự án khu đô thị mới, dự án hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, chủ đầu tư phải có ít nhất 20% tổng mức đầu tư của dự án. Còn đối với dự án khu nhà ở, chủ đầu tư phải có ít nhất 15% tổng mức đầu tư của dự án.

Dự thảo Nghị định quy định chủ đầu tư chỉ được phép huy động vốn lần đầu của khách hàng khi đã hoàn thành bồi thường, giải phóng mặt bằng và triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng của toàn bộ dự án hoặc một phần dự án theo giai đoạn đầu tư và nội dung, tiến độ của dự án đã được phê duyệt. Tổng số tiền ứng trước của khách hàng không vượt quá 70% giá trị hợp đồng.

Mặc dù được đánh giá là khá hoàn thiện, dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản vẫn có một số điểm bị các chuyên gia chỉ trích là thiếu thực tế và khắt khe trong tình hình hiện nay của thị trường bất động sản Việt Nam.

Theo ông Lê Nguyễn Quốc Sỹ, Công ty Indochina Land, các quy định về điều kiện và thủ tục chuyển nhượng dự án của cả hai bên nhận chuyển nhượng và chuyển nhượng đều phải qua sự xem xét của nhiều cơ quan chức năng là quá rắc rối và tốn thời gian (ít nhất 3 tháng), làm cho doanh nghiệp mất cơ hội làm ăn. Theo ông, hai quy trình chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng nên được nhập làm một.

READ MORE

Hà Nội sẽ bãi bỏ quy định dành 50% diện tích chung cư bán cho người thu nhập thấp

Ngày 22/12, Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Quý Đôn cho biết, kể từ năm 2006, Hà Nội sẽ bãi bỏ quy định trong Quyết định 123 về việc yêu cầu các chủ đầu tư dự án kinh doanh nhà phải dành 20% quỹ đất cho thành phố xây dựng nhà chính sách, dành 50% diện tích nhà chung cư bán cho cán bộ, công nhân viên, người có thu nhập thấp (danh sách và giá bán do UBND thành phố phê duyệt).

Đồng thời với sự bãi bỏ này, thành phố sẽ dành khoản kinh phí thích đáng để xây dựng quỹ nhà xã hội, bán ưu đãi cho những hộ gia đình chính sách, người thu nhập thấp. Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục dành ưu đãi cho các chủ đầu tư để phát triển quỹ nhà cho thuê của thành phố.

Được biết, quy định kể trên được xem là một trong những nguyên nhân khiến các chủ đầu tư đẩy giá nhà lên cao một cách bất hợp lý trong thời gian vừa qua.

Hiện, giá nhà chung cư thương mại của Hà Nội tại các khu đô thị mới rẻ nhất trung bình ở mức 5,3 triệu đồng/m2, đa phần ở mức 8-10 triệu đồng, có những khối nhà nằm trong nội đô giá tới 12 – 15 triệu đồng/m2.

READ MORE

31/10 hết hạn mua nhà Nhà nước ở Hà Nội

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành kế hoạch bán nhà thuộc sở hữu nhà nước cho người đang ở thuê theo Nghị định 61/CP trong thời gian từ nay đến hết năm 2006. Theo đó, thời hạn cuối cùng cho việc nhận hồ sơ mua nhà là ngày 31/10.

Các đơn vị liên quan sẽ gửi thông báo tới tất cả các hộ gia đình đủ điều kiện mua nhà nhưng chưa nộp hồ sơ. Do số lượng hồ sơ nộp trong thời gian tới dự kiến sẽ rất lớn (khoảng 15.000 trường hợp/quý) nên theo yêu cầu của thành phố, trong quý III, việc tổ chức thẩm định và xác định giá đối với tất cả nhà ở thuộc sở hữu nhà nước thuộc diện bán phải được thực hiện xong. Dự kiến, hết quý IV, các trường hợp có nhu cầu mua nhà sẽ được lập hồ sơ và nộp tiền.

UBND các quận, huyện phải thông báo đến từng hộ ở nhà cấp 4 của cơ quan tự quản nhưng không còn cơ quan quản lý, đã phá đi xây dựng lại hoặc đã được cơ quan tự thanh lý đến UBND các quận, huyện kê khai, làm thủ tục cấp giấy chứng nhận sau khi thực hiện các khoản nghĩa vụ tài chính theo quy định tại nghị định 61/CP. Thuộc diện này ước tính có khoảng 23.500 hộ.

UBND thành phố yêu cầu các cơ quan chức năng rà soát, cải tiến quy trình luân chuyển hồ sơ để kịp thời điều chỉnh ngay cho phù hợp, không được để hồ sơ tồn đọng lâu. Trường hợp hồ sơ bất khả kháng, không giải quyết được, phải thông báo và trả lại cho người dân (ghi rõ lý do). Trong giai đoạn trước mắt, sẽ tập trung bán nhà thuộc phần diện tích trong hợp đồng thuê nhà (trường hợp ở ổn định, nhà thông tầng hoặc được các hộ liền kề đồng ý để gia đình sử dụng diện tích cơi nới).

Lãnh đạo UBND TP Hà Nội cũng đề nghị Bộ Xây dựng sớm có chính sách giải quyết khiếu kiện của các hộ đòi nhà thuộc dạng chính sách (vắng chủ, cải tạo, công tư hợp doanh…) mà Nhà nước đã đưa vào quản lý, cho các hộ dân thuê, để thông báo cho các hộ đang ở thuê muốn mua nhà được biết. Ngoài ra, theo UBND TP, nhà ở thuộc diện không được bán (xấp xỉ 11.850 hộ) và nhà ở được bán mà người dân không mua sẽ được tổ chức lập dự án cải tạo theo quy hoạch với phương thức huy động nhiều nguồn vốn đầu tư theo hướng dẫn của Chính phủ.

Theo điều tra mới đây của Sở Tài nguyên – môi trường và nhà đất Hà Nội, toàn thành phố hiện có 79.360 hộ đang ở nhà nhà nước nhưng chưa mua. Trong đó, có khoảng 48.800 hộ gia đình đang ở nhà thuộc diện được bán trong năm 2006. Số còn lại là nhà thuộc quỹ nhà tự quản và nhà không được bán theo Nghị định 61/CP. Riêng trong quý I, số hộ nộp hồ sơ đã lên tới hơn 11.000. Số hồ sơ đã thẩm định cũng đạt tới 4.500 hộ, nhưng mới có 2.200 hộ nộp tiền mua.

READ MORE

Thí điểm thu hồi đất nhỏ lẻ để chống nhà siêu mỏng

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã chỉ đạo như vậy tại cuộc họp với các ngành quy hoạch-kiến trúc, xây dựng và các quận, huyện nhằm xây dựng một quy chế khung để quản lý quỹ đất nhỏ lẻ, ngăn chặn nhà siêu mỏng, siêu méo trên địa bàn thủ đô chiều thứ 5 (15/8).

Liên quan vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã có QĐ 39, thành phố có QĐ 26 theo đó, những ô đất dưới 20 m2, có kích thước hình học siêu mỏng, siêu méo sẽ không được xây dựng công trình, nhà ở.

Tuy nhiên, do thiếu cơ chế chính sách, chế tài và không quản lý tốt, hiện trên các tuyến phố mới mở của Hà Nội xuất hiện và tồn tại hàng trăm nhà siêu méo, siêu mỏng, làm mất mỹ quan đô thị.

Ý kiến của các ngành, quận huyện đều đồng tình với việc thành phố đứng ra thu hồi quỹ đất nhỏ lẻ sau đó có phương án sử dụng hợp lý hoặc bán cho các hộ dân phía trong với mức giá hợp lý. Việc thu hồi những ô đất này nên thực hiện đồng thời với thu hồi đất của dự án mở đường, chỉnh trang tuyến phố.

Tuy nhiên, thành phố phải tính đến việc quản lý các ô đất nhỏ lẻ có thể hình thành trước khi cắm mốc giới, thực hiện dự án. Bởi thực tế, sau khi có mốc giới thì người dân lập tức xây dựng; và khi mở đường thì nhà siêu mỏng, siêu méo đã hình thành!

Phó  Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi chỉ đạo Sở QH-KT sớm hoàn thành một dự thảo khung pháp lý để trình thành phố phê duyệt. Theo đó, quy chế này phải có biện pháp, chế tài, cũng như các cơ chế, chính sách có tính khả thi để quản lý quỹ đất nhỏ lẻ tại các dự án tuyến phố; ngăn ngừa việc hình thành nhà siêu mỏng, siêu méo.

Đồng thời, đây cũng là cơ sở để giải quyết hiện trạng nhà siêu mỏng, siêu méo tại các tuyến đường mới mở trên địa bàn thành phố như Kim Liên-Ô Chợ Dừa, đường kè quanh Hồ Tây…

Khi có quy chế, nhà siêu mỏng, siêu méo tại các tuyến phố này sẽ bị xử lý, trả lại bộ mặt khang trang cho Thủ đô. Nhưng trước mắt, thành phố giao Sở TNMT&NĐ, Sở QH-KT và các quận, huyện chọn 1-2 dự án để làm thí điểm trước.

“Tuy nhiên, các quận huyện phải tích cực kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về trật tự xây dựng, đặc biệt là việc xây dựng nhà siêu mỏng, siêu méo tại các tuyến phố mới, không nên thụ động chờ có quy chế rồi mới tính đến việc giải quyết nhà siêu mỏng, siêu méo”- Ông Khôi chỉ đạo.

READ MORE

Hậu cấp phép xây dựng: Ngăn chặn và xử lý sai phạm đều khó

Ðể quản lý trật tự xây dựng sau khi GPMB tuyến Kim Liên – Ô Chợ Dừa, chính quyền địa phương đã phải nỗ lực trong quản lý, đồng thời tạo điều kiện để người dân hiểu và chịu đi xin phép trước khi xây dựng. Ấy thế nhưng, khi chuyện đi xin phép và cấp phép vừa mới ổn thỏa thì câu chuyện về “hậu” cấp phép lại trở nên nóng bỏng… Tại tuyến Kim Liên – Ô Chợ Dừa có rất ít trường hợp xây dựng không phép nhưng những vi phạm, xây dựng sai phép lại không ít và khó bề kiểm soát.

Ðầu tiên phải kể đến những hộ nằm trong phạm vi quy hoạch đất xây dựng công trình công cộng sau GPMB. Theo quy định, quận Ðống Ða chỉ cấp giấy phép xây dựng tạm cho những công trình này với quy mô 2 tầng, 1 tum và chiều cao không quá 8m. Một số hộ dân sau khi có được giấy phép xây dựng liền “nhanh tay” xây thành 4, 5 tầng. Ở vài hộ dân có diện tích mặt bằng dưới 40m2 cũng xảy ra tình trạng tương tự (theo quy định chỉ được xây không quá 3 tầng). Với các trường hợp này, cả hai phường Phương Liên và Nam Ðồng đều than… khó quản (!). Nói cho cùng những hộ thuộc diện cắt xén, không được bố trí nhà tái định cư, cũng có những khó khăn nhất định khi diện tích đất ở nhỏ đi mà tầng cao còn bị hạn chế.

Trên tuyến, nhiều trường hợp chỉ được cấp phép tạm tại những đường nhánh. Có rất nhiều đường nhánh đâm ra tuyến đường vành đai mới mở như: đường nối sang đê La Thành đến ngõ chợ Khâm thiên, đường nối sang hồ Ðấu, sang khu Trung Tự, sang ngõ Thổ Quan. Nếu chính quyền địa phương không kịp thời quản lý thì sẽ rất khó khăn khi thực hiện các dự án xây dựng đường nhánh. Hiện nay, nhiều đường nhánh chỉ bị ngăn bởi một lớp nhà nhưng do chưa có dự án nên chính quyền vẫn phải cấp phép xây dựng công trình dù chỉ là tạm. Cái khó là quy hoạch thì thể hiện những đường nhánh này nhưng chưa hề có văn bản nào đề cập đến việc đầu tư xây dựng, cải tạo. Ở đường nhánh sang hồ Ðấu, có trường hợp được cấp phép 2 tầng đã xây thành 5 tầng. Tại cuộc họp ngày 10/5, UBND quận Ðống Ða đã yêu cầu phường và lực lượng chức năng phải kiên quyết xử lý trường hợp này, tránh tình trạng xây dựng tràn lan tại trên các trục nhánh của tuyến đường.

Theo ông Nguyễn Văn Thành, phó chánh thanh tra xây dựng quận Ðống Ða, không chỉ khó khăn trong việc ngăn chặn sai phạm, mà việc xử lý sai phạm cũng rất khó. Quy định hiện hành chỉ yêu cầu làm theo giấy phép xây dựng đã được cấp mà không nói đến việc tháo dỡ phần xây dựng sai phép. Sự khó khăn của lực lượng thanh tra chuyên ngành khi xử lý công trình xây dựng sai phép do thiếu chế tài là tình trạng chung chứ không chỉ riêng trên tuyến Kim Liên – Ô Chợ Dừa. Theo quy định, những hộ dân đã được cấp giấy phép xây dựng phải báo với phòng Xây dựng – Ðô thị (nơi cấp phép) khi khởi công, giác móng để kiểm tra. Tuy nhiên, theo lãnh đạo phòng Xây dựng – Ðô thị quận, chưa bao giờ dân thông báo lại về việc khởi công công trình nên khó bề kiểm soát được tiến độ cũng như sai phạm (nếu có) của các công trình đã được cấp phép.

Trước những vấn đề phát sinh “hậu” cấp phép, UBND quận Ðống Ða đã giao nhiệm vụ cho cán bộ của phòng Xây dựng – Ðô thị giải quyết hồ sơ xin phép công trình nào thì phải chịu trách nhiệm quản lý sau khi cấp phép công trình đó, kịp thời phát hiện sai phạm. Tuy nhiên, lực lượng này chỉ có thẩm quyền lập biên bản, kiến nghị đình chỉ, xử lý chứ không có trách nhiệm xử lý vi phạm. Vì vậy, để quản lý cho nghiêm cần phải có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, giữa cán bộ phòng Xây dựng – Ðô thị và UBND phường, các cán bộ quản lý trật tự xây dựng tại địa bàn. Chịu trách nhiệm chính vẫn là UBND phường sở tại. UBND quận Ðống Ða chỉ đạo các phường và phòng chức năng, đối với các trường hợp sai phép đã nhắc nhở mà vẫn cố tình vi phạm thì báo cáo để quận ra quyết định thu hồi giấy phép.

Một vấn đề khiến chính quyền đau đầu khác là tình trạng nhà dân xây dựng lô xô, cốt nền không đồng nhất mặt tiền như răng bà lão. Mặc dù khi cấp phép, cán bộ đô thị đã hướng dẫn về cao độ nền song do chưa có cao độ chuẩn cắm tại hiện trường nên nhiều nhà dân vẫn xác định bằng cách… dóng sang nhà hàng xóm. Sự tuỳ tiện trong xác định cốt nền đã dẫn đến trường hợp hai công trình cạnh nhau chênh lệch cốt cao độ tới nửa tầng. Ngay lúc này, tuyến đường được đánh giá “đắt nhất hành tinh” này đã bộc lộ nhiều bất cập về diện mạo đô thị. Vừa qua, chủ đầu tư dự án đã thông báo để chính quyền có biện pháp xử lý đối với một số trường hợp vi phạm chỉ giới tuyến đường. Ðiều đáng nói, đã hơn nửa năm kể từ khi khởi công xây dựng tuyến đường nhưng việc xác định cao độ nền đường trên thực địa và bổ sung mốc giới bị mất do phá dỡ công trình vẫn chưa được thực hiện. Ðược biết, thành phố đã giao cho chính chủ đầu tư dự án thực hiện việc cắm mốc cao độ nền và bổ sung mốc giới.

READ MORE

Hilton Hà Nội đổi chủ

70% cổ phần của khách sạn Hilton Hà Nội Opera vừa được Công ty quản lý quỹ VinaCapital mua lại từ các ông chủ Đức và Áo với giá 43 triệu USD.

Hilton Hà Nội Opera nằm ở trung tâm Hà Nội, được đưa vào hoạt động từ năm 1999. Khách sạn có 269 phòng, công suất sử dụng trên 80%.

Tổng giám đốc VinaCapital Don Lam cho biết, công ty nhìn thấy những cơ hội phát triển rất tốt trong việc đầu tư vào thị trường bất động sản VN. Còn Chủ tịch Hội đồng quản trị VinaCapital Horst Geicke cho rằng đầu tư vào ngành khách sạn, đặc biệt tại Hà Nội, sẽ rất thành công vì nhu cầu của du khách và doanh nhân đi công tác ngày càng tăng, trong khi số lượng phòng ở vẫn còn hạn chế.

VinaCapital đang đầu tư phát triển khu resort 260 ha tại Đà Nẵng. Họ cũng cân nhắc việc đầu tư vào một số dự án tại Nha Trang và TP HCM.

Năm ngoái, VinaCapital mua lại gần 70% cổ phần của khách sạn Sofitel Metropole với giá hơn 30 triệu USD.

Bắt đầu hoạt động từ 2003, VinaCapital là một trong những công ty quản lý quỹ hàng đầu tại VN, hiện tổng giá trị tài sản quỹ quản lý là 450 triệu USD.

READ MORE

Một sân bay tầm cỡ quốc tế dành cho toàn miền Bắc

Việc qui hoạch và xây dựng mới một sân bay quốc tế cho toàn miền Bắc đang được đề cập trong nhiều đề án qui hoạch phát triển đô thị. Báo chí đã có cuộc trò chuyện cuối năm với đại tá Phan Văn Nghi (nguyên viện trưởng Viện Thiết kế sân bay và công trình hàng không, Tổng cục Hàng không – Bộ Quốc phòng) về vấn đề này.

* Thưa ông, ông nghĩ sao khi nhiều chuyên gia cho rằng các sân bay ở miền Bắc hiện nay khó phát triển thành một sân bay dân dụng đạt đẳng cấp quốc tế?

– Lịch sử xây dựng sân bay ở nước ta xưa nay đều nhằm mục đích quân sự và những sân bay lớn đều hình thành và xây dựng trong thời kỳ chiến tranh. Đặc biệt ở miền Bắc, nhiệm vụ chiến lược của không quân ta thời kỳ đó là tác chiến bảo vệ Hà Nội, và căn cứ vào phương châm tác chiến, khả năng và cách đánh của không quân mà xác định các địa điểm làm sân bay như Nội Bài, Kép, Yên Bái, Thọ Xuân, Hòa Lạc… Trong đó Nội Bài là sân bay (quân sự) cấp I.

Sau năm 1975, nhiệm vụ xây dựng và phát triển ngành hàng không (HK) dân dụng trở nên cấp bách, cần có một sân bay làm cảng HK dân dụng quốc tế (trong khi nền kinh tế chưa cho phép đầu tư) thì ta tận dụng cái có sẵn (và thích hợp nhất) là sân bay Nội Bài. Cùng với sự phát triển kinh tế, Nội Bài được đầu tư nâng cấp dần từng bước, nhưng đến nay vẫn là sân bay dùng chung với quân sự.

* Chúng tôi cứ tưởng sau khi được cải tạo và nâng cấp như hiện nay, Nội Bài có thể đảm đương được trách nhiệm của một sân bay dân dụng quốc tế?

– Sân bay Nội Bài xây dựng từ năm 1961, qua nhiều thời kỳ đã từng bước mở rộng và nâng cấp chỉ là những giải pháp tình thế, nhưng vì không có một qui hoạch nhất quán từ đầu nên nếu ngay cả khi bên quân sự chuyển căn cứ không quân đi nơi khác thì bản thân nó cũng không thể trở thành một cảng HK hiện đại có đẳng cấp quốc tế được.

Có hai quyết định phê duyệt qui hoạch tổng thể sân bay Nội Bài đáng kể nhất từ trước đến nay: lần đầu vào năm 1978 chỉ nâng cấp đường hạ – cất cánh.

Quyết định thứ hai năm 1994 là một qui hoạch khó thực thi và không thực tế, trong đó chủ yếu là làm đường hạ cất cánh thứ hai ở gần quốc lộ 2 hiện nay. Nằm trên sân bay Tân Trại cũ, đường hạ – cất cánh này cách đường hạ – cất cánh hiện nay 1.750m (do cơ quan khảo sát thiết kế của quân chủng không quân lập) thực chất là không quân muốn đẩy HK dân dụng ra khỏi sân bay Nội Bài.

Vì thế qui hoạch này cũng chỉ tồn tại trên giấy do chẳng khác nào làm một sân bay bên cạnh một sân bay. Từ năm 2003 đến nay HK dân dụng lại phải “giải quyết tình thế” bằng cách xây dựng một đường hạ – cất cánh thứ hai trên vị trí của đường lăn.

Tính chắp vá này khiến sân bay Nội Bài không thể đạt được tiêu chuẩn kỹ thuật của một cảng HK quốc tế đúng nghĩa vì vi phạm khoảng cách giữa đường hạ – cất cánh và đường lăn. Chưa kể, theo tiêu chuẩn của ICAO (Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế), công suất tối đa của đường hạ – cất cánh sân bay Nội Bài chỉ được 10 triệu hành khách/năm.

Vì thế sân bay Nội Bài tuy được gọi là cảng HK quốc tế nhưng chưa bao giờ đạt được yêu cầu tiêu chuẩn của một cảng HK quốc tế đích thực. Một nhà nghiên cứu đã từng nói: “Ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, có nhiều cái mà nó chưa là chính nó”. Sân bay Nội Bài cũng là một cái như thế.

* Đã từng có ý kiến cho rằng cần phải dời căn cứ không quân ở Nội Bài đi nơi khác, sang Miếu Môn chẳng hạn, để nhường toàn bộ sân bay Nội Bài lại cho HK dân dụng?

– Là căn cứ quân sự của một sư đoàn không quân thì mọi hoạt động của nó đều ảnh hưởng không nhỏ đến hàng không dân dụng, một hạn chế không thể khắc phục trong tương lai. Dù đã có thêm đường hạ – cất cánh mới nhưng 5-10 năm nữa nhu cầu thông quan của cảng HK khoảng vài triệu hành khách/năm, mật độ hạ – cất cánh của máy bay dày hơn thì rất khó, chưa kể sư đoàn không quân chiến lược ở đây cũng phải phát triển cho đúng tầm với các loại trang thiết bị, máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư.

Và như thế thì không bao giờ chấp nhận được tình trạng “hai trong một”. Chưa kể, việc xây dựng sân bay Nội Bài căn cứ vào vị trí chiến lược để tác chiến bảo vệ thủ đô, nên mục tiêu này vẫn luôn được coi trọng.

* Hiện nay việc xây dựng một sân bay quốc tế mới cho toàn khu vực miền Bắc có phải là nhu cầu cấp bách chưa?

– Xu thế hiện đại hóa và xây dựng những sân bay quốc tế mới trên thế giới đang rất sôi động vì nhu cầu vận chuyển bằng HK tăng nhanh và vẫn được coi là phương tiện vận chuyển tiết kiệm. Các hãng chế tạo máy bay lớn như Boeing và Airbus đã đưa ra những mẫu máy bay mới rất lớn chứa được hơn 500 hành khách (như A380) và được cả thế giới hoan nghênh, tới tấp đặt hàng. Việc phát triển HK hiện đại và xây mới cảng HK đủ tầm cỡ vì vậy đang được cả thế giới coi trọng và gấp rút thực hiện.

Ở VN, nhu cầu về xây dựng một sân bay quốc tế đúng đẳng cấp quốc tế đã được bàn đến. Ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (TP.HCM – Đồng Nai – Bà Rịa – Vũng Tàu) vấn đề xây dựng một sân bay khu vực mới ở Long Thành đã được tính đến từ cuối thập kỷ 1990 trước sự quá tải và hạn chế của sân bay Tân Sơn Nhất.

Vì vậy, đề xuất xây dựng mới sân bay dân dụng quốc tế cho vùng kinh tế miền Bắc vào lúc này là hết sức kịp thời. Chúng ta đã thấy các sân bay quốc tế lớn trên thế giới, từ khi đề xuất ý định, triển khai đến khi đưa vào sử dụng thường mất một thời gian dài hàng chục năm.

Ở VN, quá trình này cũng mất tối thiểu 10-15 năm, có nghĩa vào khoảng năm 2020 khi nước ta về cơ bản đã trở thành một nước công nghiệp thì nhu cầu về một sân bay quốc tế là không thể chậm trễ hơn, vì nếu không, sẽ kìm hãm sự phát triển kinh tế và hội nhập.

* Là người có nhiều kinh nghiệm về thiết kế sân bay, theo ông, một sân bay quốc tế mới cho vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc phải đặt ở vị trí nào?

– Một sân bay quốc tế đẳng cấp cho vùng tam giác kinh tế miền Bắc sẽ đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, là động lực thúc đẩy sự phát triển vùng mang tính chiến lược.

Một khi hệ thống giao thông trong vùng được hiện đại hóa, lấy đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng làm trục thì phải có một sân bay quốc tế lớn gần kề. Sự phát triển chuỗi đô thị đồng bằng Bắc bộ với trục Hà Nội – Hải Phòng có mức độ tập trung công nghiệp theo lãnh thổ vào loại cao nhất nước do vị trí, nguồn nguyên liệu, tài nguyên phong phú, có mật độ dân cư đông và những yếu tố lịch sử… đòi hỏi phải có sân bay quốc tế của trung tâm vùng.

Trong nhiều hội thảo về cảng HK do ICAO tổ chức, nhất là hội thảo về sân bay thế kỷ 21, trong mục chọn tìm vị trí đặt sân bay, nhiều chuyên gia đã phân tích sự cần thiết về việc xây dựng sân bay quốc tế cho một vùng đô thị, vùng kinh tế… để phát huy tối đa ưu thế của HK trong phát triển kinh tế.

Do vậy, sân bay quốc tế mới của miền Bắc cũng nên nhắm nhiệm vụ phục vụ một vùng đô thị – vùng kinh tế hơn là một sân bay của một thành phố dù đó là thủ đô. Vì vậy, vị trí của sân bay quốc tế mới phải nằm ở khoảng cách hợp lý đến các thành phố vùng tam giác kinh tế miền Bắc là Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh (khoảng 30-50km là thích hợp). Các yếu tố về địa hình, địa chất dù có khó một chút đi nữa thì cũng là thứ yếu vì khoa học kỹ thuật ngày nay thừa sức khắc phục.

Tầm cỡ một sân bay quốc tế mới cho vùng đô thị – kinh tế miền Bắc:

– Về năng lực: lưu lượng 60-80 triệu lượt hành khách/năm, hàng hóa: 1,5-5 triệu tấn/năm.

– Phạm vi chiếm đất: từ 3.000-4.000ha (dự kiến đặt ở Hải Dương).

– Cấp cảng HK: 4F (tiêu chuẩn ICAO) với số lượng 2-3 đường hạ – cất cánh.

– Nhà ga HK (hành khách): xây dựng theo từng thời kỳ, từ 10 triệu hành khách/năm đến khi đạt hết công suất của cảng HK.

– Vốn đầu tư: 4-5 tỉ USD.

READ MORE

Thiết kế nhà bạn Phạm Mỹ Châu, Biên Hòa

Kích thước mảnh đất định xây dựng 5×42

Diện tích phần đất định xây công trình khoảng 32×5 Các hướng tiếp cận : mặt tiền hướng Tây Bắc, bên trái là nhà hàng xóm ko có lầu, cách 1m, còn bên phải cũng thế nhưng liền sát, nói chung 4 bề của ngôi nhà khá thoáng, ko bị chắn.

Loại đường giao thông mà mảnh đất tiếp giáp : mặt tiền đường nhựa, rộng khoảng 5m Vi trí mảnh đất ngoại thành

Số tầng 1 trệt, 1 lầu. Số phòng: 3 phòng ngủ( 2 trên lầu, 1 ở dưới), 1 phòng bếp, 1 phòng khách, 1 khoảng ko gian để thư giãn trên tầng 1. khoang 3,4 WC. Và số kinh phí dự định đầu tư : 300tr

Nhà cho 2 thế hệ ở, độ tuổi 20, 13, 47 & 50 và nghề nghiệp giáo viên. Sơ qua ý thích : tôi rất muốn căn nhà có nhiều ánh sáng tự nhiên, ko gian càng gần với thiên nhiên càng tốt. Xin chân thành cảm ơn các bạn, rất mong nhận được ý tưởng từ các bạn

Phạm Mỹ Châu- KP4 P Tân Hiệp, Biên Hoà-Đồng Nai

Wedo phúc đáp:

Chào bạn, với các yêu cầu mà bạn đưa ra, WEDO phác thảo phương án như sau:

Mảnh đất nhà bạn khá to, 5×42.. Bạn muốn xây dựng 5×32, nhưng xét với yêu cầu của bạn, chúng tôi phác thảo phương án với DTXD là 5×19,61m.

– Ở tầng trệt, sẽ xây tường rào bao quanh khu đất, cánh cổng to sẽ dẫn vào khu vườn rộng trước nhà. Ở đây, sẽ làm một khu riêng nhỏ để cất xe ban đêm cho an toàn. Ngay trước cửa ngôi nhà sẽ làm một thác nước nhỏ, tạo cảnh quan sinh động và tạo sự thoáng mát cho ngôi nhà. Phòng khách (cốt +0,300) sẽ được làm khá rộng, lọt thỏm trong khung cảnh thiên nhiên, mà cụ thể là khu vườn khô bên phía buồng thang bên phải và khu thác nước phía bên trái, chỗ mặt tiền ngôi nhà. Từ phòng khách, đi qua mấy bậc đá sẽ tới phòng bếp và phòng ăn. Phòng bếp và phòng ăn (cốt +0,450) có bố trí một quầy bar nhỏ, được thông thoáng bởi khu vườn khô bên cạnh, và sẽ ngay cảnh một sảnh nhỏ. Tại sảnh này sẽ dẫn bạn vào một phòng ngủ rộng 18m2, một vệ sinh rộng, có bố trí bồn tắm đứng, và một hành lang dẫn ra vườn sau. Ngôi nhà sẽ có 2 khu vườn lớn ở phía trước và phía sau. Tại khu vườn phía sau, chúng tôi có thiết kế một thác nước nhỏ, một nơi ngồi ngắm cảnh, thư giãn lúc trưa hè.

– Theo cầu thang lên tầng 2, ở ngay trên vị trí của bếp và phòng ăn sẽ là một phòng sinh hoạt chung, nơi cả gia đình quây quần mỗi tối. Trên tầng 2 có bố trí 2 phòng ngủ rộng. Phòng ngủ phía trước sẽ có vệ sinh riêng, phòng ngủ phía sau dùng chung vệ sinh với phòng SHC. Hành lang dẫn bạn vào phòng ngủ phía trước được thiết kế phia trên khu vườn khô. Khu vườn giữa nhà này sẽ được làm mái kính để lấy sáng. Ở trên hành lang dẫn ra vườn sau sẽ lợp vật liệu thông minh, lấy sáng, nhưng vẫn kín gió.

Phác thảo phương án của chúng tôi được đưa ra dựa trên yêu cầu của bạn. Không biết có giúp được gì cho bạn không, nhưng chúng tôi mong rằng sẽ làm cho bạn có thêm một cách nhìn khác về ngôi nhà tương lai của mình. Nếu bạn có thắc mắc, hay muốn sửa đổi, hãy liên hệ với chúng tôi. Rất hân hạnh được hợp tác với bạn.

Công ty tư vấn thiết kế kiến trúc & xây dựng Wedo

Địa chỉ: số 22 Liên Trì, Phường Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Tel: 04. 3942 9652 ; 04. 22 46 79 99; Fax: 04. 3942 9653.

Website: http://wedo.com.vn Email: tuvanthietke@wedo.vn

Cám ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn.

Xin chào và chúc bạn thành công!

READ MORE

Cuộc sống châu Âu ngay giữa Hà Nội

Khác với các chung cư khác, The Manor có một kiến trúc độc đáo, mang nhiều nét văn hóa của Pháp. Ngồi trong bất cứ ngôi nhà nào của quần thể cũng đều có một cảnh view rất đẹp, nhìn ra bể bơi vườn cây và đường dạo.

Các khu nhà được phân chia thành hai loại, một là nhà tròn và một nhà vuông, mọi họa tiết, chi tiết trong mỗi căn hộ đều được thiết kế phù hợp với tính năng và kiến trúc của nó.

Ngay đầu tiền sảnh của căn hộ sẽ là một giả thác đón chào khách. Một hành lang nhỏ dẫn vào phòng khách sẽ đem lại cảm giác như bước vào một khách sạn sang trọng. Mỗi một phòng chức năng đều có một khoảng không cách biệt nhưng vẫn có một không gian mở để mọi thành viên trong gia đình dù đang ở góc nào cũng có thể trò chuyện, giao tiếp với nhau.

Không gian thư giãn.

Mỗi căn hộ đều có phòng khách sang trọng, phòng ăn ấm cúng, phòng thư giãn riêng biệt và ba phòng ngủ. Đặc biệt khác với những chung cư khác, mỗi căn hộ của The Manor đều có những tầng gác lửng thích hợp để bố trí thành phòng đọc sách, phòng dành cho trẻ hay là nơi chứa đồ.

Sống ở chung cư này, cư dân được phục vụ mọi dịch vụ mà không cần phải đi bất cứ đâu. Một khu thương mại phức hợp được xây dựng ngay bên cạnh The Manor. Thỏa mãn mọi nhu cầu mua sắm với những buổi ăn tối lãng mạn, vui chơi giải trí ở ngay gần nhà.

READ MORE

Di tích Hoàng thành đúng là đang xuống cấp!

Đó là điều GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, đã phải đau xót thừa nhận. Ông cho biết: Sau bốn năm kể từ khi phát lộ, di tích Hoàng thành đã được làm mái che để bảo vệ, nhưng đấy chỉ là giải pháp bảo vệ tạm thời, không phải là cách bảo tồn lâu dài. Cho nên, di tích bị tác động bởi môi trường là không thể tránh khỏi, và chúng ta có thể quan sát thấy sự xuống cấp diễn ra qua năm tháng… Mùa mưa di tích vẫn bị tác động bởi độ ẩm, mùa khô đất vẫn bị khô và nứt ra… chất lượng của di tích bị xuống cấp dần là tất nhiên.

Các nhà khoa học Nhật Bản cũng cảnh báo rằng, nếu không áp dụng ngay các giải pháp bảo tồn lâu dài thì di tích này sẽ xuống cấp tới mức trầm trọng.

* Vậy tại sao các nhà khảo cổ lại không nhanh chóng có biện pháp bảo tồn hữu hiệu?

– Như tôi đã nói, để di tích không bị xuống cấp, cần phải có biện pháp bảo tồn lâu dài. Nhưng muốn bảo tồn lâu dài thì phải có chủ trương, phải lập quy hoạch cho khu di tích này, cũng như quy hoạch chung cho tổng thể di tích Hoàng thành Thăng Long – Thành Hà Nội. Trên các cơ sở đó mới có thể lựa chọn giải pháp bảo tồn lâu dài.

Về công nghệ mà nói, tìm giải pháp bảo tồn lâu dài không phải là quá khó, các nước trên thế giới đã có rất nhiều kinh nghiệm, và tổ chức UNESCO, cũng như các chuyên gia quốc tế sẵn sàng tư vấn và hỗ trợ chúng ta… Nhưng, mấu chốt là phải có các cơ sở nêu trên trước đã.

Tôi xin lưu ý là các nhà khảo cổ học đến giờ phút này đã hết sức cố gắng trong trách nhiệm của mình, còn bảo tồn di tích là thuộc chuyên môn của ngành bảo tồn học và phải có sự phối hợp của nhiều ngành khoa học liên quan.

* Trở lại với kết quả bốn năm phát hiện và nghiên cứu Hoàng thành. Cho tới thời điểm này đã có thêm những phát hiện gì mới khiến ông lưu ý?

– Trong quá trình chỉnh lý hiện vật, các nhà khảo cổ học đã phát hiện rất nhiều hiện vật gốm sứ quý giá, trong đó có nhiều đồ ngự dụng.

Trước đây, chúng ta đã tìm được một số viên gạch có chữ “Trường Lạc” hay “Trường Lạc khố” (kho Trường Lạc), khiến cho các nhà khoa học phán đoán về khả năng tồn tại của cung Trường Lạc – là cung của bà Nguyễn Thị Hằng, quý phi của vua Lê Thánh Tông, Hoàng thái hậu (mẹ) của vua Lê Hiến Tông và Thái hoàng Thái hậu (bà) của vua Lê Túc Tông, trong khu vực này. Và tới nay đã tìm được viên gạch có đầy đủ chữ “Trường Lạc cung”.

Phát hiện này tiếp tục khẳng định phán đoán trên là chính xác, nhưng dĩ nhiên chưa thể kết luận cung Trường Lạc là di tích cụ thể nào.

Đồng thời các nhà khảo cổ cũng tìm thấy các viên gạch có các chữ như “Hoàng Môn thự” (chứng tỏ là gạch xây điện Hoàng Môn thời Trần), Kim Quang điện (gạch xây điện Kim Quang thời Lê Sơ)…

Như vậy, rõ ràng là tên một số cung điện trong Cấm thành được ghi chép qua sử sách đã được tìm thấy dấu tích ở đây.

* Xin cảm ơn ông!

READ MORE

Không gian của các bà nội trợ (phần 2)

Bếp cần có quan hệ phức tạp với nhiều thành phần khác:Nơi ăn nhỏ, có thể gắn liền hay nằm trong bếp; Phòng sinh hoạt chung gia đình; Phòng ăn chính; Nơi ăn ngoài sân (terrace); Lối vào từ sân; Garage để xe.

Bố trí bếp

* Bếp cần có quan hệ với các yếu tố thuộc mội trường thiên nhiên như:

– Chiếu sáng.

– Thông gió.

Ngày nay các trang thiết bị tốt về chiếu sáng, hút khói (quạt, máy hút khói…) đã cho phép bếp không nhất thiết phải gắn với thiên nhiên bên ngoài nhưng khi điều kiện cho phép, vẫn phải tận dụng tối đa mối quan hệ trực tiếp với các yếu tố thiên nhiên, không chỉ vì nhu cầu sinh lý, vật chất mà còn là vấn đề thẩm mỹ và tâm lý. Tường và vật liệu mặt bàn bếp cần phải là vật liệu đẹp, các thiết bị cũng phải có tính thẩm mỹ cao và sạch sẽ.

281

* Bố cục không gian và thiết bị trong bếp:

– Việc bố trí các quầy trong bếp phải được chú ý sao cho khoảng cách giữa các quầy cũng như khoảng cách giữa các thiết bị là hợp lý để tiện nghi khai thác cho người sử dụng cũng như để các thiết bị không ảnh hưởng nhau (gồm có tủ lạnh, lò nấu, máy giặt, các ngăn kéo tủ chia thức ăn và dụng cụ bát đĩa nồi niêu). Cách bố trí các quầy bếp có thể là kiểu hai bàn song song hay chữ L hay chữ U hay chữ U hẹp, khoảng cách giữa 2 cạnh có thể chỉ 0,9m để với sang hai bên cho tiện lợi.

– Các không gian cao thấp phải được tận dụng làm tủ bếp dưới gầm bàn, tủ treo, kho treo… thậm chí để cả máy giặt để người làm bếp tiện vừa nấu ăn vừa giặt đồ.

– Tam giác và tứ giác làm việc trong bếp nên có các cạnh đều nhau. Bếp gồm 3 thành phần chính là chậu rửa – tủ lạnh – bếp lò hình thành một tam giác làm việc (work triangle), tuy nhiên các cạnh tam giác này không nên quá lớn, ở các phòng bếp sang trọng và lớn, chiều dài cạnh nói trên chỉ để khoảng 3.000 mm. Khi dùng bếp kiểu hòn đảo (island) hay xuất hiện trong các bếp hiện đại sẽ hình thành tứ giác làm việc thay cho tam giác.

images

* Bố trí các thiết bị chính:

– Chậu rửa: là vị trí quan trọng nhất ở bếp, được sử dụng trước khi nấu, trong khi nấu, khi ăn cũng như dọn bàn sau khi ăn. Đó là nơi người nội trợ dùng nhiều nhất trong bếp. Vì vậy vị trí người đứng trước chậu rửa là vị trí phải quan sát được các không gian có quan hệ nhất là bàn ăn (chú ý không được để các tủ treo che khuất) và không gian bên ngoài theo một trong hai phương thức trực tiếp hoặc gián tiếp. Mặc khác nó cần có quan hệ với các bộ phận liên quan bên trong như tủ chén bát, giỏ rác, bếp nấu. Cần chú ý để cánh của các bộ phận này không va vào nhau.

Ở các ngôi nhà có diện tích rộng rãi, người ta còn có thể bố trí riêng chậu rửa cho bộ phận soạn ăn (salad sink). Không gian bên ngoài còn rất cần thiết khi cần gia công thức ăn (rửa rau, làm gà vịt, cá) ở sân ướt phía sau.

– Giỏ rác: ngày nay giỏ rác không chỉ có một, có thể dùng nhiều giỏ rác để phân chia ngay rác ướt, rác khô và loại rác có thể tái sinh.

– Tủ lạnh: Được một số tác giả coi là có tầm quan trọng thứ hai. Khi bố trí một tủ lạnh, cần cân nhắc không gian cần thiết để tiếp cận tủ đồng thời khi mở cánh cửa tủ không bị vướng mắc. Tủ lạnh được dùng tới nhiều, trong khi nấu, sửa soạn, khi ăn, sau khi ăn cũng như dùng tới trong những lúc giải trí, nghỉ ngơi khác. Vì vậy việc bố trí tủ lạnh cần được coi trọng.

– Bếp lò: Ở nước ta bếp lò đã được cải thiện rất nhiều từ khi gas đốt được bán rộng rãi tại Việt Nam. Bếp gas và lò viba ngày càng ưa dùng tại vì tính thiện lợi và sạch sẽ. Bếp phải bố trí phía có tường đặc kín gió (không có cửa sổ) cũng như cần tránh các luồng gió thổi bạt làm tắt các lửa bếp.

 

READ MORE